Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


31 NĂM MỘT TIẾNG ĐÀN VĂN DỴ

(NCTG) “Làm sao mà từ đôi tay nhỏ nhắn kia, lại có thể thả ra những âm thanh diệu kỳ đến thế nhỉ? Ta nhắm mắt lại, kệ cho tiếng đàn mang ta đi đâu thì đi, mọi ngón nghề anh trổ ra hết đêm nay mà, tận hưởng đi, đam mê hết mình đi, cho bõ 31 năm quen biết nhé”.
Nghệ sĩ Văn Dỵ (người ôm hoa) cùng các bạn đồng khóa Ngoại ngữ 1984-85
Anh là người - nếu đã gặp một lần sẽ không thể nào quên. Có thật nhiều thứ đặc biệt ở anh, từ ngay chính cái tên của anh vậy: Văn Dỵ. Nhưng hơn hết đó chính là tiếng đàn ghi-ta phát ra từ đôi tay ma thuật của anh, từ bản tính hài hước đến từng lời nói, mỗi nụ cười của anh, từ bộ sưu tập đĩa than độc mà cực chất của anh đến những món ăn mang tên anh như “Miến lươn Văn Dỵ”, “Tương ớt Văn Dỵ”...

Riêng đối với tôi, anh gắn liền với tuổi thanh xuân của chúng tôi, những lưu học sinh (LHS) tại trường Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân khóa 1984-85. Bóng dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn của anh thoắt ẩn thoắt hiện, anh đi tới đâu, tiếng cười bay vang đến đó.

Hôm nay cầm đôi vé mời đi xem buổi biểu diễn của anh tại Nhạc viện Hà Nội, bao nhiêu kỷ niệm thời xa ấy chợt ùa về thổn thức. Tôi nói với hai con: “Tối nay bố mẹ đi xem bác Dỵ biểu diễn ghi-ta. Nhờ bác ấy mà bố mẹ mới biết nhau, rồi yêu nhau, rồi có các con đấy”. Nhìn những tia sáng bừng trong mắt trẻ thơ, chắc hẳn Văn Dỵ đã thành ông Bụt rồi đấy.

Khán phòng gần như không còn chỗ trống. Khán giả cũng thật đa dạng từ những bác lớn tuổi đầu tóc bạc phơ, đến các cháu thanh thiếu niên trẻ trung sáng láng. Nhưng đông nhất, chắc là những người như chúng tôi, những LHS thời ấy. Văn Dỵ bước ra sân khấu trong tiếng vỗ tay vang dội của mọi người, những người yêu mến anh, yêu tiếng đàn của anh. Anh vẫn thế, dáng người nhỏ nhắn với nụ cười tươi không thể trộn lẫn với ai. Chúng tôi đùa nhau: chắc do anh già từ khi trẻ, nên giờ không già được nữa. 

Tiếng đàn cất lên, để lại nhé mọi kỷ niệm ùa về, để lại nhé 31 năm kỷ niệm, chỉ còn tiếng đàn mê hoặc vang lên khắp không gian thánh đường Nhạc viện. Tiếng đàn của anh đưa ta đi khắp 5 châu 4 biển: từ nước Ý diễm lệ sang Nam Mỹ bỏng cháy, từ đêm Ả Rập huyền bí tới đêm cồng chiêng rộn ràng của Tây Nguyên đại ngàn nơi nước Việt. Làm sao mà từ đôi tay nhỏ nhắn kia, lại có thể thả ra những âm thanh diệu kỳ đến thế nhỉ? Ta nhắm mắt lại, kệ cho tiếng đàn mang ta đi đâu thì đi, mọi ngón nghề anh trổ ra hết đêm nay mà, tận hưởng đi, đam mê hết mình đi, cho bõ 31 năm quen biết nhé.
 
Tác giả cùng nghệ sĩ Văn Dỵ và các cựu LHS đi Tiệp Khắc
Tác giả cùng nghệ sĩ Văn Dỵ và các cựu LHS đi Tiệp Khắc

Anh thật là người hạnh phúc, khi có tới hai lần là LHS. Sau một năm học tiếng Hung, anh còn ở lại một năm học thêm tiếng Tiệp rồi lên đường sang Tiệp Khắc, nhưng đối với LHS năm 1984-85, nhất là các bạn đi Hung thì anh Dỵ là của chúng mình, của riêng chúng mình thôi. Để có thể tận tay tặng anh bó hoa thay mặt cho các bạn LHS đi Hung, và chụp ảnh lưu niệm với anh, chúng tôi đã phải đứng chờ khá lâu, vì quá đông người hâm mộ vây quanh. Nhưng có sao đâu, 31 năm chúng tôi còn chờ được cơ mà.

Thấp thoáng quanh đây là những bạn LHS Nga và các nước Đông Âu khác cũng đến chúc mừng anh. Tôi bật cười khi quên mất mình cũng là LHS Nga. Đúng là thuyền theo lái, và giờ tôi cũng tự xưng: mình là LHS Hung.

Một đêm nhạc thật chất. Giờ ta lại cho phép mọi kỷ niệm ùa về, ùa về như tằm vương tơ vậy. Hơn ba mươi năm ấy biết bao nhiêu tình. Tạm biệt anh, người nghệ sĩ tài ba. Tạm biệt anh, một cựu LHS Hung. Giờ mới hiểu vì sao anh đặt tên con trai là Bình. Vâng, anh trong lòng chúng tôi vốn luôn bình dị như vậy. Hẹn gặp lại anh để nghe tiếng đàn, để nhìn nụ cười, để ôn lại thời thanh xuân sôi nổi anh nhé. Sớm thôi, không phải tận 31 năm đâu anh.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Đỗ Hoàng Yến, từ Hà Nội