BÀI THƠ TẾT TẶNG NHỮNG NGƯỜI XA XỨ
- Thứ sáu - 16/02/2024 03:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Văn hóa Việt sẽ mãi là mỏ neo kết nối linh hồn Việt ở khắp bốn phương trời”, theo cảm xúc của tác giả Nguyễn Hoàng Ánh từ Hà Nội thông qua một thi phẩm của nhà thơ Vũ Quần Phương.
Người Việt giờ ở khắp năm châu nhưng ở đâu thì phong tục đón Tết vẫn nguyên vẹn dù không khí thì không thể như ở quê nhà. Còn nhớ năm mình đi học ở Tiệp, lệch 6h nên 18h đi học về đóng cửa phòng cho có vẻ tối tăm một chút, để một đĩa hoa quả, thắp một nén nhang mẹ gửi (thắp nhiều chuông báo cháy kêu thì tèo), rồi ngồi yên để tưởng như giao thừa đang qua.
Sau này ở lâu không còn tha thiết với Tết như trước nhưng lần nào giao thừa thì dù ở đâu vẫn có chút bùi ngùi. Bạn nào ở nước ngoài chắc cũng từng có cùng cảm xúc này. Bài thơ này của nhà thơ Vũ Quần Phương như nói giùm tiếng lòng của chúng ta:
Sau này ở lâu không còn tha thiết với Tết như trước nhưng lần nào giao thừa thì dù ở đâu vẫn có chút bùi ngùi. Bạn nào ở nước ngoài chắc cũng từng có cùng cảm xúc này. Bài thơ này của nhà thơ Vũ Quần Phương như nói giùm tiếng lòng của chúng ta:
ĐÓN GIAO THỪA
Trong căn nhà này là nước Việt
Là đèn nhang con cháu, giao thừa
Ngoài căn nhà này là nước Mỹ
Ngày giữa tuần, phố đang trưa.
Hàng xóm đi làm yên tĩnh quá
Nhà ta đón Tết với riêng mình
Một năm gom lại bao thương nhớ
Một đời đồng bãi lũy tre xanh…
Ừ vui, vui chứ! Vui cay mắt
Đời người năm tháng… như chiêm bao
Bờ kia làng xóm, đây con cháu
Giữa Thái Bình Dương nó thế nào.
Trong căn nhà này là nước Việt
Là đèn nhang con cháu, giao thừa
Ngoài căn nhà này là nước Mỹ
Ngày giữa tuần, phố đang trưa.
Hàng xóm đi làm yên tĩnh quá
Nhà ta đón Tết với riêng mình
Một năm gom lại bao thương nhớ
Một đời đồng bãi lũy tre xanh…
Ừ vui, vui chứ! Vui cay mắt
Đời người năm tháng… như chiêm bao
Bờ kia làng xóm, đây con cháu
Giữa Thái Bình Dương nó thế nào.
Bài thơ ngắn trong 3 khổ mà cô đọng bao nỗi niềm. Khổ đầu mô tả hoàn cảnh đón giao thừa ở một đất nước cách quê hương gần mười hai tiếng. Lúc ở Việt Nam đón giao thừa thì ở đây là ban trưa: “Ngày giữa tuần, phố đang trưa”. Một không gian Việt, một tâm linh Việt, những con người Việt, một tâm hồn Việt được giới hạn trong một căn nhà mà “Ngoài căn nhà này là nước Mỹ”. Sự ngăn cách này chỉ là tương đối bởi trong căn nhà Việt vẫn “Là đèn nhang, con cháu, giao thừa”.
Khổ thứ hai cho thấy sự sum họp đầm ấm của một cộng đồng nhỏ nơi xa xứ: “Hàng xóm đi làm yên tĩnh quá - Nhà ta đón Tết với riêng mình” với hoài vọng về quê hương: “Một năm gom lại bao thương nhớ - Một đời đồng bãi lũy tre xanh…”. Có gì thổn thức mà vẫn lan tỏa ấm nồng.
Khổ thơ thứ ba như một nốt lặng trầm tư dẫn đến cao trào như tiếng pháo nổ trong cảm xúc vỡ òa: “Ừ vui, vui chứ! Vui cay mắt”, pha trộn giữa an ủi, trào dâng và nghẹn đắng của một con người nhiều trải nghiệm. Hai câu thơ kết mở như một lời độc thoại tự vấn và tự tin: “Bờ kia làng xóm, đây con cháu - Giữa Thái Bình Dương nó thế nào” tạo ra sự bâng khuâng, tiếc nuối nhưng cũng đầy cảm thông chia sẻ.
Thế kỷ 21 là thế kỷ của Toàn Cầu hóa, ngày càng nhiều người Việt đủ lứa tuổi nếm trải Tết xa quê. Bài thơ này như lời nhắc nhở văn hóa Việt sẽ mãi là mỏ neo kết nối linh hồn Việt ở khắp bốn phương trời.