Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BÁO CHÍ VÀ QUYỀN RIÊNG TƯ CỦA “NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG”

(NCTG) “Là người của công chúng, họ sẽ mất đi hoặc phải chịu chấp nhận mất đi sự riêng tư. Sẽ là vô lý nếu họ có thể chỉ lợi dụng truyền thông để làm lợi cho mình bằng cách xây dựng hình ảnh đẹp đẽ của mình, hoặc ít nhất theo cách mà họ muốn. Trở thành người của công chúng cũng đồng nghĩa với việc họ đã “ký một bản hợp đồng” để cho cả những chuyện “không tốt đẹp” của mình không còn là riêng mình nữa”.
Bức ảnh được coi là ghi lại giây phút thân mật giữa Hồ Ngọc Hà với một đại gia buôn kim cương, đang khiến một bộ phận “cư dân mạng” xôn xao trong vài ngày qua
Những ngày qua, thông tin về những lùm xùm nghi án người thứ ba của ca sĩ nổi tiếng Hồ Ngọc Hà tràn ngập các trang mạng. Bắt nguồn từ một số bức ảnh một người đàn ông lạ (không phải chồng Hồ Ngọc Hà) ôm hôn nữ ca sĩ, “cư dân mạng” đã tìm ra rằng anh ta là một người giàu có, có vợ và các con nhỏ. Trên các diễn đàn, người người bàn tán và chia sẻ quan điểm: phản đối có, thương cảm có.

Nhưng không dừng ở đó, sự việc gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ trên diễn đàn dành cho phụ nữ. Số trả lời lên tới hơn 200 trang. Họ cũng nhanh chóng lập Facebook kêu gọi tẩy chay cô ca sĩ hiện đang là đại sứ thương hiệu cho nhiều nhãn hàng sản xuất và bán hàng hóa phục vụ gia đình gồm cả nước uống, đầu gội, bột giặt, v.v… do đi ngược những giá trị cốt lõi của gia đình. Số người đăng ký thành viên trang Facebook tẩy chay Hồ Ngọc Hà hoặc thích (like) trang fanpage của nhóm này tăng lên rất nhanh.

Hiện tại, hơn 7 nghìn người đăng ký thành viên bên cạnh hơn 14 nghìn người thích fanpage đó. Các nhãn hàng có sử dụng hình ảnh ca sĩ Hồ Ngọc Hà quảng cáo hoặc làm đại sứ thương hiệu cũng nhận được thư điện tử, tin nhắn điện thoại, tin nhắn trên trang nhà mỗi lúc một nhiều. Những người tẩy chay đang tăng này thống nhất với nhau trong bày tỏ một thông điệp là nếu nhãn hàng không đổi người đại diện thương hiệu, họ sẽ không mua hàng của hãng đó. Và thế là phong trào “hóa đơn không Hà Hồ” (#hoadonkhongha; #saynotoha) ra đời.

Báo chí Việt Nam bắt đầu đưa tin phản ánh. Nhiều góc cạnh trong đó có nhiều bài báo kêu gọi mọi người cần tôn trọng quyền riêng tư của ca sĩ Hồ Ngọc Hà, rằng việc tẩy chay của họ không khác “đám đông độc ác khi ném đá tập thể một người”, rằng những phụ nữ đang tẩy chay là “đám đông xấu xí ganh ghét với cô ca sĩ xinh đẹp”… Đại diện một nhãn hàng khi lên tiếng thì theo câu trích dẫn lại coi nhóm người tiêu dùng này là nhóm chống đối.

Có quá ít bài báo thực sự nhìn sâu vào thông điệp mà những người phụ nữ này muốn gửi tới xã hội. Điều đó khiến cho hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại. Các nhãn hàng khác và ca sĩ Hồ Ngọc Hà đứng giữa (có đang) lúng túng nên hành động thế nào cho phải. Im lặng cho qua cơn bão giận dữ có vẻ đang là phương án. Còn trên diễn đàn, các phụ nữ vẫn chụp và chia sẻ những hóa đơn mua hàng của gia đình họ hàng ngày trong phong trào tẩy chay trên.

