CHO MỘT NGƯỜI VỪA SANG SÔNG
- Chủ nhật - 21/03/2021 21:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Một đời người dù phải vật vã sống để gánh hết kiếp nạn của đời, nhưng được nhận lộc trời tận 10 năm sung sức nhất để tinh hoa phát tiết, để đường đường trong vai trò một kẻ xông xáo được yêu lắm, ghét nhiều, được bày tỏ điều mình muốn, và để lại sự mến mộ và tiếc nhớ với nhiều người hiểu mình cho đến giây phút cuối của đời sống thì sống thế đã là đủ”.
Lời Tòa soạn: Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tác giả của những truyện ngắn quan trọng nhất của văn học Việt Nam thời hậu chiến như “Tướng về hưu”, “Không có vua”, “Những ngọn gió Hua Tát”, “Những người thợ xẻ”, “Thương nhớ đồng quê”, “Chảy đi sông ơi”, “Sang sông”, “Muối của rừng”, “Con gái thủy thần”, “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết”..., vừa qua đời ngày 20/3/2021, hưởng thọ 71 tuổi.
Mặc dù gia nhập văn đàn khá muộn (năm 1986) và có những tác phẩm đáng kể nhất trong khoảng thời gian chỉ vỏn vẹn mươi năm, nhưng Nguyễn Huy Thiệp đã mang tới cho nền văn học Việt Nam một tiếng nói và góc nhìn hoàn toàn mới, khác biệt và không giống ai. Văn của ông chỉ ra những vết thương và nỗi đau của xã hội Việt Nam theo cách riêng, mà trước và sau ông, chưa ai làm được như thế.
Trân trọng giới thiệu bài viết của Nguyên Phương nhân sự ra đi của ông! (NCTG)
Mặc dù gia nhập văn đàn khá muộn (năm 1986) và có những tác phẩm đáng kể nhất trong khoảng thời gian chỉ vỏn vẹn mươi năm, nhưng Nguyễn Huy Thiệp đã mang tới cho nền văn học Việt Nam một tiếng nói và góc nhìn hoàn toàn mới, khác biệt và không giống ai. Văn của ông chỉ ra những vết thương và nỗi đau của xã hội Việt Nam theo cách riêng, mà trước và sau ông, chưa ai làm được như thế.
Trân trọng giới thiệu bài viết của Nguyên Phương nhân sự ra đi của ông! (NCTG)
Đã đi qua “Vàng lửa”./ “Kiếm sắc” múa một thời./ “Tuổi 20 yêu dấu”... / “Sang sông” tiễn một người...
Hơn 30 năm trước, Nguyễn Huy Thiệp từng chia sẻ ý nghĩ về cái chết: “Tôi bình thản chờ nó đến như chờ một chuyến đi xa. Khi có một hồi chuông điện thoại hay một tiếng huýt sáo bên cửa sổ là tôi lên đường” (1).
Hôm nay, giữa cơn mộng mị của thực hư cõi này chắc ông đã nghe được tiếng huýt sáo ấy. Nghe và từ từ lách cửa để “Những ngọn gió Hua Tát” xa xôi những năm tháng cũ đưa ông đi. Ngọn gió từ những truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Huy Thiệp. Ngày ông, một cách tự nhiên bắt đầu phác những đường viền đầu tiên của bức chân dung thế hệ nhà văn thời hậu chiến.
Trước cái barie ngoan cố của mỹ học thời chiến mà nhiều nhà văn vì nhiều lý do đã dừng lại khá lâu hoặc dừng hẳn và chìm dần ở đấy, theo cách của mình, Nguyễn Huy Thiệp đã bất ngờ băng qua và tạo nên những truyện ngắn “ghê gớm” kể từ “Tướng về hưu”. Đầu tiên là sự “tuyệt giao” với đề tài người lính vốn đã mang lại thành công và khổ đau cho nhiều nhà văn tên tuổi lúc đó.
Truyện ngắn duy nhất của ông dính dáng đề tài này là “Tướng về hưu” và nhân vật chính cũng không phải người lính trên chiến trường trong những dằn vặt tranh đấu giữa sống chết, được thua mà là một ông tướng già thất bại trong đời thường khi lý tưởng của ông bị va đập dữ dội trước nhịp sống mới và chết bất đắc kỳ tử.
Nguyễn Huy Thiệp chỉ viết về hiện thực hàng ngày. Điều này có lý do của nó: “Tôi chỉ viết về những gì mà tôi đã sống... Tôi không viết gì về các trận đánh. Vì tôi không là lính chiến. Ngoài ra, tôi ghét chiến tranh” (2).
Hơn thế, sau cuộc chiến, con người trở lại với nhịp điệu đời thường. Ngày thường không có ta-địch, trái-phải, thiện-ác... chỉ có con người với trăm nỗi phiền phức, dằn vặt và bỡ ngỡ. Nhất là khi thói quen chung sống với chiến tranh và sự thích nghi không kịp với điều kiện mới đã thô bạo bào mòn những giá trị người. Điều mà Nguyễn Minh Châu, người đã dũng cảm đọc lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa (3) từng cảnh báo.
