“CHO LÒNG BỚT HẬN THÙ...”
- Thứ tư - 08/01/2014 09:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Hận thù và sự căm giận vốn không thể tránh khỏi trong những giai đoạn đau buồn của lịch sử Việt Nam, đến một lúc nào đó, sẽ phải tan. Mọi oan khiên, dần dần sẽ phải được rũ bỏ. “Bởi vì một trái tim đá vàng có hiệu năng thu ngắn lại thời gian. Bởi vì một tấm lòng thủy chung lấp đầy được những biên thùy cách biệt”.
Minh họa: Internet
Ngày xưa em đến, em mặc áo lụa vàng. Em đi trong nắng,
Chân chim xinh xắn, chưa hề lấm bụi trần, chưa hề vướng cỏ sầu
Em đi vào mộng mơ
Ngày mai em đến, xin mặc áo lụa vàng, nghe em hãy nhớ.
Quê hương anh đó, đang cần đến tình người, đang cần đến nụ cười.
Cho tâm hồn nghỉ ngơi.
Ôi! Nắng lụa vàng, nắng lụa vàng nắng ướt môi em.
Ôi! Nắng lụa vàng, nắng lụa vàng quấn quít chân em.
Trên con đường nầy, ngày xưa, ngày xưa
Trên con đường nầy, chiều nay, chiều nay...
Chiều nay em đến, vẫn màu áo lụa vàng,
Như xưa trong trắng, mang theo ánh nắng.
Cho đời bớt lệ sầu, cho lòng bớt hận thù. Anh đi vào tuổi thơ.
Mùa thu đã đến, trên đường lá rụng vàng.
Anh đi trong nắng, mang theo ánh sáng.
Với màu áo tuyệt vời, với màu nắng rạng ngời, anh đi vào niềm vui.
(“Nắng lụa vàng” của Phạm Thế Mỹ)
1. Đã lâu lắm, mình mới nghe lại bài này, nhân khi viết bài và làm chương trình về sự ra đi của Hà Thanh.
Mình nghĩ rằng Hà Thanh đã trình bày hết sức xuất sắc ca khúc ấy, với chất giọng mà như mình viết trong bài, là “giọng hát nhẹ nhàng, thướt tha và phiêu du như gió thoảng, trầm bổng và mảnh mai như sương khói mà da diết, ngọt ngào, đầy tính biểu cảm trong các khúc tiền chiến và lãng mạn...”.
Mình không biết nhiều về Phạm Thế Mỹ, ngoại trừ một vài bài có thể xếp vào loại “tình ca quê hương”, “tình tự dân tộc” (từ của Phạm Duy) như “Đường về hai thôn”, “Nắng lên xóm nghèo”, “Thương quá Việt Nam” và đặc biệt, “Bông hồng cài áo” phổ thơ thầy Thích Nhất Hạnh. Sau 1975 thì ông có một hai bài “cách mạng” kiểu “Lêna Belicova”, thời bao cấp ở nhà đài vẫn hay phát.
Một bài hát có “anh”, “em”, “nắng vàng”, “áo lụa”, “môi em”, “chân em”, “lá rụng”... thì có thể đoan chắc là tình ca, và khả năng thành công thì rất cao. Tuy nhiên, nghe lại bài này, mình lại bị cuốn theo mấy câu mà thuở nhỏ, khi nghe, mình đã không để tâm: “Quê hương anh đó, đang cần đến tình người, đang cần đến nụ cười - Cho tâm hồn nghỉ ngơi”. “Cho đời bớt lệ sầu, cho lòng bớt hận thù”.
Đọc những thông tin về hoạt động khuynh tả của Phạm Thế Mỹ trong phong trào Phật giáo, và thanh niên, sinh viên trước 1975, mình đoán lờ mờ rằng, “Nắng lụa vàng” có lẽ đã được sáng tác vào những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến Việt Nam. Khi Phạm Duy làm “Tâm ca” rồi “Tâm phẫn ca”, khi Trịnh Công Sơn cho ra những ca khúc da vàng với tâm thức phản chiến...
Vì thế, xen giữa những giai điệu và ca từ điển hình của một bản tình ca, vẫn có lời nhắc nhớ, “Quê hương anh đó, đang cần đến tình người, đang cần đến nụ cười...”.
2. “Cho lòng bớt hận thù”, mình nghĩ miên man về điều này, nhân tin Việt Dzũng qua đời.
Là một nhạc sĩ nhiệt huyết từng sáng tác vài trăm ca khúc, một nhà (tổ chức) truyền thông lão luyện và năng nổ của cộng đồng tỵ nạn Việt Nam ở Bắc Mỹ, nhưng có lẽ Việt Dzũng vẫn, và sẽ được nhớ đến nhiều nhất trên tư cách một con người tranh đấu quyết liệt và trước sau như một cho những giá trị mà anh tin tưởng.
Phải nói ngay, không phải ai cũng đồng ý với cách tranh đấu không khoan nhượng ấy. Bạn bè của mình ở Việt Nam hình như đa phần không thích Việt Dzũng, cho rằng anh quá cực đoan, “ghét cái kiểu bạ đâu cũng thấy tội ác cộng sản, mất cả hay”, “thời này rồi mà vẫn hung hãn chống phá, lạc hậu quá rồi”, v.v...
Cá nhân mình ít nghe và xem Việt Dzũng. Nhưng mình nhớ, mấy chục năm trước, lần đầu tiên khi nghe “Thà chết trên biển Đông” (hát cùng Nguyệt Ánh) và đặc biệt là “Một chút quà cho quê hương” (bản Khánh Ly ca) - có lẽ là những ca khúc đầu tiên của người Việt tị nạn ở hải ngoại - mình đã cảm thấy rùng mình.
