Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Câu chuyện về Mumi - NHỮNG CUỐN SÁCH MANG ĐẾN SỰ CÂN BẰNG

(NCTG) “Đôi khi bọn trẻ mang trong mình những suy tính rất điềm đạm mà những người lớn lại ngây ngô nông nổi làm sao! Sự kết hợp giữa trẻ con và người lớn có lẽ cũng luôn cần cho mỗi con người chúng ta khi trưởng thành. Để hiểu nhau. Để biết sống” - tham luận của TS., dịch giả Thụy Anh đọc trong hội thảo “Tove Jansson và thế giới Mumi”.


Bây giờ, khi phải đối mặt với công việc đọc và lựa chọn sách cho các bạn nhỏ, giới thiệu cho các độc giả nhí những tác phẩm thú vị, thì nhiều lần tôi tự hỏi, một đứa trẻ cần tìm thấy điều gì khi đến với thế giới sách?

Khi là một đứa bé rảnh rỗi, nó cần tìm một việc làm. Và sách cho nó rất nhiều việc để làm… giết thời gian: đọc, tưởng tượng, mơ mộng, vẽ những nhân vật trong trí tưởng tượng của mình – điều này đôi lúc dễ hơn là vẽ bằng bút chì hoặc cọ (!), giận dữ, buồn vui cùng nhân vật.

Khi đứa trẻ cảm thấy buồn, bị tổn thương vì những mối quan hệ hiện thực (cãi nhau với bạn, bị bố mẹ mắng, cô giáo cho điểm kém), nó có thể tìm thấy sự cân bằng trong sách. Những câu chuyện cũng đầy các mâu thuẫn được kể dưới cái nhìn hài hước hoặc thân mến, được nhìn với góc độ khác khiến những mâu thuẫn trở nên dễ chịu đựng và nỗi đau trẻ thơ biến đi lúc nào không biết.

Khi đứa trẻ cảm thấy cô đơn (mà điều này là không tránh khỏi trong cả quá trình lớn của nó), thì sách có thể là cả thế giới ấm áp với nó.

Khi đứa trẻ ngây thơ bắt đầu nhìn quanh, thấy trong cuộc sống không chỉ có cái thiện, thấy những điều trái khoáy nó chưa hiểu nổi, thì sách là nơi níu giữ nó với những khái niệm thiện tâm, tiếp thêm cho nó sức mạnh của sự dịu hiền, nhân hậu, bao dung.

Và những cuốn sách của nữ văn sĩ người Phần Lan - Tove Jansson (1914-2001) về thế giới Mumi cũng là những cuốn sách CẦN cho đứa trẻ như thế. Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà văn nói: “Tôi viết cho chính mình, nhưng đôi khi, tôi viết cho một đứa trẻ nào đó đang không được quan tâm và bị tổn thương”. Trên thực tế thì đứa trẻ nào trong đời cũng có những giai đoạn cảm thấy bị bỏ rơi, nhạy cảm, cay đắng vì một điều nhỏ nhặt nào đó.

Đi tìm sự cân bằng

Loạt truyện về gia đình Mumi mũi to được Jansson chắp bút vào Thế chiến thứ hai, xuất bản đầu tiên vào năm 1945. Có thể hiểu rằng, chiến tranh và những đau khổ, bất trắc nó mang lại cho con người đã thôi thúc con người đi tìm sự cân bằng trong việc nhớ lại, và dựng lại tuổi thơ êm đềm, vô lo qua cuốn sách.

Và cho dù trong các tác phẩm về Mumi sau đó nữa, hầu như gia đình Mumi và những cư dân của thung lũng đều phải trải qua rất nhiều tai ương như nạn hồng thủy, sóng thần, sự đe dọa của sao chổi, cơn bão lốc, bị phù phép, v.v... Thế nhưng, những tai ương được biến thành những cuộc phiêu lưu thú vị và bao giờ cũng có hậu: các Mumi trở về nhà êm ấm. Những chi tiết hài hước đầy ắp trong các câu chuyện thật gần gũi với tâm lý các độc giả nhí.

