Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHIỀU ÂU LÂU VẮNG BÓNG MỘT NGƯỜI THƠ

(NCTG) Theo tin từ Việt Nam, nhà thơ Lê Đạt - tên khai sinh là Đào Công Đạt, sinh ngày 10-9-1929 tại Yên Bái, bến Âu Lâu - một trụ cột của phong trào Nhân văn Giai phẩm, được xem như một trong 4 nhà cách tân lớn nhất của thi ca Việt Nam thế kỷ XX (cạnh Trần Dần, Đặng Đình Hưng và Thanh Tâm Tuyền), đã đột ngột ra đi vào hồi 3 giờ 15 phút sáng 21-4-2008 tại Hà Nội, thọ 80 tuổi.

Nhà thơ Lê Đạt - Ảnh: “VietNamNet”

Được biết, Lê Đạt qua đời chỉ vài giờ sau khi trở về từ một chuyến đi 10 ngày cùng nhà văn Nguyên Ngọc thăm lại mảnh đất Tây Nguyên. Theo lời kể của các bạn văn, thời gian gần đây, sức khỏe ông đã suy giảm nhiều, nhưng nhà thơ vẫn làm việc không mệt mỏi, theo đúng tinh thần “phu chữ”, dày công và cẩn trọng từng từ ngữ. Tuổi cao, là thế hệ đi trước, nhưng Lê Đạt rất trẻ trung trong quan niệm sáng tác, phóng khoáng trong sự nhìn nhận, cởi mở, lượng thứ và tận tình trong đối xử với các thế hệ hậu sinh: có lẽ vì vậy, sự ra đi của ông đã để lại sự xót thương khôn xiết trong nhiều cây bút trẻ.

*

Trong đời, Lê Đạt đã trải qua nhiều thăng trầm, nhất là biến cố Nhân văn Giai phẩm cuối thập niên 50. Xuất hiện năm 1956 như một trong những lá cờ đầu của phong trào cùng các bạn hữu Hoàng Cầm, Trần Dần, Văn Cao, Phùng Quán…, ông nổi tiếng và gây chấn động dư luận đương thời với những thi phẩm cổ vũ cho một xã hội mới, suy nghĩ mới, được đánh giá là cũng đồng nghĩa với tinh thần làm mới thi ca nghệ thuật lúc bấy giờ.

“Nhân câu chuyện mấy người tự tử”, bài thơ dài đăng trong báo “Nhân văn số 1” tháng 9-1956, đã để lại những vần thơ làm sững sờ người đọc thời ấy. Dẫn dắt từ câu chuyện cặp trai gái tự tử vì không đến được với nhau, Lê Đạt liên tưởng đến vòng kiềm tỏa của nền chuyên chế, độc đoán trong xã hội:

Anh công an nơi ngã tư đường phố
Chỉ đường cho
xe chạy
xe dừng
Rất cần cho luật giao thông
Nhưng đem bục công an đặt giữa trái tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi
Theo luật lệ đi đường nhà nước
Có thể gây nhiều đau xót
ngoài đời

Bài thơ này, theo Hoàng Cầm, đã khiến Lê Đạt gặp vô vàn “rắc rối”. Hai năm sau, chính Xuân Diệu, trong một bài viết đầy hằn học và ác ý trên “Tạp chí Văn Nghệ”, đã “lấy thơ Lê Đạt làm một ví dụ để vạch ra cả một hệ thống nghệ thuật thoái hóa, suy đồi, vạch cái cờ gian bạc bịp đã lừa được một số nhỏ người nhẹ dạ trong ba năm nay”. Bài viết của Xuân Diệu coi “Nhân câu chuyện mấy người tự tử” là “một bài thơ chính trị phừng phừng một căm thù giai cấp đối với chế độ”, của “một kẻ ẩn núp, tàng hình, đã từng quay quắt được một thời gian, nhưng rốt cục cái bản chất phản lại giai cấp vô sản lòi ra mồn một”.

Với những lời kết án như thế từ chính những bạn thơ, không lạ nếu trong chiến dịch “đánh” Nhân văn Giai phẩm, cùng các đồng bạn, Lê Đạt cũng bị án treo bút, bị ra khỏi Hội Nhà văn, bị đày đọa về nông thôn cải tạo lao động và trong vòng 30 năm, phải chịu muôn vàn khổ cực, o ép về tinh thần.

Nhưng, gian nan không khiến ông sờn lòng, mà có thể chính những năm tháng ấy đã hun đúc bản lĩnh con người, nhân cách một thi nhân và bút lực của một người đi tiên phong, ở ông. Ông âm thầm làm thơ, và tìm cách đọc, dịch, học hỏi. Như hồi tưởng của nhà thơ Hoàng Cầm do Mai Sen (1) ghi, khi Lê Đạt qua đời:

Chúng tôi gồm tôi, ông Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao, Đặng Đình Hưng và cậu em út Phùng Quán đã sống với nhau từ thời hoạn nạn nghèo túng. […] Tôi còn nhớ thời gian “bị đánh”, trên đánh, dưới đánh, anh em đánh… Anh em chúng tôi viết có hay đến đâu cũng không được báo nào chấp nhận đăng. […] Cuộc sống chúng tôi vất vả lắm, ông Lê Đạt đi dịch sách, có bà cụ buôn bán giỏi lắm nên chu cấp cho cũng đỡ. Còn tôi và ông Trần Dần khổ hơn. Ông Trần Dần phải đi tô ảnh màu, người ta mang đến từng thúng ảnh, ông ấy cứ ngồi cặm cụi tô. Thỉnh thoảng, tôi cũng giới thiệu được sách cho ông Trần Dần dịch, tiền chẳng được bao nhiêu nhưng cũng là môt cách cải thiện. Có lần ông Trần Dần vừa tô xong thúng ảnh được vài chục bạc. Thấy tôi với ông Lê Đạt xuống chơi, ông ấy ra chỗ quen làm cút rượu mấy anh em lại ngồi nhâm nhi với nhau.

Anh em chúng tôi lúc bấy giờ hay gặp nhau lắm, cứ chiều đi bộ xung quanh Hồ, rồi ngồi ghế đá nói chuyện. Có bản thảo đưa nhau xem, góp ý kiến nhiều lắm, nhưng chả bao giờ khen nhau cả. Phần lớn là chê. Ông Lê Đạt xem thơ tôi xong có nói: “Bây giờ mà mày làm thơ cũ quá, không mới. Mày phải đổi thế nào đi chứ, thế này thì cũ quá. Sao mày vẫn sống với cái cũ…” Tôi ghi nhận và cũng về xem lại, rồi sửa, nhưng tất nhiên vẫn không thoát khỏi cái cũ được. Hơn nữa, đó là thơ của mình rồi, chứ mới quá lại thành ra thơ ông… Lê Đạt”.

Bản thân Lê Đạt thì bình thản kể về quãng đời của ông như sau, cho những cây bút trẻ: “Dạo đói nhất, nhà có năm miệng ăn mà chỉ trông vào lương văn công của một mình bác gái; bác đã phải ngồi cả ngày ở thư viện để sáng đọc tài liệu, tối dịch thuê, dịch mà không được để tên thật của mình. Đói hoa cả mắt mà vẫn ngồi dịch đủ những thứ cao xa, trong khi trong bụng chỉ thèm một ổ bánh mì”.

Sau đúng ba thập niên, cùng Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán và Hoàng Tích Linh, Lê Đạt được phục hồi và được mời lại vào Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1998; tròn 40 năm sau khi in tập thơ đầu, ông trở lại với đông đảo người yêu thơ với tập “Bóng chữ” (1994) – tác phẩm của một đời người - chấn động làng văn học Việt Nam, trong và ngoài nước, gây nên những cuộc tranh luận kéo dài về thi ca.

Theo nhà phê bình Thụy Khuê (Pháp), Lê Đạt chủ trương đường lối thơ "tạo sinh" - thơ phải dựa vào "ý tại ngôn ngoại", phải cô đúc, đa tầng, đa nghĩa, và đa ngã. Thơ Lê Đạt được đánh giá là giàu nhạc điệu, nhiều sáng tạo, cách tân; phảng phất nhiều điển cố văn học và lịch sử; chất chứa vô vàn những lối "chơi chữ" tạo hình hóm hỉnh, đòi hỏi ở độc giả một trình độ thưởng thức cao. Năm 2007, cùng các bạn Nhân văn, Lê Đạt được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với các tập thơ “Bóng chữ”, “Ngó lời” và tập truyện “Hèn đại nhân”.

Nổi tiếng về kỹ tính trong từng câu chữ, không bao giờ nhận là nhà thơ mà khiêm tốn, chỉ coi mình là “phu chữ”, Lê Đạt đã vượt lên nhiều tác giả của phong trào Nhân văn Giai phẩm, mới chỉ dừng lại ở những vần thơ mang bổn phận xã hội, bổn phận công dân trước cường quyền. Là một nhà cách tân lớn, đi đầu trong thi ca Việt Nam cuối thế kỷ trước, thơ Lê Đạt là một thế giới hòa quyện giữa những điển tích cổ kim và cái mới hừng hực sức sống, mà vẫn giữ tính trữ tình, nhất là trong những thi phẩm ngợi ca tình yêu, như “Em đến”:

Em đến
            áo lùa
                       trời bỗng sau mưa
Mắt vạn niên thanh
                               trưa hồ thủy
Nắng lục giàn mi thiên lý
Tóc hè
           nghe ngờ ngợ may thu

Hay bài thơ “Em đi”:

Từ bước em xa
                       xuân vắng nhà
Nửa phố gió mùa
                           mình hoa khép một
Nửa gối trăng soi
                           nửa buồng mưa dột
Nửa chiếu buồn
                         nghiêng nhớ nửa giường
Ngõ thõng lạnh ống sơ mi đường cụt
Cột đèn chột
                  chống một chân

Với sự ra đi của Lê Đạt, làng thơ Việt Nam đã trở nên trống vắng lạ thường!

(*) “Vĩnh biệt nhà thơ Lê Đạt: Bóng chữ động trần ai” (“VietNamNet” ngày 22-4-2008).

Trần Lê

CHÙM THƠ LÊ ĐẠT

BÓNG CHỮ

Chia xa rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
                        mây mấy độ thu
Vườn thức một mùi hoa đi vắng
Em vẫn đây mà em ở đâu
Chiều Âu Lâu 
                        bóng chữ động chân cầu

TỎ TÌNH

Lòng mới ngỏ yêu
                             tim ngọng nói
Lời tỏ tình chưa sáng sõi bình minh
Âm lạ phố ồn
                     oanh bỏ đợi
Liễu đầu cành
                       độc thoại đoạn trường xanh
Em trung tâm nào
                             Ngữ ngoại tim anh

NHỮNG CÁI HÔN

Những cái hôn gửi đi
Nỗi đỏ chiều hoang di thực
Bến đục sương lau còi tàu

Những cái hôn gửi đi
Trun trút gió sang sông
Sếu gọi đò ngang nước đổ
Dải yếm đào gẫy cầu

Những cái hôn gửi đi
Biền biệt phù sa
Đất hẹn má mùa nắng lạ
Vườn đồi
               ai nhặt lá ô môi