Chưa biết rồi câu chuyện sẽ tiến triển như thế nào trong những ngày tới, nhưng các công ty có nhãn hàng liên quan cần đánh giá đúng phản ứng không tích cực từ công chúng và người tiêu dùng đối với thương hiệu của họ, và có động thái xoa dịu người tiêu dùng trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng cũng như ảnh hưởng không mong muốn từ đại sứ thương hiệu họ đã ký hợp đồng.

Các nhãn hàng sẽ phải đưa vào nhiều điều khoản chặt chẽ, chi tiết hơn khi ký hợp đồng thuê người nổi tiếng làm đại diện thương hiệu trong đó nêu cụ thể tình huống nào sẽ dẫn tới việc cắt và đền bù hợp đồng nếu đại diện thương hiệu vô tình hay cố ý gây scandal hoặc không giữ gìn hình ảnh trước công chúng.

Và với những người của công chúng, những đại sứ thương hiệu, những người được lựa chọn ký hợp đồng quảng cáo với số tiền khá cao tỉ lệ thuận với sự nổi tiếng của họ nhờ sở hữu lượng người hâm mộ (fan) cũng nên tìm hiểu để hiểu rõ về quyền riêng tư. Đâu là giới hạn mà họ được tôn trọng hoặc bị mất quyền riêng tư?

 
Hồ Ngọc Hà, ca sĩ có nhiều bê bối trên báo chí. Đâu là giới hạn của quyền riêng tư? - Ảnh: giaoduc.net.vn
Hồ Ngọc Hà, ca sĩ có nhiều bê bối trên báo chí. Đâu là giới hạn của quyền riêng tư? - Ảnh: giaoduc.net.vn

Sự ra đời của hàng loạt trang báo mạng trong những năm gần đây đã khiến nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó một vấn đề còn gây nhiều tranh cãi là vấn đề quyền riêng tư của các cá nhân.

Với những ai theo dõi tin tức thường xuyên chắc không lạ với những vụ lùm xùm trong giới showbiz. Và những cái tên như Hiệp “Gà”, Hồ Ngọc Hà hay Cao Thái Sơn đã trở thành đề tài trong nhiều cuộc “trà dư tửu hậu” cho những ai quan tâm đến các nhân vật nổi tiếng. Từ chuyện cưới chồng khi 16-17 tuổi của Hồ Ngọc Hà đến những thông tin hết sức riêng tư về Hiệp “Gà” bỏ người cũ theo tình mới, tất cả đều được “phơi ra”.

Dường như chưa hề có một đáp án hay căn cứ nào để giúp cho từ phóng viên đến các nhân vật nổi tiếng kia biết về những chi tiết nào trong đời sống của họ “được hay không được” xuất hiện trên mặt báo. Về phía báo chí, họ phải làm gì để tránh rơi vào các vụ kiện tụng thường lấy đi không ít thời gian mối bận tâm của các tòa soạn. Đâu là giới hạn của sự riêng tư cá nhân? Báo chí có thể viết gì và không viết gì về các cá nhân?

Sau khi vụ xì căng đan của cô xảy ra, ca sĩ Hồ Ngọc Hà lên tiếng trên báo chí sẽ đâm đơn kiện một tờ báo khi báo này đưa tin chưa chính xác về việc cô lấy chồng hồi năm 16 tuổi. Lý do ban đầu cô dọa sẽ kiện là vì cô cho rằng báo chí đã “xâm hại đời tư” và có phần đưa thông tin sai sự thật “bôi nhọ gia đình cô”. Nếu Hồ Ngọc Hà kiện tờ báo ấy là “xâm hại đời tư” thì chuyện thắng là điều không tưởng. Ở đâu cũng vậy. Vì đối với những người của công chúng thì làm chuyện đó không dễ, kể cả người thân của họ.

Trong nền báo chí Mỹ, nơi các báo thường xuyên đưa những thông tin sai sự thật về người nổi tiếng mà không bị kiện chính là vì tòa án bắt bên nguyên đơn phải cụ thể hóa các thiệt hại. Vì nếu họ được xử thắng nghĩa là bên bị đơn phải trả tiền bồi thường thiệt hại có tính trừng phạt được tính dựa trên số thiệt hại.

