CÁI CHUÔNG
- Thứ ba - 18/12/2007 23:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Điền trang của Lev Tolstoy ở Yasnaya Polyana
Nhưng nơi này cho ta cảm giác lạc bước giữa đời, như dứt ra khỏi cuộc sống thường ngày buồn tẻ. Vâng, ít ra thì, cuộc sống của riêng tôi là như thế, rất buồn tẻ. Chỉ có học và thi. Rồi cãi nhau với mấy đứa người Thổ lười chẩy thây ở cùng phòng. Đôi khi tôi cảm giác chán, không rõ là chán cái gì nữa. Chán đến nỗi chẳng màng đến việc làm một điều gì cho đỡ chán hơn.
Một đoạn cầu gỗ ngắn bắc ngang qua suối. Vài ba nhịp cầu đưa tôi vào thế giới cổ xưa, cũ kỹ đến từng viên đá lát. Nhưng gió thổi hơi mát lành, khiến đầu óc trong veo.
Đoàn người về thăm viếng mộ đại văn hào Nga cứ nườm nượp nối đuôi nhau trên con đường rộng. Tôi thì lẩn vào những lối mòn. Đi ngang qua một căn nhà gỗ, vài ba con ngỗng sư tử trắng muốt từ đâu bỗng lao ra đuổi tôi. Và tôi chạy lòng vòng quanh một vũng nước to, chắc là người ta đào cái vũng ấy cho bọn ngỗng vầy nước. Bọn ngỗng lạch bạch đuổi theo tôi sát gót. Cả lũ quàng quạc nhức cả đầu. Tôi cười to lên. Tự dưng thấy vui vẻ kỳ lạ. Niềm vui nhiều khi đến với ta đơn giản thế đấy! Tôi thấy mắt mình ấm lại. Vậy mà đã có những lúc, mắt tôi mờ đi vì chẳng có chút hơi ấm nào của niềm vui!
“Xùy xùy!” Có tiếng gọi ngỗng nghèn nghẹn, là lạ vang lên đằng sau tôi. Quay đầu lại, tôi thấy một cô bé độ mươi tuổi, mặc bộ váy cổ của người Nga, màu trắng đỏ, tay bồng, như bước từ những trang sách của Lev ra vậy. Cô bé có đôi mắt rất sáng. Tự dưng tôi lẩn thẩn nghĩ, hẳn đây là một em bé hạnh phúc. Em bé nhìn tôi, cười không thành tiếng, lắc lắc đầu dứ nắm đấm về phía bọn ngỗng. Tôi làm quen:
- Chào em! Em nuôi ngỗng đấy à?
Không trả lời, em chỉ mỉm cười. Và, tôi bất ngờ nghe thấy một tiếng chuông lanh lảnh vang lên. Bây giờ tôi mới để ý thấy, em bé cầm trong tay một cái chuông. Em lắc cái chuông, miệng vẫn cười mỉm, mắt sáng lấp lánh nhìn tôi. Tò mò quá, tôi đến gần hỏi:
- Nghĩa là gì vậy em? Sao em lại rung chuông?
- Đừng hỏi nó! - từ sau cánh cửa gỗ sơn xanh, một giọng khàn khàn khó nghe vọng ra. Tôi giật bắn mình, tí nữa thì bỏ chạy. Trong một thoáng, tôi ngỡ mình sắp nhìn thấy gương mặt già nua nhăn nheo có cái mũi dài ngoằng của mụ phù thủy Baba – Iaga!
Một ông già mặt đỏ bừng bước ra, chân đi ủng cao su, tay cầm cái cào cỏ. Ông rất cao lớn, tóc và râu quai nón đã bạc nhưng lại có thân hình trẻ trung đến nỗi tôi nghi ngờ không biết có phải ông sở hữu cái giọng khàn khàn đáng sợ vọng ra từ sau cửa không. Bất giác, tôi nhìn vào căn nhà tối qua cánh cửa mở rộng. Ông già cười, giọng cười cũng đùng đục:
- Tôi nói cô đừng hỏi nó, vì, cháu gái tôi đấy… Nó bị câm.
Choáng váng, tôi không nói được câu nào. Bị câm? Mà đôi mắt lại đầy niềm vui đến thế? Mãi vài phút sau tôi mới cất giọng hỏi lại:
- Thế, ông ơi, sao em ấy lại rung chuông để làm gì ạ?
- Để chào cô chứ để làm gì. Chuông nó tự làm đấy. Ngày nào cũng hì hụi làm chuông. Nhà tôi có cái sạp bán đồ lưu niệm ngoài kia. Bán đủ thứ đất nặn. Nó thì chỉ nặn chuông thôi.
