Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“ĐẠO VĂN” DƯỚI CON MẮT CỦA NGƯỜI CẦM BÚT (2)

(NCTG) Một số nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, cũng như những cây bút, CTV của báo NCTG bày tỏ suy nghĩ về vấn đề “đạo” (văn/thơ/nhạc/họa… nói chung), hoặc/và trường hợp Phan Huyền Thư nói riêng, đặt trên thực tế, “mặt bằng” của Việt Nam hiện tại. (Tiếp theo)

* NGUYỄN HOÀI PHƯƠNG (nhà văn - Đức):

Cũng giống như như món xúc xích của Tây, món lạp xường của Tầu hay của ta, muốn ăn ngay cũng được hay là muốn chế biến thêm một chút cho thành các món khác thì cũng chẳng sao. Nhưng nếu có thái nhỏ ra như người ta vẫn thường hay làm để cho thêm vào nồi xúp mỳ hay vào chõ xôi, và dẫu trong mỳ, trong xôi… còn nhiều loại gia vị khác nữa, thì cũng không vì thế mà không nhận ra hương vị của xúc xích hay là của lạp xường nữa.

Trong cái món (chưa biết gọi tên là gì) được chế biến để tiếp đón các quan khách gần xa trong đêm thơ Nguyên Tiêu vừa qua ở Văn Miếu, Hà Nội… của nhà thơ Phan Huyền Thư, không cần phải là người có khiếu thưởng thức lắm cũng vẫn có thể nhận ra được cái chất của xúc xích hoặc lạp xường có dán mác Đặng Tiến. Ai cũng biết thế. Nhưng cũng không phải vì thế mà cái món (hay cứ tạm gọi là xúp đi) kia của nữ nhà thơ lại kém hấp dẫn. Ngược lại là đằng khác. Vậy thì việc gì mà người ta cứ nằng nặc bắt chị phải đổi món khác. Mà làm sao còn có thể đổi được nữa khi mà ngoài món xúp đã dọn ra, chẳng ai tìm thấy ở trong bếp có món gì khác. Cũng có nhiều người, sau khi thưởng thức thấy ngon ngon (phần nhiều là vì có chất lạp sường của Đặng Tiến chăng?), lại muốn Phan Huyền Thư lấy tên ông mà đặt cho món xúp. Đòi hỏi thế thì cũng khó cho chị. Bởi món xúp này là do chị nấu, chị dọn… không có chị thì cũng chẳng ai trong bữa tiệc hôm ấy biết được cái món lạp xường Đặng Tiến (được dùng làm nguyên liệu kia), là cái gì.

Đã gọi là xúp thịt thì nguyên liệu chính tất nhiên phải là thịt rồi. Và đã gọi là thịt thì dẫu là thịt nguyên chất hay là thịt đã qua một vài công đoạn chế biết… thì về bản chất cũng vẫn chỉ là thịt mà thôi. Hay là cái món lạp xường rất đặc trưng của bác Đặng Tiến không được chế biến từ một loại thịt nào đó? Câu hỏi thật là vớ vẩn!

* NGUYỄN VÕ LỆ HÀ (nhà văn, nhà báo, dịch giả - Hà Nội):

Trong các loại ăn cắp tôi ghét nhất là những kẻ ăn cắp văn học, nghệ thuật, âm nhạc!

“Đạo Chích” thường là dùng để gọi những loại kẻ cắp, bọn chuyên lợi dụng khi người ta sơ hở mà len lén rút ở trong túi ta cái ví tiền, hoặc là đột nhập vào nhà ta để lấy đi những đồ vật quý giá. Mất đi tiền nong, vàng bạc châu báu, kim cương, của cải mà ta phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, phải tích lũy bao thời gian, có khi phải đánh đổi bằng cả lương tâm, tình yêu, hạnh phúc của một đời người để có được… Liệu ta có thể không “thâm thù đại hận” những kẻ BẤT LƯƠNG ấy không? Vì, có thể do bị mất cắp mà ta trở thành kẻ khốn cùng…

Nhưng nói gì đi nữa thì tiền bạc của cải vẫn là “vật ngoài thân”, mất hết vẫn có thể làm lại từ đầu nếu quỹ thời gian còn cho phép (nếu đã già thì ta sống nhờ bằng lòng từ thiện của người đời). Còn những kẻ ăn cắp văn học, nghệ thuật, âm nhạc thì lại khác, bởi vì đó là những sản phẩm của cải phi vật chất: mỗi tác phẩm là “độc nhất vô nhị”, là trí tuệ và tâm hồn của một con người. Theo tôi nghĩ, đạo văn, đạo nhạc, đạo tranh, đạo phim, v.v… là “ăn cắp linh hồn người khác”.

Tội này còn nặng hơn kẻ cắp vật chất, vì họ đã lấy đi niềm tin của người thưởng thức, hâm mộ. Ăn cắp linh hồn của người khác không những bị chính người bị mất cắp thâm thù đại hận, mà còn bị cả số đông những người thưởng thức, hâm mộ căm ghét…

Đó là cái giá mà những kẻ cắp văn học, nghệ thuật, âm nhạc phải trả!

Tác giả bài viết: NCTG - Còn tiếp