Chắc chắn, đấy là tâm tư và tiếng lòng của rất nhiều người di tản, ít nhất là trong một giai đoạn lịch sử nhất định, đầy đau thương và mất mát của Việt Nam. Nó có lý riêng của nó, có thể không đồng ý, thậm chí chỉ trích nhưng cần hiểu nó, cần cảm thông với nó, và chừng nào điều này chưa diễn ra, sẽ không bao giờ có sự hòa hợp, hòa giải đích thực!
Việt Dzũng nằm xuống, có thể sẽ còn rất nhiều ý kiến, nhận định, và kể cả sự phán xét của “hậu thế” về anh. Nhưng đám tang anh kèm những lễ tưởng niệm quy tụ hàng ngàn người tới dự, sự ra đi của anh được một nhà văn coi là “cái chết gây xúc động nhất trong cộng đồng hải ngoại từ gần 40 năm nay”, đã là một sự đánh giá sơ bộ về những gì anh làm.
3. Hơn ba chục năm trước, Mai Thảo đã có một lời dẫn mà mình nghĩ là “thần sầu”, mà ông đọc và thu trong cassette “Bông hồng cho người ngã ngựa” (1981):
“Gửi về, gửi về mái nhà xưa. Gửi về, gửi về hè phố cũ. Gửi về những thân yêu vĩnh viễn chẳng bao giờ còn thấy mặt.
Gửi về cho những bằng hữu một đời mãi mãi đã chia tay. Gửi về những trái tim Việt Nam tha hương vẫn đập cùng một nhịp với những trái tim Việt Nam ở lại. Gửi về những tấm lòng Việt Nam hải ngoại vẫn nhỏ lệ cho những đời sống Việt Nam đau khổ ở quê nhà...”.
Mai Thảo là một nhà văn lớn của miền Nam trước 1975, và có lẽ cũng là người có thái độ đối kháng cương quyết nhất đối với “chế độ mới”, vì những bi kịch của chính ông và bạn hữu bị tù đây sau 1975. Nhà phê bình Thụy Khuê có kể lại chuyện, lần đầu đến nhà chị, vừa mở cửa vào, Mai Thảo đã mỉm cười và hỏi thẳng: “Nghe nói cô chơi toàn với Việt cộng phải không?”.
Vì thế, nên lời dẫn của ông trong cassette nọ, giới thiệu mười ca khúc do Khánh Ly trình bày, đã có những lời thật dữ dội: “Gửi về một khúc hát, một khúc hát thật buồn cho những người đã nằm xuống của chúng ta, cho những cái chết oan khuất suối vàng không nhắm mắt. Gửi về một bông hồng, một bông hồng đau đớn cho những người ngã ngựa đang hấp hối dưới chín tầng địa ngục đau thương”.
Tất nhiên, những lời ấy, có thể là quá mạnh mẽ đối với nhiều người. Giữ quan điểm đối kháng trước sau như một cho đến ngày tạ thế, Mai Thảo dù là “một nhà văn lớn - một nhân cách lớn - là người tự do và luôn luôn tôn trọng tự do của người khác” như đánh giá của chị Thụy Khuê, nhưng đã khiến nhiều người không thích, thậm chí dị ứng.
Có điều, hãy đặt mình vào những biến cố thời ấy, hoàn toàn có thể hiểu được thái độ của ông. Tấm lòng của ông, một người Việt tị nạn, tự coi mình là kẻ “lưu đày nơi đất khách”, muốn gửi những bông hồng về cho “những tấm lòng Việt Nam khổ đau ở quê nhà”, “để vẫn được gần nhau và mãi mãi thơm hương”, cần được trân trọng.
4. Việt Nam giờ đây cần lắm tình người và những nụ cười, để tâm hồn nỗi người được thanh thản và nghỉ ngơi, như Phạm Thế Mỹ mong mỏi trong bài ca cách đây bốn thập niên.
Sau biến cố 1975, Văn Cao đã có một ca khúc tràn đầy hy vọng: “Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người...”. Tuy nhiên, “Mùa xuân đầu tiên” dặt dìu những thông điệp khải huyền, hàm chứa những mong ước nhân bản như thế, đã ngủ yên trong ngăn kéo gần hai chục năm. Mọi thứ không đến dễ dàng!
Dầu vậy, hận thù và sự căm giận vốn không thể tránh khỏi trong những giai đoạn đau buồn của lịch sử Việt Nam, đến một lúc nào đó, sẽ phải tan. Mọi oan khiên, dần dần sẽ phải được rũ bỏ. Cũng vẫn lời Mai Thảo: “Bởi vì một trái tim đá vàng có hiệu năng thu ngắn lại thời gian. Bởi vì một tấm lòng thủy chung lấp đầy được những biên thùy cách biệt”.
Bởi vì căm giận cái gì đấy, cũng đồng nghĩa yêu thương một cái gì đó khác. Càng căm giận, càng yêu thương! Làm sao để người Việt có cùng chung tâm điểm để yêu, và cùng chung tâm điểm để căm giận...
Đến khi ấy, có lẽ những bản tình ca sẽ chỉ còn những hình ảnh, những nét yêu thương:
Mùa thu đã đến, trên đường lá rụng vàng.
Anh đi trong nắng, mang theo ánh sáng.
Với màu áo tuyệt vời, với màu nắng rạng ngời, anh đi vào niềm vui...