ĐI CHỢ TẾT
- Thứ bảy - 29/01/2022 01:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Mãi khi đã lớn mình mới hiểu, mẹ đi ra đi vào nhiều, đi khắp chợ như vậy, có lẽ là để khảo giá, xem hàng, sao cho vừa túi tiền nhất, cho cái Tết phải chăng mà đầy đủ nhất mà thôi” – ký ức về chợ Tết xưa của tác giả Dương Thi Nhi từ Hà Nội.
(Ghi chép sau khi đi bộ một vòng thưởng thức xuân Bờ Hồ)
Xưa xửa xừa xưa, sợ nhất là đi trông xe cho mẹ đi chợ Tết. Mẹ rất là “bài vở”, tối hôm trước sẽ nói với vẻ tươi roi rói, mai mẹ cho đi chợ Tết. Nghe thì có vẻ thấy vui vui, như kiểu được đi chơi, nhưng sau vài lần thì bản thân con bé nghe vậy thì vừa vui vừa mong buổi chợ ngày mai mẹ sẽ đi không lâu như mọi năm.
Ngày đó chợ Tết khác hẳn ngày thường. Cái chợ huyện phải được nở to gấp 3-4 lần là ít. Chợ giữa trung tâm huyện, nhưng lại mọc giữa một bãi trống. Ngày thường những bãi trống này là khoảng sân của những quầy hàng xung quanh, là bãi gửi xe, là hàng kem mút mùa hè... Nhưng ngày giáp Tết thì chợ tràn kín bãi, len cả vào những ngõ phố xung quanh. Nhìn từ xa đã thấy người chen người, hàng chen hàng, bãi trông xe - cứ điểm trụ bám tới gần một ngày chợ của mình, cũng bị nuốt chửng.
Hồi nhỏ thì đi chợ Tết là đi chợ Huyện ngoài Phúc Yên. Lần đầu tiên mình vui lắm, vì trước đó mình chỉ biết tới chợ Xuân Hòa, chợ Đồi, chứ chưa bao giờ được đi chợ Huyện cả. Song, cái lần đầu tiên đáng nhớ ấy, nó cũng mệt rã rời không kém gì đi chợ Tết Xuân Hòa. Thậm chí có phần còn mệt hơn, vì đi chợ xong rồi còn ngồi sau xe 6-7km nữa mới về được nhà. Mà có phải ngồi ngon lành cho cam, là ngồi kềnh càng sau xe mẹ, hai chân dạng hết cỡ vì mẹ buộc lá dong, ống giang, và tỷ thứ khác không thể nhớ nổi, chàng bảng hai bên gác ba ga.
Bây giờ làm sao bọn trẻ nhà mình có thể có cái cảm giác đi chợ khi trời sáng sớm, lòng náo nức vui. Gần tới chợ sẽ thấy người người đổ về. Ai cũng tay xách nách mang, có buồng chuối cũng mang bán, có rổ trứng gà cũng mang bán, có bu gà vài con cũng mang bán, mà chỉ có vài mớ trầu không cũng mang bán... Càng gần chợ càng thấy âm thanh chộn rộn của tiếng người í ới mời chào, tiếng gà quang quác, tiếng chào hỏi nhau từ xa rổn rảng... Những âm thanh đó nó náo nức lắm, không thể tìm thấy ở chợ ngày thường.
Thực ra chờ mẹ đi chợ Tết cũng có cái thú của nó. Chợ Tết tràn ra cả bãi xe. Mình có việc gì ngoài hết ngồi lại đứng quanh cái xe đạp nên chăm chú xem người ta mua bán lắm. Trong chợ thì hàng họ còn bày theo quầy này quầy kia, chứ rìa chợ thế này là dành cho người không chuyên, bán đủ thứ cả. Những năm 80 thì màu sắc ngày thường quan sát được nó đơn điệu lắm nhưng chợ Tết thì đủ sắc màu.
Phúc Yên ngày xưa xa xôi hơn Phúc Yên bây giờ nhiều. Đi Hà Nội là phải đi phà chèm, nên việc đi Hà Nội ngày Tết với những đứa trẻ làng là gần như không thể. Mấy ai thấy đào ở vườn, quất cảnh ở vườn nom thế nào đâu. Thế nên chỉ có chợ Tết mới nhìn thấy quất bán từng chùm, xếp đầy mẹt hàng, thấy phong bao lì xì hồng đào, thấy có câu đối treo bán ở một vài cửa hàng, và chưa bao giờ thấy người ta bày bán nhiều loại hương như thế. Bình thường thẻ hương đều giống nhau, nhưng ngày Tết thì có hương đại, hương vòng đủ kích cỡ, rất lạ lẫm, rất là... Tết. Hoa quả chủ yếu là táo, quả trứng gà (lê ki ma), hồng xiêm trái vụ. cam sành Bố Hạ, bưởi, bòng, và đặc biệt là chuối.
Chuối tiêu, chuối tây, chuối to, chuối nhỏ đều có, đặc biệt là có khá nhiều chuối hột - loại chuối chín bóc ăn sẽ có khá nhiều hột bên trong, nhưng mã khá đẹp. Nói đến chuối lại nhớ là, những năm tháng ấy chuối ngự còn hiếm lắm, nên được quả chuối ngự là phải từ từ thưởng thức tí một thấy thơm thơm là. Ngày xưa gian khó là thế, mà ngày Tết bà con cũng thanh cảnh lắm. Táo bán đầy thúng là táo ăn, chứ vẫn có táo chặt cành sai lúc luỷu để bày treo. Cả cành lê ki ma nào mà chùm chen chúc 4-5 quả vàng ươm cũng được cắt nguyên cành lá, bày ban thờ rất đẹp. Mình vẫn nhớ là quả hồng xiêm, quả cam, quả trứng gà, quả bưởi nào mà còn cành lá tươi dù bán có đắt hơn chút, vẫn được nhiều người chọn mua trước. Tết mà.
Ngày xưa mình hay có thắc mắc là chợ bán đầy hàng ra, sao mẹ lại đi lâu thế nhỉ. Thỉnh thoảng mẹ te tái mang về một làn thức này đồ kia, xong rồi lại đi tiếp. Càng gần trưa mình càng mong mẹ ra lần này là chuyến cuối. Cái hồi đầu tiên đi chợ huyện với mẹ ấy mình còn bé lắm, chưa nhớ nổi mẹ mua những gì ngoài mấy bó lá dong và 1-2 cái ống giang gói bánh. Chỉ nhớ cái cảm giác hớn hở khi đang ngắm hàng này hàng kia xung quanh chợt mẹ đã đến bên kêu rằng trông xe trông đồ con nhé, cứ đầy 1 làn xếp ra cái tải, rồi lại te tái cầm làn đi chợ tiếp. Đúng là “te tái” thật.
Xưa lo Tết chắc vất vả lắm, nên vừa đon đả chào hỏi đấy, mà cứ te tái đi lại cả chục lần, vẫn sợ quên gì quan trọng. Mà y rằng cứ về nhà là mẹ lại phát hiện vẫn quên chút gì đó thật. Ôi khi bụng đã đói, chợ đã gần trưa, nhìn từng người đi ra phía mình mà mong đó là mẹ, nhưng phải mãi mãi tới khi mình nản rồi, thì bỗng nhiên mẹ mới xuất hiện, và vẫn chưa phải lần cuối cùng.
Mãi khi đã lớn mình mới hiểu, mẹ đi ra đi vào nhiều, đi khắp chợ như vậy, có lẽ là để khảo giá, xem hàng, sao cho vừa túi tiền nhất, cho cái Tết phải chăng mà đầy đủ nhất mà thôi.
Đi chợ với mẹ mình còn nhớ mẹ hay “bù đắp” cho con bé trông xe bằng chút quà như cái bánh lá, bánh nếp, có lần còn rủ “con muốn ăn bát bún không?” nhưng với đứa con được “giáo dục” từ bé là không được ăn hàng ăn chợ như mình, mình luôn từ chối. Đã thế còn dọa mẹ là mẹ cho con ăn ngoài chợ là không được, con về con mách bố. Bánh mẹ mua cũng phải mang về nhà ăn chung cơ. Sao hồi nhỏ lại có đứa ngoan như thế cơ đấy!
Bây giờ không khí gần với chợ Tết xa xưa nhất, có lẽ phải là ở quê thật xa, hoặc ở các chợ đầu mối. Mà dù thế hình chợ cũng khác lắm rồi. Còn nhớ, bãi trông xe ngày xưa toàn xe đạp, mà lại toàn xe đạp đã cũ, nhiều xe còn mất cả chắn bùn chắn xích - gọi là xe “chuổng cời” ấy. Đây cũng là hình ảnh có lẽ chẳng bao giờ các con còn có thể nhìn thấy nữa, trong thời đại xe máy đã phủ kín cả bản làng xa xôi nhất.
Giờ đây con gái mình các cháu chắt mình có lẽ không có được cái cảm giác trông ngóng mẹ tách ra khỏi dòng người nườm nượp tuôn ra từ chợ Tết như thế nào, cũng khó có được cái cảm giác xem người ta mua bán mặc cả từng mớ rau thơm, quả bưởi quê từng đồng từng hào như thế nào, cũng như cái cảm giác đói cồn cào giữa cái chợ Tết khổng lồ (so với một đứa bé dưới 10 tuổi) đầy quà bánh là như thế nào.
Tuy nhiên, những năm gần đây khi có dịp qua vài xã ngoại thành Hà Nội tầm 1 tháng giáp Tết, một bà cô như mình vẫn có cảm giác của cô bé lên 10 mong Tết. Là bởi vì các hàng tạp hóa treo đầy bim bim ngày thường bỗng ngập tràn hộp bánh hộp kẹo, đã thấp thoáng bày mẹt phong bao lì xì và nhiều đồ trang trí sắc màu đỏ tươi rực rỡ của Tết. Đặc biệt là khi qua Tây Tựu, Tiền Phong, Tây Hồ, Đông Anh, Gia Lâm... vẫn thấy dạt dào sắc xuân của những ruộng violette, ruộng cúc, vườn đào, vườn quất... Thì ra xuân vẫn là xuân, mùa luôn trẻ mãi, cớ gì lòng ta không giữ mãi sắc thanh xuân của mùa nhỉ!
Vì ký ức sẽ ra đi mãi mãi nên trong một chiều cuối năm, dẹp lại những lo toan thường nhật, dẹp lại cái chộn rộn bận bịu của Tết, mình ghi lại cái hẹn đi chợ Tết từ vài năm trước, để các con gái mình ít nhiều có chút trải nghiệm “chay”, chia sẻ chút cảm giác xưa cũ ấy của mẹ...