Bảo tồn hay phát triển: CHỈ CÓ THỂ CHỌN MỘT?
- Thứ sáu - 25/11/2016 17:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Một đô thị dần dần “bán” từng mảnh “linh hồn”, xóa sổ từng mảng ký ức, để chỉ còn lại đều tăm tắp những “thiên đường mua sắm”, những khu nhà ở “đẳng cấp trong mơ” giống hệt nhau san sát, chỉ phân biệt bằng những con số. Đó có thật sự là “thiên đường” và “giấc mơ” của chúng ta?”.
Những dự án trên “đất vàng” đầy di tích lịch sử hay văn hóa, ở các thành phố lớn trên dải đất Việt Nam, không còn đếm hết trên đầu ngón tay nữa. Làm tôi không khỏi nhớ đến câu này được nhắc trong một bài báo, khi nói về dự án Ba Son ở Sài Gòn, mà nhà báo đã không dám nêu đích danh, về những nhà đầu tư, “kẻ - mà - ai - cũng - biết - là - ai”:
“Khi chúng tôi gặp những nhà đầu tư từ Hà Nội vô đây, chúng tôi hỏi họ có chú ý vấn đề di sản không? Họ nói thẳng với chúng tôi mấy anh giữ di sản mà các anh có làm kinh tế phát triển tốt không? Sau đó, họ nói thẳng “tôi cá mấy anh đó, một miếng đất nào tốt nhất của Hà Nội và Sài Gòn nếu tôi muốn phát triển nó lên theo kiểu của tôi, tôi bảo đảm với các anh là với giá nào tôi lấy cũng được…”.
“Bảo tồn” và “phát triển” có phải là hai phạm trù đối lập, phủ định lẫn nhau? Giá trị văn hoá, tinh thần và giá trị kinh tế tiêu dùng, là hai thái cực chúng ta phải chọn lựa?
Trong công cuộc phát triển đổi thay từng ngày từ đô thị đến nông thôn, chỉ vài năm gần đây thôi, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra: Cá hay thép? Đường sắt hay cây xanh? Điện hay lũ lụt? Thiên nhiên rừng nguyên sinh hay cáp treo nhanh và tiện? Bản làng dân tộc nguyên sơ hay khu nghỉ dưỡng tối tân? Rạp chiếu phim nghệ thuật, di tích lịch sử hay trung tâm thương mại hiện đại? Đất canh tác, nghề truyền thống hay khu đô thị mới?
Sức khoẻ của bạn, môi trường sống của con bạn... hay PIB của quốc gia và danh sách Forbes thế giới của những doanh nhân Việt Nam?
Chúng ta chỉ có quyền chọn một?
Chúng ta phải hy sinh?
Đó là tất yếu? Không còn lựa chọn thứ ba?
Hay chúng ta không tin là mình xứng đáng được một lựa chọn khả dĩ hơn? Hay chúng ta tin vào những nguỵ biện ai đó rót vào tai “các nước giàu có ngày xưa cũng thế cả thôi”, “không chấp nhận đánh đổi thì ôm cái nghèo cả đời”, “đây mới là những giá trị sống mới”...
Lựa chọn thứ ba có thật là không thể không? Chắc chắn nó không đơn giản như sự lựa chọn một trong hai. Giữ để dựng xây, có bao giờ dễ hơn san phẳng xây mới? Nhưng nó hoàn toàn có thể.
“Khi chúng tôi gặp những nhà đầu tư từ Hà Nội vô đây, chúng tôi hỏi họ có chú ý vấn đề di sản không? Họ nói thẳng với chúng tôi mấy anh giữ di sản mà các anh có làm kinh tế phát triển tốt không? Sau đó, họ nói thẳng “tôi cá mấy anh đó, một miếng đất nào tốt nhất của Hà Nội và Sài Gòn nếu tôi muốn phát triển nó lên theo kiểu của tôi, tôi bảo đảm với các anh là với giá nào tôi lấy cũng được…”.