Lúc này, tôi mới chợt nhớ đến anh trai tôi ở Việt Nam. Anh ấy là doanh nhân, buôn phụ tùng ô tô. Nhưng anh lại mê chuông. Đi nước ngoài về, lần nào cũng khệ nệ bê vác những hộp to nhỏ đựng các loại chuông, các kiểu chuông khác nhau với những dòng chữ đủ các thứ tiếng. Nhà anh có cả một căn phòng riêng để bày chuông với những kệ, những giá, tủ kính ngày nào cũng được chị dâu lau chùi bóng loáng… Thú thật, mỗi lần đến chơi với anh chị, tôi vừa thích, vừa sợ khi bước vào cái phòng đó. Thích vì lạ. Những cái chuông mang hơi hướng của những miền đất xa xôi, mang triết lý riêng của những nền văn hóa xa lạ. Nhưng sợ, vì tôi thấy căn phòng có những cái chuông… mà sao nó cứ im ắng thế. Đến nỗi, tôi luôn có cảm giác căng thẳng, luôn nghĩ, chỉ một vài phút nữa thôi, tất cả những cái chuông này sẽ cùng kêu lên, thì căn phòng sẽ nổ tung hoặc đầu tôi sẽ nổ tung! Tôi chẳng dám nói ra cái suy nghĩ ngớ ngẩn ấy với anh tôi, anh lại chẳng bợp cho một cái vào đầu ấy!
Tôi bước đến gần em bé, lúng túng không biết nói với em thế nào hay phải làm những cử chỉ gì để em hiểu tôi... thì em bé đã vui vẻ dúi cho tôi cái chuông vừa lắc. Cái chuông đất giản dị, to bằng nửa nắm tay tôi, có một cái nơ xinh xinh màu đỏ buộc ở cuống. Còn em thì rút từ trong cái túi to viền thêu đỏ trước ngực một cái chuông khác có dây đeo. Em nhìn tôi, gật đầu. Hiểu ý, tôi lắc cái chuông. Cả hai chúng tôi cùng lắc. Chưa bao giờ tôi nghe thấy âm thanh nào trong trẻo như thế, những tưởng nó chỉ có thể vang lên từ những cái chuông bằng pha lê. Tôi đã từng nghe chuông đồng ngân rồi, tiếng nó khác cơ, vang nhưng không trong, ngân nga nhưng không nhẹ, dường như là tiếng chuông ấy bay lên cao, lan tỏa ấm áp trong không gian… rồi rơi xuống đất, tan vào đất. Còn tiếng chuông này từ những cái chuông làm bằng đất của cô bé câm, nó trong vắt và bay vút lên bầu trời. Khi dừng lắc, tiếng chuông vẫn lơ lửng trên đó rồi tan vào thinh không. Hôm ấy ngày nắng ấm, trời xanh cao không hiểu là cao đến tận đâu. Cạnh chỗ tôi đứng là một rừng bạch dương nhỏ, thân trắng, lá như lưới mỏng lọc nắng thành tia. Tôi thấy tiếng chuông của chúng tôi vui sướng nhảy múa giữa những tia nắng bạch dương. Rồi thoát ra mất hút lên bầu trời vô tận ấy.
Niềm vui ngập tràn trong tim tôi.
Mấy hôm sau, từ nước Nga, tôi bay về Việt Nam. Đây là chuyến về phép thứ hai của tôi sau 4 năm xa nhà đi học ở Matxcơva. Lần nào về phép cũng ngắn ngủi. Một tháng.. Chẳng kịp làm gì cho ra hồn, thậm chí chơi cũng chẳng chơi đủ nữa! Tôi “chạy sô” khắp nơi: đi ăn, đi uống, đi thăm thú mọi người… Đến ngày gần đi mới ngồi sắp lại va-li, giũ cái áo cũ ra thì… nhìn thấy cái chuông! Cái chuông cô bé câm đã tặng cho tôi hôm nọ. Cái chuông có chiếc nơ đỏ bé tí xinh xinh, có màu nâu đỏ của đất nung mà không có tí tẹo hoa văn nào trên đó cả. Nhưng nó đã bị vỡ thành mấy mảnh, chắc là do đồ đạc của tôi đè nặng vào. Mấy con giống bằng thủy tinh tôi mua ở Len thì còn nguyên! Chuông đất mong manh hơn cả thủy tinh vậy sao?
Gom mấy mảnh vỡ của cái chuông, tôi hì hục ngồi dán lại… rồi xách xe phóng đến nhà anh tôi. Anh ngạc nhiên lắm khi tôi vừa đến lại xộc ngay vào phòng bày chuông. Mân mê cái chuông sứt sẹo có nơ đỏ mà tôi đưa ra, mặt anh ngơ ngác:
- Cô đưa anh cái này làm gì? Cái này vỡ rồi. Mà cô mua ở đâu? Anh đã dặn vác cho anh ít chuông lạ, phải vào cửa hàng mỹ thuật bên đó mới tầm được. Nhưng anh chẳng nhắc vì nghĩ là cô quên rồi.
Tự nhiên tôi thấy nghẹn ngào, chẳng nói gì được. Lấy lại cái chuông từ tay anh tôi, tôi lắc nó. Cứ ngỡ nó không kêu nữa. Ai ngờ, cái tiếng lanh lảnh hôm nọ vẫn cất lên. Nó có khác đi đôi chút, nhưng nó vẫn kêu và vẫn bay vút lên, đưa tâm hồn đang nặng trĩu của tôi thoát ra đâu đó, một nơi có nắng, có hoa vàng hoa trắng và những niềm vui hồn nhiên kỳ lạ.
Trên giá, trên kệ và tủ kính chung quanh tôi, những cái chuông to đẹp vẫn nằm im, trầm ngâm tự tại. Đó là những cái chuông câm.