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi tập trung làm rõ khái niệm “người của công chúng”, “quyền tự do báo chí” và “quyền riêng tư” với hy vọng cả báo chí và đối tượng của báo chí ý thức rõ hơn quyền lợi chính đáng của mình. Bên cạnh đó là việc làm rõ yếu tố cấu thành “Người của công chúng” bao gồm Người nổi tiếng (Celebs) và Quan chức/công chức (Public figure/Public official) cũng như giới hạn về quyền riêng tư của họ.

Quyền tự do báo chí

Các nền báo chí tiên tiến đều gặp nhau ở một điểm đó là Tự do báo chí, tự do ngôn luận. Báo chí có quyền tìm kiếm và đưa ra ánh sáng sự thật khách quan một cách công bằng. Tại Hoa Kỳ, Tu chính án thứ nhất (First Amendment) quy định Quốc hội không được thông qua bất kỳ điều luật nào hạn chế, cản trợ tự do ngôn luận, tự do báo chí trong đó có việc việc báo chí đưa tin, viết bài.

Quốc hội không được làm một luật nào liên quan đến việc thiết lập tôn giáo, hoặc ngăn cấm tự do lập tôn giáo, hoặc ngăn trở tự do ngôn luận, ngăn trở tự do báo chí hoặc quyền của người dân tụ tập một cách hòa bình, và khiếu kiện tới chính quyền để giải quyết nỗi thống khổ của họ”.

Chức năng quan trọng của báo chí mà người ta thừa nhận là chức năng phản ánh thực tế và giám sát. Nhiều ví dụ cho thấy, báo chí đã thực hiện chức năng này một cách khá tốt là đưa ra ánh sáng những “bí mật riêng tư” có liên quan đến tư cách đạo đức cần phải được xem xét của người của công chúng bao gồm người nổi tiếng và quan chức.

Lấy ví dụ không xa. Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008, Ông John Edwards, Thượng nghị sĩ bang Bắc Carolina là ứng cử viên sáng giá cho chức Tổng thống Hoa Kỳ đã phải từ bỏ cuộc chạy đua sau khi tờ National Enquirer đưa ra phóng sự ghi lại mối quan hệ nam nữ ngoài luồng của ông.

Sự việc John Edwards có bồ nhí và con gái nhỏ mới sinh trong khi vẫn đang tạo dựng hình ảnh người chồng mẫu mực chăm sóc vợ đang bị ung thư giai đoạn cuối đã làm thất vọng rất nhiều cử tri. (Edwards từng được nhiều cử tri và người dân ủng hộ nhờ hình ảnh về một gia đình hạnh phúc nơi ông chăm lo cho người vợ bị ung thư của mình, và hai người luôn sát cánh bên nhau trong thời gian vận động tranh cử).

Tuyệt nhiên, không có một đơn kiện nào từ Edwards về việc ông bị “xâm phạm đời tư, quyền riêng tư”. Đơn giản, cái-được-gọi-là-riêng-tư ấy của ông không còn là vấn đề riêng tư nữa khi ông quyết định gia nhập chính trường, hay quyết định trở thành người của công chúng. Nói một cách khác người của công chúng thường phải chấp nhận việc để cho đời tư của mình bị “soi mói” (public scrutiny).

Đối với các vấn đề liên quan đến điều tra, thì báo chí tại nhiều quốc gia phát triển có được không gian tự do hơn để đưa các vấn đề này ra công chúng. Và bên bị phơi bày cũng nhận rõ thực tế đã là người của công chúng thì cũng cần ý thức rằng bản thân cũng đang hoặc sẽ bị giám sát về tư cách, mỗi hành vi cũng như ứng xử hay việc làm của mình.

Không phải là ít các vụ việc báo chí trên thế giới bị dính vào những vụ kiện liên quan đến Xâm phạm Quyền riêng tư. Có thắng, có thua, tuy nhiên, nếu có yếu tố liên quan đến “người của công chúng” thì Tòa luôn cân nhắc chặt chẽ để bảo đảm tự do báo chí.