“Bảo tồn” và “phát triển” có phải là hai phạm trù đối lập, phủ định lẫn nhau? Giá trị văn hoá, tinh thần và giá trị kinh tế tiêu dùng, là hai thái cực chúng ta phải chọn lựa?
Trong công cuộc phát triển đổi thay từng ngày từ đô thị đến nông thôn, chỉ vài năm gần đây thôi, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra: Cá hay thép? Đường sắt hay cây xanh? Điện hay lũ lụt? Thiên nhiên rừng nguyên sinh hay cáp treo nhanh và tiện? Bản làng dân tộc nguyên sơ hay khu nghỉ dưỡng tối tân? Rạp chiếu phim nghệ thuật, di tích lịch sử hay trung tâm thương mại hiện đại? Đất canh tác, nghề truyền thống hay khu đô thị mới?
Sức khoẻ của bạn, môi trường sống của con bạn... hay PIB của quốc gia và danh sách Forbes thế giới của những doanh nhân Việt Nam?
Chúng ta chỉ có quyền chọn một?
Chúng ta phải hy sinh?
Đó là tất yếu? Không còn lựa chọn thứ ba?
Hay chúng ta không tin là mình xứng đáng được một lựa chọn khả dĩ hơn? Hay chúng ta tin vào những nguỵ biện ai đó rót vào tai “các nước giàu có ngày xưa cũng thế cả thôi”, “không chấp nhận đánh đổi thì ôm cái nghèo cả đời”, “đây mới là những giá trị sống mới”...
Lựa chọn thứ ba có thật là không thể không? Chắc chắn nó không đơn giản như sự lựa chọn một trong hai. Giữ để dựng xây, có bao giờ dễ hơn san phẳng xây mới? Nhưng nó hoàn toàn có thể.
Hẳn mỗi lần đi qua con con phố Hai Bà Trưng, ta vẫn thấy sừng sững một trong những tòa nhà cao tầng đầu tiên Hà Nội Tower toạ lạc ở đây. Nhưng chưa cần rẽ ngang, thấp thoáng bức tường Hỏa Lò vẫn làm bạn không quên chứng tích lịch sử còn nằm ngay đó. Để có được “lựa chọn thứ ba” - giữ một phần nhỏ di tích ấy, cuộc “đấu tranh” đã không hề đơn giản.
Hay cách đó không xa, ngay tại phố Lý Thường kiệt là chợ Âm Phủ 19-12, chứng tích lịch sử, mồ chôn tử sĩ năm 1946. Con đường mới mở giữ nguyên tên gọi và cây bồ đề trăm tuổi, cũng là lựa chọn khác, sau khi đã loại bỏ dự án tòa nhà trung tâm thương mại, và di dời chợ tạm lụp xụp xuống cấp.
Chúng ta đã làm được điều đó, cách đây 10-20 năm, sao không thể ngày hôm nay?
Không ít người Việt đã đặt chân đến Hàn Quốc, để thấy dòng sông bị vùi lấp giờ lại khai dòng, trở thành trục cảnh quan trung tâm, nơi diễn ra những hoạt động văn hóa sôi nổi của Seoul, bạn nhớ về nó hay về những toà nhà chọc trời san sát?
Con sông ở Seoul làm tôi nhớ con phố La Garonnette ở Toulouse mà tôi đặc biệt ấn tượng, không biết có mấy bạn bè sống ở Toulouse để ý đến con phố này. Đó là một nhánh sông Garonne chảy vòng qua một khu đất, tạo thành một đảo nổi, sau khi quy hoạch xây kè nắn dòng Garonne (mà sau này được coi như một bài học rút kinh nghiệm như một sai lầm quy hoạch lớn thời đó).
