Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÂU CHUYỆN NGƯỜI BẠN GÁI CỦA CỐ ĐỨC GIÁO HOÀNG

(NCTG) Ngày Chủ nhật 27-4-2014, cố Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô Đệ nhị sẽ được phong Thánh, đúng ba năm sau ngày Ngài được ban Chân phước (1-5-2011). Có lẽ là vị Giáo hoàng được biết đến nhiều nhất, đồng thời, được yêu quý nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo La Mã, trên tư cách một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tới lịch sử thế giới cuối thế kỷ 20, Ngài còn là nguồn cảm hứng lớn cho khát vọng tự do và công lý của người dân các xứ Đông Âu.

Cố Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô Đệ nhị

Không phải ngẫu nhiên mà Gioan Phao-lô Đệ nhị được coi là người đã góp phần làm tan rã thể chế cộng sản phi nhân ở Ba Lan và Đông Âu với thông điệp mà Ngài mang đến cho giáo dân: “Đừng sợ!”. Trả lời câu hỏi sẽ chọn thế nào nếu phải để lại cho hậu thế một câu duy nhất trong Sách Phúc Âm, Ngài đã không chần chừ mà đáp: “Các ngươi sẽ biết lẽ thật và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi” (Giăng 8:32). Có thể hiểu rộng ra: lẽ thật, công lý (không chỉ trong “Kinh Thánh”) sẽ giải thoát con người!

Tuy nhiên, có lẽ điều khiến cố Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô Đệ nhị sẽ còn đọng lại mãi trong lòng người đương thời là vì sau khi được tấn phong cương vị người chủ chiên của Giáo hội Hoàn vũ, Ngài vẫn giữ được những nét đời thường gần gũi... (*) Thời trẻ, ở cấp phổ thông và đại học, chàng trai Karol Wojtyła từng là một học sinh giỏi và xuất sắc trong tất cả các môn học. Anh mê thể thao, là thủ môn trong đội bóng trường tiểu học, thích khiêu vũ và thạo nhiều điệu nhảy, thông thạo văn chương và triết học.

Đặc biệt, Wojtyła còn say mê kịch nghệ và là một đạo diễn kiêm diễn viên cừ khôi của đoàn kịch của trường trung học. Có lẽ vì vậy mà sau này, theo con đường của một tu sĩ và kể cả khi đã được tấn phong Giáo hoàng, Gioan Phao-lô Đệ nhị vẫn giữ phong cách tự nhiên và dung dị. Hơn thế nữa, trong đời, khác với nhiều vị Giáo hoàng bị coi là coi thường hoặc ít để tâm đúng mức tới phụ nữ, Gioan Phao-lô Đệ nhị luôn có sự quan tâm, trân trọng “phái yếu”, trong những vần thơ, trao đổi thư từ và các bài giảng.

Đã có cả những nghiên cứu về một số người phụ nữ từng đóng vai trò quan trọng, hoặc thứ yếu trong cuộc đời Ngài. Trong số đó, ngoài người mẹ đáng kính (người truyền lại những bài học đạo đức sâu sa cho Ngài) và những cộng sự về sau này, đáng chú ý là thời tuổi trẻ, Ngài đã có không ít bạn gái thân thiết, thậm chí, những mối tình học sinh - như Kasia Zak, Ginka Beer, Wanda Poltawska, Teresa Malecka hay Halina Krolikiewicz - mà sau này, trong chừng mực có thể, Ngài vẫn giữ tình bạn đẹp đẽ (**).

Câu chuyện thú vị và cảm động sau đây do nhà báo Dennis Eisenberg ghi lại, đăng trên tờ “The Province” (Canada, 1980), về tình bạn thân thiết của chàng trai Karol Wojtyła với cô bạn gốc Do Thái Ginca Beer. Một thời, Ginca Beer đã được nhiều tờ báo “giật tít” là “người bạn gái trong đời Đức Giáo hoàng”!


Ghi chú:

(*) Hai bộ phim về tiểu sử và sự nghiệp của Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô Đệ nhị đã lấy tựa đề rất có ý nghĩa: “Karol: A Man Who Became Pope” (2005), và “Karol: The Pope, The Man” (2006).

