Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN NHÀ

(NCTG) “Tôi đi biểu tình chống Tàu gây hấn. An ninh ra nhà tìm ba má. Ba má nói con tui nó trên 18 tuổi rồi, vô mà nói với nó, mấy chú nói với tui làm gì”.

Tháng 11-1954, chuyến tàu đầu tiên đưa cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc - Ảnh tư liệu


Ông.

Năm 1954, ông lên tàu đi Bắc. Ba tôi khi ấy mới chào đời. Ông nội hứa vài năm nữa sẽ về. 5-6 năm sau, bà tái giá. 10 năm sau, tổ chức giới thiệu cho ông bà nội hai ở ngoài Bắc. Năm 1968, bà hai sinh chú Nam.

Ông làm quản đốc cho Công ty muối Việt Nam. Sau năm 1975, bà nội hai muốn vào Nam. Ông mang gia đình về lại Quảng, tìm ba, tìm bà nội cả, rồi cất nhà sát mé ruộng mà ở. Bà nội cả giận ông nội, ông nội cũng trách bà nội. Chồng sau của bà nội cũng mất rồi, nhưng bà thì không muốn gặp lại ông. Khổ nỗi, đường làng lại nhỏ nên đi lên ruộng cũng tìm đường tránh nhà nhau mà đi.

Những năm đầu thời kỳ tem phiếu, ông được phiếu mua thực phẩm để sống. Sau năm 1986, tem phiếu cũng hết, ông bà phải đi làm. Lương không đủ sống, bà nội hai đi đổi nước chè (*), ông đi dọn vệ sinh trong chợ. Người ta hay chửi sau lưng gia đình tôi: con cháu đồ quét chợ! Chú Nam lúc đấy vừa thi rớt đại học, cũng theo ông đi làm ở chợ. Người ta lời ra tiếng vào mãi, chú tôi buồn nên xuất gia, đi tu ở cái chùa gần bên chợ.

Rồi công việc ở chợ cũng có người khác làm. Ông về nhà, chỉ hưởng lương hưu, đi ra đi vào. Rồi thì họp chi bộ, rồi sinh hoạt cựu chiến binh. Ông hay đạp cái xe cũ, đi vào ủy ban xã rồi đi về. Ông hay cười, hay nói một mình. Ông vừa đi vừa lầm bầm: chúng nó giành nhau chúng nó ăn, toàn một lũ tham lam giành ăn, quý báu cứt gì mà họp với hành.

Một bữa vào khoảng đầu những năm 2000, ông cầm cái bằng khen, cái huy hiệu đi về, cười hà hà, vừa đi vừa đọc: “Anh chị em ơi, năm mươi năm đời ta có Đảng!”. Ừ, ông được năm mươi năm tuổi đảng. Người ta nói ông già rồi, điên rồi.

Một ngày, bà nội hai bỏ đi biệt, bà nội cả lên nhà, nói chuyện gì đó với má, vừa nói vừa khóc. Rồi cuối cùng, ông bà cũng chịu gặp mặt. Tôi không biết họ đã nói gì trong cuộc gặp ấy, nhưng từ đó về sau, ông bà không tránh mặt nhau nữa. Ông bị tai nạn hai lần, bà có lên thăm. Bà gọi anh, xưng tui, ông thì trả lời không có chủ ngữ.

Một ngày trời nắng gắt, ông ra khỏi ngõ, ngã xuống rồi chết trước nhà. Bà nội hai bặt tin, không thấy về. Bà nội cả vài năm sau cũng ngã bệnh mà mất.

Tôi không biết họ đã nói gì trong cuộc gặp ấy.

Ba.

Sau khi ông đi tập kết, bà nội tái giá, ba về ở với ông cố ở dưới sằm. Năm 1972, ba đi lính Việt Nam cộng hòa (VNCH). Ba kể, ông Tư Hiền – chú họ của ba, đi thoát ly theo Việt cộng trên núi – khuyên ba nên đi lính VNCH. Từ năm 1972 đổ đi, Việt cộng sẽ đánh gắt, theo Việt cộng sống khó chết dễ.

Ba làm cận vệ cho một ông chỉ huy quân đội VNCH ngoài đó. Ba đi lính được hơn 2 năm thì Đà Nẵng thất thủ. Hồi nhỏ, tụi tôi hay hỏi: “Hồi đó sao ba không vượt biên? Ba vượt biên là chừ con thành Việt kiều rồi!”. Ba kể, ngày 29-3-1975, ba đi ngược ra Đà Nẵng. Người ta leo lên tàu, và ba thấy ở trên tàu bắn xuống cho người khác khỏi đu theo, ở trên bờ người ta bắn ra chiếc tàu, máu chảy đỏ sông Hàn. Ba quay về. Ba nộp súng cho ủy ban rồi về nhà ông cố nằm. Sau này tôi mới biết, lúc đó, má đã có bầu anh Hai được hai tháng.

Sau ngày 30-4, vì ông nội đi tập kết, lý lịch gia đình toàn đỏ nên ba chỉ đi học tập mấy ngày, không phải đi vào rừng cải tạo lao động. Ba cưới má, rồi sinh anh Hai. Ban ngày ba đi làm thợ mộc, má vá xe đạp, nhận sửa quần áo. Tối ba về, hai vợ chồng cùng vá đồ rách cho người ta kiếm cơm.

Thời đó, tất cả đồ đạc liên quan đến quân trang của lính VNCH đều phải đem đi đốt hết. Ba kể ông Bốn Lạc trong xóm, mặc quần rằn ri với cái áo thun đi họp đội, bị người ta mắng chửi là mặc đồ ngụy. Ba không đốt, vì đốt thì lấy gì mà mặc. Ba đem đi nhuộm đen hết, cả quần, áo lẫn miếng vải dù. Má tháo cái này, cái nọ, may lại làm chăn đắp cho mấy anh em sau này.

Năm 2000, chị đi làm hồ sơ xin việc. Chị ghi lý lịch gọn gàng, tên cha, năm sinh, trước năm 1975 - làm nông, sau năm 1975: làm nông. Bên xã ghi vào: trước năm 1975, làm việc cho ngụy quân ngụy quyền. Chị xé tờ sơ yếu lí lịch, bỏ về. Chị về nhà vừa khóc vừa kể. Ba im lặng. Má nói: để đó má đi chứng tờ khác.

Mỗi lần xã có chuyện họp hành, hay lại chuyện thuế má, giấy tờ, ba không vừa ý là ba bỏ về. Về nhà, ba lại cãi với má, cãi hăng lắm, cứ như đang cãi ở xã. Má nói: “Ủa, răng trên nớ không cãi mà cứ về đây cãi tui?”. Rồi ba lại lầm bầm: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”. Má lại thở dài: “Nói rứa con cái nó nghe, nó nói lại, công an bắt!”.

Tôi đi biểu tình chống Tàu gây hấn. An ninh ra nhà tìm ba má. Ba má nói con tui nó trên 18 tuổi rồi, vô mà nói với nó, mấy chú nói với tui làm gì. Bữa mình về nhà, mua cho ba tô mì ăn nửa buổi. Hai cha con ngồi trên nề bồ của ba. Ba vừa ăn vừa nói: “Mi thích thì mi đi biểu tình thôi, chứ ba nghĩ mi nói làm chi, cộng sản nó có nghe cứt chi mà nói”.

Ghi chú:

(*) Ở quê tôi, người ta tránh nói chữ “bán nước” nên phải gọi là đổi nước, mỗi ly nước chè thời ấy giá năm chục đồng.

Tác giả bài viết: Lan Phương, từ Sài Gòn