Quyền riêng tư của Người của công chúng. Giới hạn nào cho họ và cho báo chí?

Đi tìm câu trả lời cho giới hạn riêng tư cho người của công chúng, tờ “USA Today” từng chạy bài viết “Người của công chúng đáng được hưởng bao nhiêu sự riêng tư?” khi vụ ngoại tình của Ông vua Golf Tiger Woods được phát hiện.

Ngay sau báo chí đưa tin ông vua sân Golf Tiger Woods có quan hệ tình cảm ngoài luồng thì cuộc sống riêng tư, quan hệ gia đình của Woods bị khai thác và cuộc sống riêng tư của anh đã bị đảo lộn khi nằm trong tâm bão quan tâm của công chúng. Tiger Woods cũng đã gửi tới công chúng lời xin lỗi sâu sắc sau vụ ngoại tình của mình. Anh cam kết sẽ trở thành người chồng tốt, người cha tốt của hai đứa con nhỏ. Anh đã cầu xin “sự riêng tư đơn giản và rất con người” như của một con người bình thường.

“USA Today”, trích lời ông Mike Paul, chuyên gia quan hệ công chúng và giải quyết khủng hoảng làm việc tại New York rằng đã là người nổi tiếng thì cần phải chấp nhận sự phơi bày riêng tư ấy. “Tin tốt là anh được trả rất nhiều tiền. Tin xấu là: Sự riêng tư ư? Anh đùa đấy à? Nó tự đi ra ngoài cửa sổ mất rồi”.

Cũng theo Paul, các chính trị gia đang chạy đua một ghế vào các cơ quan công quyền biết rằng họ đang đặt họ và gia đình vào sự quan tâm soi xét của công chúng. Woods nhẽ ra phải biết điều tương tự khi bỏ túi hàng chục triệu đô tiền tài trợ từ các công ty như Nike, Gillette và Gatorade và định vị bản thân như là một hình mẫu và biểu tượng của sự xuất sắc.

Bạn có quyền đòi hỏi sự riêng tư”, Paul nói. “Câu trả lời là: chúng tôi không cho bạn. Bạn từ bỏ nhiều để đạt được nhiều. Chúng tôi giờ là một phần cuộc sống của bạn - cuộc sống nơi công cộng cũng như cuộc sống riêng tư”.

Như vậy, cần có sự hiểu rõ về cái gọi là “Người của công chúng” (Public figure) sẽ giúp hiểu hơn về giới hạn quyền riêng tư của họ và đâu là điểm dừng của báo chí?

Tại Hoa Kỳ, theo Jenblacksheep, điều 8 Quyền con người năm 1998 công dân được bảo vệ cuộc sống riêng tư và cuộc sống gia đình, nhà riêng cũng như những trao đổi thư tín mà Chính phủ không được can thiệp. Tuy nhiên, sự riêng tư đó có thể bị phá vỡ trong một số trường hợp. Vi phạm Quyền con người chỉ áp dụng cho Chính phủ, còn vi phạm riêng tư từ phía một người, công ty thì không bị coi là vi phạm quyền con người.

Lý do là tại Hoa Kỳ, báo chính thống và báo lá cải do tư nhân sở hữu không bị quy là vi phạm Quyền con người khi vi phạm quyền riêng tư để có tin. Tuy nhiên, tác giả này cũng tin rằng dù không có luật quyền riêng tư bảo vệ người của công chúng khỏi sự xâm phạm của truyền thông, thì ít nhất phải có sự quở trách về mặt đạo đức về xâm phạm đó.

Có nhiều mức độ đánh giá khác nhau biện minh cho việc xâm phạm riêng tư phụ thuộc vào vị trí xã hội trong con mắt của công chúng. Theo đó, nhóm 1 là những người có vị trí quyền lực và trách nhiệm (các chính trị gia, quan chức chính phủ các cấp, các vị trí dân cử, dân bầu). Nhóm 2 là những người nổi tiếng; người kiếm tìm sự nổi tiếng, lọt vào mắt của dư luận, sự quan tâm của công chúng chứ không phải vì vị trí trách nhiệm của họ. Nhóm 3 là người bình thường nhưng rơi vào sự quan tâm của công chúng vì có người thân nổi tiếng, hoặc một sự kiện, thảm hoạ mà họ là một phần không tách rời, là nhân chứng.

