Đạo diễn Iciar Bollain: “TÔI MUỐN THỨC TỈNH GIỚI TRẺ”
- Thứ năm - 06/10/2016 13:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Nếu anh không thử, thì sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Chả có nghĩa gì nếu cứ ngồi ỳ đó. Mọi thứ sẽ vẫn như thế. Sự không phù hợp luôn hữu ích, kể cả khi anh không đạt được mục tiêu của mình” - quan điểm của đạo diễn Iciar Bollain, người từng đoạt Giải Goya cho đạo diễn xuất sắc nhất của Tây Ban Nha.
Khi Iciar Bollain nói về khủng hoảng ở Tây Ban Nha, ta vẫn còn nghe thấy sự xúc động và lo lắng trong giọng nói của cô. Sự giận dữ này không thấy nhiều ở lớp trẻ Tây Ban Nha. Chính vì vậy, cô để cho Alma trong bộ phim mới của mình “El Olivo” (Cây ô-liu) làm một ví dụ: chuyến đi tới Đức để đòi lại cây ô-liu cổ cho gia đình, là một hành động biểu tượng cho sự phản đối.
Bài phỏng vấn đạo diễn Iciar Bollain của nhà báo chuyên điện ảnh Lieven Trio, đăng trên tờ “Metro” (bản tiếng Hà Lan) tháng 7-2016 (NCTG).
Bài phỏng vấn đạo diễn Iciar Bollain của nhà báo chuyên điện ảnh Lieven Trio, đăng trên tờ “Metro” (bản tiếng Hà Lan) tháng 7-2016 (NCTG).
- “El Olivo” là câu chuyện của một gia đình, nhưng đồng thời cũng là chân dung của một đất nước. Cô đã thai nghén nó ngay từ đầu?
Vâng, kịch bản là của Paul Laverty, cộng sự của tôi. Anh ấy đọc trên báo thấy có tin về một cây ô-liu cổ ở vùng Castellón bị quật nhổ lên để đưa ra nước ngoài. Hình ảnh đó khiến anh bị sốc. Cái cây đó có lẽ được trồng từ thời La Mã cổ đại, quãng hai ngàn năm rồi, đuợc địa phương chăm sóc khá tốt và hàng năm cung cấp dầu ô-liu cho dân trong vùng. Rồi bỗng nhiên ai đó tới và nói: tôi muốn có nó.
Cây ô-liu là điểm xuất phát của câu chuyện này, và trên hết nó cũng là một ẩn dụ tốt cho xã hội tư bản của chúng ta, mà ở đó môi trường là cơ sở, nhưng cũng đặc trưng cho những gì diễn ra ở Tây Ban Nha những năm vừa qua.
- Paul Laverty là người Scotland. Vì sao anh ấy lại thích kể một cái gì đó về khủng hoảng ở Tây Ban Nha?
Paul và tôi hiện đã đuợc sống bốn năm ở Edinburgh, nhưng chúng tôi đã cùng nhau sống 14 năm ở Tây Ban Nha. Như vậy Paul đã chứng kiến sự phát triển kinh tế xã hội Tây Ban Nha, sau đó tự bùng phát như thế nào.
Từ lâu Tây Ban Nha đã sống trong sự bất ổn. Tôi có những cháu trai cháu gái chả tìm được việc gì. Đứa thì học kỹ sư ra nhưng rồi cũng phải chấp nhận một công việc hành chính trong trung tâm cây xanh (tuincentrum). Kỹ sư 26 tuổi đi bán cây cối vậy đó. Em rể tôi thì mất nửa lương.Trước đây nó vẫn làm việc ngần ấy giờ nhưng bây giờ thì thù lao thấp hơn nhiều. Những cái như thế này chúng tôi thấy khắp nơi quanh mình ở Tây Ban Nha.
- Việc cái cây ô-liu của gia đình Alma bị nhổ để đưa sang Đức có vẻ hơi đặc biệt, tôi cảm thấy nó cũng không phải tình cờ.
(Cười) Vâng, đúng. Có những cây ô-liu được mang tới những góc rất xa xôi trên thế giới, như Trung Quốc, Trung Đông... Nhưng chúng tôi đã chọn Đức. Bởi trước hết chúng tôi muốn các nhân vật có một chuyến đi. Phải là không quá xa hay không quá gần. Và Đức là một khoảng cách vừa phải.
Ngoài ra đối với người Tây Ban Nha còn có một ý nghĩa đặc biệt. Đức là một đất nước mà từ lâu đã áp một chính sách tiết kiệm đối với chúng tôi. Họ bảo lưu các ngân hàng của chúng tôi và những khoản nợ rất lớn mà chúng tôi vẫn chưa trả nổi. Cái này đè nặng lên tâm lý tập thể.
- Sự tương phản giữa tinh thần Đức và Tây Ban Nha trong phim này cũng khá lớn: lý tưởng chủ nghĩa của Alma va chạm với những người cùng trang lứa ở Đức. Họ cho là cô ấy ngây thơ quá.
Đúng, mà thật ra họ cũng có lý (cười). Cái mà Alma làm thật là phi lý. Cô ấy chả có kế hoạch gì. Cô đi đòi một cái cây mà công ty kia họ đã trả tiền rồi. Cô trông giống như một kiểu Đông-ki-xốt chiến đấu với các cối xay gió. Nhưng ở khía cạnh khác, nếu anh không thử, thì sẽ chẳng có gì thay đổi cả.
- Đó là nội dung mà chị muốn gửi gắm tới giới trẻ Tây Ban Nha?
Vâng, chả có nghĩa gì nếu cứ ngồi ỳ đó. Mọi thứ sẽ vẫn như thế. Sự không phù hợp (non-conformisme) luôn hữu ích, kể cả khi anh không đạt được mục tiêu của mình. Mấu chốt là Alma đã làm một điều gì đó thôi thúc cô. Và nó mang tới sự thay đổi .
- Chị có cảm tưởng là giới trẻ bây giờ lười suy nghĩ?
Tôi thấy rằng giới trẻ Tây Ban Nha nên giận dữ, nếu như anh nhìn thấy những gì họ phải chịu đựng. Các bạn trẻ như Alma trong thời tuổi trẻ của mình chả biết gì khác ngòai sự khổ sở về kinh tế, và cũng chả thấy tương lai màu hồng gì. Một nửa số người dưới 25 tuổi thất nghiệp. Một nửa đấy anh nhé!
Điều đó có nghĩa rằng giới trẻ ngày nay không hy vọng có thể nhanh chóng đứng trên đôi chân mình và được hưởng mức thù lao xứng đáng cho công việc. Và tình hình này thì cũng có thể dẫn tới biến động. Hãy nhìn phong trào Indignados, hoặc là khi nhiều bạn trẻ ủng hộ đảng Podemos. Nhưng nói chung, tôi ít ngạc nhiên nếu một phần nhỏ giới trẻ bắt đầu chú ý tới tình trạng xã hội.
Vì thế với bộ phim này, tôi hy vọng có thể đánh thức họ phần nào, giống như ném họ ra phố và nghe họ hét lên một cách giận dữ ý.