Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BUỒN KHÔNG MÙA VỤ

(NCTG) “Chú nói một câu mà cách đây chín năm cha cháu đã nói với con gái. “So với anh em đồng đội đã hy sinh khi tuổi đời mười tám hai mươi thì mình thật may mắn”.

Đạn bom đã cho người lính sống sót trở về một so sánh thật nghiệt ngã”.
Chú đang đứng trước hồ ô nhiễm nặng Ea Knốp. Nhiều năm qua chú đã cùng một số người dân trong thị trấn Ea Knốp kêu gào về nạn ô nhiễm do nhà máy đường xả ra hồ nhưng vô vọng
1.

Ngày 11-1-1973 chú chích máu, dùng bút tre chấm máu viết đơn xin đi bộ đội.

Đơn viết:

Kính gửi: Hội Quân nhân Huyện Đức Thọ.

Chúng tôi là những thanh niên cộng sản. Đất nước lâm nguy chúng tôi sẵn sàng hiến thân cho tổ quốc. Mong Hội cho chúng tôi được nhập ngũ đợt này.

Trước khi đứng vào hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam chúng tôi xin đọc mười lời tuyên thệ
”.

Khi đó chú đang học lớp 10.

Gia đình chú có chín anh chị em. Hai chị gái đầu đi dân công hỏa tuyến. Bốn anh trai của chú đã đi vào chiến trường. Anh trai thứ ba đi từ năm 1965 chưa hề có tin tức. Chú là con trai thứ năm, con trai út, sau chú còn hai em gái nhỏ đang học cấp một cấp hai.

Nhìn các anh chị ra trận lòng chú nôn nóng. Không viết bằng máu thì chú cũng được đi nhưng chú muốn chích máu để thể hiện quyết tâm, để cho trên thấy trái tim đứa học trò biết yêu quê hương đất nước chảy đỏ như thế nào.

Cha mẹ chú không nói gì nên chú cũng không hiểu lúc đó họ nghĩ gì. Một chị dâu của chú khi đó đang mang bầu, chị muốn giữ chân chú, biết chú đi chị buồn lo.

Một tuần sau chú nhập ngũ.

Một tháng sau chú được biên chế vào binh chủng thông tin. Đi học tháng rưỡi về vô tuyến điện.

Và lên xe đi vào Đường 9 Nam Lào, hành quân sang Campuchia.

Chú bị say xe, ngồi im. Nhưng anh em thì hát hò rộn ràng. Không khí đúng như lời hát “đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Ai ai cũng xúc động dâng trào.

Trước khi lên xe chú còn được bạn gái cũng là thanh niên xung phong tìm đến tiễn đưa. Bảy người bạn gái cùng tiểu đội đi cùng. Khoảnh khắc đó mỗi khi nhớ lại chú vẫn thấy hạnh phúc.

Sáu tháng sau chú về Tây Ninh, bám trụ trên núi Bà Đen. Thời gian ở núi Bà Đen chú tham gia 35 trận đánh.

Chuẩn bị vào trận đánh ở Phước Long tháng 12-1973 chú nhận được thư bạn gái. Lá thư viết từ cách đó ba tháng giờ mới tới nơi. Lá thư của bạn gái và bảy người bạn viết chung. Mỗi người một đoạn. Mỗi người mỗi chữ ký.

Chiến tranh chấm dứt. Tháng 6-1975 chú lại tình nguyện sang Campuchia.

2.

Năm 1978 chú được chuyển về Bắc, ở trạm điều dưỡng T21. Anh thương binh hạng 3/4 ở đó 4 tháng thì được chuyển về địa phương cùng với số tiền gọi là “đền bù xương máu” 180 nghìn.

Gia tài người lính trở về quê nhà ngoài 180 nghìn đồng còn thêm chiếc xe đạp giải phóng. Chú mua các phụ tùng ở trong Sài Gòn, mang về T21 lắp. 

Đạp xe từ T21 về nhà. Trên đường về chú bị sốt rét. Ngã lăn ra bên vệ đường, nằm mê man không biết gì suốt một đêm. Tỉnh dậy xe đạp mất, 180 nghìn đồng mất. Chú đi bộ về nhà.

3.

Cô bạn thanh niên xung phong bấy giờ đang làm thống kê cho một đơn vị Thanh niên Xung phong Ban 67 Đà Nẵng. Biết chú đã trở về cô cũng thôi công việc ở đó, về quê nhà làm vợ anh thương binh.

Con gái chào đời được bảy ngày thì nước lũ dâng cao. Mẹ con bà cháu được cứu hộ đưa đến nhà bà ngoại. Chú ở lại để canh lũ. Hai tuần chú nằm trên cây nhãn. Anh trai chèo thuyền mang tới ít bột nén thành viên ăn cầm hơi qua ngày. Nước có lúc dâng lên chạm vào bụng. Ngôi nhà bị trôi. Còn lại bộ quần áo trên người.

