Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


85 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao: “MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN”, MỘT ƯỚC MƠ NHÂN BẢN

(NCTG) “Mùa xuân đầu tiên” không chỉ là một ca khúc mừng xuân, mà còn mang thông điệp khải huyền của tương lai một dân tộc mà chúng ta hằng mong mỏi…”.
Nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh tư liệu

"Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn
."

1. Điệu valse dập dìu, sang trọng và đượm màu sắc hoan ca, nhưng cũng rất mực sâu lắng ấy của Văn Cao ra đời đầu năm 1976, trong dịp Xuân Bính Thìn.

Tuy nhiên, “Mùa xuân đầu tiên” không chỉ đơn thuần là một trong số những ca khúc của Văn Cao, người được coi là "một viên ngọc trên bức khảm văn hóa - nghệ thuật của dân tộc Việt Nam" (Đặng Thai Mai): khúc ca mang âm hưởng khải huyền ấy, có thể là sự chiêm nghiệm đau đớn, là ước mơ nhân bản của cả một đời người nghệ sĩ…

2. Sau biến cố Nhân văn Giai phẩm 1956, trong vòng 20 năm ròng, Văn Cao buộc phải im lặng. Ông âm thầm làm thơ, nhưng thơ ông không được in. Nhiều khi, ông vẽ bìa sách, minh họa, vẽ nhãn tem hay tem thư… để kiếm sống, hoặc dưới tên người khác, hoặc chỉ ký một chữ “Văn” khiến không mấy ai biết đó là tác phẩm của người nghệ sĩ lớn.

Và, Văn Cao không bỏ âm nhạc, nhưng ông chỉ viết nhạc phim, khí nhạc chứ không hề viết ca khúc. Lý do ở đây, phải chăng, như lời ông tâm sự với Hoàng Phủ Ngọc Tường, về sau được nhà văn thuật lại trên tạp chí “Hợp Lưu” (Hoa Kỳ):

Hồi nhận viết “Tiến Quân Ca” tôi không hề chuẩn bị trước để làm một bài hát mà một đặc nhiệm nguy hiểm của đội biệt động. Tôi là đội viên biệt động vũ trang. Nhiệm vụ của tôi là trong một đêm, cầm một khẩu súng vào một thành phố để giết một người. Tôi đã làm xong việc ấy. Đó là chiến tranh và căm thù, đơn giản thôi.

Những ngày đầu sau chiến tranh, tôi đã trở lại căn nhà ấy. Thấy còn lại một gia đình mẹ góa con côi. Làm sao tôi có thể nói điều cần thiết nhất đối với tôi trong những bài hát sau đó? Nói về chiến công hay phải nói một điều gì khác? Nên tôi im lặng và chỉ viết nhạc không lời.

Trong cuộc chiến khốc liệt huynh đệ tương tàn, khi con người phải trực diện với cái chết và với những bổn phận nhiều khi tàn ác, tính nhân bản đã mất đi như thế, nhưng không phải ai cũng ý thức được điều này…

3. Cho nên, đầu năm 1976, khi chứng kiến hình ảnh người cha héo hắt lướt tay trên những phím dương cầm với bài hát “Mùa xuân đầu tiên” - theo yêu cầu của “Sài Gòn Giải Phóng” (muốn có một bài hát mới trong số báo xuân) -, phản ứng của Văn Thao, con trai ông, là một câu hỏi được thốt lên: “Vậy là bố lại sáng tác ca khúc?”.

Trong một hồi tưởng, Văn Thao đã thuật lại giây phút động lòng ấy như sau:

Tôi tập tễnh bước một leo lên cầu thang ngôi nhà 108 phố Yết Kiêu vào một ngày giáp Tết năm 1976. Đã sang tiết xuân, trời nắng nhẹ mà vẫn lạnh. Tiếng đàn dương cầm vọng ra. Một điệu valse. Giai điệu của bản nhạc mượt mà, lấp lánh như những hạt nắng xao động trên vòm cây. Một giai điệu mà tôi chưa nghe bao giờ.

Văn Cao ngồi bên đàn. Đôi bàn tay khô gầy của ông đang lướt trên những phím đàn ố vàng, loang lổ. Tiếng đàn ấm áp, ngọt ngào âm vang đầy ắp căn phòng. Tôi sẽ ngồi xuống đi văng, lặng nhìn đôi vai gầy guộc của ông phủ xuống cây đàn. Mái tóc bạc dài xõa phất phơ, theo tiếng dương cầm thánh thót. Những vệt ánh sáng hắt qua ô cửa lấp lánh chuyển động trên đôi bàn tay.

Tiếng nhạc nhẹ dần, chầm chậm tan vào không gian mênh mông. Đôi bàn tay gầy khẽ nâng lên khỏi bàn phím và bất động trong không trung. Lát sau Văn Cao lặng lẽ đứng dậy, nhẹ nhàng rời khỏi cây đàn khuôn mặt ông bất động. Hình như tâm hồn ông vẫn còn bồng bềnh trôi theo những âm thanh của bản nhạc.

[…] Ông ngồi lặng nhìn theo tôi, đôi mắt ánh lên niềm vui. Từ trong khóe mắt, một giọt lệ lăn từ từ trên đôi gò má.

Tôi ngồi xuống bên ông. Hai cha con nhìn nhau. Tôi định nói một điều gì đó mà không được. Cổ họng cứ tắc nghẹn. Mãi lúc sau mới thốt được lên lời:

- Lâu lắm con mới lại được nghe bố đánh đàn một cách say sưa như thế này…”.

