Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÂU CHUYỆN VỀ BỨC TƯỜNG BERLIN CỦA MÌNH

(NCTG) “Như thế có nghĩa là công trình đào tạo, tuyên truyền chính trị của Việt Nam và CHDC Đức đã thành công. Sự lãnh cảm trước những phi lý hiển nhiên, trí óc mất khả năng phân tích, phê phán, độc lập, nghĩa là trí óc mất khả năng lý trí, ít nhất về những vấn đề chính trị là cái người ta cần ở mình”.
Ảnh tư liệu
Thực ra là chẳng có câu chuyện nào cả. Mình từng thấy nó khi lần đầu đến Berlin, thế thôi. Rồi cũng đinh ninh huyền thoại, như đa số người Việt Nam khác, rằng nó được xây trong một đêm.

Mình thực ra không có câu chuyện về bức tường.

Hồi ấy nó đứng đó không đầu, không cuối, nhưng dường như hở ra một khoảng có lính canh phòng, có barie, nghĩa là cũng không thể vượt qua, ở chỗ cổng thành Brandenburg. Bây giờ suy luận lại, trên cơ sở đi lại chỗ đó nhiều lần, thì bức tường cũng không hở ra chỗ ấy, mà là barie phía Đông Berlin khá xa bức tường, nên có một khoảng trống rộng rãi để đặt những cặp mắt tò mò và trống rỗng, và để chụp ảnh, và để chứng tỏ là mình đã đến Berlin. Đến Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức, đến tủ kính của chủ nghĩa xã hội, mơ ước không lời của ít ra, nhiều triệu người Việt.

Mình thực ra không có câu chuyện về bức tường.

Sau 1975, trước khi sang CHDC Đức mình có đọc, trong nhà một người bạn học phổ thông nay đã chết, trên một tạp chí nào đó của miên Nam trước 1975 về cuộc phong tỏa Tây Berlin sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng đến khi nhìn thấy bức tường, lạnh lẽo và ảm đạm, vô hồn, chạy dài trên phố, mình vẫn không có cảm xúc nào rõ rệt cả.

Ừ, không có câu chuyện về bức tường.

Không biết, không quan tâm, rằng khi mình đến đó, đứng trước nó, đã có hàng trăm người chết vì nó, vì muốn vượt qua, từ bên này, sang bên kia, đến với thế giới tự do bên ấy.

Cái khoảng trống, khoảng hở ở cổng thành Brandenburger Tor chắc là không có, vì nếu có thì chắc mình đài nhìn thấy tượng đài chiến thắng dát vàng, nhìn thấy con đường cũng trồng toàn cây đoạn chạy qua công viên lớn bây giờ mới biết tên là Tiergarten.

Không biết, rằng bức tường có hai lớp, đi giữa là người lính và sĩ quan, những người sẵn sàng nhả đạn, nhưng sau này sẽ không ai nhận là người ra cái lệnh nhả đạn ấy; là chó, là mìn, là dây thép gai, là những đoạn đường ray xe lửa cưa ngắn hơn một mét, bắt chéo nhau như hình chữ X để chống tăng. Không biết, rằng cái hình ống tròn tròn, đắp trên bức tường là để cho tay người trèo tường không bám được vào tường.

Mình có đứng, cùng bạn học, ở một ga S-Bahn nào đó, chắc là gần Warschauer Straße, hoặc chính là ga ấy, để nhìn sang Tây Berlin, thấy gì ư? những ngôi nhà cao tầng, 12, 14 gì đó, liên hoàn, liên tiếp nhau, thấy bảo của người Pháp xây cho lính của họ.

Mình có lên, cùng bạn học, quả cầu vĩ đại của tháp vô tuyến truyền hình Đông Berlin, để chờ nó quay mà nhin sang Tây Berlin. Cũng chẳng thấy gì rõ ràng. Thấy gì rõ ràng mới được cơ chứ? Mà có thấy thì nó có gửi cho mình được thông điệp gì không?

Bây giờ thì mình biết câu chuyện cười của người Đông Đức, rằng nếu tháp vô tuyến đó, cái tháp mà mình cho là đẹp nhất thế giới, đổ, thì cái cầu thang máy của nó có thể đưa người ta thẳng sang Tây Berlin. Ôi ước mơ không thể thỏa mãn của con người. Mình cũng không biết một chuyện cười khác, rằng nếu đem cái bê-tông dựng bức tường mà làm đường ô tô cao tốc, thì nó chạy một mạch Berlin - Rostock, thành phố bên bờ biển Đông của Đức, cách Berlin 200km.

Mình không có cảm xúc như của Reagan, tổng thống Mỹ, khi nói với Gorbachev, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, tháng 6-1987: “Ông Gorbachev, ông hãy giật đổ bức tường này đi”. Hừm, hồi đó kể cả người Đức cũng còn cười mũi trước câu nói của cựu diễn viên Hollywood.

Mình cũng không có cảm xúc của tổng thống Mỹ Kennedy, như trong diễn văn của ông trước Nhà Hội đồng Schöneberg tháng 6-1963, bằng tiếng Đức: “Ich bin ein Berliner” - tôi là một người Berlin. Câu ấy, cho đến khi mình đến trước bức tường, khoảng 17 sau đó, vẫn còn ngân nga trong lòng người Đức và chắc là còn ngân nga không biết đến bao giờ.

Mình không có câu chuyện về bức tường, mình không thực sự cảm thấy đấy là bức tường ô nhục, mình lãnh cảm trước nó, mình được tẩy não khá kỹ trước nó, để không cảm thấy nó trái tự nhiên, nó chướng tai gai mắt, nó quái đản, nó là bằng chứng sống về sự bất lực của chủ nghĩa xã hội trước chủ nghĩa tư bản.

Như thế có nghĩa là công trình đào tạo, tuyên truyền chính trị của Việt Nam và CHDC Đức đã thành công. Sự lãnh cảm trước những phi lý hiển nhiên, trí óc mất khả năng phân tích, phê phán, độc lập, nghĩa là trí óc mất khả năng lý trí, ít nhất về những vấn đề chính trị là cái người ta cần ở mình.

Tôi không có câu chuyện về bức tường, không rung động, không phẫn nộ trước nó, bạn bảo sao?

Tác giả bài viết: Đỗ Quang Nghĩa, từ Berlin