BỐN THẾ KỶ CHÀNG “HIỆP SĨ MẶT BUỒN” (Phần 1)
- Chủ nhật - 18/12/2016 19:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Mơ giấc mộng hão huyền - Chiến đấu với kẻ thù bất bại - Chịu đựng nỗi buồn đau cùng cực - Tới nơi những kẻ gan dạ cũng không dám đặt chân...” (*)
Nghe bản audio ở đây.
Trong những hành trình tới Tây Ban Nha, quốc gia nằm ở vùng Nam Châu Âu, thế nào cũng có dịp đi qua vùng Castile-La Mancha với những cánh đồng bạt ngàn hoa hướng dương mà thủ phủ của nó là cố đô Toledo, thành phố hoàng gia một thuở, Di sản Văn hóa Thế giới UNESCO, còn được gọi bằng mỹ từ khác là “Hồn cổ Châu Âu” với bề dày lịch sử hơn hai ngàn năm.
Thế nào, dọc đường đi, chúng ta cũng sẽ thấy nhiều chiếc cối xay gió - có lúc quay tít theo chiều gió, có lúc thủng thẳng, tư lự khi gió lặng. Hình ảnh chiếc cối xay gió gợi nhớ tới Don Quijote, nhân vật chính trong tác phẩm cùng tên (**) của đại văn hào Miguel de Cervantes (1547-1616), nhà văn lớn nhất của các quốc gia nói và sử dụng tiếng Tây Ban Nha, đồng thời là một biểu tượng của đất nước này.
Được xuất bản thành hai phần trong hai thập niên đầu thế kỷ 17 và tới nay đã được dịch ra ít nhất là 50 thứ tiếng, “Don Quijote, nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha” là tác phẩm lớn nhất, gây ảnh hưởng và điển hình nhất của nền văn học Tây Ban Nha. Đồng thời, nó cũng được xem như cuốn tiểu thuyết đầu tiên được viết bằng ngôn ngữ Châu Âu hiện đại, một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của thời Phục Hưng.
Một cuộc điều tra năm 2002 do Viện Nobel Na Uy tiến hành để tìm ra 100 tác phẩm kinh điển của nền văn học thế giới cho thấy Don Quijote là tiểu thuyết hay nhất trong mọi thời đại, vượt xa các đối thủ khác. Đây cũng là cuốn sách có nhiều người đọc nhất (được xem như chỉ sau “Kinh Thánh”), và thường được coi là nền tảng của nền văn học hiện đại Phương Tây.
Trong những hành trình tới Tây Ban Nha, quốc gia nằm ở vùng Nam Châu Âu, thế nào cũng có dịp đi qua vùng Castile-La Mancha với những cánh đồng bạt ngàn hoa hướng dương mà thủ phủ của nó là cố đô Toledo, thành phố hoàng gia một thuở, Di sản Văn hóa Thế giới UNESCO, còn được gọi bằng mỹ từ khác là “Hồn cổ Châu Âu” với bề dày lịch sử hơn hai ngàn năm.
Thế nào, dọc đường đi, chúng ta cũng sẽ thấy nhiều chiếc cối xay gió - có lúc quay tít theo chiều gió, có lúc thủng thẳng, tư lự khi gió lặng. Hình ảnh chiếc cối xay gió gợi nhớ tới Don Quijote, nhân vật chính trong tác phẩm cùng tên (**) của đại văn hào Miguel de Cervantes (1547-1616), nhà văn lớn nhất của các quốc gia nói và sử dụng tiếng Tây Ban Nha, đồng thời là một biểu tượng của đất nước này.
Được xuất bản thành hai phần trong hai thập niên đầu thế kỷ 17 và tới nay đã được dịch ra ít nhất là 50 thứ tiếng, “Don Quijote, nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha” là tác phẩm lớn nhất, gây ảnh hưởng và điển hình nhất của nền văn học Tây Ban Nha. Đồng thời, nó cũng được xem như cuốn tiểu thuyết đầu tiên được viết bằng ngôn ngữ Châu Âu hiện đại, một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của thời Phục Hưng.
Một cuộc điều tra năm 2002 do Viện Nobel Na Uy tiến hành để tìm ra 100 tác phẩm kinh điển của nền văn học thế giới cho thấy Don Quijote là tiểu thuyết hay nhất trong mọi thời đại, vượt xa các đối thủ khác. Đây cũng là cuốn sách có nhiều người đọc nhất (được xem như chỉ sau “Kinh Thánh”), và thường được coi là nền tảng của nền văn học hiện đại Phương Tây.
Bối cảnh và thời điểm mà Cervantes khởi viết tiểu thuyết của ông là thế kỷ 15-16, khi ở Tây Ban Nha và trên toàn Châu Âu rất thịnh hành những câu chuyện, những cuốn sách hoang đường về những chàng hiệp sĩ “thế thiên hành đạo” hiên ngang trong những chuyến hành hiệp trên mọi nẻo đường, mang theo mối tình thơ mộng và thanh tao với một ý trung nhân nào đó.
Quixada, một nhà quý tộc nghèo trạc ngũ tuần sống ở làng Mancha, miền Castile, vốn rất say mê những câu chuyện “kiếm hiệp kỳ tình” như vậy, nên không tiếc tiền mua sách và và dần dần, sống trong một thế giới mộng tưởng của những mối tình thơ mộng, những trận chiến diệt trừ yêu quái, giải cứu người vô tội mà đặc biệt là những mỹ nữ kiêu sa...
