Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN XỨ NGƯỜI

(NCTG) Có lần lang thang ở vùng núi tuyết Canada, tôi ngồi xe bus đường dài của Moose Travel Network rồi ngủ thiếp đi, ngả đầu dựa lên vai người bên cạnh mà không hay. Lúc tỉnh dậy, nhận ra đó là một phụ nữ châu Á đứng tuổi, nét mặt đầy đặn cân đối nhưng không đẹp, mắt nẻ chân chim trông rất vất vả. Tôi xấu hổ nhận ra cả vệt nước dãi của mình ướt trên vai cô.

Minh họa: Internet

Loay hoay kiếm lời xin lỗi thì biết cô là người gốc Sài Gòn. Ngót hai tiếng đồng hồ cho đến khi xuống xe, chúng tôi bắt chuyện như chưa bao giờ được nói tiếng mẹ đẻ. Cô không xưng tên. Tôi lén gọi là cô y tá. Xuống bến Banff and Jasper National Parks tôi ngồi xuống chiếc ghế băng ở trạm xe, ghi lại những gì nghe được, rồi sau này đánh lạc cuốn sổ. Tối nay dọn thùng bìa cứng đựng ảnh cũ thì tìm được.

*
   
Cô y tá chưa bao giờ học y tá, cái nghề đổ bô lau đít bệnh nhân đủ đem lại danh hiệu lao công vô học, vì cô chưa bao giờ được học nghiệp vụ lấy một ngày. Chỉ vì một lần giúp y tá lấy trúng ven một sản phụ, lại đúng lúc bác sĩ phó khoa đi qua, cô được nâng lên vị thế y tá không bằng cấp. Ông bác sĩ phó khoa tốt bụng muốn cho cô đi học y tá, ngặt nỗi cô không qua nổi kỳ sát hạch đầu vào vì đọc mãi không ra câu hỏi - cô tái mù chữ vì từ ngày bỏ nhà ra đi không bao giờ cầm tờ báo lên tay.

Làm riết ở Bảo sanh viện Từ Dũ, đồng ra đồng vào đủ ăn. Cô tồn tại ở đó như một thứ đồ gỗ quen mắt, chẳng ai cần nhưng cũng không nghĩ đến chuyện vứt bỏ. Lại vẫn ông phó khoa vào cuộc. Vốn chỉ quen dùng cái tên gốc Tây của nhà thương là Maternity Hospital và lãng đãng không bao giờ thuộc hết tên nhân viên, có bận ông ngẩn người ra khi nghe cô giải thích cái tên Từ Dũ là đọc sai. Nhà bảo sanh lấy tên Hoàng thái hậu Từ Dụ, chính cung của Hoàng đế Thiệu Trị, sau này đẻ ra Nguyễn Phúc Hồng Nhậm tức Hoàng đế Tự Đức!

Ông hạ kính xuống, nhướng mắt nhìn cô bằng ánh mắt rất lạ. Buổi tối ông mời cô đi ăn kem ly ở nhà hàng tầng trệt khách sạn Continental, rót thêm thìa rượu mùi Cointreau cay xè. Lần đầu tiên cô ngấp nghé đến ngưỡng cửa của giới quý tộc, để tan mất nửa ly kem mà vẫn rón rén chưa dám xúc. Hai tuần sau cô đến ở với ông, già nhân ngãi non vợ chồng. Ông bác sĩ ở góa đã lâu, ăn nhà hàng, giặt ủi gửi tiệm. Còn cô tặc lưỡi, dù sao còn hơn chui rúc vào cái xó mười bảy thước vuông trên cư xá Bàn Cờ suốt ngày phải bật đèn, mở cửa sổ là đón trọn cột khói của hàng vịt quay dưới đường. Ông bác sĩ già còng lưng, không màng chuyện chăn gối. Cũng chẳng sao.

1975, quân Bắc Việt chiếm Sài Gòn, ông bác sĩ cao chạy xa bay sang tận Houston, nghe nói ở đó có tới vài vạn người Việt. Thằng Chấn người Ba Tàu, lính cảnh vệ bên tổng kho Long Bình, cho cô trú nhờ vài bữa vì cái biệt thự có vườn rộng của ông bác sĩ bị chiếm làm kho quân nhu. Trốn được vài tuần thì cô thành vợ Chấn. Thằng này liệt dương, nhận cô làm vợ để khỏi bị đuổi khỏi cái nhà rộng bốn phòng. Trong cái rủi có cái may, gặp lúc nạn kiều người Hoa ào ào di tản, nó cho cô đi cùng, qua tận đất New Toronto lạnh lẽo. Chấn kiếm được căn hộ nho nhỏ trên Phố Tàu rồi ở đó một mình. Nó tuyên bố là cô hết phải mang ơn, vì tính nó khảng khái không thích ai nợ mình.

Cô y tá xin phụ một chân bên phòng mạch của bác sĩ thẩm mỹ Điền Đan cùng phố, chỉ vì ông có một buồng nhỏ cạnh phòng khám và trừ tiền thuê nhà vào lương. Ông này chuyên cấy lông ngựa và bi sắt vào dương vật của bọn đàn ông ưa cảm giác mạnh. Vốn khéo tay, chỉ phụ ông vài tháng là cô tự làm được hết. Lần này cô tự nắm lấy vận mệnh và bỏ đi mở cửa hiệu riêng. Bác sĩ Điền Đan là người đồng tính, hiền lành và tốt bụng. Ông kiếm một trợ lý mới có râu quai nón đẹp ngất trời, không quên cho cô mượn bằng để đăng ký hành nghề chăm sóc thẩm mỹ.

Bây giờ cô sống sung túc. Cứ ba năm, vào dịp Xuân Tiết, cô lại mua cho thằng Chấn một chiếc xe hơi mới. Cô đỗ trước cửa, gọi nó ra trao chìa khóa. Chấn nghèo mạt rệp và bớt khảng khái. Nó không chối, nhưng cũng không bao giờ cảm ơn.

Lúc ngồi xe cạnh tôi, cô bốn chín tuổi. Không nói được một câu tiếng Anh. Cô quạnh sau giờ làm. Lẩn thẩn đi lại trong nhà như cái bóng. Và vẫn còn trinh.

Tác giả bài viết: Lê Quang, từ Hà Nội