Nhánh sông do đó hoàn toàn khô cạn, chỉ có thể ngập nếu có lũ. Giờ nó được xây thành một con phố mới tinh. Nhưng các nhà quy hoạch vẫn không chịu “xóa sổ” dấu vết dòng sông: một mạch nước được dẫn vào trong lòng phố, quy hoạch thành một dòng chảy men theo phố, có lúc uốn lượn dưới gầm cầu, bé xíu và chỉ đủ như cái rãnh nhỏ, nông xuống một bậc thôi.
Cùng với nó, từng dải đèn hắt chìm dưới nền vỉa hè điểm từng đoạn uốn cong của dòng nước, làm bạn đi buổi tối cũng vẫn mường tượng ra dòng chảy cũ đã như thế nào. Nếu đi vội, có khi bạn sẽ không nhận ra nó, nhưng đây là thiết kế cảnh quan mà tôi yêu thích nhất của thành phố Toulouse, không hào nhoáng, phô trương nhưng lại đem đến cho con phố nhỏ một bản sắc khác biệt, và không ai có thể quên nơi đây đã từng là một nhánh sông. Còn lại con phố hoàn toàn bình thường, khá vắng vẻ vì chỉ là mặt sau của những tòa nhà hướng ra phố chính.
Thế nhưng có lẽ xa Toulouse, tôi lại nhớ góc phố đó nhất, như một “lãnh địa” riêng mà lần nào đi dạo, tôi cũng phải tạt qua, đi xe đạp tôi cũng vòng qua đây, nên trở thành một góc phố thân quen. Để một mình nhìn những bức tranh graffiti rực rỡ sau bức tường cũ, có lần ghé vào một xưởng thiêt kế đèn rất độc đáo nhưng lại khiêm tốn mở ra mặt phố nhỏ này, nếu đi nhanh qua, bạn sẽ khó lòng để ý thấy. Hay tò mò liếc vào khoảng sân hun hút phủ đầy cây của những căn biệt thự lùi sâu.
Hay chỉ mới gần đây thôi, khi đến thăm một thành phố nhỏ ở biên giới Đức, bắt gặp một tòa nhà văn phòng, siêu thị tương đối lớn ở trung tâm, nằm ngay gần một ngã tư lớn. Nhưng hình ảnh thu hút mắt du khách và người qua lại nhất, có lẽ là một góc tòa nhà, từ ngoài phố có thể nhìn thấy qua khung kính, một móng tường thành đá sâu lộ thiên, được chiếu đèn và lắp sàn kính. Bên trên vẫn bầy bán hàng hóa như mọi tòa nhà thương mại, nhưng sự khác biệt lại chính ở một góc gìn giữ di tích ấy, để bất cứ ai cũng không thể quên, và không khỏi thích thú bước vào cửa hiệu.
Nếu bạn đã từng viếng thăm bảo tàng Louvre vẫn luôn có số lượt khách thăm quan lớn nhất thế giới, tính đến năm 2015, có bao giờ tự hỏi sự lôi cuốn của bảo tàng này ở đâu? Có phải chỉ vì bức “La Joconde” bí hiểm? Hay chính vì kiến trúc độc đáo mà toàn bộ phần xây mới nằm ngầm, chỉ “nổi” lên tòa kim tự tháp kính, soi bóng cung điện Louvre? Nếu một Louvre xây mới toang sau khi san bằng cung điện, hay một bảo tàng cổ kính nằm trong bốn bức tường cung điện cũ, có chắc lôi cuốn khách viếng thăm nhiều đến vậy và trở thành một biểu tượng, niềm tự hào mới của thủ đô Paris?
Còn nhà thờ Notre Dame, bạn thường ngước lên tìm bóng dánh anh gù trên tháp chuông, nhưng nếu nhìn xuống, những đường đá chằng chịt bắt chéo qua trên nền quảng trường trước nhà thờ, nhắc bạn những lối đi, những móng nhà cũ đã không còn được giữ lại, hoặc đã phá bỏ đi để xây một khoảng lùi đủ rộng cho nhà thờ này.