Với tâm tưởng như thế, đến một thời điểm nhà quý tộc này không còn phân biệt được hiện thực và những mơ tưởng, với chàng ta một tửu quán tầm thường ven đường có thể là hang ổ của bọn ma quái hoặc lâu đài nguy nga tráng lệ, mỗi chủ quán là một vị quan quyền cao chức cả, hoặc ả gái bán hoa cũng trở thành công nương kiều diễm...
Không ý thức được là mình đã mắc chứng loạn óc, lúc điên lúc tỉnh, Quixada tự cho mình bổn phận phải trở thành một hiệp sĩ lang thang chu du nay đây mai đó, để “giữa đường gặp sự bất bình không tha”, nhằm thiết lập sự công bằng và trật tự vì danh dự bản thân và trách nhiệm với cộng đồng, với những người chân yếu tay mềm.
Để làm được điều đó, Quixada bèn đổi tên là Don Quijote, tự xưng là nhà quý tộc xứ Mancha và nhờ một tay chủ quán phong cho là hiệp sĩ. Rồi chàng bán nhà, vay mượn tiền nong, chuẩn bị vũ khí, áo giáp, sau đó phong cho chú ngựa còm cõi của mình cái tên Rocinante (chiến mã cừ khôi nhất trong số các chiến mã) rồi rong ruổi lên đường.
Chưa hết, theo đúng lệ bộ đương thời là cần một ý trung nhân xinh đẹp, Don Quijote chàng đã chọn một cô nông dân tầm thường mà chàng thầm yêu trộm nhớ từ thời trẻ để làm người tình trong mộng, đặt cho cô cái tên mỹ miều là Công nương Dulcinea xứ Toboso (Dulcinea có nghĩa là người đàn bà đẹp nhất trong số những người đàn bà).
Đến đây, câu chuyện bắt đầu mô tả những chuyến khởi hành của chàng hiệp sĩ Don Quijote, luôn đi kèm với những trận giao đấu tức cười do chàng thách đánh, mà kết quả đa phần là chàng phải nhận phần thua thảm hại. May là chàng tuyên thêm được một hàng xóm - bác nông dân cục mịch và hám lợi Sancho Panza - làm giám mã và đỡ đần khi cần.
Tác phẩm của văn hào Cervantes đã để lại trong lịch sử văn học thế giới những hình ảnh bất hủ, về hai thầy trò trên con đường thiên lý của xứ Tây Ban Nha - thầy cao lòng khòng cưỡi con ngựa gầy nhẳng, trò béo, bụng phệ và lùn tịt cưỡi lừa mập lùn - với rất nhiều câu chuyện kỳ thú và bi hài cười ra nước mắt đã trở thành điển tích nổi tiếng trong nền văn minh nhân loại.
Chẳng hạn, thành ngữ “đánh nhau với cối xay gió” bắt nguồn từ một trong những câu chuyện đáng nhớ trong tác phẩm, ám chỉ chỉ những ảo tưởng vô vọng của con người. Đó là trong lần xuất hành đầu tiên, trên cánh đồng vùng Montiel chàng hiệp sĩ tự phong giao chiến với những cối xay gió mà chàng cứ nghĩ đó là bọn người khổng lồ xấu xa, cần chinh phục.
Tên của chàng “hiệp sĩ mặt buồn” Don Quijote - người được tiểu thuyết hàng đầu người Nga Fyodor Dostoevsky coi là nhân vật anh hùng bậc nhất trong văn học và luôn tỏ lòng ngưỡng mộ - sau này thường được sử dụng - với hàm ý tốt, cảm thông - để chỉ những người lãng mạn nhưng có những suy nghĩ và hành động thiếu thực tế, duy ý chí.
Tựu trung, qua hình tượng Don Quijote mà dường như tác giả đã thai nghén trong cảnh bị tù giam và có những trải nghiệm của kẻ nô lệ, văn hào muốn phản ánh tính đa diện của con người - bên cạnh tính cách gàn dở, mộng mơ của một kẻ nửa mê nửa tỉnh (mà mê nhiều hơn tỉnh), là sự tế nhị, thương yêu đồng loại, yêu quý tự do và trọng đạo lý.
Thông qua cuốn sách được coi là “gối đầu giường” của nhiều thế hệ yêu văn học này, Cervantes bày tỏ mong mỏi cho một xã hội hậu phong kiến nhân bản và công bằng hơn - đó chính là thời kỳ Phục Hưng rực rỡ sau nhiều thế kỷ của đêm trường Trung Cổ tại Châu Âu, mà tiểu thuyết của ông là một trong những đỉnh cao của văn hóa và nhân văn của thời kỳ đó.
Ghi chú:
(*) Lời ca khúc “Giấc mộng hão huyền” (The Impossible Dream) trong nhạc kịch “Người đàn ông xứ Mancha” (Man of La Mancha, 1964). Bản dịch Việt ngữ của mạng loidichvn.com.
(**) Nguyên tác “El Ingenioso hidalgo Don Quijote de la Mancha”, xuất bản làm hai phần vào các năm 1605 và 1615. Tác phẩm đã có nhiều ấn bản Việt ngữ, kể cả bản rút gọn và dành cho thiếu nhi. Bản đầy đủ được coi là của dịch giả Trương Đắc Vị, chuyển ngữ năm 1979 từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha.