“Cả thành phố kháo rằng”: BÀI CA, “TIẾNG LÒNG” CỦA MỘT XÃ HỘI
- Thứ ba - 29/11/2022 02:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Phải công nhận, dù thời nào, dù thể chế nào, những nhà văn, nghệ sĩ cùng những tác phẩm văn học, nghệ thuật của họ đều là những phương tiện nhanh nhất, dễ nhất và hiệu quả nhất để tới được lòng dân, nêu được lòng dân” – tác giả Ngô Quý Dũng nhận xét về hiện tượng âm nhạc nổi bật nhất tại Hungary trong hơn một tuần nay.
Từ 10 ngày nay trên tất cả các phương tiện truyền thông Hungary, TV, đài, báo cả cánh tả lẫn cánh hữu, cả cầm quyền lẫn đối lập đều đưa tin về một hiện tượng đặc biệt: bài hát và video clip “Azt beszélik a városban” (tạm dịch: Cả thành phố kháo rằng) của Majka và Molnár Tamás đạt số người xem/ nghe kỷ lục đỉnh điểm: ngày đầu gần 1 triệu người, 2 ngày sau hơn 1,5 triệu và bây giờ, ngày thứ 10 là 3,7 triệu.
Các chính trị gia đùng đùng lên tiếng, mà lạ nhất là tất cả các bên đang ngồi ghế ngon lẫn bên đang chiến để lấy ghế đó đều “đồng tình” lên án, bày tỏ sự giận dữ, bất đồng với ý kiến của bài hát, của người hát, của video clip. Dân tình thì lại vô cùng khoái chí, ngày càng nhiều người nghe, hàng ngàn chia sẻ tăng thêm công suất lan tỏa, có khá đông các bác thuộc tầng lớp công nông “còm” rằng, “tớ nghe 4-5 lần vẫn chưa chán”.
Các bình luận viên, phân tích viên, thông thái viên xúm vào đưa ra những lời giải thích, bình luận càng ngày càng nhiều, càng ngày càng dài dòng, càng phức tạp, càng loằng ngoằng để tìm lời giải thích cho gốc rễ sự thành công của bài hát này, nhưng tôi thích nhất lời giải thích đơn sơ, chân chất của một ai đó đã phát biểu: cái bài này làm dân tình khoái tai.
Không phải vì điệu nhạc, không phải vì giọng ca, mà vì nội dung lời của nó và tất nhiên vì một video clip đen trắng nhưng lại nhiều sắc mầu của nó.
Họ hát gì vậy?
Hát về bản thân mình, khi sinh ra ở một vùng quê nghèo, chịu những mùa đông giá lạnh, không biết ngày mai đi đến đâu, sẽ mang gì tới. Về một đất nước mà mọi việc đều đi ngược bình thường. Về những vùng quê không công ăn, việc làm, không có tiền, nơi những con người sống thật cực khổ, hàng ngày lo kiếm miếng ăn, tranh nhau, đạp lên nhau để sống.
Các chính trị gia đùng đùng lên tiếng, mà lạ nhất là tất cả các bên đang ngồi ghế ngon lẫn bên đang chiến để lấy ghế đó đều “đồng tình” lên án, bày tỏ sự giận dữ, bất đồng với ý kiến của bài hát, của người hát, của video clip. Dân tình thì lại vô cùng khoái chí, ngày càng nhiều người nghe, hàng ngàn chia sẻ tăng thêm công suất lan tỏa, có khá đông các bác thuộc tầng lớp công nông “còm” rằng, “tớ nghe 4-5 lần vẫn chưa chán”.
Các bình luận viên, phân tích viên, thông thái viên xúm vào đưa ra những lời giải thích, bình luận càng ngày càng nhiều, càng ngày càng dài dòng, càng phức tạp, càng loằng ngoằng để tìm lời giải thích cho gốc rễ sự thành công của bài hát này, nhưng tôi thích nhất lời giải thích đơn sơ, chân chất của một ai đó đã phát biểu: cái bài này làm dân tình khoái tai.
Không phải vì điệu nhạc, không phải vì giọng ca, mà vì nội dung lời của nó và tất nhiên vì một video clip đen trắng nhưng lại nhiều sắc mầu của nó.
Họ hát gì vậy?
Hát về bản thân mình, khi sinh ra ở một vùng quê nghèo, chịu những mùa đông giá lạnh, không biết ngày mai đi đến đâu, sẽ mang gì tới. Về một đất nước mà mọi việc đều đi ngược bình thường. Về những vùng quê không công ăn, việc làm, không có tiền, nơi những con người sống thật cực khổ, hàng ngày lo kiếm miếng ăn, tranh nhau, đạp lên nhau để sống.
