Bob Dylan tại Trung Quốc: HÁT TRONG CẢNH BỊ KIỂM DUYỆT
- Thứ bảy - 09/04/2011 11:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bob Dylan tại buổi diễn lịch sử ở Bắc Kinh - Ảnh: AP/SITA
Theo thông tin tại chỗ, không khí đầu buổi diễn khá tẻ nhạt. Số khán giả - chừng 6.000 người, chủ yếu là thanh niên và người ngoại quốc - chỉ chiếm khoảng hai phần ba Sân vận động Công Nhân tại trung tâm thủ đô. Nhưng sau khi Bob Dylan hát bài “A Hard Rain's A-Gonna Fall”, một ca khúc ít nhiều có thể coi là đại diện cho những ca khúc phản kháng của ông thì cả cầu trường đã sôi động hẳn lên.
Với bộ vét đen, áo sơ-mi màu vàng và chiếc mũ xám, trong lần đầu tiên ra mắt tại Trung Quốc, người nghệ sĩ danh tiếng chuẩn bị vào ngưỡng “thất thập” này đã hát lại nhiều ca khúc cũ cùng với một số ca khúc mới và chơi guitar, piano, kèn harmonica. Tuy âm thanh không đạt chất lượng như mong muốn nhưng buổi biểu diễn kéo dài một tiếng rưỡi đã đáp ứng được sự mong mỏi của những người hâm mộ ông.
Vô cùng cuồng nhiệt, khi buổi diễn kết thúc, khán giả đã hai lần liền yêu cầu Bob Dylan ra lại sân khấu: ông đã hát lại ca khúc “Like a Rolling Stone” và “Forever Young” trong phần đệm của kèn harmonica. Cần biết rằng giá vé vào cửa là 140 Euro, tương đương một tháng lương trung bình ở Trung Quốc.
Buổi diễn tại Bắc Kinh - cũng như concert sau đó hai ngày tại Thượng Hải - đều phải được Bộ Văn hóa Trung Quốc cấp giấy phép. Danh sách các bài hát trước đó đều trải qua kiểm duyệt và Bob Dylan phải cam kết sẽ chỉ hát những bài được Bắc Kinh cho phép.
Nhật báo Mỹ “Bưu điện Hoa Thịnh Đốn” (Washington Post) cho hay: nhiều ca khúc có hơi hướng chính trị và phản chiến - đã làm nên tượng đài Bob Dylan trong hai thập niên 60-70 - đã không qua mặt được bộ máy kiểm duyệt. Khả năng là trong số đó, có cả những kiệt tác như “The Times They Are A-Changin” hay “Blowin' in the Wind”, vừa qua không được ca sĩ trình diễn tại Bắc Kinh. (Hai ca khúc kinh điển này đã được ông hát tại Đài Bắc, chặng đầu của chuyến lưu diễn Châu Á).
Dầu vậy, sự thỏa hiệp của Bob Dylan là có thể hiểu được, nếu biết rằng vào năm ngoái, ông đã không được Bộ Văn hóa Trung Quốc cho phép biểu diễn tại quốc gia này mặc dù rất mong muốn - vì thế, ông đã phải hủy bỏ nhiều buổi diễn tại Châu Á trong dịp đó. Lý do của sự cứng rắn ấy từ Trung Nam Hải, là vì trong chuyến lưu diễn tại Trung Quốc ngay trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008, nữ ca sĩ Iceland Björk khi trình bày ca khúc “Declare Independence”, đã kêu gọi tự do cho Tây Tạng.
Đáng chú ý là ở Bắc Kinh, Bob Dylan không trao đổi bất cứ một lời nào với khán giả, mà chỉ tập trung hát cùng ban nhạc của mình. Thậm chí, ông cũng không tổ chức họp báo và trả lời phỏng vấn. Tờ “Thời báo Los Angeles” (The Los Angeles Times) cho hay cái tên Bob Dylan hầu như hoàn toàn xa lạ ở xứ sở đông dân nhất hoàn cầu này, vì băng đĩa của ông không được xuất hiện một cách chính thức tại đây.
