Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHIẾC LỒNG ĐÈN

(NCTG) “Chiếc lồng đèn làm cho căn lều vốn xưa nay tối tăm trở thành sáng và ấm áp hẳn lên khiến cho mẹ tụi nó ngồi nhìn mà không biết nước mắt đã trào ra từ lúc nào, còn thằng bé thì nằm dài xuống đất mắt không chớp chiêm ngưỡng cái công trình thủ công đầu tiên”.

Đêm đã khuya, trời bắt đầu lạnh hơn. Cái lều vải mỏng manh được khâu bằng những miếng vá chắp nối thỉnh thoảng lại chao đi chao lại khi một cơn gió mạnh thổi qua. Bên trong lều, dưới ánh đèn cầy mờ nhỏ xíu, một thằng bé đang cặm cụi chẻ từng thanh tre nhỏ. Mặc chỉ có mỗi cái áo thun màu cháo lòng đã lủng nhiều lỗ, cùng cái quần sọc đã mốc đen xì, hẳn thằng bé phải thấy lạnh lắm. Nhưng không, nó vẫn chăm chú làm việc như không để ý đến cái lạnh, và chỉ khi một miếng dằm đâm vào tay nó mới sực tỉnh. “Ui da!” Thằng bé vừa xuýt xoa vừa cố nặn miếng dằm ra, chứ để nó nằm trong da hoài thì nhức phải biết.

- Anh hai, chưa ngủ hả?

Thằng bé hơi giật mình quay lại. Thì ra con Lan, đứa em nhỏ hơn hai tuổi của nó đã thức từ hồi nào. Thấy em nó co ro quấn mình trong cái mền mỏng manh, thằng bé đột nhiên rùng mình vì lạnh.

- Ừ, mày ngủ đi. Tao còn chẻ mấy cái nữa là xong.

Con bé ngồi dậy, dụi dụi cặp mắt ngái ngủ. Nhìn cái đầu tóc bù xù cháy khét nắng của con Lan mà thằng bé thấy thương em nó vô cùng. Ở tuổi mười một, đáng lẽ con bé giờ này đã được ngủ trong một mái nhà ấm cúng và sáng dậy cắp sách đến trường học như bao đứa trẻ cùng lứa khác, nhưng em nó đã phải ngủ trong một cái lều tồi tàn rách nát ở dưới chân cầu hôi hám, và mỗi sáng phải cùng với thằng anh đi bươi rác để sinh sống.

Lúc này đây, hai anh em nó thấy người ta bắt đầu treo lồng đèn bầy bán khắp nơi. Trung thu hay không Trung thu đối với tụi nó cũng như vậy, chỉ khác cái là đến Trung thu tụi nó nhìn những đứa trẻ cùng lứa tuổi tay cầm bánh ăn, tay xách lồng đèn dung dăng dung dẻ đi chơi, một cách thèm thuồng và pha lẫn chút ganh tị. Mấy hôm trước lúc đi ngang qua một sạp bán lồng đèn, con Lan kêu nó dừng lại để ngắm một cái lồng đèn treo tuốt trên cao. Cái lồng đèn đẹp thật. Đó là một cái lồng đèn màu đỏ hình con cá chép; không biết được vẽ bằng một lọai sơn đặc biệt gì đó mà vảy cá cứ óng ánh lên, còn cái đuôi và vi cá được người thợ lồng đèn cắt bằng những tấm giấy màu sặc sỡ trông rất đẹp mắt. Con Lan ngắm chiếc lồng đèn mãi không thôi cho tới khi anh nó khẽ gắt và kéo đi nó mới chịu đi.

Từ đó, mỗi chiều sau khi giao rác cho mụ Hai Tre là con Lan xin anh nó cho đi ngang qua quầy hàng đó để ngắm chiếc lồng đèn. Biết con Lan thích chiếc lồng đèn đó lắm nhưng hai đứa nào đủ tiền mua, nên thằng bé quyết định làm một chiếc lồng đèn để em nó có dịp vui chơi trong tết Trung thu này.

Làm một chiếc lồng đèn chắc không phải là khó lắm đâu, thằng bé nghĩ như vậy. Chỉ cần mấy thanh tre, mấy cọng kẽm, sợi dây là xong cái khung, mà những thứ đó nó có thể kiếm được ngoài bãi rác, và nằn nì xin mụ Hai Tre miếng keo chắc mụ cũng không nỡ từ chối. Nhưng còn giấy bóng kiếng và sơn? Sơn thì tính sau, nhưng giấy bóng kiếng thì không thể nào thiếu được vì thiếu nó thì chiếc lồng đèn không phải là lồng đèn nữa. Đêm nay nó vừa vót xong mấy thanh tre nhỏ mà nó thu lượm được từ mấy bữa rày và tính đêm mai nó sẽ bắt đầu làm cái khung con cá. Cũng may con Lan thích lồng đèn con cá, chứ nếu em nó thích lồng đèn con rồng, con cua, hay con gà thì nó cũng không biết nắn ra sao.

