Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Câu chuyện cuộc đời: LỜI RU BẤT TẬN

(NCTG) “Trong những năm tháng của đời mình, tôi rất hay viết những vần thơ tâm tình với một nhân vật ảo - Trương Chi - trong câu chuyện tình bi thảm bậc nhất của kho tàng cổ tích Việt Nam” - chia sẻ của tác giả Nguyễn Hồng Giang.

Minh họa: Internet

Những ký ức sau đây có thể lý giải phần nào, tại sao hình ảnh Trương Chi lại vương vấn trong long tác giả - từ khi “còn ít tuổi, còn đầy tin tưởng và thách thức cuộc đời”cho đến lúc “đã từng trải qua rất nhiều biến cố và thấy mình sâu lắng hơn nhiều” – khiến chị có được những vần thơ cách nhau hai chục năm về cùng một đề tài, như một sự trải lòng qua năm tháng (NCTG).

*

Tôi không nhớ gì nhiều về những tháng ngày còn nhỏ xíu, sống tại thành phố Hải Phòng. Bố mẹ tôi tốt nghiệp trường Y năm 1959 và được phân công về Hải Phòng, đi cùng bệnh viện Việt - Tiệp những bước đầu tiên. Mẹ tôi theo Tây học nên mẹ ít hát ru (hình như vậy) và cũng chắc tại vì mẹ bận quá nên việc chăm sóc tôi có bà cụ hàng xóm giúp mẹ nhiều. Hồi ba, bốn tuổi ấy, tôi hay luẩn quẩn theo bà, khi vào bếp, lúc ra vườn.

Có khi theo bà vào chuồng lợn xem con lợn màu trắng hồng (tại sao lại màu trắng hồng thì tôi không biết, nhưng nhất định trong ký ức của tôi thì lợn sẽ màu trắng hồng) và nghe bà gọi nó bằng tiếng gọi âu yếm “ởn, ởn, ởn” để cho nó ăn. Mỗi buổi trưa, nếu mẹ không về, bà sẽ cho tôi đi ngủ mặc dù tôi chẳng thích. Bà vỗ vỗ vào lưng tôi và hát ru tôi cho đến khi tôi ngủ thiếp đi.

Máy bay Mỹ quay trở lại bắn phá Hải Phòng đầu năm 1972, ông bà ngoại đón anh em tôi về Hà Nội và tôi xa bà cụ hàng xóm thân thương từ độ ấy. Ký ức tuổi bé thơ của tôi chỉ có vậy, và nó trôi đi, tôi ít khi còn nhớ đến. Cho đến khi tôi biết rung động trước những cảm giác đầu tiên của thời thiếu nữ, bỗng đâu trong tim tôi văng vẳng lời hát ru của bà:

Anh Trương Chi ở bến sông
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
Cô Mỵ Nương vốn ở lầu Tây
Con quan tể tướng ngày rày cấm cung...

Và thế là lời hát ru ấy cứ quanh quẩn theo tôi, khi ẩn, khi hiện trong mỗi chặng đường đời mà tôi đi qua.

Một hai năm trước, con gái tôi say mê xem phim Hàn Quốc. Con thần tượng các diễn viên, các thành viên nhóm nhạc Hàn xinh đẹp long lanh. Nhưng rồi năm nay, tôi thấy con tôi không theo dõi các phim Hàn nữa. Không còn các cuộc tranh cãi bên bàn ăn giữa các con về một bộ phim nào đấy, về anh chàng diễn viên nào đấy nữa. Thấy cũng buồn, tôi hỏi, dạo này không xem phim Hàn nữa sao con ? Con tôi trả lời, con chán quá rồi!

Tôi nghĩ, tuổi trẻ mà, khi đã hiểu ra rằng mọi thứ long lanh chỉ là phù phiếm, giá trị của thần tượng bỗng mất đi. Tôi bỗng tự hỏi mình, vậy bản thân mình có thần tượng ai đó không. Nhiều ngày ngẫm nghĩ, tôi chợt nhận ra trong lòng mình luôn phảng phất bóng hình anh Trương Chi của câu chuyện tình bi thảm trong lời ru ngày nào.

Không phải lúc nào anh cũng bên tôi và không phải lúc nào tôi cũng nhớ đến anh. Nhưng Trương Chi là nơi tôi gửi gắm niềm tin vào tình yêu vĩnh cửu ngày còn sôi nổi, anh cho tôi dựa dẫm niềm kiêu hãnh khi thất tình lần đầu tiên, anh tặng tôi sự kiên nhẫn khi tôi nóng vội và anh khuyên tôi tha thứ khi tôi đã chẳng còn có thể cứu vãn được gì.

Trương Chi trong tôi không có gương mặt, chỉ là một tấm lưng trần vần vũ gió sương, kiên nhẫn chèo đò trên dòng sông buồn tẻ và lặng lẽ. Các con tôi có thể sẽ không hiểu được mẹ chúng đang mơ hay đang trong đời thực, và cả các bạn có khi cũng nghĩ vậy, chỉ có tôi cứ vương vấn tiếng hát Trương Chi mà thực tình tôi cũng chưa thể hình dung ra tiếng hát của anh ra sao.

Và thực ra tiếng hát ấy có quan trọng gì đâu là nó quyến rũ ám ảnh đến mức nào, với tôi, Trương Chi tồn tại như một khối những giá trị mà ta nương tựa khi tuyệt vọng. Và thế là lời ru ngày thơ bé cứ bất tận mãi trong tôi.

GỬI TRƯƠNG CHI

Sao anh lại mang hồn em đi
Vào lời hát mênh mông không bến,
Sao lại trao em khối tình si
Rồi anh đi, ngày về không hẹn.

Ước gì em là cô Mỵ Nương
Để cùng anh bay vào cổ tích.
Ước gì anh chẳng phải chàng Trương
Bước ra đời làm người có thực.

Lời ru suốt cuộc đời tất bật
Đọng trong tim như cánh bướm vờn
Cho dẫu muôn cuộc tình còn mất
Ai bảo rằng em chỉ tim đơn!

(Hà Nội, 1991)

KHÔNG ĐỀ

Anh đâu rồi, anh Trương Chi
Đời vui còn đó, anh thì nơi đâu?
Tuyền đài thương giọt ngọc châu
Manh hồn vương vấn, gọi sầu tương tư
Thuyền tình mấy độ ngất ngư
Lẽ nào muôn kiếp lặng lờ đáy sông?
Em thời hương lửa mặn nồng
Ta thời một cõi thinh không đi về.
Xin em nhấp chén, môi kề
Để ta hình bóng vọng về tim em!
(Kiev, 2011)

Tác giả bài viết: Nguyễn Hồng Giang, từ Kiev – Ngày 15-11-2014