Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Chùm tản văn của Thụy Anh: KỶ NIỆM

"Kỷ niệm không chỉ là nỗi hoài niệm, tưởng nhớ trong tâm. Những kỷ vật có những giá trị nhất định của chúng. Chúng giữ lại cho ta hơi ấm của người đã khuất. Những đồ vật như chứng nhân của cuộc sống và tình yêu…"


CHIẾC ÁO


Ngày bố tôi qua đời, tôi còn là một đứa bé. 18 tuổi, tôi cho rằng từ mốc ấy tôi đã trở thành người lớn. Tôi biết kìm nén đau buồn của mình để không khóc trước mặt mọi người, vì bấy giờ tôi tự coi mình là chị cả trong gia đình, phải cùng các chú bác lo tang lễ cho bố. Bố tôi mất ở xứ người. Vào một ngày tuyết trắng. Ngày đưa bố tôi đi, tuyết cũng trắng xóa, rơi nặng trĩu cả cành thông trước nhà, tưởng chừng cây thông nhỏ có thể đổ vào bất cứ lúc nào.

Một ngày trôi qua nặng nề và dài dằng dặc, như cả mấy tháng trời. Sau cái ngày ấy, bố tôi không bao giờ về nữa. Buổi tối, tôi chọn một chiếc áo bố mặc gần nhất, dường như còn phảng phất hơi người, để áp mặt vào, mà vẫn không khóc.

Mười bảy năm qua đi, tất cả quần áo tư trang của bố đã không còn. Chỉ còn chiếc áo ngày nào. Tôi không đem nó ra giặt một lần vì sợ mất đi mùi mồ hôi của bố. Để ở Nga thì không sao, khí hậu khô không làm chiếc áo bị hỏng. Bây giờ, để ở Việt Nam một năm trời, nó bắt đầu có mùi và có cả vết gián nhấm. Tôi đem ra giặt. Chiếc áo đã thơm mùi xà phòng và nắng, nhưng lớp vải bắt đầu rạn… Tôi giữ chiếc áo không còn vương hơi người trên tay, không cầm được nước mắt.

Chỉ bây giờ tôi mới thấy bố tôi đã đi thật rồi.

Kỷ niệm không chỉ là nỗi hoài niệm, tưởng nhớ trong tâm. Những kỷ vật có những giá trị nhất định của chúng. Chúng giữ lại cho ta hơi ấm của người đã khuất. Những đồ vật như chứng nhân của cuộc sống và tình yêu…

***

NGƯỜI KHÔNG CÓ TUỔI

Cách đây không lâu, tôi viết một câu chuyện về người không có tuổi, trong đó kể về một người không lớn lên, không già đi trong ký ức của một người khác.

Bây giờ, tôi gặp một người đặc biệt, người ấy cũng không có tuổi. Mà không phải trong ký ức của một ai cả. Ông ngồi trước mặt tôi, bằng xương bằng thịt, nói bằng giọng của một đạo diễn, lại là đạo diễn có tên tuổi. Không không, có tên, hay nói đúng hơn là có danh, còn tuổi – thì không!

Tôi tưởng tượng rằng ông đã từng rất trẻ, và ngay cả khi còn trẻ, ông đã như thế này. Nghĩa là dễ mến và dễ xúc động. Mắt ông cũng long lanh khi nghe một chuyện đáng buồn. Hoặc đáng vui. Đêm cũng mất ngủ vì những điều chẳng liên quan gì đến mình. Hồi nhỏ, ông hẳn cùng đã từng rất nghịch ngợm, nhưng đôi khi tỏ ra rụt rè và hiền hậu. Tôi đoán ông còn nhớ rất rõ tuổi thơ của mình, nếu có hỏi đến, hẳn sẽ được nghe hàng tá những câu chuyện vui nhộn. Ông nhớ rõ cả thời tráng niên, đến từng chi tiết. Tôi ngồi bên cạnh ông mà bắt được tần số của những chuyến phiêu lưu của bàn chân, và của tâm hồn. Đơn giản là cho đến bây giờ, ông vẫn chưa thoát ra khỏi những cái mốc tuổi người ta nghĩ ra một cách tương đối ấy. Ông có thể đang ở tuổi teen, rồi thoắt trở thành một thanh niên đang theo đuổi một cô gái non tơ một cách say đắm, thế rồi lại đột ngột trở nên điềm tĩnh và bình thản, nhìn cuộc đời với ánh mắt có đôi phần giễu cợt của một người từng trải. Tôi nghĩ ngày xưa ông không “được trai” như bây giờ, vì ở những người như ông, vẻ đẹp được tích lại theo thời gian, bằng một hình thức đặc biệt không giống ở những “nhan sắc” bình thường khác. Những nếp nhăn, những sợi tóc đã đổi màu đi, giọng nói không còn trong… tất thảy đều lưu giữ vẻ đẹp của ông có được qua mỗi ngày sống. Trong mắt có núi sông và những con đường dài tít tắp. Trong tim giữ nhịp đập sôi nổi nhận được từ hàng trăm ngàn con người ông đã gặp, với những số phận khác nhau và những nỗi niềm mơ ước luôn còn đâu đó mà cuộc đời hà khắc không sao vùi dập được.