Con Lan đã ngủ trở lại. Tiếng dế kêu nỉ non và hơi lạnh làm thằng bé đột nhiên thấy buồn ngủ dễ sợ. Nó thổi cây đèn cầy đã cháy gần hết và ngả lưng xuống góc chiếu. Giấc ngủ đến với nó thật êm đềm.
 
*

Còn đúng ba ngày nữa là tới Trung thu. Khắp nơi thiên hạ ai ai cũng lo mua sắm. Hôm trước con Lan đi ngang qua cái sạp bán lồng đèn thì không thấy chiếc lồng đèn con cá đâu nữa, chắc là có một đứa trẻ nào đó đã được ba mẹ mua cho rồi. Cảnh con Lan rơm rớm muốn khóc khi thấy chiếc lồng đèn yêu quý đã mất khiến thằng bé càng quyết tâm làm cho xong cái lồng đèn cho em nó. Bây giờ nó đã làm xong cái khung con cá, công trình của bao đêm uốn nắn từng thanh tre và cột từng cọng kẽm nhỏ xíu. Cái khung coi rắn chắc lắm, mà ở giữa lại thêm một cái chỗ để đèn cầy trông rất là gọn gàng, khiến thằng bé thầm tự hào mình chính thợ lồng đèn thứ thiệt.

Cái khó khăn sau cùng là làm sao kiếm được giấy bóng kiếng. Mấy hôm nay nó đã lùng khắp các bãi rác mà kiếm mờ mắt vẫn không ra giấy bóng kiếng, tuy nó đã tìm được giấy xanh giấy đỏ để làm đuôi và vi cá. Kiểu này thì phải đi mua rồi. Mặc dù đối với người khác giấy bóng kiếng chẳng là một thứ đắt giá gì nhưng đối với thằng bé đó là một thứ xa xỉ. Nó quyết định thôi thay vì kiếm giấy bóng kiếng trong bãi rác nó ráng kiếm nhiều thứ rác có giá trị để bán được nhiều tiền hơn. Nó sẽ lấy tiền đó đi mua.

Hôm nay thằng bé dậy sớm hơn mọi ngày. Nó định sẽ đi tới những bãi rác xa hơn để may ra kiếm thêm được thứ gì đắt giá. Có một bãi lớn ở gần cầu Ông Lãnh, nhưng thằng bé hơi ngại vì đó là “địa bàn” của thằng Sún mập nổi tiếng hung dữ. Dân bươi rác như nó cũng chia ra từng khu hẳn hoi, đứa nào léng phéng kiếm ăn ở những khu khác là bị đánh đuổi đi ngay. Thằng bé cũng bị đuổi đi nhiều lần và dần dần nó trôi dạt đến những bãi rác nhỏ, kiếm chẳng được bao nhiêu. “Thây kệ!”, thằng bé chặc lưỡi. Liều một phen nhắm cũng chẳng sao. Nó nghĩ như vậy và xốc cái bao rỗng lên vai và bước ra khỏi lều. Cũng may mấy hôm rày con Lan theo mẹ nó đi bán vé số, nếu có nó đi theo chàng ràng còn mệt hơn.

... Trời vừa sang trưa. Đôi chân trần của thằng bé đau rộp trên mặt đường nhựa nóng thiêu đốt, còn mặt nó chảy ròng ròng mồ hôi dưới ánh mặt trời gay gắt. Nó xốc xốc cái bao tải trên vai. Cái bao cũng khá nặng so với ngày thường, nhưng chỉ toàn giấy, chai lọ với những thứ linh tinh khác nên cũng chẳng bán được bao nhiêu tiền, nhất là khi bán cho mụ Hai Tre. Lắm lúc nó nghi mụ Hai Tre cố tình cân sai để trả nó ít tiền hơn nhưng hễ nó vừa dợm tiếng than phiền là mụ la át nó ngay. Tuy vậy nó vẫn đem rác cho mụ Hai Tre vì mụ ở gần nơi nó, và theo kinh nghiệm dù nó có đem bán cho người khác thì cũng chưa chắc là khá hơn mụ Hai Tre bao nhiêu.

