Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“ĐẠO VĂN” DƯỚI CON MẮT CỦA NGƯỜI CẦM BÚT (3)

(NCTG) Một số nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, cùng các cây bút, CTV của báo NCTG bày tỏ suy nghĩ về vấn đề “đạo” (văn/thơ/nhạc/họa… nói chung), hoặc/và trường hợp Phan Huyền Thư nói riêng, đặt trên thực tế, “mặt bằng” của Việt Nam hiện tại. (Tiếp theo)

* TRANG HẠ (Đài Bắc):

Phan Huyền Thư không cần phải xin lỗi ai cả!

Việc ông Hoàng Ngọc-Tuấn ba lần nhấn mạnh cụm từ  “Phan Huyền Thư chép nguyên văn” có thể hiểu là cá nhân ông khẳng định nhà thơ Phan Huyền Thư đang làm một việc không nên làm.

Còn với những người đọc không thích “tầm chương trích cú” như tôi chỉ thấy rằng: cho dù “Phan Huyền Thư chép nguyên văn”, tôi nghĩ chị cũng không cần phải xin lỗi ai cả.

Mục đích của chị đâu phải để kiếm lợi nhuận, nhuận bút, không để mời gọi quảng cáo thương mại. Chị cũng chỉ sử dụng các lời giới thiệu về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền với mục đích để giới thiệu chính nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, việc đó có thể được coi là một sự sử dụng nội dung văn bản rất hợp lý (và hợp tình). Vì thế, nhà thơ Phan Huyền Thư chỉ có một sơ suất là chưa ghi trích dẫn nguồn thông tin ghi trên cây thơ mà thôi.

Một khía cạnh khác, về việc ông Hoàng Ngọc-Tuấn nói “… và cô đã ký tên đến hai lần trên bài viết”, phải chăng là một cách đánh lạc hướng độc giả nhìn theo hướng ông đang nhấn mạnh: “Phan Huyền Thư + chép nguyên văn + ký tên”? Thực tế, Phan Huyền Thư trích dẫn thông tin và vừa là người biên tập vừa là người thực hiện phần nội dung cho cây thơ Thanh Tâm Tuyền. Chị hoàn toàn có quyền ghi tên trên cây thơ với tư cách là tác giả, biên tập, thực hiện và tất nhiên có trách nhiệm về các nội dung chị đã biên tập lại để đưa lên cây thơ đó.

Những nội dung chị Phan Huyền Thư trích dẫn đều có thể được coi là tài liệu công khai, không vi phạm vào việc xúc phạm hình ảnh, tiết lộ đời tư hoặc bóp méo hình ảnh cá nhân của tác giả cũng như nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Ngược lại, chị Phan Huyền Thư biên tập lại theo một nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, ngôn từ gần gũi với tiếng Việt hiện đại, đó cũng là một đóng góp cho việc truyền bá và trân trọng các giá trị thơ đích thực.

Tóm lại, Phan Huyền Thư chỉ thiếu một dòng chữ này dưới bài: “Nguồn …” hoặc “Trích…”.

Một việc bản chất là Thiện Chí thì không nên phê bằng một cái nhìn Không Thiện Chí!

Tác giả bài viết: NCTG