Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BẢN CÁO TRẠNG CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI BẮC HÀN

(NCTG) “Người ta có thể tự giam chính mình hoặc bất đắc dĩ vài người của mình, nhưng độc đoán cầm tù cả một dân tộc suốt cuộc đời thì đó không còn là bi kịch mà phải gọi là tội ác”.
Dịch giả Lengyel Miklós ký sách trong buổi ra mắt sách tại Budapest
Ngày 7-11 vừa qua, nhằm trúng ngày kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga, Nhà sách Libri phát hành cuốn sách “Bản cáo trạng” (Vádirai). “Cũng là một sự ngẫu nhiên thôi!” - ông Sárközy Bence, Giám đốc NXB Libri cho biết thêm.

Tác phẩm đầu tiên của tác giả còn sống ở Bắc Triều Tiên đến với bạn đọc Hungary

Không chỉ là bản án đầy uất ức, phản ánh thảm trạng thường nhật của một xã hội chuyên quyền, “Bản cáo trạng” còn là tác phẩm văn học xuất sắc đầu tiên vượt khỏi vòng kiềm tỏa Bắc Hàn, của một tác giả đang phải sống trong thế giới kín mít của chế độ độc trị đó.

Độc giả Hung cũng như thế giới còn ít biết về đời sống thường nhật trên đất nước Bắc Hàn. Gần đây truyền thông dồn dập tin tức liên quan đến các vụ thử hạt nhân cùng hình ảnh các chính khách hội họp. Cuộc sống đời thường bên trong đất nước này mới chỉ được đề cập hãn hữu trong vài tác phẩm của người nước ngoài hoặc người Bắc Triều Tiên sau khi đã ra nước ngoài viết nên.

Nhưng đây là lần đầu tiên độc giả được đọc một tác phẩm mà tác giả vẫn đang sống ngay tại quê hương mình. Gần 750 trang bản thảo nhầu nát đã phải xé lẻ và giấu lẫn lộn trong các tài liệu tuyên truyền hay trong ruột các tuyển tập Kim Nhật Thành dày cộm, được chuyển lậu khỏi biên giới, kinh qua bao pha gây cấn như trong các phim trinh thám, bởi vài người thân tín của tác giả, với sự hỗ trợ của nhiều nhà hoạt đông nhân quyền, kể cả một số nhân viên ngoại giao của Trung Quốc, Hàn Quốc…

Lần này cùng với bản tiếng Hung, tác phẩm đã được xuất bản gần 40 ngôn ngữ trên thế giới.
 
Cuốn sách “Bản cáo trạng”
Cuốn sách “Bản cáo trạng”

Tháng 4 năm nay, giám đốc NXB Libri tham dự một Hội thảo Quốc tế ở Hàn Quốc do LTI Korea (Literature Translation Institute of Korea - Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc) tổ chức.

Tại đây, giám đốc hơn 40 nhà xuất bản cùng nhiều văn sĩ, dịch giả, các chuyên gia văn bản, khảo cứu… đã được tận mắt chứng kiến các trang bản thảo, cùng các chứng tích liên quan tới tác quyền, tác giả… và đã có nhiều trao đổi về độ xác tín cũng như các giá trị văn học của tác phẩm.

Đây là tác phẩm văn học đầu tiên được bí mật đưa ra ngoài nước. Danh tính cùng những tư liệu về tác giả vẫn trong vòng bí mật. Những địa danh, tên người, tên việc… đã được thay đổi. Bút hiệu Pan-Dji mang nghĩa CON ĐOM ĐÓM: “Tác giả chỉ coi mình như một đom đóm rút hết gan ruột để lóe lên chút ánh sáng trong màn đêm đen đặc hiện nay”.

Thời gian như ngưng đọng

Lengyel Miklós, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã sống ở Bắc Triều Tiên hơn 10 năm, từng theo học tại Đại học Kim Nhật Thành, người chuyển ngữ tác phẩm này cho biết: “Ngay sau Hội thảo Seoul về, Bence tìm và muốn tôi chuyển ngữ. Ban đầu đúng là tôi chần chừ. Tôi không phải là dịch giả văn học. Bence bảo: “Cứ đọc thử đi!”.

Đọc xong câu chuyện đầu tiên, những ký ức xa xưa, hình bóng những người Triều tôi từng gặp... ùa về choán cả tâm trí và ám ảnh tôi suốt mấy ngày liền. Hơn chục năm sống trên đất nước đó, sử dụng ngôn ngữ của họ, song do công việc tôi chỉ như người đã đi qua, lướt xem như xem triển lãm. Chúng ta còn hiểu biết quá ít về đất nước này cùng lịch sử truyền thống và nhất là tâm hồn con người trong sinh hoạt hàng ngày ở Bắc Triều Tiên.

Không hiểu thấu đáo thì không thể tiếp cận những giải pháp thích hợp. Mong muốn góp phần để độc giả Hung có cơ duyên biết đến những cảnh sống bình dị của người Bắc Triều Tiên đang phải sống hàng ngày đã thúc giục tôi nhận công việc chuyển ngữ tập truyện này. Cũng như quyển trước (*) tôi viết để mong người Hung biết đến những vẻ đẹp ẩn tàng của con người, thiên nhiên và xã hội truyền thống Nam Hàn
”.
 