Mãi lo suy nghĩ thằng bé không biết nó đã tới cầu Ông Lãnh. Bãi rác lớn kia rồi! Cũng may sau ngày thành phố đổi chủ mới có thêm nhiều bãi rác như vậy, chứ cứ sạch sẽ như hồi trước thằng bé cũng không biết phải làm gì để sinh sống. Trên “ruộng” rác nhấp nhô những thân hình bé bỏng lom khom bươi cào. Thằng bé hơi dợm bước, nhưng rồi nó ngó dáo dác không thấy thằng Sún mập đâu nên cũng mạnh dạn tiến vào. Rác ở đây nhiều quá khiến nó như hoa cả mắt lên. Không biết sao nó có linh cảm là ở đây nó sẽ kiếm được một vật gì có giá.

Bươi bươi được một lúc thì cây cào của thằng bé đụng một vật gì nghe cái “cạch”. Bao kinh nghiệm bươi rác tích trữ từ năm chín tuổi cho nó biết nó đã cào được một vật gì đáng giá. Đây phải là một vật kim loại vì nếu là chai lọ thì phải nghe “canh” một cái, còn giấy thì quá mềm. Thằng bé dợm gắp lên thì nó bỗng bị ai đó đạp đằng sau lưng một cái đau điếng. Nó ngã chúi về phía trước và ngồi đúng lên cái vật kim loại kia.
 
*

- Mày làm gì ở đây hả nhóc con?

- Anh... anh Sún... Tha cho em một lần. Em lỡ dại...

Thằng bé lắp bắp nói không nên lời khi thấy cái thân hình cao lớn dềnh dàng của thằng Sún mập đứng án trước mặt.

Thằng Sún mập cúi xuống, dí dí cái cây cào nhọn hoắt vào mặt thằng bé:

- Chắc mày chán sống rồi hả nhóc con? Thằng Quang thẹo bị cái mặt của nó cũng là tại nó léng phéng qua kiếm ăn bên tao. Hôm nay mày tới số rồi.

Gì chứ chuyện của thằng Quang thẹo thì thằng bé nào còn lạ gì. Cái hôm đó chính nó đã giúp xé miếng vải băng bó cho cái cái mặt thằng Quang bị thằng Sún mập rạch một đường bên má máu chảy thành dòng. Cái vết rạch sâu làm thằng Quang vật vã mấy ngày, lại thêm bị nhiễm trùng làm mủ. Cũng may là ít lâu sau vết rạch đó cũng lành, nhưng lại để trên mặt nó một vết sẹo đậm trông rất khó coi, và cái hỗn danh Quang thẹo cũng từ đó mà ra. Cũng từ dạo đó không có đứa nào dám đến bãi rác đó để kiếm ăn nữa. Nhớ đến chuyện thằng Quang thẹo, thằng bé run lẩy bẩy. Một làn hơi lạnh chạy dọc theo xương sống của nó.

- Anh Sún anh Sún, chạy ra đây... thằng Tèo bị xe cán rồi!

Đang khoái chí nhìn thằng bé đang run rẩy như chuột trước móng vuốt mèo, thằng Sún mập tắt ngấm tiếng cười khi nghe tiếng một thằng nhỏ gọi nó. Thằng Tèo là em thằng Sún mập, nó bị què chân bên trái nên hồi trước người ta kêu nó là thằng Tèo què. Bây giờ vì nể oai của anh nó nên chẳng đứa nào dám kêu Tèo què mà chỉ là Tèo thôi. Thằng Sún mập thương em của nó lắm vì gia đình nghèo, cha mẹ chết sớm chỉ có hai anh em sống đùm bọc lẫn nhau. Nói cho ngay thằng Sún mập cũng chẳng phải hung dữ vậy đâu, vì miếng cơm manh áo cho anh em nó mà bây giờ nó trở nên như vậy. Thằng Sún mập chạy đi, sau khi gằn giọng với thằng bé:

- Liệu hồn đó. Sẽ có ngày tao tính món nợ này.

Như người chết vừa được sống lại, thằng bé thở phào nhẹ nhõm. Nó nhanh tay hớt cái vật kim loại bỏ vào bao tải mặc dù nó cũng chẳng biết là vật gì rồi ba chân bốn cẳng chạy ra khỏi bãi rác. Hú hồn! Vừa chạy nó vừa thầm cám ơn thằng Tèo... bị xe cán đúng lúc, chứ nếu không nó đã bị ăn thẹo rồi.

Chạy được một quãng biết chắc đã có một khoảng cách an toàn với cầu Ông Lãnh, thằng bé lôi cái vật kim loại ra. Nó suýt nữa nhảy lên vì vui mừng. Đó là một chiếc đồng hồ báo thức. Chiếc đồng hồ đã cũ lắm rồi, không còn chạy, nhưng được cái là kiểu hoa hòe đẹp lắm và chỉ lấm tấm một chút rỉ sét, chẳng biết người chủ nào lại đem quăng vào thùng rác. Nó biết nếu đem chiếc đồng hồ này mặc cả với mụ Hai Tre thì chắc chắn thế nào cũng được một món tiền khá, đủ để mua sơn và giấy bóng kiếng, nếu được còn có thể dư chút ít. Nghĩ như vậy nó liền bước đi nhanh hơn, quên hẳn cái rát khô cổ họng và cái bụng lép xẹp vì đói.