Bọn trẻ luôn nhìn thấy khía cạnh hài hước trong mọi chuyện, kể cả khi chúng bị phạt. Chỉ cần người lớn cũng hiểu và nhớ được điều đó thì dù bị phạt, những đứa trẻ vẫn thấy dễ chịu hơn nhiều. Jansson lúc bấy giờ đã đả động đến nhiều vấn đề trong các cuốn sách của mình, kể cả cái chết, say rượu, bi kịch, thậm chí cả các triệu chứng trầm cảm nữa – là những điều dường như những người lớn đều e ngại khi nói với trẻ con. Nhưng độc giả nhỏ tuổi luôn tìm được trong các câu chuyện sự cân bằng thông qua cách nhìn hài hước khiến mọi bi kịch, thấy bại đều có vẻ đẹp của chúng.

Vẻ đẹp của thiên nhiên trong các câu chuyện về Mumi

Trong cuốn “Những đứa trẻ vô hình”, có đoạn nói về cây thông Giáng sinh được trang trí “đẹp như có thể được”. Bố Mumi nói, vẻ đẹp ấy không dùng để ẩn nấp mà để “xoa dịu cơn nguy hiểm”.

Cũng đúng như vậy khi nói về vẻ đẹp của thiên nhiên trong lời văn của Tove Jansson. Với các nhân vật Mumi và các em nhỏ của chúng ta thì thiên nhiên không phải là nơi ẩn nấp, trốn tránh mâu thuẫn hay bi kịch mà để xoa dịu mọi sự căng thẳng, khiến nguy hiểm trở nên đỡ nguy hiểm hơn, đau khổ dễ chịu đựng hơn. Trong các cuốn sách về Mumi, nhà văn chưa bao giờ quên Thiên nhiên. Có thể nói, đó là một nhân vật luôn luôn xuất hiện bên cạnh các nhân vật khác.

Thiên nhiên vừa làm một cảnh phông nền thể hiện tâm lý nhân vật – khi buồn bực, khi lo lắng sợ hãi, lúc thấy được an toàn, vừa xuất hiện như một chỗ bấu víu cho mọi cảm xúc ấy. Có thể trích dẫn rất nhiều đoạn mô tả thiên nhiên với lời văn của một họa sĩ. Màu sắc, bố cục, đường nét – lại là bức tranh của một nhà văn. Và đây mới chính là số phận của bà – trở thành nhà văn – dù suốt tuổi ấu thơ và thanh nữ, bà luôn muốn trở thành họa sĩ và luôn là một họa sĩ, cho dù sau này, bà vẫn cho rằng văn chương chỉ là niềm vui bên cạnh sự nghiệp thật sự là hội họa.

Nhưng hội họa đã hỗ trợ đắc lực cho nhà văn trong mắt nhìn thiên nhiên. Chính các nét vẽ tinh tế về thiên nhiên từ cảm xúc của một người viết đã khiến những cảm xúc tâm lý hiện ra bên ngoài chứ không bị dồn nén trong nhân vật. Đó cũng là cách mà những đứa trẻ cần biết để chịu đựng cảm xúc của mình mà nhiều khi chúng còn không gọi tên và lý giải được.

Trích dẫn:

Muikunen ngả lưng xuống đám rêu và nhìn bầu trời mùa xuân. Phía cáo tít đỉnh trời màu xanh ngắt và chân trời phía trên các ngọn cây có màu xanh của biển. Ở nơi nào đó dưới mũ của cậu ta bài ca mùa xuân đang hiện về. Bài ca với một phần là chờ đợi, hai phần là nỗi xao xuyến mùa xuân và phần còn lại là niềm vui vô biên được tận hưởng nỗi cô đơn”. (“Đứa trẻ vô hình”, tr.25)

Những bụi cỏ ướt đung đưa và đổ rạp dưới chân cậu ta (Homsu), những vũng nước đen lườm lườm nhìn nó như những con mắt to tướng và bùn đen tràn ngập kẽ hở của ngón chân” (Sđd, tr. 36) – cảm giác sợ hãi, bất trắc.

