Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÂU CHUYỆN NGÔN NGỮ

(NCTG) “Lúc đầu mình nghĩ, đi nước ngoài mới khó giao tiếp chứ trong nước, cùng ngôn ngữ thì lo gì. Nhưng đến khi đi vào miền Trung rồi miền Nam mới biết là mình nhầm to”.

Minh họa: Internet

Nhân câu chuyện đang được các “công dân mạng” bàn tán râm ran về chính tả của Thủ tướng, mình nhớ lại những kinh nghiệm cá nhân có liên quan. Do lấy chồng miền Trung, lại có một thời gian phải đi giảng liên tục ở miền Nam, mình từng phải đối mặt với những tình huống dở khóc dở cười về sự khác biệt ngôn ngữ.

Thật ra đi nước ngoài tuy là dùng ngoại ngữ nhưng chính vì vậy, mọi người đều nói chậm, nếu không hiểu hay mình nói sai có thể nói lại, hỏi lại. Còn đi các tỉnh thì ai cũng chờ đợi là mình hiểu được nên nói rất nhanh, viết rất tháu và hai bên đều ngại, không dám hỏi lại, dẫn đến nhiều khi hai bên chả hiểu gì nhau cả.

Nhớ có lần vào Sài Gòn mình hỏi đường đến nhà một người bạn, thấy bảo: “Cô cứ đi thẳng, đến bùng binh quẹo phải, đi tiếp đến khi hết con lươn lại quẹo trái”. Mình nghe cứ lùng bùng cả 2 tai, “bùng binh” thì còn hiểu được chứ sao “con lươn” lại nằm trên đường, như vậy là có ai vứt lươn chết ra đường à? Mà sao biết lươn vứt ở đâu mà quẹo trái? Nghĩ mãi mình đành can đảm hỏi lại mới biết, “con lươn” chính là dải phân cách trên đường, Trời ạ!

Giao tiếp với học sinh cũng rất khó khăn. Gọi một em lên phát biểu, hỏi “em tên gì?”, sinh viên bảo “em tên Chính”, nhưng tìm trong danh sách chả có ai tên thế. Hỏi lại mới biết em tên Chín, nhưng phát âm người Nam nó “zậy”. Với người Nam, tiếng Việt sẽ thành tiếng “Diệt”, làm người Bắc khốn khổ. Phát âm từ chuyên môn tiếng Anh thì cứ “cô ơi, bê bò hay bê phở”, hóa ra trong Nam không phân biệt được âm “b” và “p”…


Minh họa: Internet

Nhưng đến khi chấm bài mới chết dở. Viết bài thi về nghiệp vụ ngoại thương, sinh viên toàn viết là "Mỡ L/C" (letter of credit - một phương thức thanh toán) thay vì "mở L/C"; "sữa Hợp đồng" chứ không phải “sửa Hợp đồng”.  Một vài bài còn chịu được chứ đọc cả trăm bài sai như nhau, làm sao chịu mãi? Cuối cùng mình đành đem ra chữa trước lớp nhưng sinh viên có vẻ cho rằng đó là thói quen, không đáng để ý.

Mình bực mình quá, bảo: “Nếu cứ như các em thì hãng sữa nào nổi tiếng nhất ở miền Nam hiện nay?”. Sinh viên liệt kê hết sữa Vinamilk, Nestle… đến các hãng sữa ngoại quốc khác, mình đều lắc đầu. Khi sinh viên đã chịu mình mới nói, đó chính là hãng Honda, vì khắp hang cùng ngõ hẻm của các tỉnh miền Nam đều có thể thấy từ biển hiệu trang trọng đến thùng gỗ nhem nhuốc ghi “Sữa Honda”.

Ai cũng biết Honda là một tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng về ôtô, xe máy và các loại động cơ nhưng chắc chỉ ở Việt Nam Honda mới nổi danh về sữa! Hết nói luôn!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Ánh, từ Hà Nội