Dự án Luật truyền thông công dân (Citizen Media Law Project - CMLP đã đưa ra một danh sách với ví dụ đi liền để giúp bạn hiểu hơn những đối tượng nào được coi là Người của công chúng. Với những vị trí được dân bầu lên được coi là Quan chức chính phủ (Public Offfcial) ví dụ Thị trưởng thành phố, hoặc Tổng thống Hoa Kỳ (ví dụ George W. Bush). Người thân của họ như các phu nhân, đệ nhất phu nhân (ví dụ Laura Bush) - những người có quyền và ảnh hưởng nhất định trong xã hội cũng được coi là người của công chúng (tất nhiên có giới hạn).

Ngoài ra, người của công chúng còn gồm những người nổi tiếng, những người có quyền và ảnh hưởng nhất định tới xã hội như các lãnh đạo tập đoàn lớn và người giàu có nhất trên thế giới (ví dụ Bill Gates). Người được biết đến trên báo chí nhờ thành công của họ trong lĩnh vực chuyên môn (ví dụ Roger Clemens, vận động viên thể thao nổi tiếng) hay một chuyên gia nổi tiếng trong một lĩnh vực nào đó từng có thành công nhất định. Còn tất nhiên, những người như ông chủ cửa hàng bán rau củ hay người hàng xóm ngượng ngùng cạnh nhà bạn thì không được coi là người của công chúng.

Như vậy, hiểu theo CMLP, thì người nổi tiếng (bao gồm và không hạn chế) là những người nổi tiếng được công chúng biết tới rộng rãi (ca sĩ, nghệ sĩ, nhà khoa học nổi tiếng) và các quan chức chính phủ, chức vị do dân cử, dân bầu, các nhà chính trị có ảnh hưởng quyền lực tới xã hội.

Trang expert law cũng gần giống với Jenblacksheep khi cho rằng Người của công chúng bao gồm nhiều đối tượng hơn, chứ không chỉ gồm người nổi tiếng và chính trị gia. Có người trở thành người nổi tiếng một cách miễn cưỡng khi bỗng nhiên được công chúng quan tâm, ví dụ một người trở thành nhân vật được truyền thông để ý tới trong một vụ việc liên quan đến tội phạm lớn.

Từ các định nghĩa này cần thấy rằng một khi trở thành người của công chúng (dù có nổi tiếng bất đắc dĩ, ngoài ý muốn), người đó nhận được sự quan tâm lớn của công chúng. Xã hội có những kỳ vọng nhất định về họ. Đôi khi dù muốn hay không người ấy được nhiều bộ phận trong xã hội coi là “tấm gương”, là “hình mẫu” về văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tư cách cũng như cách ứng xử. Nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, dẫn chương trình hay nhà khoa học trở thành thần tượng của một số lớn bộ phận dân chúng khi họ xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các quan chức chính phủ - những người ra quyết định có thể gây ảnh hưởng lớn đối với nhiều người, thì các chi tiết về đời tư của họ có thể gây ảnh hưởng đến quyết định của họ. Tuy nhiên trong trường hợp các quan chức hay chính khách thì đối với những chi tiết không liên quan đến sự nghiệp của họ mà báo chí vẫn đưa thì có thể coi là vi phạm quyền riêng tư. Còn nếu chi tiết đó có liên quan đến sự nghiệp của họ thì báo chí không gặp phải vấn đề gì.

Và do đó, nhất cử nhất động của “người của công chúng” đều được công chúng dõi theo cũng như quan tâm sâu sát. Báo chí là phương tiện mà qua đó công chúng được biết họ đang làm gì và như thế nào. Mọi thứ quanh họ sẽ ồn ào hơn. Báo chí săn đuổi họ nhiều hơn.

Quay trở lại vấn đề về luật pháp, sở dĩ các nhà làm luật dựng nên những bức tường cao như vậy cho người của công chúng phải vượt qua khi muốn kiện báo chí vì nếu nhìn một cách công bằng hơn, chính những người của công chúng này đã không ít lần tìm cách để thu hút sự chú ý của báo chí.