Nhưng phải đến Nguyễn Huy Thiệp (cùng với Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh...), truyện ngắn Việt Nam mới phơi bày nỗi bất hạnh ấy một cách ráo riết và thấm thía. Con người thức tỉnh, loay hoay khiêu chiến khi thầm lặng, lúc công khai để được là chính mình với rất cả sự hay dở của nó.
Ắt hẳn không phải tình cờ, ngay sau “Tưởng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp là “Hồn Trương Ba, da Hàng thịt” của Lưu Quang Vũ. Không dừng ở đó, họ còn muốn cắt nghĩa một cách thấu đáo cái thực tế xã hội “đóng chặt, kín mít, không không gian, không cửa mở, không lối thoát” (4). Đấy là một thực tại loạn cờ, mê lộ, là một nông thôn, miền núi khác lạ, dị biệt và hư ảo luôn mang lại cho người đọc một sự ngỡ ngàng. Sẽ không có một đáp án dễ tìm, một câu trả lời được ém sẵn.
Họ ngộ ra được phần nào bầu khí quyển vẫn bao quanh mình. Họ đôi khi nhìn được vào con người bản thể mơ hồ đã bị che lấp bởi nhiều thứ mà bản thân đã tự nguyện chấp nhận. Nguyễn Huy Thiệp mổ xẻ đến tận cùng cái ác (mà nhiều người viết cố tình lẩn tránh) một cách gay gắt, khủng khiếp. Có lẽ phải cho người ta thực mục sự ác ấy như nhìn thấy hàm răng của con sói bập sâu vào cần cổ đứa trẻ ngay trên ngưỡng cửa ngôi nhà của đứa trẻ ấy vào ngày quan trọng đầu tiên của đời nó (“Sói trả thù”), người ta mới biết khiếp sợ trước cái ác, mới thức tỉnh, nhận diện và cương quyết tẩy chay cái ác chăng?
Nguyễn Huy Thiệp với vẻ ngoài như kém tự tin ấy đã làm một cuộc nổi loạn thành công về thi pháp với những trang văn lập thể được vẽ bằng những nét di thường, huyền hoặc buộc người ta phải/ được nhìn ngắm từ những góc khác nhau. Yêu ghét, ngợi ca hay phản đối dữ dội là lúc người đọc rơi vào cái “bẫy” của ông. Dân chủ phải bắt đầu cả từ độc giả. Ông đã viết như cách người đi săn phải chấp nhận rủi ro nhiều nhất để tóm được con thú lớn nhất của đời mình.
Và bây giờ chắc ông đã sang bờ kia của sông Styx và giục nó “Chảy đi sông ơi” rồi. Ông không nuối tiếc gì sao? Có chứ: “Tiếc số kiếp nhà văn hữu hạn, lại còn biết bao sóng gió, ước mơ thì dài...” (5). Nhưng nếu đã từng gan ruột “thương cả cho đời bạc” thì được thảnh thơi trôi xuôi chắc cũng là mặt khác của ước mơ kia.
Sẽ còn lưu lại rất lâu ánh mắt nửa thờ ơ, nửa kiêu bạc, nửa vụng dại, nửa sắc lạnh và giọng điệu vừa đau đớn vừa đầy tính giễu nhại rất khó bắt chước của Nguyễn Huy Thiệp trên văn đàn hiện đại đất Việt. Giọng điệu ông thường dùng để giải thiêng, làm mất giá những ảo tưởng, đời thường hóa cái nghiêm trang trong tác phẩm của mình. Giọng giễu nhại rất hiếm trên văn đàn lúc đó vốn ưa thích sự trang nghiêm và cảm hứng sử thi, giọng điệu mà vì nó ông từng điêu đứng nhưng không chịu từ bỏ.
Kể ra, một đời người dù phải vật vã sống để gánh hết kiếp nạn của đời, nhưng được nhận lộc trời tận 10 năm sung sức nhất để tinh hoa phát tiết, để đường đường trong vai trò một kẻ xông xáo được yêu lắm, ghét nhiều, được bày tỏ điều mình muốn, và để lại sự mến mộ và tiếc nhớ với nhiều người hiểu mình cho đến giây phút cuối của đời sống thì sống thế đã là đủ. Ông sẽ siêu thoát. Vĩnh biệt ông.
Ghi chú:
(1) “Một góc sơ xuất trong thế giới nội tâm nhà văn” (“Tạp chí Đất Quảng” số 62/1989).
(2) “Vui mừng chiến thắng và vết hằn của chiến tranh Việt Nam” (nguyên bản tiếng Đức: Katharina Borchardt: “Interview mit dem Schriftsteller Nguyen Huy Thiep - Triumph und Trauma des Vietnamkrieges”, “Neue Zürcher Zeitung” 07/05/2015, bản dịch Việt ngữ của Trần Huê, “Diễn Đàn Việt Nam 21”).
(3) “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” (“Văn Nghệ”, số 49 & 50, 5/12/1987.
(4) “Nguyễn Huy Thiệp, những vết thương bỏng cháy” (nguyên bản tiếng Pháp: “Nguyen Huy Thiep, blessures acides”, “Le Monde” ngày 23/3/2005, bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Quốc Trụ).
(5) “Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn” (“Tạp chí Sông Hương”, số 4&5, năm 1990).