Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHRISTOPHE - NGƯỜI KIẾM TÌM ÂM THANH

(NCTG) Vĩnh biệt Christophe, “gương mặt nghệ sĩ lãng mạn, lạnh lùng mà thơ ngây (…), dệt nên từ những mảnh đối lập, hiện thân bởi một tâm hồn trẻ thơ vĩnh cửu, luôn tìm kiếm những điều kỳ diệu, để rồi biết ban tặng và chia sẻ chúng”.
Christophe trên thảm đỏ Liên hoan Phim Quốc tế Cannes, ngày 13-5-2015 - Ảnh: Bertrand Langlois (AFP)
Đêm qua, nước Pháp đón nhận tin buồn về sự ra đi của nam ca sĩ Christophe, được gia đình cho biết qua đời vì bệnh phổi (trước đó, tạp chí “Parisien” đưa tin ông dương tính với Covid-19 nhưng gia đình không khẳng định tin này).

Được biết, một tháng trước, Christophe vẫn còn khỏe mạnh: ở tuổi 74, ông chuẩn bị cho buổi diễn đáng ra sẽ được tiến hành tại “Grand Rex” vào dịp đầu tháng 4-2020, nhưng phải hoãn lại sang tháng Chín vì dịch bệnh.

Lỗi hẹn tháng Tư, người hâm mộ vậy là không còn kịp thưởng thức lần cuối giọng ca của “Les mots bleus” (Những lời màu xanh).

Những ca khúc thập niên 60-70 của chàng ca sĩ bảnh bao được giới yêu nhạc Pháp tại Việt Nam biết đến như “Main dans la mains” (Tay trong tay, được đặt lời Việt thành “Cho quên thú đau thương”, hay “Oh mon amour” (Ôi tình yêu), và đặc biệt là “Aline”, được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt thành ca khúc nổi tiếng “Gọi tên người yêu”

Tuy vậy, trong đời sống âm nhạc Pháp, đó chỉ là một phần rất nhỏ ở khúc đầu sự nghiệp của người nghệ sĩ được mệnh danh “người thiết kế ca khúc” hay “người nghiên cứu thanh âm”, như chính ông tự nhận xét về mình. 

Christophe thường thức trắng đêm trong căn hộ gần đồi Montmartre, bên phím đàn, để tìm tòi, sáng tạo, khám phá những thanh âm mới bằng cách lưu trữ những lời hát, cắt dán trộn các giọng nói và âm thanh khác nhau.

Nghệ sĩ còn thực hiện những chuyến đi dài đến những vùng đất xa xôi, chỉ để tìm nghe những âm thanh độc đáo của những ngôn ngữ mới lạ, để chọn đưa vào trong cách thể hiện ca khúc của mình.

Ngay từ khi hát “Aline” ở tuổi đôi mươi, Christophe tự nhận mình đã say mê đào sâu cách diễn đạt các thanh âm trong từng từ, để hát những điệp từ “crié, crié”, “pleuré, pleuré” hay “Aline, Aline” tha thiết cứa vào lòng thính giả đến tận ngày nay.

Trong ông, luôn song hành một ca sĩ thể hiện, và một nhà khai phá.

Niềm say mê thể nghiệm âm thanh ấy, tiếp tục theo người nghệ sĩ khi ông thay đổi nhiều phong cách nhạc sau đó. “Les mots bleus” lãng mạn u sầu hay “Le paradis perdu” (Thiên đường đã mất) với chất rock ballad hoang dã là những ca khúc và cũng là tên các album vô cùng thành công của Christophe thập niên 70, được nhiều ca sĩ cover lại sau này. Cùng với “Aline”, đây là những bài hát được yêu thích nhất của ông. 

Các ca khúc này đánh dấu sự hợp tác với nhạc sĩ Jean Michel Jarre – người cộng tác và bạn thân của ông đến cuối đời. Ca khúc “Les mots bleus” - được đánh giá là một trong những bản tình ca Pháp hay nhất - chất chứa tâm trạng do dự không dám ngỏ lời:


Tôi sẽ nói với nàng, những lời lãng mạn
Những lời, người ta nói bằng ánh mắt
Nói, đối với tôi, thật nực cười
Tôi bước tới, rồi lại thoái lui.
Trước một câu nói vô ích
sẽ làm tan giây phút mong manh này,
của một lần gặp gỡ, 
của một lần gặp gỡ…

Tôi sẽ nói với nàng, những lời lãng mạn
Những lời nói làm ta hạnh phúc

Tôi phải nói với nàng
Bằng mọi giá

Tôi có lẽ đã lạc thời
Gió mùa đông thổi giữa tháng Tư
Tôi yêu sự yên tĩnh bất động
Của một lần gặp gỡ
Của một lần gặp gỡ


Khi viết lời bài hát này dành riêng cho Christophe, nhạc sĩ Jean-Michel Jarre đã giãi bày: “Christophe có một mối liên hệ độc đáo với ngôn ngữ, có một cách diễn đạt rất đặc biệt, nếu bạn đã nói chuyện với anh ấy, bạn sẽ nhận thấy điều đó, những cao trào, những khoảng lặng.., tôi viết bài hát này để diễn tả cảm nhận đó về anh ấy”. Như chính Christophe đã giãi bày: “Những bài hát này giống như một cuốn tiểu sử giả tưởng của tôi”. 

Sự sáng tạo vẫn không ngừng nghỉ trong ông. Không chỉ dừng lại ở thanh âm, niềm say mê điện ảnh khiến các buổi trình diễn của ông được thiết kế bài bản, cầu kỳ tạo hình, kịch tính như một cuốn phim điện ảnh. Mỗi buổi trình diễn đều trở thành một sự kiện, quy tụ những gương mặt nghệ sĩ lừng danh quốc tế, nhưng đầy trái ngược.

Album “Aimer ce que nous sommes” (Yêu chính con người chúng ta) ra đời năm 2008 được nhận xét “táo bạo điên cuồng, (…) đầy những lớp phối nhạc, ma mị huyền ảo, đầy chất điện ảnh, buộc người ta phải kính phục. Giọng hát như bay lên từ một giấc mộng...”. 

Hay album gần đây nhất mang tên “Les vestiges du chaos” (Những tàng tích hỗn độn) năm 2016, được ghi âm bản cuối cùng, đúng trong đêm lịch sử cuộc khủng bố tại rạp hát Bataclan, hát lại nhiều bài hát đánh dấu con đường nghệ thuật cũng như phác họa khá đầy đủ về con người ông, từ những bài hát lãng mãn đến rock điện tử.

Thay lời kết, tạp chí “Télérama” đã tưởng nhớ về Christophe: “Những năm tháng trôi qua, sự tôn thờ và gắn bó, cả lòng yêu mến, biểu lộ bởi khán giả trong những chuyến lưu diễn dày đặc của ông, như để bù đắp lại thời gian đã mất - quy tụ lại để tôn vinh gương mặt nghệ sĩ lãng mạn, lạnh lùng mà thơ ngây này (...).

Dệt nên từ những mảnh đối lập, hiện thân bởi một tâm hồn trẻ thơ vĩnh cửu, luôn tìm kiếm những điều kỳ diệu, để rồi biết ban tặng và chia sẻ chúng
”.

Tác giả bài viết: Thư An Hiền, từ Paris