Người nổi tiếng nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng và nhiều khi cả “đặc ân”. Họ có sự tiếp cận báo chí, truyền thông dễ dàng hơn. Họ lên báo dễ hơn người bình thường. Nhiều người khôn khéo hơn cũng không bỏ qua cơ hội ’sử dụng’ báo chí, dùng truyền thông để tạo dư luận, để đưa ra thông điệp tới quần chúng và thực hiện mục tiêu của mình. Ca sĩ dùng báo chí để quảng cáo, PR cho kế hoạch ra album, tour diễn.

Nhờ sự nổi tiếng, họ có thể sô diễn nhiều hơn, hoặc hét cat-xê cao hơn cho mỗi lần xuất hiện của mình. Chính trị gia vận động tranh cử, nhà khoa học giới thiệu nghiên cứu, phát minh hay đơn giản lên tiếng trước một vấn đề xã hội. Bạn có đồng ý là với cùng một câu nói hoặc nhận định về một vấn đề thì thông điệp sẽ mạnh hơn khi nó xuất phát từ một người nổi tiếng hơn là người bình thường trong xã hội?

Mặt trái của sự nổi tiếng đó là người của công chúng thì họ sẽ mất đi hoặc phải chịu chấp nhận mất đi sự riêng tư. Sẽ là vô lý nếu họ có thể chỉ lợi dụng truyền thông để làm lợi cho mình bằng cách xây dựng hình ảnh đẹp đẽ của mình, hoặc ít nhất theo cách mà họ muốn. Trở thành người của công chúng cũng đồng nghĩa với việc họ đã “ký một bản hợp đồng” để cho cả những chuyện “không tốt đẹp” của mình không còn là riêng mình nữa. Cùng là một hành vi ấy thì với một người bình thường trong xã hội sẽ ít bị “săm soi” hơn người nổi tiếng.

Dù bất kỳ khi nào, và hơn ai hết bước chân vào thế giới người nổi tiếng, người của công chúng, những người đó cần tự điều chỉnh mình và hiểu rằng họ luôn chịu giám sát của xã hội thông qua báo chí.

Nói như vậy không có nghĩa là phóng viên được quyền xông thẳng vào nhà của người nổi tiếng, hay văn phòng của họ để tìm ra ý tưởng cho các bài viết của mình. Hay một cách khác nữa là xâm phạm/hack email, nghe trộm điện thoại, như những gì mà tờ “News of the World” đã làm với Hoàng gia Anh. Đó chính là những giới hạn để lại chút riêng tư ít ỏi cho những con người của công chúng.

Ở nhiều nước, như Hoa Kỳ chẳng hạn, nếu phóng viên tiếp cận, chụp ảnh một người của báo chí tại một nơi công cộng như ngoài đường, trường học thì không phạm luật. Bởi thế mới có chuyện các paparazzi phục trước cửa nhà các nhân vật nổi tiếng nhằm chớp lấy hình ảnh của họ, hay các cửa sổ trong ngôi nhà của những người nổi tiếng thường có thể ngăn bất cứ ống kính tele từ đâu đó bên ngoài.

Còn trong thời đại của internet như hiện nay, việc gìn giữ các trang cá nhân trên mạng cũng có những ranh giới rõ ràng để xác định cái gì là riêng tư và cái gì thì không. Và trên thực tế thì điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của những người của công chúng. Một ca sĩ không thể để chế độ mở (public) trên facebook của mình rồi cãi rằng đó là chuyện riêng của cô trên tài khoản cá nhân, trong khi cô có lúc lại dùng chính tài khoản ấy để thu hút fans, hay quảng cáo cho album mới của mình.

Do vậy, khi người của công chúng ấy không muốn mất đi sự riêng tư thì nên đặt chế độ riêng tư “cho mình tôi” (Only me).

Quyền riêng tư, độ rộng hẹp đôi khi khác nhau giữa những người của công chúng xét theo mức ảnh hưởng của họ tới công chúng, xã hội.

Người nổi tiếng và giới nghệ sĩ: Những người nghệ sĩ, ca sĩ, v.v... có ảnh hưởng văn hóa tới công chúng, xã hội khá lớn dù quyền lực công không hơn một chính trị gia cấp cao. Với những người nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ bao gồm ca sĩ, nghệ sĩ thì việc giữ gìn hình ảnh là rất quan trọng vì sức ảnh hưởng của họ rất lớn tới lớp trẻ và người hâm mộ.

Các công chức, nhà lãnh đạo, quan chức: Là người đại diện cơ quan dân cử, dân bầu, quan chức chính phủ, Đảng. Những nhà lãnh đạo, quan chức, chính trị gia, đại biểu quốc hội hiển nhiên là đối tượng quan tâm của công chúng. Họ là đại diện cho “quyền lực công”, cho đất nước, cơ quan quản lý, cử tri đã bỏ phiếu bầu cho họ và họ sử dụng tiền thuế nhân dân đã nộp để làm việc.

Trong nhiều vụ kiện tụng liên quan đến xâm phạm đời tư, quyền riêng tư, yếu tố “người của công chúng” được tòa án xem xét kỹ càng. Đặc biệt khi nội dung bài viết đưa tin về hoạt động, hành vi, cử chỉ, lối sống của các quan chức. Tòa án cũng sẽ xét đến yếu tố lợi ích chung hay còn gọi là lợi ích công nếu đó là vì thực tế là có nhu cầu cần làm rõ sự minh bạch từ phía công chúng - những người đóng thuế để duy trì sự hoạt động của các cơ quan công quyền.

Một điều cần lưu ý nữa là yếu tố “người của công chúng” ko chỉ dừng lại ở quan chức nói chung mà còn bao gồm cả người thân của họ. Theo Mike Paul, một chuyên gia về quan hệ công chúng tại New York, người thường giúp giải quyết và quản lý khủng hoảng thì các chính trị gia Hoa Kỳ khi ra tranh cử, ứng cử vào vị trí tại các cơ quan công quyền đều hiểu rằng họ đang đặt họ và gia đình vào sự soi xét của công chúng.

Ngoài ra, một người có thể là “nhân vật công chúng” một cách miễn cưỡng. Ví dụ như khi họ bị cáo buộc liên quan trong vụ án nổi tiếng. Cho dù sau này họ được xác nhận là vô tội, họ cũng khó có thể kiện báo chí vì xâm phạm đời tư hay làm ảnh hưởng tới uy tín của họ. Và trong các vụ kiện, báo chí cũng được xem xét giảm nhẹ nếu nguyên đơn là người thân thích của quan chức, chính trị gia.

Hẳn nhiên, trong nhiều trường hợp liên quan đến lợi ích quốc gia thì ở bất kỳ nước nào, báo chí thường cân nhắc đến lợi ích công của việc công bố thông tin ấy. Việc công bố và công bố như thế nào phụ thuộc vào tư liệu chắc chắn mà báo chí có đến đâu để tự bảo vệ mình.

Báo chí được pháp luật cho phép công bố thông tin nhưng không có nghĩa là báo chí không nên giới hạn việc đưa ra những thông tin không ăn nhập, thông tin bịa đặt, không kiểm chứng nhằm bôi nhọ, bị “dắt mũi” (manipulated) đôi khi phục vụ mục đích nào đó đằng sau. Đào sâu chân tơ kẽ tóc của câu chuyện không đồng nghĩa với việc tung hết thông tin ra mà phải có kiểm chứng, thông tin chính xác, công bằng, vô tư và trung thực khi đã quyết vượt qua điểm ai-đó-cho-rằng cần-phải-dừng.

Pháp luật Việt Nam có quy định về Bí mật đời tư, quyền riêng tư của mỗi cá nhân, nhưng chưa được cụ thể. Và quy định này không nên được coi là cái khiên để từ chối, tránh né báo chí. Cũng cần hiểu rằng tự do báo chí hay quyền riêng tư không hoàn toàn là tuyệt đối và không phải tấm lá chắn để bất kỳ bên nào có thể tùy tiện sử dụng, mang ra để hù dọa nhau.

