Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Đại lễ 15/3: TOLCSVAY LÁSZLÓ VÀ CA KHÚC "BÀI CA DÂN TỘC"

(NCTG) Ước vọng tự do của dân tộc Hungary được thi hào, chiến sĩ, anh hùng dân tộc Petőfi Sádor trong bản "thiên cổ hùng văn" "Bài ca dân tộc" (Nemzeti Dal) đã được chắp cánh trong ca khúc cùng tên cách đây nửa thế kỷ, mà tác giả của nó, ca - nhạc sĩ Tolcsvay László, ngày hôm qua vừa được trao tặng Giải thưởng Nhà nước Kossuth về văn hóa, nghệ thuật và khoa học.
Ca - nhạc sĩ Tolcsvay László.
Là một tên tuổi lớn và đa tài của nền nhạc nhẹ Hungary từ những năm 60 thế kỷ trước, Tolcsvay László là đồng sáng lập "Tolcsvay Trio" và sau đó là thành viên nhóm "Fonógráf", đều là những ban nhạc gồm các ngôi sao và để lại dấu ấn lớn trong lịch sử nhạc nhẹ Hungary. Cống hiến ấy của ông đã được tưởng thưởng qua các giải Erkel Ferenc và bây giờ là Kossuth.

Năm 1973, khi mới 23 tuổi, Tolcsvay László đã có ý tưởng tận dụng một cuộc vận động của chính quyền đương thời nhằm phổ nhạc cho thơ Petőfi Sándor để nói lên tiếng nói phản đối và giận dữ của thế hệ mình trước sự độc đoán và chuyên quyền của nhà nước cộng sản.

Hồi tưởng lại chuyện hơn 50 năm trước, người nhạc sĩ cho hay, khi bài hát được ông đưa ra giới thiệu trước một hội đồng, ông cảm thấy "thật đáng sống cho khoảnh khắc ấy". Khi nghe xong, các thành viên hội đồng mặt mày tái xám, và tìm cách giải thích, biện bạch rằng một bài thơ lớn và kinh điển như thế, thì không nên phổ nhạc theo hơi hướng Rock.
 
Trao tặng trọng thể các Giải thưởng Nhà nước.
Trao tặng trọng thể các Giải thưởng Nhà nước.

Ngay tối hôm đó, nhạc sĩ Tolcsvay László đã trình diễn ca khúc cùng ban nhạc của ông trong CLB thanh niên, và như lời ông kể, "lập tức cách mạng bùng nổ". Chính quyền Hungary, trước sức mạnh biểu cảm của âm nhạc và ca từ, lập tức cấm bài hát và trong vòng 8-9 năm sau đó, ca khúc không hề được vang lên một cách chính thức và không được thu băng, đĩa.

Chỉ tới khi cần quay một bộ phim hội tụ những anh tài của nền nhạc trẻ Hungary vào năm 1981, "Bài ca Dân tộc" mới được phép cất lên, và người ca - nhạc sĩ sững sờ khi thấy cả cầu trường đều thuộc giai điệu bài hát, và cùng hát với ông. Hóa ra, giới trẻ đã thu vào cassette bài ca khi nó được hát "nội bộ" trong các CLB sinh viên và chuyển cho Đài Châu Âu Tự Do.

Qua làn sóng điện của đài, ca khúc đã được phát thường xuyên, và trở thành một bản quốc ca không chính thức của Hungary thời thay đổi thể chế. Tolcsvay László thổ lộ rằng, đối với một nghệ sĩ, không còn vinh dự gì hơn khi ước vọng tự do của mình thể hiện trong bài hát được 70 ngàn người tập trung trước Dinh Tổng thống ở Budapest tán thưởng hát cùng.
 
Cách mạng 1848, điểm khởi đầu của nước Hungary hiện đại.
Cách mạng 1848, điểm khởi đầu của nước Hungary hiện đại.

Sức mạnh huyền diệu của bài thơ, và ca khúc là ở chỗ nó đi vào lòng người dân, đánh thức tinh thần dân tộc và niềm mong mỏi yêu tự do, độc lập có khi đã nguội lạnh. Không phải ngẫu nhiên, "Bài ca Dân tộc" luôn được vang lên tại những sự kiện chính trị cấp thời, khi người dân cảm thấy chính quyền đã không thực hiện, hay chà đạp "khế ước xã hội" do cử tri ủy nhiệm.

Sở hữu một trong những giải thưởng nhà nước danh giá vào bậc nhất của Hungary có lịch sử 76 năm nay, nhưng Tolcsvay László vẫn giữ vai trò của một nghệ sĩ độc lập, phụng sự dân tộc, một nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn đã có công lao "định hình độc đáo và làm phong phú nền văn hóa âm nhạc Hungary", trong đó "Bài ca Dân tộc" là một cột mốc chói lọi và đầy ý nghĩa...

(*) Giải thưởng Kossuth được Tổng thống trao tặng theo đề xuất của Thủ tướng, với sự hỗ trợ của một nhóm chuyên gia nổi tiếng, "cho người đã đạt được những kết quả đặc biệt chất lượng cao, gương mẫu, được quốc tế công nhận trong các lĩnh vực khoa học, công trình kỹ thuật, nghiên cứu, phát triển kỹ thuật, công trình văn hóa nghệ thuật, y học và giáo dục".

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh