Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Chùm thơ Trương Đăng Dung: “EM LÀ NƠI ANH TỴ NẠN”

(NCTG) “Anh muốn em là quá khứ để anh sống bình yên trong hiện tại; anh muốn em là hiện tại để anh hy vọng vào tương lai; anh muốn em là tương lai để ký ức anh tự do bừng sáng” (Trương Đăng Dung).
Nhà thơ Trương Đăng Dung phát biểu tại buổi giới thiệu tập thơ song ngữ Việt - Hung do NXB Châu Âu (Hungary) ấn hành, Hà Nội 2018 - Ảnh: H.A.
Lời Tòa soạn: Như NCTG đã đưa tin, tháng 10-2020, nhà thơ Trương Đăng Dung đã chính thức cho ra mắt bạn đọc “Em là nơi anh ty nạn” (NXB Văn học, 2020) gồm 24 bài thơ và một tiểu luận. Đây là tập thơ thứ hai của ông, một phó giáo sư - tiến sĩ, một nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học, một nhà giáo, dịch giả uy tín tại Việt Nam, gần 10 năm sau tác phẩm đầu tiên “Những kỷ niệm tưởng tượng” (NXB Thế giới, 2011). (1)

Đến với thơ từ khi còn là du học sinh tại Hungary (thập niên 70 thế kỷ trước) và đã có tác phẩm được ra mắt trên các tạp chí văn học nổi tiếng tại nước bạn, nhưng phải đến độ tuổi gần lục tuần, tên tuổi Trương Đăng Dung mới được biết đến rộng rãi hơn trên thi đàn và với độc giả yêu thơ trong và ngoài nước trên tư cách một nhà thơ “chuyển tải được (...) những ý tưởng lớn của trí tuệ con người”, theo nhận xét của Tô Thùy Yên.

Thơ của ông luôn đậm tính triết lý Đông - Tây với những suy tư về thân phận con người, về thời cuộc và tình yêu, được thể hiện theo tinh thần hậu hiện đại với những điểm mới và lạ. Trương Đăng Dung đã “kiến tạo nên một thế giới thơ đầy ám ảnh”, theo PGS. TS. Đỗ Lai Thúy, và “giữa các câu thơ là sự vận hành của thời gian, là nỗi vô vọng khuôn nguôi của sự sa đọa, sự bất an và tha hóa các giá trị”, theo NXB Châu Âu (Hungary).

Chịu ảnh hưởng sâu sắc của các tư tưởng triết học Phương Tây mà ông là một trong những chuyên gia trong giới nghiên cứu và giảng dạy tại Việt Nam, Trương Đăng Dung đã tạo nên một “hiện tượng thơ” qua dấu ấn “thơ tiến về chất trí thức” (nhà thơ Ngô Thế Oanh). Ông được xem là luôn sâu sắc triết luận trong những khắc khoải “làm sao để tồn tại cá nhân trở nên phổ quát”, theo TS. Nguyễn Thanh Tâm nói về tập thơ mới.

Một số ý kiến trên được nêu ra trong buổi tọa đàm giới thiệu ra mắt tập thơ do Khoa Viết văn, Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) phối hợp với CLB Văn học trẻ (Hội Nhà văn Hà Nội) tổ chức hôm 15/10, có lẽ mới chỉ nói lên được phần nào thế giới thi ca của Trương Đăng Dung qua “Em là nơi anh tỵ nạn”. Tác phẩm mới của ông có gây nên một làn sóng quan tâm và thu hút, mổ xẻ như tập thơ đầu (2), chúng ta hãy chờ xem!

Trân trọng giới thiệu tới độc giả một chùm thơ rút từ “Em là nơi anh tỵ nạn” của một tác giả luôn đau đáu và ưu thời, mẫn thế, với mình, với người và với nhân gian: nhà thơ Trương Đăng Dung! (NCTG)

(1) Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2011.

(2) Các bài viết tiêu biểu và đa dạng từ nhiều góc nhìn về tập thơ đầu của Trương Đăng Dung được tập hợp trong cuốn sách dày hơn 500 trang “Những kỷ niệm tưởng tượng: Tác phẩm và dư luận” (NXB Văn học, 2014).

 
Nhà thơ Trương Đăng Dung (giữa) cùng dịch giả Giáp Văn Chung (phải) và nhà giáo Nguyễn Hoàng Tuyên tại Budapest, Hungary. Ngày 17/4/2018 - Ảnh tư liệu
Nhà thơ Trương Đăng Dung (giữa) cùng dịch giả Giáp Văn Chung (phải) và nhà giáo Nguyễn Hoàng Tuyên tại Budapest, Hungary. Ngày 17-4-2018 - Ảnh tư liệu

TIN NHẮN CHO EM
 
Đêm nay trời đầy sao. Điều gì xẩy ra nếu mỗi ý nghĩ của anh về em có thể nở thành một bông hoa?



Thế giới này không còn chỗ bình yên, em là nơi anh tỵ nạn.