(**) Có thể xem: “Le donne di Wojtyla” (Những người phụ nữ của Wojtyla, tác giả Annalisa  Borghese).


*

LOLEK VÀ GINKA

Họ là hàng xóm của nhau, chỉ độc một bức tường ngăn cách hai người tại ngôi nhà số 7 phố Nhà thờ. Cô gái tên là Regina, chàng trai là Karol, nhưng cả vùng Wadowice chỉ gọi họ với cái tên Ginka và Lolek. Là một cô gái tuyệt đẹp, tất cả mọi chàng trai đều phải lòng Ginka, không trừ một ai - chẳng phải nói nhiều, Lolek cũng thuộc đám đó. Lolek bị những chàng trai khác ghen tị vì chẳng những anh là hàng xóm với Ginka, mà họ còn có dịp bên nhau trong những buổi biếu diễn của một ban kịch ở Wadowice. Tất nhiên Ginka thủ vai nữ chính, và Lolek là bạn diễn của cô trên sân khấu.

Regina Reisenfeld là học sinh người Do Thái duy nhất trong trường trung học của thành phố nhỏ ấy. Cô nữ sinh Widowice thuở nào - nay đã là bà của mấy đứa cháu -, hiện sống tại Israel. Và Lolek, hay Karol Wojtyła, được cả thế giới kính trọng trên cương vị Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô Đệ nhị.

Trong căn nhà ỏ Jerusalem, Regina hồi tưởng lại quá khứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ của bà:

- Lolek là một diễn viên tuyệt vời, nhưng có lẽ anh hơi trẻ đối với vai đàn ông. Tôi còn nhớ trên đường về nhà, chúng tôi trò chuyện nhiều về những buổi tập: anh luôn tỏ ra chu đáo và lịch sự với tôi. Vở diễn thành công đến mức chúng tôi đưa nó đi giới thiệu ở Krakkó, thành phố lớn gần Wadowice nhất, ở đó khán giả cũng tán thưởng nhiệt liệt. Thời ấy, cuộc sống rất tuyệt vời, đặc biệt với lũ thanh niên trẻ như chúng tôi, mặc dù đã có thể thấy tác động của phong trào bài Do Thái ở Ba Lan. Những người hàng xóm không ưa việc Lolek tán tỉnh một cô gái Do Thái, anh thường xuyên quanh quẩn bên tôi, chờ tôi làm xong bài vở hoặc cùng về nhà sau buổi tập. Và chỉ ở trong gia đình Lolek, chúng tôi mới không cảm thấy chút gì cách phân biệt đối xử.

Ông Karol Wojtyla, cha Lolek, là một người đặc biệt: khi bà vợ mất, ông nuôi dạy Lolek một mình. Ông nấu nướng, giặt giũ, lo việc ăn mặc cho Lolek và ông làm những điều này không một lời ca thán; tôi nhớ là không bao giờ ông phàn nàn đến một lời và ông coi đây là điều dễ hiểu. Là người bạn thực sự của chúng tôi, ông bàng hoàng khi biết quyết định di cư sang Palestine của gia đình tôi. Ông không hiểu và không muốn chấp nhận sự xua đuổi đối với người Do Thái, đã có thể cảm thấy rõ rệt vào thời ấy. Ông lặp đi lặp lại câu nói: “Không phải người Ba Lan nào cũng bài Do Thái đâu! Cháu hãy tin rằng không phải người Ba Lan nào cũng thế...”. Khi chúng tôi thông báo việc rời Ba Lan vĩnh viễn, Lolek còn thất vọng hơn cha nhiều.

Cuộc đời đã chứng thực cho quyết định của gia đình Regina. Ginka trốn khỏi Wadowice vào giờ phút cuối cùng, mẹ cô mất trong trại tập trung Auschwitz khét tiếng, cha cô di cư qua Liên Xô, rồi chết ở một vùng xa lạ nào đó.

