Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“CHƠI VƠI” DỰ THI TẠI LHP QUỐC TẾ TITANIC (HUNGARY)

“Hà Nội, thành phố ngột ngạt và hỗn loạn là hậu trường để tìm hiểu một thế giới xa lạ, nơi pha trộn của mộng ước và sự cô đơn, dục vọng và niềm đau. Đôi lúc, chúng ta có cảm tưởng như đang đi dọc Việt Nam cùng đạo diễn Antonioni” - đó là giới thiệu của Ban tổ chức (BTC) về bộ phim “Chơi vơi” tại LHP Quốc tế Titanic (Hungary) lần thứ 17, khai mạc vào hôm nay, 8-4, tại thủ đô Budapest.

“Chơi vơi” trên website của LHP Titanic lần thứ 17

Phía Việt Nam đã gửi đăng ký 3 bộ phim tới BTC LHP Titanic: “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhất Minh, “Huyền thoại bất tử” của đạo diễn Lưu Huỳnh và “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Cuối cùng, “Chơi vơi” được lựa chọn và được mời tranh Giải thưởng lớn Hullámtörők (trị giá 10.000 Euro) của LHP cùng 8 bộ phim của Tây Ban Nha, Hà Lan, Thụy Điển, Iran, Trung Quốc, Pháp, Đan Mạch, Đức, Anh...

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không phải là cái tên quá lạ lẫm với các khán giả yêu Nghệ thuật thứ bảy tại Hungary. Năm 2007, anh đã có mặt tại LHP Titanic với “Sống trong sợ hãi”, bộ phim được người tổng điều hợp chương trình của LHP - ông Vízer Balázs - đánh giá là một trong vài tác phẩm mà ông thích nhất trong dịp đó.

Sự hiện diện của Bùi Thạc Chuyên cách đây 3 năm cũng đánh dấu mốc trở lại của điện ảnh Việt Nam tại Hungary sau gần 2 thập niên vắng bóng. Sau “Sống trong sợ hãi”, tại LHP Titanic 2008, khán giả Hungary còn có dịp thưởng thức “Chuyện của Pao” của đạo diễn Ngô Quang Hải.

Tuy nhiên, chỉ đến năm nay, lần đầu tiên mới có một bộ phim Việt Nam tham gia LHP Titanic trên cương vị phim Dự thi (2 bộ phim trước đó đều xuất hiện ở hạng mục Trình chiếu).

Điều đó cho thấy đánh giá tích cực của phía Hungary trước một số nỗ lực của điện ảnh Việt Nam: tổng điều hợp Vízer Balázs, người trực tiếp xem và duyệt chừng 80% các bộ phim có mặt tại LHP Titanic, cho biết thêm rằng trong các kỳ LHP tới, BTC rất muốn giới thiệu thêm nhiều phim Việt Nam!

Rạp phim Quốc gia Uránia, “Đại bản doanh” của LHP Titanic, một trong 4 địa điểm trình chiếu các bộ phim thuộc LHP

Đã có 17 năm “thâm niên” và 12 năm là LHP Quốc tế, Titanic là cuộc gặp mặt lớn nhất hàng năm tại Hungary của giới điện ảnh quốc tế.

Là một LHP độc lập, với chủ trương khai phá, Titanic có nhiều điểm đặc sắc, ngay từ cái tên gọi. BTC Titanic lý giải việc đặt tên con tàu nổi tiếng nhưng bất hạnh trong lịch sử cho LHP của mình, vì họ muốn nhấn mạnh tiêu chí “mở” và đa dạng: thông qua ngôn ngữ điện ảnh, LHP như một con tàu rẽ sóng, đưa khán giả tới những vùng đất lạ.

Ngoài Giải thưởng chính, Titanic còn có giải Khán giả và từ 3 năm nay, có thêm giải của Ban Giám khảo Sinh viên, gồm các đại diện giới trẻ.

Ban giám khảo LHP Titanic lần thứ 17 gồm các tên tuổi uy tín trong nền điện ảnh quốc tế: Nick James (TBT tờ tạp chí điện ảnh “Sight & Sound”), Tiina Lokk (sáng lập viên, giám đốc LHP Những đêm đen ở Tallinn) và Gothár Péter (đạo diễn điện ảnh và sân khấu nổi tiếng của Hungary).

Trong năm nay, Titanic sẽ có sự góp mặt của 65 bộ phim đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, được chia làm 9 hạng mục với hai mảng chủ đề lớn là chiến tranh, xung đột vũ trang và những mối quan hệ gia đình, tình yêu.

LHP Titanic dành các hạng mục riêng cho điện ảnh Pháp và Trung Quốc & Đài Loan, cũng như cho các bộ phim đề tài hình sự, âm nhạc, thời sự - tài liệu và hoạt hình.

Trong khuôn khổ LHP, sẽ có chừng 130 buổi công chiếu, gala, giao lưu của các đạo diễn, diễn viên với khán giả, báo giới và giới trong nghề.

(*) Các bộ phim thuộc LHP Titanic sẽ được chiếu tại 4 rạp: Uránia (1088 Budapest, Rákóczi út 21.), Toldi (1054 Budapest, Bajcsy-Zsilinszky út 36-38.), KINO (1136 Budapest, Szent István krt. 16.) và Örökmozgó (1073 Budapest, Erzsébet krt. 39.)

Bộ phim “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (kịch bản: Phan Đăng Di; diễn viên: Phạm Linh Đan, Đỗ Thị Hải Yến, Johnny Trí Nguyễn, Nguyễn Duy Khoa; âm nhạc: Ngọc Đại; quay phim: Lý Thái Dũng) sẽ được công chiếu hai buổi: 20 giờ 15 phút ngày 14-4 (rạp Uránia) và 18 giờ 30 phút ngày 16-4-2010 (rạp KINO). Ngoài ra, còn có một buổi chiếu giới thiệu cho báo giới ngày 11-4.

(**) Một phần của bản tin đã đăng trên “Khoa học & Đời sống”.

Tác giả bài viết: Trần Lê