Một con sóng lớn vỗ vào cửa vịnh, nơi mùa hè đang phô diễn sự thanh bình thuần khiết của nó. Trên bờ vịnh không có dấu hiệu gì của núi lửa ngoài những đám mây tro và ánh hoàng hôn đỏ sậm rất đẹp mà Muikunen thường được chiêm ngưỡng” (“Ngày hạ chí nguy hiểm”, tr. 91) – cảm giác cân bằng, bình an.

Mặt trời đã lên cao, những chiếc lá ướt và mạng nhện sáng lấp lánh. Trong sương mù tan dần, tôi nhìn thấy Con đường. Nó uốn lượn qua đồng cỏ vươn ra thế giới, dẫn thẳng đến tương lai cuộc đời tôi...” Rồi: “Dòng suối lững lờ chảy như bao con suối khác, theo ý thích của nó và không chút vội vàng. Có chỗ nó róc rách, trong vắt và có rất nhiều đá cuội, nhưng cũng có chỗ nó sâu dần, tối đen và tĩnh lặng. Mặt trời rất thấp và đỏ lòm. Ánh sáng của nó xuyên qua kẽ hở giữa những cây thông và chiếu thẳng vào mắt tôi.” (“Những cuộc phiêu lưu ly kỳ của Mumi Bố”, tr.33; tr.41) – những cảm xúc buồn vui lẫn lộn, lúc hoang mang lúc tự tin của Mumi Bố trong những dòng hồi ký của mình....

Khắp các cuốn sách là những dấu ấn thiên nhiên, cho dù ở cảm xúc nào thì cũng đẹp kỳ diệu. Kết cấu các cuốn sách của Tove Jansson cũng nhấn mạnh vòng quay của Thiên nhiên: Xuân, Hạ, Thu, Đông xuất hiện trong từng tập sách. Những câu chuyện mùa Hạ mùa Xuân dường có vẻ nhẹ nhõm hơn, mùa Thu, Đông thì dữ dội hơn. Vì thế, tôi cho rằng, Thiên nhiên là nhân vật không thiếu được trong các câu chuyện về Mumi, cũng như là nhân vật không thiếu được đối với mỗi đứa trẻ của chúng ta đang lớn dần lên trong cuộc đời này.

Con gái của nữ họa sĩ

Tove Jansson từng viết cuốn hồi ký “Con gái của nhà điêu khắc”, nơi lưu giữ những mẩu chuyện ký ức về ngôi nhà ấu thơ, cha mẹ và hai em trai. Nhưng dường như, bà là “con gái của nữ họa sĩ” nhiều hơn vì bà gắn bó với người mẹ của mình cho đến khi mẹ qua đời. Năm 78 tuổi, bà vẫn còn tâm sự “cả đời luôn gắng sao cho giống mẹ nhiều nhất và vẽ sao cho giống như mẹ từng vẽ”.

Mẹ của nữ văn sĩ qua đời vào năm 1970. Và rất có thể ấn tượng đau buồn này liên quan đến việc ngừng sáng tác về các cư dân ở thung lũng Mumi của bà. Năm 1970 cũng là năm cuốn sách Mumi cuối cùng hoàn thành.

Tove Jansson chia sẻ về thời học sinh của mình, mô tả nhà trường là một “hoạt động khó chịu”, nơi khiến bà không vui và thậm chí từng sợ hãi, nhưng cũng khiến bà chán đến nỗi “đã quên hết tất cả mọi điều về trường học, cả những điều không vui và những điều đáng sợ”. Jansson học không kém, viết luận tốt, nhưng có lẽ ấn tượng xấu về trường học trong bà là sự chế giễu của mọi người về những bức tranh, bức hình minh họa của cô trò nhỏ – người ta không hiểu và người ta không yêu quý cô về điều đó. Có lần, để phản kháng, Jansson đã vẽ biếm họa về thày giáo lên bảng, và cô bé bị điểm hạnh kiểm rất kém.

Rất may mà Tove Jansson có một gia đình nghệ sĩ, sẵn sàng cổ vũ cho những ước mơ của cô bé, nơi, theo lời của nhà văn sau này, ai cũng sẽ nhận được lời bình luận, góp ý, phê phán thẳng thắn và đồng thời là sự tôn trọng sâu sắc. Đây cũng là những điều Tove Jansson muốn đem lại cho các độc giả của mình. Trong các cuốn sách về Mumi, có thể thấy sự tôn trọng lẫn nhau trong gia đình, sự tôn trọng con người, cho dù đó là một người lớn bất thường, cô đơn, hay đứa trẻ vụng về nào đó.