Ở Israel, Ginka lập gia đình, cô làm y tá trong một bệnh viện rồi có con và cháu. Ba Lan chỉ còn lại trong trí nhớ cô như một kỷ niệm cay đắng. Một địa danh trên bản đồ, một đất nước phải chịu trách nhiệm về cái chết của hầu hết họ hàng, bạn bè cô.

Và sau đó, một bất ngờ lớn diễn ra. Tháng 10-1978, lần đầu tiên sau 455 năm, đứng đầu Giáo hội La Mã không phải người Ý: Đức Giáo hoàng mới thuộc vùng Đông Âu, chính là Karol Wojtyła.

- Chủ yếu những bạn bè Ba Lan thúc tôi viết thư cho Đức Giáo hoàng mới - Ginka Reisenfeld hồi tưởng lại. - Họ bảo tôi hãy viết rằng tôi là cô hàng xóm của ông ta, là người cùng diễn với ông trong một đoàn kịch. Nhưng tôi không có ý quấy rầy Lolek. Sau đó, tôi đọc báo và được biết Đức Giáo hoàng đến (trại tập trung) Auschwitz để quỳ gối cầu nguyện cho những nạn nhân Do Thái bị giết hại. Và đến khi ấy, tôi cảm thấy rằng mình cần phải viết, phải cám ơn ông.

Và Regina đã viết.

Nhưng không bao giờ bà nhận được hồi âm.

Rồi một lần, Regina đến Rome cùng chồng, một bác sĩ về hưu.

Và trước nhà thờ lớn mang tên Thánh Phê-rô, tình cờ họ thấy một đoàn khách du lịch Ba Lan, các thành viên của nhóm này muốn gặp mặt Đức Giáo hoàng. Vợ chồng Regina, dù muốn đi nữa, cũng không thể đến gần đoàn này: một đội cảnh vệ đứng ngăn họ với nhóm khách V.I.P.;  thêm nữa, những kỷ niệm Ba Lan, đặc biệt là ấn tượng về (lò thiêu) Auschwitz cũng ngăn cản bà.

- Bỗng Giáo hoàng đi dạo qua chỗ chúng tôi. Chúng tôi không nhận ra nhau. Khi ông vừa qua cạnh tôi, ai đó kêu lên từ đám đông: “Kìa, nhưng Ginka ở đây cơ mà! Ginka đây mà!”. Giáo hoàng dừng bước, ông quay lại và nhìn tôi.

- Ông còn nhớ tôi chứ? - tôi hỏi.

- Tất nhiên rồi - Đức Giáo hoàng đáp. - Bà là Regina, chúng ta cùng sống trong một tòa nhà. Helen, chị bà dạo này ra sao? - không chờ câu trả lời, ông bước tiếp trên quảng trường. Khi cách tôi chừng hai mét, không kìm được, tôi gào lên sau lưng ông ta: - Lolek! Sao ông không hồi âm thư tôi?

Đức Giáo hoàng sựng lại như bị cắm rễ dưới đất. Rồi ông chầm chậm quay lại và bước đến chỗ tôi.

- Thư nào của bà cơ? Chưa bao giờ tôi nhận được bất kỳ một thư nào của bà cả. Chắc bà biết, tôi sẽ đích thân trả lời ngay, nếu nhận được... Bà viết gì trong đó?

Tôi kể lại mình đã cảm kích như thế nào về chuyến thăm Auschwitz của ông. Đức Giáo hoàng hỏi tôi đã mất những ai ở trại tập trung ấy. Tôi nhận thấy vẻ đồng cảm sâu sắc trong đôi mắt ông. Nắm cả hai bàn tay tôi trong tay, ông cầu nguyện rất lâu, rồi ban phước thánh cho tôi. Hàng ngàn người bao quanh chúng tôi trên quảng trường nhưng tôi cảm thấy như chỉ có hai đứa tôi ở đó. Đây là ấn tượng cảm động nhất trong đời tôi.

Và tại Rome, ngay trên quảng trường Thánh Phê-rô, tôi nhìn ông từ từ bước đi, giữa chừng thì thầm thanh minh, rằng ông nào có nhận được thư tôi...

Tác giả bài viết: Trần Lê dịch và giới thiệu