4. Khác với hằng hà sa số những bài hát ồn ào, cổ động đương thời về sự kiện 1975, Văn Cao có cách thể hiện tình cảm riêng của ông về những khoảnh khắc thanh bình sau cuộc chiến. Mùa xuân đã về theo cánh én, theo tiếng gà gáy, với trưa nắng và khói bay, rất bình thường và gần gũi, nhưng đối với một dân tộc lâm vào cảnh chinh chiến liên miên không lúc nào được bình an, cảnh ấy đáng quý xiết bao!

Và, trong khúc hoan ca dặt dìu ấy, thoảng nỗi nghẹn ngào, xao xuyến của người mẹ nhìn những đứa con, với giọt nước mắt người thiếu nữ sưởi ấm bờ vai chàng trai trong ngày gặp mặt - nhưng, đã có biết bao người con, người anh ra đi mà không bao giờ trở về?

Văn Cao ý thức được sâu xa cái giá của cuộc chiến, khi ông ước mơ về “một cuộc đời êm ấm”, “giờ phút trong tay anh đầu tiên”, với tâm nguyện “người biết quê người - người biết thương người - người biết yêu người”…

Nhưng, giấy mơ ấy của Văn Cao, dường như không có trong sự thực. Không một tác phẩm nào của Văn Cao lại phải chịu số phận hẩm hiu và gian nan như “Mùa xuân đầu tiên”: cho dù bài hát được đăng trên “Sài Gòn Giải Phóng” số Xuân 1976 và theo một bài báo, tác giả của nó còn “nhận được báo biếu, nhuận bút và thư cảm ơn, từ TP HCM” khiến ông “vừa vui mừng vừa ngạc nhiên”, nhưng ca khúc chỉ đến được với đông đảo người yêu nhạc 1-2 năm trước ngày ông tạ thế.

Như lời nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, một người bạn vong niên thân thiết của Văn Cao, “Mùa xuân đầu tiên” quá “sâu lắng, không ồn ào”, nên “cũng không lạ gì khi nó bị chìm nghỉm giữa những tiếng reo hò sung sướng lúc đó”. Để rồi, ca khúc “được Văn Cao cất cẩn thận trong chiếc tủ cũ và chấp nhận thời gian dần dà phủ bụi”, trong vòng gần hai thập niên!

Trên con đường đến với người hâm mộ, “Mùa xuân đầu tiên” đã trải qua những tháng năm dài trôi nổi. Năm 1977, nó được Nhà xuất bản Âm nhạc Moscow dịch và ấn hành, nhưng không mấy ai biết đến. Vẫn theo Nguyễn Thụy Kha, mùa thu 1983, nhân sinh nhật lần thứ 60 của Văn Cao, những ca khúc lãng mạn của ông lần đầu tiên được vang lên tại Hà Nội sau chừng 4 thập niên, và 5 năm sau, Văn Cao bắt đầu có những Đêm nhạc đầu tiên, nhưng “Mùa xuân đầu tiên” thì vẫn im lìm.

Mãi đến năm 1991, ca khúc mới được thu âm lần đầu cho một bộ phim được “đặt hàng” về Văn Cao, nhưng thực sự, nó chỉ được biết đến rộng rãi với tiếng hát Thanh Thúy vào năm 1994 trong cuộn băng video “Văn Cao - Giấc mơ một đời người”. Như thế, người nhạc sĩ lớn của Việt Nam còn kịp được nghe những giai diệu của mình, trong những ngày tháng cuối đời…

5. Nhà thơ Thanh Thảo, người được Nguyễn Thụy Kha tặng một băng có thu “Mùa xuân đầu tiên” vào năm 1991, đã ghi lại những cảm xúc dâng trào của ông khi nghe ca khúc:

Cả một dòng sông vui, nhưng không trào cuộn ồn ào, mà như lắng lại, nghe kỹ thấy những lượn sóng đang run run, những lượn sóng như nhắn nhủ cái gì, báo trước điều gì. Chợt sáng, chợt nhòe, ánh tượng ấy chập chờn trong tôi, ám vào tôi day dứt. Cuộc đời này rồi sẽ ra sao, chúng ta rồi sẽ đi về đâu. Liệu cái thời khắc trẻ thơ kỳ diệu ấy có đủ sức nâng đỡ ta trong những ngày nặng nề của cuộc đời?”.

Già nửa cuộc đời, Văn Cao đã sống những tháng ngày nặng nề như thế. Giống như nhiều văn nghệ sĩ khác, ông đã phải dựa vào lời thơ, tiếng nhạc, đã níu vào nghệ thuật để tìm sự nâng đỡ tinh thần.

Phải chăng, cũng chỉ vì niềm tin mạnh mẽ vào một tương lai khi mùa xuân dập dìu theo én về, để người với người biết thương nhau, yêu nhau, biết thương quê hương đã chịu bao nỗi khổ đau, mà người nhạc sĩ tài ba ấy của Tân nhạc Việt Nam thế kỷ XX mới vượt qua được tất cả, để sống và sáng tạo, cho đời?

Như thế, “Mùa xuân đầu tiên” không chỉ là một ca khúc mừng xuân, mà còn mang thông điệp khải huyền của tương lai một dân tộc mà chúng ta hằng mong mỏi…

MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.

Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.

Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh