BÀI HỌC TỪ “TRUYỆN CỔ GRIMM”
- Thứ ba - 09/09/2014 22:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Khi cháu lớn lên, đọc lại cuốn sách này, cháu sẽ nhớ lại thời thơ ấu. Nó không chỉ là một cuốn sách, nó còn là kỷ niệm. Rồi con của cháu, thậm chí, con của con cháu, sẽ đọc, cả mấy thế hệ trong một cuốn sách”.
Minh họa: Internet
Có lần bạn phàn nàn: “Trẻ con bây giờ không chịu đọc truyện. Làm thế nào để chúng yêu sách truyện như ngày xưa của bọn mình?”. Ừ nhỉ, trẻ con bây giờ...
Ừ nhỉ, làm thế nào để chúng yêu, khi mà chúng không có thời gian để đọc? Nào Walt Disney, nào Hollywood, cách hãng phim chuyển thể truyện cổ tích đến người lớn còn mê ly, chưa kể các trò chơi hết Nintendo lại đến Wifi, Internet... Trẻ con bị các nhà kinh doanh dụ dỗ và khai thác đến mức phụ huynh cũng chỉ còn biết... ngậm ngùi móc hầu bao sau khi đã cố thử kiên quyết nói “không” đến cùng. Ngay cả sách vở, cũng rặt một thứ truyện tranh đọc vèo cái hết, chả đọng lại trong đầu được điều gì, hỏi rằng trẻ thu được cái gì bổ ích và lý thú?
Cho nên cuốn “Truyện cổ Grimm” tôi mua cho con từ khi mới lọt lòng, đến khi con đi học, biết đánh vần, rồi biết đọc nhanh như gió, vẫn cứ nằm im lìm trên giá sách trong phòng trẻ con. Ngậm ngùi thương cuốn sách bị bỏ rơi thì ít, thương tâm hồn con khô cằn thì nhiều. Thử hỏi, không còn những “Cô bé quàng khăn đỏ”, những “Con ngỗng vàng”, “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”... tâm hồn con trẻ có còn lung linh mầu sắc với những điều hướng thiện, những mơ ước về những điều kỳ diệu của cuộc đời...?
Hay mình hoài cổ, hay mình ấu trĩ? Có hay không? Trong khi chính những lần ngồi xem phim hoạt hình của Walt Disney, mình cũng xốn xang rơi nước mắt? Cái gì mới thực sự thu phục lòng trẻ, những câu chữ kinh điển hay là thế giới điện ảnh ngày càng nhiều “thủ thuật” hút hồn công chúng?
Nhưng có một câu chuyện còn đẹp hơn cả “Truyện cổ Grimm”, câu chuyện tuy nhỏ nhưng đã dạy tôi về lòng nhân ái, về lòng yêu trẻ và tình yêu sách của một ông già người Đức.
Chuyện là thế này, hàng năm ở các quận trong thành phố người ta đều tổ chức những điểm hội chợ mua bán đồ cũ cho trẻ em. Tất cả các trẻ nhỏ đều có quyền mang đồ đã dùng đến đó bán. Thôi thì đủ cả quần áo, giầy dép cũ, đồ chơi, sách truyện...
Tiền thu được, các bậc phụ huynh đều dành cho trẻ, để dạy chúng lao động, dạy chúng giữ gìn đồ dùng, hướng dẫn chúng biết cách kiếm tiền và hơn cả, là để chúng hiểu rằng đồng tiền không tự nhiên được sinh ra.
Trong một lần như thế, con gái tôi đã mang ra chợ cuốn “Truyện cổ Grim” mà tôi đã mua cho con với bao gửi gắm và kỳ vọng. Dù tôi đã khuyên nhủ con hết lời, nó vẫn bướng bỉnh không chịu và cuối cùng tôi đành chịu thua, vì đằng nào cũng thế, nếu sách mà không đọc, cứ nằm mãi trên giá sách thì phỏng có ích gì?
Nhưng đến chiều thì con lại mang cuốn sách về, và trịnh trọng cất lên giá sau khi tuyên bố một câu xanh rờn:
- Con giữ quyển sách này suốt đời!
Tôi ngạc nhiên:
- Sao con thay đổi suy nghĩ nhanh thế? Con thấy tiếc rồi phải không?
Câu trả lời của con gái khiến tôi còn ngạc nhiên hơn:
- Không phải con thay đổi đâu nhé! Mà là con hứa!
- Hứa?
- Vâng!
Con gái nói với vẻ mặt nghiêm trang. Rồi con kể:
- Con đang ngồi bán hàng thì có một chú, à không, ông chứ, tại ông này già mà lại còn có râu (!!!) đứng xem. Ông hỏi con:
“Tại sao cháu lại mang bán quyển sách này?”
“Tại cháu không thích nữa”.
“Vì sao? Cháu đã đọc nó chưa, và cháu không thấy thích ư?”
“Cháu đọc chứ. Cháu cũng thích, nhưng đọc xong rồi thì giữ lại làm gì. Với lại xem phim cũng được rồi, nhà cháu có tất cả các phim hoạt hình.”
“Nhưng phim khác mà truyện khác cháu ạ, với lại, khi cháu lớn lên, đọc lại cuốn sách này, cháu sẽ nhớ lại thời thơ ấu. Nó không chỉ là một cuốn sách, nó còn là kỷ niệm. Rồi con của cháu, thậm chí, con của con cháu, sẽ đọc, cả mấy thế hệ trong một cuốn sách chứ chả chơi... Thế nào, còn muốn bán nữa hay không, cháu bé?”.
Con gái tôi bỗng chùng xuống trước những lý lẽ của ông già lạ mặt. Nhưng bản tính thực dụng của con trẻ vẫn còn ngang bướng, nó bảo:
“Nhưng cháu muốn bán để có tiền.”
“Thế cháu muốn bán bao nhiêu?”
“Cháu muốn 1 Euro thôi”.
“Trời, có thế thôi sao, cho một cuốn sách vô giá như thế này? Bây giờ thế này nhé, ta sẽ mua cuốn sách này với giá 1 Euro, đồng thời tặng cho cháu thêm 1 Euro nữa, với điều kiện cháu phải hứa với ta là sẽ giữ cuốn sách này đến suốt đời. Được không?”
... Và con gái tôi đã mang cuốn sách đó về nhà như thế đấy.
1 Euro, thậm chí là 2 Euro, tiêu nhanh lắm, nhưng cuốn sách và tấm lòng của ông già, nhất là bài học mà ông đã dậy cho con tôi, và hơn cả, dậy tôi, thật ấm lòng và vô giá!