Nếu không thế, làm sao làm được phim? Khán giả khi xem phim, họ không để ý đến tuổi tác của đạo diễn. Trên màn hình cũng không chú thích điều ấy. Bộ phim là câu chuyện đạo diễn thủ thỉ kể với khán giả. Như đứa bé không ngớt ngạc nhiên trước những điều mới lạ. Như một người trẻ say mê đời, sẵn sàng lao vào nó. Như một người già đã nhìn thấu mọi điều của nhân gian.

Điều ấy lý giải vì sao, một đạo diễn phim thực thụ, thứ thiệt, có đẳng cấp… và được khán giả nhớ đến, phải là một người không có tuổi.

***

TÌNH YÊU NGƯỜI ĐIÊN

Anh ta luôn nhận ra tôi từ xa. Anh ta chuẩn bị một nụ cười êm ái, nụ cười êm ái nhất mà một người điên có thể có được, để đón tôi. Nghĩa là miệng mở rộng với hàm răng xin xỉn vàng vọt, mắt sáng lên thứ ánh sáng cũng vàng vọt, bàn tay tội nghiệp xoắn chặt lấy nhau. Tôi nhìn thấy những điều ấy bằng trực giác chứ đã bao giờ tôi dừng bước và nhìn vào anh một thoáng! Khi tôi đi ngang qua, thì anh ta chào tôi, với theo, vì tôi đã ngay lập tức ở xa lắm rồi.

Nhưng hồi nhỏ, tôi thường hay tiếp chuyện anh. Tôi biết anh ta điên từ thủa ấy. Cả khu tôi ở, ai cũng biết. Nhưng tôi, một đứa bé, vẫn kiên nhẫn nghe những lời ngô nghê vô thức của anh ta, để rồi mỉm cười, hy vọng rằng một nụ cười nhỏ trong vô số những nụ cười thừa thãi của mình sẽ làm nhẹ đi phần nào nỗi tủi hổ của người điên, khi lũ trẻ con trong khu tập thể chạy theo trêu chọc, ném đá vào anh ta mỗi buổi chiều hè nhàn rỗi. Hồi ấy còn bé, tôi cứ ngỡ rằng người điên cũng biết đau khổ vì điều ấy.

Gần hai chục năm trôi qua tôi mới trở về khu nhà cũ. Anh điên vẫn nhận ra tôi. Anh đã già đi, tóc lốm đốm bạc và tôi chắc rằng mắt anh càng ngày càng dại. Tôi đoán vậy chứ đã bao giờ tôi dừng bước, nhìn vào anh một thoáng. Tôi chỉ lẩm bẩm một câu chào và vội vã bước đi. Tôi sợ anh ta sẽ dừng tôi lại, và bắt đầu kể chuyện như ngày xưa, thời thơ ấu. Tôi biết chắc là tôi không đủ kiên nhẫn lắng nghe, thậm chí không có được cả một nụ cười mỉm đầy thông cảm.

Vì sao, tôi cũng chẳng rõ nữa. Có lẽ là tôi sợ. Tôi nghiệm thấy rằng, người ta không sợ một người điên cáu bẳn, nổi khùng. Một người lên cơn điên, hàng chục người lập tức xúm lại. Thậm chí người ta còn trêu cho anh ta nóng đầu lên thêm nữa. Thế nhưng, ai cũng sợ tình yêu của người điên, cho dù đó đơn giản chỉ là thứ tình cảm thân mến giữa những con người!

Tác giả bài viết: Thụy Anh