Tại Trung Quốc, Bob Dylan còn hai concert ở Hongkong, trùng vào thời điểm kỷ niệm 50 năm đời ca hát: ngày 11-4-1961, thần tượng nhạc rock này có buổi diễn đáng kể đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của mình. Mặc dù dư luận cho rằng Ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc ngần ngại trước những ca khúc có nội dung kêu gọi chính trị của giới ca sĩ ngoại quốc, báo chí chính thống Trung Quốc vẫn dành một sự quan tâm đáng kể cho chuyến lưu diễn của Bob Dylan.
Trước đó ít ngày, Bắc Kinh vừa bắt giữ một số người bị coi là muốn làm một cuộc “cánh mạng hoa nhài” tại Trung Quốc - trong đó có nghệ sĩ, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Ngải Vị Vị (Ai Weiwei) -, nhưng tuần báo “Sanlian Shenghuo Zhoukan” vẫn dành cả trang bìa trong số vừa ra, và nhật báo “Tin tức Bắc Kinh” (Xin Jingbao) đã cho in thêm 8 trang phụ vào hôm thứ Tư vừa rồi để nói về danh ca người Mỹ vẫn bị coi là có những điểm “nhạy cảm chính trị” này.
Trên mặt báo, ca - nhạc sĩ Tả Tiểu Tổ Chú (Zuoxiao Zuzhou) khẳng định Dylan là “nhạc sĩ rock và folk tài hoa nhất của thập niên 60”, rằng “ông bị chính phủ rất phê phán và ông coi nhạc rock như tiếng nói của những người yếu thế và những người thuộc giai cấp thấp trong xã hội...”. Nghệ sĩ này cũng khẳng định: “Tôi rất biết ơn ông vì ảnh hưởng của ông đối với tôi”. Cách đây 1 tuần, Tả Tiểu Tổ Chú cũng đã bị cảnh sát gọi lên hỏi về mối quan hệ của ông với Ngải Vị Vị, bạn ông.
Chuyến lưu diễn lần này của Bob Dylan gồm 25 buổi diễn, bắt đầu từ Đài Loan ngày 3-4 và kết thúc tại Hoa Kỳ ngày 20-7. Sau chặng diễn ở Trung Quốc, cùng ban nhạc riêng gồm 25 thành viên kỳ cựu, ông đã tới Việt Nam ngày 9-4 và chuẩn bị cho buổi diễn tại sân vận động Đại học Quốc tế RMIT, TP. HCM tối 10-4, với lời hứa sẽ trình diễn một cách ngẫu hứng, với những ca khúc trong danh sách 50 bài hát đã được đưa lên để cơ quan quản lý Việt Nam xét duyệt.
Điểm đặc biệt của chương trình “Bob Dylan live in Vietnam” là trong một giờ đầu, 15 ca khúc Trinh Công Sơn sẽ được vang lên với sự trình diễn của các ca sĩ hàng đầu của Việt Nam, như một sự tôn vinh nhạc sĩ họ Trịnh nhân 10 năm ngày mất. Theo báo chí, Bob Dylan cho biết ông biết khá rõ về Trịnh Công Sơn, thậm chí ông biết đến âm nhạc Việt Nam chủ yếu thông qua nhạc Trịnh. Đặc biệt, nữ danh ca Joan Baez, một tượng đài khác của dòng nhạc phản kháng từng gọi Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam.
Tại Việt Nam, Bob Dylan đã thông báo trước rằng ông sẽ tiếp xúc với báo chí, một điều có lẽ không ngẫu nhiên vì nhiều ca khúc bất hủ của ông từng được sáng tác để phản đối sự can thiệp của Hoa Kỳ vào cuộc chiến Việt Nam.