Kỷ niệm cứu rỗi chúng ta, nó lưu giữ thứ ánh sáng làm cho gương mặt ta mãi mãi là gương mặt con người.

*

Anh muốn em là quá khứ để anh sống bình yên trong hiện tại; anh muốn em là hiện tại để anh hy vọng vào tương lai; anh muốn em là tương lai để ký ức anh tự do bừng sáng.

*

Đêm nay trời đầy mây. Điều gì xảy ra nếu ký ức không cất giữ cuộc đời ta an toàn nhất?

 
*

HAI CHUYẾN TÀU 

Hai chuyến tàu cùng số hiệu 
không cùng giờ xuất phát.
 
Không ga đi 
không ga đến 
con tàu như nỗi cô đơn của bóng đêm
di chuyển.
 
Không hành khách 
không cửa sổ 
con tàu như ký ức của mùa thu 
đóng hộp. 

Rồi một ngày tàu anh kiệt sức 
nằm im trên cánh đồng 
những toa tàu bỏ không 
đầy bụi.
Rồi một ngày tàu em đến 
tiếng còi nghe như tiếng côn trùng 
những toa tàu bỏ không 
đầy mối. 

Thấp thoáng bóng người 
trong cỏ.

 
Bìa tập thơ “Em là nơi anh ty nạn” - Ảnh: huc.edu.vn
Tập thơ “Em là nơi anh ty nạn” - Ảnh: huc.edu.vn

ÁC MỘNG

Tôi chạy trên bức tường dựng đứng
những con nhện đen đuổi theo 
những con thằn lằn đen đuổi theo. 

Tôi chạy trên cánh rừng ngập nước 
những con hổ không da đuổi theo 
những con rắn không đầu đuổi theo. 

Tôi chạy trên cánh đồng bỏ hoang 
những người khiếm thị ôm súng đuổi theo 
những người khiếm thính cầm loa đuổi theo. 

Tôi chạy trên đại lộ không người 
những chiếc xe lăn chất đầy chân giả đuổi theo 
những chiếc xe nôi chứa đầy mắt trẻ em đuổi theo. 

Tất cả áp sát tôi 
tôi nói, họ không hiểu 
họ nói, tôi không hiểu.

Đêm bất ngờ ập xuống 
tôi không nhìn thấy họ 
họ không nhìn thấy tôi. 

Tôi gọi em 
dưới đáy sông 
một ngôi nhà mở cửa.

Hà Nội, 11-9-2015.

 
*

TRÊN BÀN MỔ
(Kính tặng mẹ) 

Xin mẹ đừng buồn 
con đã không giữ được vẹn toàn thân xác mẹ cho.
 
Đã 65 năm 
đói con cho ăn 
khát con cho uống 
rét con cho mặc ấm, 
con đối xử chu toàn với thân xác của mình 
hơn cả với tâm hồn nhạy cảm.

Con làm kẻ thứ ba 
giữa tâm hồn bất an 
và thể xác bất toàn. 

Con tìm nơi cứu rỗi 
giữa những hoài nghi, cô đơn và bất lực 
ngổn ngang ký ức 
tâm hồn con mang nặng cuộc đời con.

Con không có quyền năng 
trong cuộc chiến chỉ mình con biết 
bản năng sống và bản năng chết 
loại trừ nhau. 

Thân xác con đau 
tâm hồn con biết làm gì chia sẻ? 
Con chỉ mong được về nhà với mẹ 
cho tâm hồn và thể xác về theo.                                                      

Hà Nội, 12-2019.

 
*

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG BUDAPEST
(Tặng con Trương Đăng Quang)
 
Tôi muốn tìm tôi của những năm bảy mươi 
mười tám tuổi 
ngơ ngác bước đi trên những nẻo đường Budapest 
không dám ngước nhìn trời xanh 
sợ bất ngờ máy bay ném bom Mỹ xuất hiện. 

Thành phố đã bao lần không bình yên 
bên dòng sông Đanuyp 
nham nhở những vết đạn trên tường 
vật vờ những bóng người say rượu, 
những quảng trường 
đám đông hò hét về một ngày mai tưởng tượng 
những giảng đường 
các giáo sư không dám nói những điều mình nghĩ.

Các nhà viết sử 
đã làm chúng ta tin những điều họ viết ra là lịch sử, 
đất nước này có nỗi đau riêng 
những mặc cảm 
không sử sách nào ghi lại được.

Giữa bốn bề núi dựng 
trước xe tăng và họng súng ngoại bang 
những người Hung 
những ngôi sao cô đơn 
bay lên cao quả cảm. 

Ký ức tìm thấy tôi của ngày xưa 
trên những nẻo đường Budapest 
những tháp chuông và những tượng đài 
mùa đông tuyết phủ trắng 
mùa hè trắng phân chim...

Thành phố vẫn chưa bình yên 
sau rất nhiều biến cố, 
tôi tìm thấy tôi trong lòng thành phố 
nơi có những chiếc cầu 
lặng lẽ nối hai bờ ký ức. 

Budapest - Hà Nội 2018-2020.

Tác giả bài viết: NCTG