Việc di chuyển sang Thụy Điển vào năm mười lăm tuổi có thể nói là đánh dấu những bước trưởng thành trong sự hình thành ý niệm nghệ thuật của Jansson. Ở đây, cô được học vẽ và nhiều môn nghệ thuật phụ trợ khác, trong đó có minh họa sách. Nhân vật Mumi cũng xuất hiện vào khoảng thời gian này, từ những câu chuyện của người chú và những tưởng tượng của cô bé mới lớn.

Trong khoảng thời gian từ 1934 đến 1940, Jansson đã bắt đầu bước vào nghiệp văn với hàng loạt truyện ngắn được đăng trên báo, tạp chí với những minh họa do chính Jansson thực hiện. Trong thời gian cộng tác với tạp chí “Garm”, nữ sĩ trẻ đã được tiếp xúc với các vấn đề tư tưởng, triết học, chính trị và tâm lý học thời bấy giờ.

Những kỹ năng phân tích tâm lý như một nhà văn, Tove Jansson chứng tỏ rất rõ nét trong các câu chuyện về Mumi, đặc biệt, như tôi đã nói ở trên, bà làm được cả điều này với một nhân vật quan trọng trong các tác phẩm của mình: là Thiên nhiên.

Loạt truyện về gia đình Mumi và cư dân thung lũng Mumi cần cho trẻ em Việt Nam...

Cần, vì chúng đã là các tác phẩm kinh điển của nền văn học thiếu nhi thế giới, trong đó có câu chuyện của cả một và nhiều nền văn hóa. Độc giả Việt Nam cũng cần được tiếp cận để dần xây dựng cho mình phông văn hóa phong phú, sâu rộng.

Cần, vì những cuộc phiêu lưu bất ngờ sẽ thỏa mãn trí tưởng tượng của trẻ, cho chúng những ước mơ xa.

Cần, vì trong đó có dấu vết của tất cả những gì chúng ta từng trải qua: sự sợ hãi, nghi ngờ, hoang mang, cô đơn, bất an. Vì thế, những cuốn sách có giá trị chia sẻ.

Cần, vì sự cân bằng được thiết lập trong tâm hồn mỗi người sau khi đọc, sống và chia sẻ với Mumi.

Cần, vì cả vẻ đẹp của cái Thiện, của sự tôn trọng, của sự chia sẻ, và cả của thiên nhiên đầy ắp trong các cuốn sách sẽ khiến cuộc sống trở nên nhẹ nhõm và đáng sống hơn.

Tuy nhiên, những câu chuyện về Mumi cũng không chỉ dành cho độc giả nhí. Chúng viết cả cho người lớn nữa. Trong đó, chúng ta thấy các câu chuyện cổ tích, thấy các huyền thoại, thấy yếu tố thần tiên, thấy cả yếu tố viễn tưởng và... kinh dị nữa.

Đọc truyện về Mumi của Jansson, tôi thấy ranh giới giữa trẻ con và người lớn thường rất mong manh. Đôi khi bọn trẻ mang trong mình những suy tính rất điềm đạm mà những người lớn lại ngây ngô nông nổi làm sao! Sự kết hợp giữa trẻ con và người lớn có lẽ cũng luôn cần cho mỗi con người chúng ta khi trưởng thành. Để hiểu nhau. Để biết sống.

(*) Hội Nhà văn Việt Nam và NXB Kim Đồng tổ chức ngày 4-12-2014.

Tài liệu tham khảo:

1. Các bài viết về tiểu sử của Tove Jansson của Suvi Ahola đăng tải trên trang ww.kansallisbiografia.fi

2. “Ngày hạ chí nguy hiểm”, “Đứa trẻ vô hình”, “Các cuộc phiêu lưu ly kỳ của Mumi Bố”, “Mumi và sao chổi” (Bản dịch của Võ Xuân Quế, NXB Kim Đồng, 2014).

Tác giả bài viết: TS. Thụy Anh