Sau lụt xã xét duyệt tình trạng ngập lụt, gia đình chú xếp vào hạng nặng nhất. Tiêu chuẩn được hưởng là mỗi người 60 kg gạo - gia đình chú bốn người, 1 bộ quần áo, 1 cái chăn, 1 cái màn, 1 bộ nồi.

Ba tháng sau gia đình chú được nhận: 60 kg mì hạt, 1 quần xanh chéo Nam Định, 1 cái nồi, 1 cái chiếu 1m6, 3 kg sữa bột. 3 kg sữa bột này đựng trong thùng. Chú pha một cốc uống bị đau bụng tiêu chảy suốt mấy ngày, đành phải đổ đi.

Bộ đội làm cho cái nhà tạm. Bốn tháng sau nhà bị cháy.

Ngày chú từ T21 trở về đã mang giấy tờ nộp cho xã. Chú được tiêu chuẩn nhận 90kg gạo ăn trong 6 tháng, 6 tháng còn lại tự lo liệu.

Thực tế chú chỉ được 15 kg gạo tấm, sắn tươi và mì hạt.

Vợ sinh con, đói quá, đến xin cấp thêm nhưng xã không cho. Câu trả lời lần nào cũng là “chúng tôi còn phải cân đối”. Chú làm căng, họ lại bảo, chú lấy tư cách gì mà đòi cấp thêm, quyết định đâu.

Hôm đó trên Huyện về xã khánh thành một công trình. Chú đến khi đang mâm cao cỗ đầy liên hoan. Chú đi thẳng vào báo cáo đầu đuôi sự việc giữa lúc họ đang ăn. Được cấp thêm gạo. Nhưng cũng từ đó người ta xì xào, cho rằng chú bị khùng.

Những sự việc như vậy cứ liên tục diễn ra. Chú bức xúc. Chú cảm thấy như mình bị lừa. Cảm thấy chứ khi đó không diễn tả ra được. Đêm không ngủ, cứ chằm chằm nhìn vào hư không. Cuộc sống sao mà buồn quá. Thấy mình lạc lõng, bơ vơ.

Chịu đựng đến năm 1984, chịu không nổi nữa, chú xin ra khỏi Đảng. Lần nữa người ta lại nói chú bị điên loạn. Vài người tiếc cho chú đã phấn đấu đến được từng này tuổi đảng rồi bỏ dở. Chú không cùng suy nghĩ với họ nữa.

Chú nói, đúng rồi, tôi điên loạn đấy. Thời buổi loạn điên mới sinh ra những người điên loạn như tôi.

Cái ăn thiếu thốn, vườn tược chẳng trồng được gì, nhà chú bên bờ sông Lam mỗi năm vài ba đợt lũ tràn.

1985, bỏ lại hết, chú đưa mẹ con vào Nam tìm kế sinh nhai.

Vào đây bên thị trấn muốn chú tới làm việc nhưng chú từ chối. Chú có thể giúp họ bất cứ việc gì trong khả năng của mình nhưng vào trong bộ máy đó nhất quyết không.

4.

Trên mình chú còn bốn mảnh bom. Mỗi khi trở trời lại đau nhức. Mảnh bom ở gáy, mảnh ở má, mảnh ở đùi, mảnh nằm ở hông.

Hai anh trai của chú từ chiến trường về sức khỏe yếu quá không làm việc được. Một người anh đã mất, một người nằm liệt một chỗ hơn mười lăm năm. Anh tham gia mặt trận B5. Chú nhờ bên xã làm hồ sơ chất độc da cam cho anh. Người ta nói phải chạy ba mươi triệu.

5.

Bốn đứa con, ba đứa đã lập gia đình. Mỗi đứa một câu chuyện buồn. Mỗi đứa một dại dột khác nhau. Bố mẹ chỉ biết cố hết sức để nuôi con ăn học, có nghề nghiệp chứ không thể sống thay con được. Trong vòng tay cha mẹ đứa nào cũng ngoan ngoãn thật thà. Nhưng rồi tính tốt lành đó đã hại các con khi ra giữa cuộc đời.

Chú bỏ quê ra đi. Muốn tìm cuộc sống tốt hơn cho con cái sau này. Muốn tránh hết những nhiễu nhương nhân tình thế thái. Nhưng ra Bắc hay vào Nam, số phận của các con chú không quyết được. Khôn dại hay may mắn chẳng phân biệt vùng miền.

Người nông dân làm rẫy vụ mùa này mất chờ tới vụ mùa khác bù đắp. Cha mẹ buồn về con cái là buồn không mùa vụ.

Hôm nay cháu đến thăm gia đình là vì chuyện con gái chú. Ngồi với cháu suốt buổi chiều nay chú cứ nghèn nghẹn trong lòng. Chú thấy cháu như là đứa con thấu hiểu cha mình.

Vâng chú, cháu cũng vậy. Khi chú nói một câu mà cách đây chín năm cha cháu đã nói với con gái. So với anh em đồng đội đã hy sinh khi tuổi đời mười tám hai mươi thì mình thật may mắn.

Đạn bom đã cho người lính sống sót trở về một so sánh thật nghiệt ngã.

Tác giả bài viết: Phan Thúy Hà, từ Hà Nội