Và còn bao nhiêu những góc nho nhỏ, như một bãi đỗ xe mới xây của thị trấn nhỏ, vẫn bao quanh bởi một hàng rào phế tích và một góc vườn hoa bé xíu, được thiết kế khéo léo quanh một mấy vòm cuốn cổng thành cũ nham nhở, đủ để bất cứ ai ngang qua đều nhớ dấu tích tường thành ấy.
Nơi tôi đang làm việc, mỗi dự án dù ngay từ bước nộp hồ sơ dự thầu, ông kiến trúc sư vẫn lặn lội đến tận khu đất, quan sát vận hành và cũng tìm kiếm những “phần hồn” để hình thành nên ý đồ thiết kế. Rồi lúc thiết kế, mở ảnh, bản đạc và google map tra cẩn thận vị trí những bức tường đá, những lối vào có sẵn, những cây lâu năm đẹp, để vẽ sao cho khớp, giữ nhiều nhất có thể dấu vết ấy.
Có thể kiên quyết từ chối vẽ những thứ “theo phong cách cổ”, đề xuất đập bỏ những hiện trạng không giá trị, nhưng cũng đấu tranh để giữ một bức tường đá, để chọn kẻ những con đường để thoáng tầm nhìn đến một tháp chuông, một dòng sông hay rặng cây ở cuối tầm mắt, dù chẳng có quy chế bảo vệ hay xếp hạng, cũng chẳng có đòi hỏi bảo tồn nguyên trạng.
Chỉ đơn giản đó là cái hồn mà một công trình, một dự án mới cần bám vào để tạo nên bản sắc và bám sâu vào thực địa. Tôi trân trọng và yêu thích công việc ở đây cũng vì thấy cùng chia sẻ quan điểm ấy, nhưng cũng không phải là nơi duy nhất tôi từng làm việc có sự đề cao dấu vết của hiện trạng để gìn giữ, hoặc khéo léo kết hợp vào trong tổng thể mới.
Công trình cải tạo và xây mới một khu bệnh viện mà tôi tham gia trong một đợt thực tập dài, ở Cahors - một thành phố gần Toulouse, cũng là sự kết hợp của những toà nhà mới hiện đại kết nối với toà nhà bệnh viện cũ gồm nhiều khối niên đại khác nhau, xây dựng những năm 60 và từ thế kỷ trước. Những bản vẽ chằng chịt những lớp xây mới chồng lên, giao cắt với những phần giữ lại, dù phức tạp hơn, nhưng sản phẩm đem lại là một tổng thể thống nhất, lại làm người triển khai thấy bõ công sức bỏ ra.
Những ứng xử với phần “hồn” hay lịch sử của một thành phố, một địa điểm, không phải luôn đòi hỏi những chi phí đắt đỏ, không bắt ai phải hy sinh hay kìm hãm mở mang, xây mới. Chỉ đơn giản, một chút ý thức để trân trọng, từ phía chủ đầu tư, từ phía chính quyền, sẽ luôn có những nhà chuyên môn say mê bỏ công sức, dù nhiều hơn một chút, nhưng là một bài toán khó và ý nghĩa, luôn hấp dẫn và gợi tính sáng tạo hơn rất nhiều những phương án xây trên nền một khu đất trống trơn, không có quá khứ và hiện tại, để làm nền tảng cho hình ảnh tương lai của nó.
Bằng không, sản phẩm mới xây nên, có đẹp đẽ hào nhoáng, cũng chỉ là một sản phẩm bán mua, không thể trở thành một nơi lưu giữ phần hồn, kỷ niệm và cảm xúc gắn bó của người lui tới.
Nếu vậy, một đô thị dần dần “bán” từng mảnh “linh hồn”, xóa sổ từng mảng ký ức, để chỉ còn lại đều tăm tắp những “thiên đường mua sắm”, những khu nhà ở “đẳng cấp trong mơ” giống hệt nhau san sát, chỉ phân biệt bằng những con số.
Đó có thật sự là “thiên đường” và “giấc mơ” của chúng ta?