Về những kẻ thiểu số sống trong các thành phố lớn được hưởng muôn vàn phúc lợi, mà những phúc lợi ấy được luật pháp bảo kê, quen cái cảnh sung sướng không làm mà ăn. Về những con giun sán ăn bám được thể chế che chở, không làm chi nhưng khi cần thì cướp của người khác mà hưởng.
Về một tầng lớp lãnh đạo có quyền có chức, ngồi đó lo ăn sang, mặc xịn, vui thú đi săn, túi đầy ắp tiền tỷ để ăn chơi, tiêu xài, nhưng trước ống kính TV thì giả nghèo giả khổ, diễn kịch ăn bánh mỳ khô với xúc xích rẻ tiền. Về những ông bà lúc nào cũng gọi mình là con chiên ngoan đạo, nhưng tối tối lại tham gia những buổi tiệc thác loạn, tới mức phải trèo ống thoát nước trốn công an.
Về những chính trị gia đạo mạo sẵn sàng nhổ bọt vào chính các đồng chí của mình nếu lợi ích đòi hỏi như vậy, trong những lúc cần chia chác. Họ sẵn sàng bầu lúc bên này, lúc đứng sang bên kia, lúc cánh tả, lúc cánh hữu khi có lợi cho họ, với họ, nhân dân chỉ là những cái bình phông trên sân khấu trong màn chèo của họ.
Về một xã hội mà người dân chịu nhiều áp lực, luôn sợ hãi, miệng bị bịt không dám nói mà bề ngoài luôn tỏ ra là tràn đầy hạnh phúc.
Trong clip, hiện lên một lãnh đạo vung tay trên bục, trước chiếc micro và trước nhiều cán bộ, dõng dạc rằng: “Lady and Gentleman, tất cả mọi thứ đều đang tốt đẹp”.
Và điệp khúc vang lên nhiều lần:
Cả thành phố kháo rằng, rồi một ngày tất cả sẽ thay đổi
Những kẻ tối nay còn chễm trệ trên nghế cao, ngày mai sẽ vội vàng đi trốn
Cả thành phố kháo rằng, Thượng đế sẽ không để yên như vậy
Và sẽ là sự thật, không phải mơ, sáng ra nhiều cái đầu sẽ rơi xuống vùi bụi (*).
Majka tên thật là Majoros Péter, sinh năm1979 tại một thành phố nghèo Ózd, nơi một thời là thành trì lớn của công nghiệp gang thép thời XHCN, nay là một đô thị có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nước Hung. Anh tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế mới - kiểu như “Big Brother” (Người giấu mặt) - và được biết đến từ đó.
Nhờ có năng khiếu về nhạc, Majka đã tham gia nghệ thuật, hát dòng nhạc Rap và ra nhiều album. Nhờ có tài ăn nói, anh dần dần vươn lên, trở thành một MC được yêu thích và là một gương mặt chính của TV2, kênh truyền hình được cho là thân với đảng cầm quyền.
Và cũng vì vậy, bài hát đầy tính phê phán hiện thực này của Majka gây ra rất nhiều sóng gió tranh cãi. Bên cầm quyền coi đây là một việc “ăn cháo đái bát” của một kẻ đã được vực lên từ cái nghèo đói, bên đối lập coi đây là những lời thiếu “chữ tín”, đáng khinh của một kẻ ăn cơm vãi, đội mông chủ lên đầu ở phía bên kia.
Nhưng một sự thật không thể phủ nhận là bài hát và video clip của Majka hiện được hàng triệu người dân, không kể đứng bên nào, đã bầu cho ai, đang yêu thích với hàng ngàn lời “còm” khen ngợi. Thuật ngữ ngành tâm lý gọi là bài hát đã chạm đúng ngưỡng kích thích của người dân (elérte az ingerküszöböt) để gây ra phản ứng vậy, còn nôm na thì ta nói là lời bài hát nói lên đúng tấm lòng, suy nghĩ của nhiều nhiều người dân.
Phải công nhận, dù thời nào, dù thể chế nào, những nhà văn, nghệ sĩ cùng những tác phẩm văn học, nghệ thuật của họ đều là những phương tiện nhanh nhất, dễ nhất và hiệu quả nhất để tới được lòng dân, nêu được lòng dân. Thật đáng khâm phục họ!
Và cứ trông người lại hay nghĩ đến ta.
(*) Người viết bài này không có ý định dịch chuẩn lời bài hát, chỉ điểm vài ý chính bằng con mắt của mình.