Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÔNG NHÀ VĂN, HAY NGƯỜI BIÊN TẬP?

(NCTG) Mất năm 1988, Raymond Carver được các nhà phê bình văn học trên thế giới đánh giá là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc nhất của thời đại chúng ta.

Nhà văn Raymond Clevie Carver (1938-1988)

Với văn phong ngắn gọn, cô đọng, ông được coi là đại diện quan trọng của chủ nghĩa “hiện thực bẩn thỉu” trong văn học, đồng thời là người làm mới trường phái này. Hàng năm, có rất nhiều thí sinh tham gia các khóa học creative writing tìm cách bắt chước phong cách của ông, với ít nhiều thành công, nhưng không mấy ai tiếp cận được văn phong đặc thù của nhà văn.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là có một phong cách đặc thù như thế không? Bởi lẽ, từ lâu này, có những lời ra tiếng vào cho rằng Carver không phải là tác giả duy nhất của những truyện ngắn mang tên ông; những năm gần đây, có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều truyện ngắn của Carver đã được Gordon Lish, biên tập viên (BTV) của ông, “gia công” lại một cách đáng kể.

Những sửa chữa của Gordon Lish cũng đã góp phần quan trọng vào sự hình thành một phong cách Carver, đơn giản và rất dễ nhận biết. Dăm năm trước đây, người ta đã phát hiện ra khá nhiều bản thảo truyện ngắn của Raymond Carver và trên đó, có thể thấy là Lish đã thay đổi, viết lại, thậm chí thêm vào nhiều câu văn mới.

Trong tập truyện ngắn “What We Talk About When We Talk About Love”, người BTV hăng hái này đã viết lại phần kết của 10 (trên tổng số 13) truyện ngắn. Cũng chính tập truyện này đóng vai trò “thử lửa” trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn: sau khi nó ra đời, Carver chấm dứt sự hợp tác với Lish.

Có lẽ vấn đề này không đến nỗi quá “cá biệt” và một vài câu hỏi thú vị được đặt ra. Phải chăng, những tác giả khác cũng không viết “một mình” các tác phẩm lấy tên họ? Nếu Lish không giúp đỡ Carver trong việc “nhuận sắc” (một cách đáng kể) các truyện ngắn, thì Carver có đạt được thành công rực rỡ như thế?

(*) NCTG, trong một số trước, đã đăng bản dịch “Cơ học bình dân” của ông.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh, theo tạp chí văn học nước ngoài của Hungary “Đại thế giới”