Quyền riêng tư - Một số lưu ý chung khi đưa tin

Tên tuổi, địa chỉ: Thông tin của các đối tượng bài viết như người bị bệnh tật, nạn nhân vụ tại nạn, thủ phạm trong diện nghi vấn, thủ phạm, tội phạm vị thành niên thì cũng nên được cân nhắc. Không cần đưa quá chi tiết nếu không cần thiết xét về khía cạnh thông tin bài viết.

Chi tiết tội ác: Cần giới hạn, không mô tả quá chi tiết, đặc biệt là các chi tiết phản cảm, có thể gây sốc cho dư luận hoặc tạo ra trào lưu bắt chước.

Nạn nhân của hiếp dâm, Nạn nhân của bạo hành: Tên tuổi, địa chỉ cần được bảo vệ. Những nạn nhân đó họ cần được tiếp tục sống.

Kẻ tử tội: Họ có tội, và đã phải bị chịu tội là cái chết của họ. Không nhất thiết có quá nhiều bài viết đào sâu vào tội lỗi của họ cũng như cuộc sống mòn đợi ngày xử tử sau song sắt.

Trẻ em và trẻ vị thành niên: Trẻ em dưới tuổi vị thành niên cần được bảo vệ. Tên, tuổi, hình ảnh của trẻ em cần được cân nhắc cẩn thận khi sử dụng trên báo chí (trong nhiều trường hợp cần có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người bảo hộ).

Việc phỏng vấn trích dẫn: Tôn trọng quyền phát biểu, không phát biểu của đối tượng, đặc biệt cần tuần thủ các trường hợp người trả lời phỏng vấn muốn trao đổi riêng ngoài lề (off-record) mà không muốn trích dẫn tên trong bài viết.

Tài liệu tham khảo:
Luật Báo chí nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, sửa đổi và bổ sung 1999. http://moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=7045
Bộ Luật hình sự Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009, Chương XIII. http://vi.wikisource.org/wiki/Bộluật_Hình_sựViệt_Nam_sửa_đổi,_bổsung_2009/Chương_XIII
http://www.law.cornell.edu/constitution/first_amendment
http://abcnews.go.com/blogs/politics/2008/08/john-edwards-re/
http://topics.nytimes.com/top/reference/timestopics/people/e/john_edwards/index.html
http://www.huffingtonpost.com/erik-ose/im-disappointed-in-john-e_b_117876.html
http://edition.cnn.com/2012/05/23/justice/north-carolina-edwards-trial/index.html
http://idebate.org/debatabase/debates/culture/house-believes-private-lives-public-figuresshould-be-open-press-scrutiny
http://en.wikipedia.org/wiki/Public_figure
https://www.eff.org/issues/bloggers/legal/liability/defamation#7
http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,945563,00.html
http://www.citmedialaw.org/legal-guide/examples-public-and-private-figures
http://www.citmedialaw.org/legal-guide/publishing-personal-and-private-information
http://www.expertlaw.com/library/personal_injury/defamation.html#3
http://jenblacksheep.hubpages.com/hub/Do-Public-Figures-have-Privacy-Rights
http://www.baomoi.com/Home/AmNhac/bee.net.vn/Ho-Ngoc-Ha-cuoi-nam-17-tuoi/4364757.epi
http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/ /view_content/content/149418/hoa-hau-thu-thuy-kienphong-vien-phunutoday-vn
http://www.telegraph.co.uk/news/uknews/phone-hacking/8624421/News-of-the-World-shutdown-in-bid-to-end-phone-hacking-scandal.html
http://abcnews.go.com/blogs/politics/2008/08/john-edwards-re/
http://topics.nytimes.com/top/reference/timestopics/people/e/john_edwards/index.html
http://www.expertlaw.com/library/personal_injury/defamation.html#3
https://www.eff.org/issues/bloggers/legal/liability/defamation#7
http://www.usatoday.com/NEWS/usaedition/2009-12-03-1Atiger04_CV_U.htm
http://www.economist.com/node/21537000
http://www.economist.com/node/21540110

Tác giả bài viết: Minh Thùy, từ Hà Nội