Đêm Trung thu.

Thằng bé trịnh trọng đặt chiếc lồng đèn con cá vừa mới làm xong đêm trước ở giữa lều. Bên cạnh nó, con Lan ngắm lên ngắm xuống cái lồng đèn với một vẻ háo hức không kém. Mẹ nó ngồi im lặng trong góc lều, đang phân vân nhớ lại hôm qua mới la thằng con trai một trận về việc xài phí tiền vào những thứ đồ chẳng đem lại ấm áo no cơm. Giờ đây với cảnh tượng trước mặt, bà khẽ chặc lưỡi. Nhìn thấy hai đứa con vui vẻ cũng là đáng rồi, ít ra Trung thu tụi nó cũng có cái gì để chơi cùng người ta.

- Một nè, hai nè, ba!

Thằng bé dứt tiếng hô. Xẹt. Chiếc lồng đèn con cá bừng sáng. Con Lan nhảy lên reo hò ầm ĩ:

- A lồng đèn, lồng đèn. Đẹp quá!

Thằng bé và mẹ nó cũng nhìn sững. Lúc làm chiếc lồng đèn, thằng bé cố gắng làm sao cho giống cái lồng đèn con cá chép ở quầy hàng nọ. Nhưng cố gắng cách mấy thì cũng hoài công. Chiếc lồng đèn của nó trông thô sơ làm sao. Cái khung thì hơi xiêu vẹo; cái đuôi và vi cá làm bằng giấy xanh đỏ khi dán lên vẫn còn nếp nhăn vì thằng bé lượm từ bãi rác về; còn vảy cá thì nào được vẽ bằng loại sơn óng ánh màu mà chỉ bằng loại sơn trắng rẻ tiền, và tuy bàn tay thằng bé cố uốn nắn vẽ từng chiếc vảy nhưng vẫn thấy vụng về làm sao ấy. Khi làm xong nhìn chiếc lồng đèn thằng bé hơi thất vọng, tuy nó tự bảo chính mình rằng dù sao đây cũng là chiếc lồng đèn nó làm, và nó cũng đã cố gắng hết sức rồi.

Nhưng giờ đây nhìn chiếc lồng đèn sau khi đã thắp sáng, thằng bé không tránh khỏi sự ngạc nhiên. Chiếc lồng đèn đẹp ngoài sức tưởng tượng của nó. Ánh lung linh của đèn cầy làm cho con cá như nhảy múa sống động hẳn lên. Vây, vi và đuôi cá trông tầm thường như vậy mà giờ đây trở thành rực rỡ qua ánh sáng đỏ hồng của giấy bóng kiếng. Chiếc lồng đèn làm cho căn lều vốn xưa nay tối tăm trở thành sáng và ấm áp hẳn lên khiến cho mẹ tụi nó ngồi nhìn mà không biết nước mắt đã trào ra từ lúc nào, còn thằng bé thì nằm dài xuống đất mắt không chớp chiêm ngưỡng cái công trình thủ công đầu tiên. Con Lan lập tức chạy ào sang các túp lều khác kêu mấy đứa bạn cùng lứa để khoe chiếc lồng đèn của mình.

Trên trời cao, mặt trăng tròn tỏa những tia sáng êm dịu như muốn chung vui cùng với đám trẻ con dưới chân cầu. “Tết Trung thu em đốt đèn đi chơi, em đốt đèn đi khắp phố phường. Đèn ông sao với đèn cá chép...”. Đám con nít cười đùa vang rân, và nếu lắng nghe kỹ sẽ nghe trong đó tiếng con Lan là khỏe nhất.

Mấy hôm sau khi đã qua Trung thu, thằng bé thấy con Lan vẫn nâng niu chiếc lồng đèn con cá. Nó để ý mỗi tối trước khi đi ngủ con bé đều ngắm chiếc lồng đèn một lúc rồi cẩn thận cất vào một cái bao và để nơi đầu chiếu. Cái lồng đèn ở nơi nhà nghèo coi vậy mà tốt số. Sau Trung thu hai ngày thằng bé phát giác ra chiếc lồng đèn con cá chép ở quầy hàng nọ giờ đây nằm bẹp dúm ở bãi rác. Thằng bé lúc đó tưởng mình nhìn lầm, nhưng không, cái lồng đèn con cá chép đặc biệt như vậy không thể trộn lẫn vào đâu được. Nó định nói cho em nó nghe nhưng nghĩ đi nghĩ lại hay sao nó lại thôi.

Tác giả bài viết: Hải Lý, từ Canada