“CHẲNG AI MUỐN LÀM HÀNH KHẤT”
- Thứ ba - 06/01/2015 15:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Với những chiêu trò biến tướng của xã hội hiện nay như vậy, thì “lòng tốt gửi vào thiên hạ” cũng phải làm sao để lòng tốt không bị lợi dụng, để lòng tốt đến được nơi cần đến”.
Minh họa: Internet
Mọi người xôn xao bàn cãi chuyện mới đây TP. HCM ra quyết định cấm người ăn xin, vô gia cư, cũng như kêu gọi người dân không cho tiền trực tiếp người ăn xin. Những người điên cũng đã được/bị quy tập hay xua đuổi về một nơi nào khác - không còn trong thành phố.
Tôi nhớ cái thành phố nhỏ nơi tôi đã sinh ra và trải qua thời thơ ấu - Thành phố Vinh. Nỗi nhớ của tôi không có sự hiện diện của những cao ốc hay các kiểu dáng xe hơi trên đường phố ngày nay. Tôi nhớ những khuôn mặt người thân, bạn bè, rồi đến những cái dáng cây già trong thành phố, nhớ một vài người điên, một vài người ăn xin.
Ngày tôi còn bé, mỗi khi có người ăn xin ghé nhà, mẹ tôi vẫn thường dặn cho ít tiền, cho ít gạo. Nhất là những khi giáp Tết, nhìn những người ăn xin tha phương cầu thực, mẹ tôi lại dễ tính hơn nữa khi cho người ăn xin, dù gia đình tôi cũng chẳng khá giả gì.
Tôi nhớ, nhà tôi cũng như những nhà hàng xóm, thường quan niệm, ngày đầu năm mà có người ăn xin ghé nhà là may mắn (tôi cũng không biết quan niệm này từ đâu ra!). Nhưng nhờ thế mà lũ trẻ con không đứa nào ác cảm với người ăn xin, và cảm nhận được rằng họ tội nghiệp, thiệt thòi hơn mình.
Rồi, những ngày tôi lớn lên, mười tám tuổi tôi vào Sài Gòn. Khoảng năm 2006-2007, ở Thủ Đức, đoạn đường từ cổng ký túc xá Đại học Quốc gia đến cổng trường có rất nhiều ăn xin. Những đứa trẻ đen đúa, bẩn thỉu… Tôi không ác cảm với hình thức, nhưng ác cảm với lối cư xử của chúng. Chúng ngửa tay xin ăn và nếu lỡ như không được cho, thì chúng sẵn sàng chửi thề hay ném đá. Mà con đường đoạn này những năm đó đang sửa, nên rất nhiều đá.
Những năm sau, qua thời gian học đại cương, chúng tôi lên Quận 5 để học chuyên ngành. Đoạn ngã tư đường Nguyễn Văn Cừ giao Nguyễn Trãi cũng thường thấy người ăn xin ngồi, nằm… Người lớn bế trẻ con nheo nhóc. Rồi một dạo, thấy báo chí phản ánh chuyện chăn dắt người ăn xin, thuê trẻ con để bế đi ăn xin… trong đó có liệt kê khu phố này.
Cô bạn thân của tôi thời sinh viên kể chuyện, có lần cô đạp xe đi học qua đoạn ngã tư thì gặp người ăn xin. Dạo ấy tiêu gì cũng đắn đo, sinh viên xa nhà đi học mà. Đi qua không cho, đi đoạn nữa có chút nghĩ ngợi, rồi quay lại dúi tờ tiền vào tay người ăn xin. Đi học về, cũng đi qua đoạn đó, thấy người ăn xin đó cầm một xấp tiền ngồi đếm… Cô cười, lúc nhìn xấp tiền của họ, thấy mình sao mà tội nghiệp.
Vậy thôi. Không hiểu từ bao giờ, ăn xin cũng đã thành một cái nghề.
Bây giờ thì tôi không biết có còn nhiều người ăn xin ở Cửa Lò nữa không. Cách đây chừng năm, mười năm, người ăn xin ở bãi biển này nhiều đến nỗi khi tôi và nhóm bạn (hơn mười đứa) đi du lịch, ngồi uống bia với nhau còn có trò chơi cho ăn xin xoay vòng để khỏi bị làm phiền. Ngồi một chốc lại có người đến xin, bám dai như đỉa, không cho không đi mà cứ đứng xớ rớ, nên đành phải cho. Xoay một vòng vậy, tức là cũng đến hơn mười lượt có người đến xin, thế mà vẫn còn người ăn xin đến làm phiền. Chúng tôi đứng dậy đi về.
Nếu như trước đây, việc bố thí cho người ăn xin bởi lòng trắc ẩn, thì bây giờ, nhiều khi thấy rằng bố thí cho người ăn xin bởi để mua lấy sự không bị làm phiền.
Nếu như trước đây, người cơ cực, cùng đường kiếm sống, mới xách gậy xách bị đi ăn xin. Thì giờ chẳng hiểu sao, ăn xin thành một cái nghề. Cái nghề ấy dễ dàng quá chăng?
Có một bài thơ mà từ nhỏ tôi đã rất thích, đó là bài “Dặn con” của nhà thơ Trần Nhuận Minh:
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào
Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này.
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào
Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này.
Dù rằng, bây giờ việc ăn xin biến tướng quá nhiều, có cả những đường dây chăn dắt ăn xin, có cả những người thuê trẻ em nheo nhóc, thương tật,… bế ra đường để xin bố thí. Và dù rằng, lòng trắc ẩn của tôi đã hư hao đi khá nhiều sau nhiều vụ bị lừa bịp, đủ để cũng có những lúc phớt lờ đi qua những hoàn cảnh có vẻ đáng thương nào đó. Thì bài thơ này vẫn là bài thơ tôi thích.
Tôi lại nhớ câu:
Ăn mày là ai
Ăn mày là ta
Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày.
Ăn mày là ta
Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày.
Cái suy nghĩ “lòng tốt gửi vào thiên hạ” cũng luôn luôn đúng, biết đâu “đáp đền nối tiếp”, “ai biết cơ trời vần xoay” như thế nào… Nhưng với những chiêu trò biến tướng của xã hội hiện nay như vậy, thì “lòng tốt gửi vào thiên hạ” cũng phải làm sao để lòng tốt không bị lợi dụng, để lòng tốt đến được nơi cần đến. Đó là điều tôi đang băn khoăn.