Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


DIỀU VÀNG, DIỀU BẠC..., HAY TỆ LẠM PHÁT GIẢI THƯỞNG

(NCTG) Vậy là... “đến hẹn lại lên”! Cuộc bình chọn các giải Cánh Diều Vàng, Diều Bạc… cho các phim năm 2006 đó kết thúc trong những ngày đầu tháng Năm, dấy lên một làn sóng công luận, tranh cãi ầm ỹ suốt mấy tuần qua trong và ngoài giới Điện ảnh.

Cánh Diều Vàng 2006 được trao cho hai bộ phim “Áo lụa Hà Đông” và “Hà Nội, Hà Nội”, kèm theo nhiều bê bối lớn bởi một số phát biểu của những người có liên quan... - Ảnh: một cảnh trong phim “Áo lụa Hà Đông”

Tôi không bàn về kết quả của việc chấm giải mà chỉ xin nói qua một chút về lai lịch cái giải này. Đây là giải thưởng hàng năm của các Hội Văn học Nghệ thuật để trao cho các hội viên của mình nhằm động viên khích lệ nhau, khởi đầu do đề xuất của phó thủ tướng Nguyễn Khánh khi đang còn tại chức cách đây 15 năm. Tiền thưởng do Nhà nước cấp, trung bình mỗi Hội trên dưới 400 triệu (thông qua Bộ Tài chính). Cứ đến cuối năm (hay đầu năm sau), các Hội lập ra các Ban xét giải (thuộc các thể loại khác nhau) để bình chọn những tác phẩm tốt nhất trong năm rồi tổ chức trao giải, gọi là Giải thưởng hàng năm của Hội. Tất cả các giải đó được phân ra bốn loại: A, B, C và khuyến khích. Các buổi trao giải thường tiến hành tại trụ sở các Hội. Thực ra đây không phi là giải thưởng có giá trị quốc gia. Nó chỉ là giải của Hội nghề nghiệp trao cho nhau nhằm động viên nhau mà thôi.

Riêng Hội Điện ảnh mấy năm gần đây đặt tên cho giải của mình là Giải Cánh Diều Vàng. Lễ trao giải được tổ chức long trọng theo mô hình lễ trao giải OSCAR bên Mỹ với sự phối hợp của VTV3 (và năm nay là VTV1) để truyền hình trực tiếp. Tuy tổ chức long trọng và đương nhiên là tốn kém như vậy nhưng số tiền nhà nước cho để trao giải cũng như các hội khác, không hơn. Do đó, những người tổ chức phải đi huy động thêm sự tài trợ của các công ty cần quàng cáo. Số tiền của giải cũng teo đi hơn so với trước vì còn phi chi vào các khoản phí tổ chức (mà chắc là không nhỏ). Ngoài Giải Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh ở Trung ương, Hội Điện ảnh TP HCM hàng năm cũng tổ chức trao các giải Bông Mai Vàng, Bông Mai Bạc cho các tác phẩm điện ảnh xuất sắc của thành phố. Cứ ba năm một lần, Bộ Văn hóa - Thông tin lại tổ chức Liên hoan phim Quốc gia với các Giải Bông Sen Vàng, Bông Sen Bạc. Chưa hết, hàng năm lại có Liên hoan phim truyền hình toàn quốc, cũng trao Giải Vàng, Giải Bạc, Bằng khen cho phim, cho các cá nhân với số luợng nhiều vô kể.

Chưa bao giờ và có lẽ cũng chưa ở nước nào trên thế giới có nhiều giải thưởng về điện ảnh như ở ta. Trong lúc điện ảnh của chúng ta chỉ sản xuất hàng năm trên dưới 10 phim truyện nhựa (năm nay có 7 phim). Nếu so với nền điện ảnh Mỹ sản xuất một năm 900 phim nhựa mà chỉ có một giải thưởng OSCAR, thì có thể nói rằng chúng ta đang lạm phát giải thưởng điện ảnh! Hàng năm, người ta mất không ít thời giờ, công sức, tiền của cho các cuộc chấm giải và trao giải.

Phim sản xuất đã không nhiều, nhưng mỗi cuộc trao giải lại có quá nhiều giải: hết Vàng, hết Bạc, đến Khuyến khích, Bằng khen, giải cá nhân cho đạo diễn, diễn viên nam nữ chính phụ, quay phim, hoạ sĩ, nhạc sĩ, kỹ sư thu thanh, v.v... trong lĩnh vực phim nhựa lẫn phim truyền hình (phim truyền hình một tập và nhiều tập đều có giải riêng như nhau). Năm nay lại nảy sinh thêm giải cho phim có đông người xem nhất (một giải thưởng có lẽ không có Liên hoan phim nào trên thế giới có!) Tổng cộng, số giải phát ra hàng năm trong lĩnh vực điện ảnh lẫn truyền hình có tới trên con số một trăm!

Cuộc trao giải điện ảnh nào cũng có MC nam nữ dẫn chương trình, cũng có màn hồi hộp bóc phong bì (mà ai cũng biết trước kết quả). Rồi từng đôi từng đôi dìu nhau lên sân khấu trao giải và người được giải bao giờ cũng nói những lời cám ơn như nhau, sau đó cố vắt óc để nói một cái gì đó thật dí dỏm (nhưng không làm ai cười). Cứ y hệt như trong Nhà hát KODAK ở Los Angeles đêm trao giải OSCAR vậy. Nhưng ở đời cái gì bắt chước bao giờ cũng tẻ nhạt.

Nếu trong giáo dục có căn bệnh thành tích thì trong điện ảnh có căn bệnh hình thức. Thành tích mà không có thực chất và hình thức không tương xứng với nội dung đều là những cái cần khắc phục trong đời sống.

Tác giả bài viết: Đạo diễn Đặng Nhật Minh, từ Hà Nội