Giao lưu và mạn đàm trong buổi ra mắt sách ở Budapest
Giao lưu và mạn đàm trong buổi ra mắt sách ở Budapest

Tập sách gồm bảy truyện ngắn độc lập về cốt truyện, về diễn biến tâm tư cũng như sự kiện song rất nhất quán về văn phong, viết theo thể tự sự. Truyện đầu về một cuộc trốn chạy đề tháng 12-1989. Truyện cuối hoàn thành vào tháng 12-1995, một năm sau ngày ra đi của Lãnh tụ Vĩ đại Kim Nhật Thành.

Đó cũng là thời gian tôi công tác tại Bắc Triều Tiên. Đọc rồi viết các chuyện ra tiếng Hung, tôi như thủ thỉ kể lại những gì tôi đã vô tình hờ hững lướt qua trong những năm tháng đó. Trong các năm 2003, 2005, sau nhiều dịp công tác tại Nam Hàn, tôi đã qua lại miền Bắc. Mọi thứ vẫn y nguyên. Thời gian như đã đóng băng. Một vài ngôi nhà có thay đổi nhưng cuộc sống, xã hội... chẳng có gì mới! Lãnh tụ vĩ đại từ Kim Ông sang Kim Cha nay đến Kim Cháu...”.

 “Nhân sinh như xuân tằm, Tác khiển tự phược lý” (Đời người như thân tằm, Làm ra cái kén lại tự nhốt mình vào trong). Một trong các bi kịch của đời người được gói trong câu cổ thi. Người ta có thể tự giam chính mình hoặc bất đắc dĩ vài người của mình, nhưng độc đoán cầm tù cả một dân tộc suốt cuộc đời thì đó không còn là bi kịch mà phải gọi là tội ác!

Hiện thực của sự phi lý: Đe dọa và khiếp sợ

Khiếp sợ là mô-típ bao trùm suốt các truyện. Nhiều khi bản thân người đang khiếp sợ không biết mình đang sợ hãi và càng thảm thê khi không chắc vì cái gì mà sợ. Nỗi sợ hãi trong hơi thở hàng ngày, tư nhiên như gió thổi, như ánh trăng mờ... Tang lễ Lãnh tụ Vĩ đại dù đã qua nhiều tháng nhưng dân chúng vẫn giữ đeo băng tang, sợ mang tiếng không giàu lòng ái quốc.
 
Một xứ sở trại lính
Một xứ sở trại lính

Một công nhân mỏ vội vàng lên tầu để về quê mong nhìn mẹ hấp hối, không kịp lấy giấy phép đi đường. Anh đã phải chui lủi trong toa hàng hay rúc trốn dưới gầm ghế… nhưng trong sự nghi kỵ đe dọa, lơ ngơ đến nỗi bị gán thành phản động, phải vào trại cải tạo.

Một bà mẹ thương đứa con sốt mất ngủ nhiều đêm đã kéo tấm rèm che ánh nắng chiếu rọi vào căn phòng trên tầng cao ốc - điều cấm kỵ đối với các căn hộ có cửa sổ nhìn ra tượng đài bất diệt lãnh tụ vĩ đại trong dịp lễ. Bà mẹ và gia đình đã bị tố giác với tội danh gián điệp.

Trong cuộc sống thường ngày, mỗi người luôn buộc phải sắm các vai diễn, để giả vờ... ngay cả với những người thân cận. Giả vờ, sắm vai lâu thành quen, thành bản năng sinh tồn. Lừa đời lừa người... cả xã hội đến độ tự lừa chính bản thân mình lúc nào không ai tỉnh ngộ.

Vô vọng và nghi kỵ

Trong chương trình Hội thảo tháng 4, LTI Korea có tổ chức chuyến thăm quan Khu phi quân sự. Tại ranh giới hai miền Nam - Bắc, các đại biểu được đề nghị tự đọc một đoạn ấn tượng nhất trong các mẩu truyện của sách này. 65 năm sắp qua kể từ Hiệp định đình chiến. Binh sĩ hai bên vẫn hàng ngày trong thế trực chiến trừng mắt nhìn nhau. “Những người già thì ngày càng héo hon, tắt dần mơ ước trông lại người thân trước khi nhắm mắt. Giới trẻ ngày càng xa lạ thờ ơ với mọi chứng cứ lý lẽ lịch sử cả từ hai phía và nhìn người anh em phía bên kia như cừu địch”.

Dịch giả Lengyel Miklós cho rằng cuốn sách không chỉ là bản cáo trạng đầy uất hận đối với chính thể độc trị ở Bắc Triều Tiên mà đồng thời cũng là lời tố cáo trước cộng đồng thế giới, trong thế kỷ 21 vẫn thường nhắm mắt làm ngơ hoặc vô tình hùa theo các cường quốc trước thảm họa vẫn trầm trọng hàng ngày của 27 triệu con người.

Gần 65 năm sắp qua, “quân đội ngoại bang vẫn ngang nhiên đồn trú” - ông Lengyel Miklós chia sẻ thêm về những diễn biến thời sự theo cách nhìn của một nhà ngoại giao hơn là một dịch giả văn học.

(*) Cuốn sách “Nam Hàn - Viên ngọc tàng ẩn của Châu Á” (Dél Korea: Ázsia rejtett gyöngyszeme).

Tác giả bài viết: Nagy Péter (ghi chép) - Ảnh: Phòng Văn hóa Thủ đô