Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


30-4 VÀ NHỮNG GÌ SAU ĐÓ

(NCTG) “Các bạn đừng quên: những gì các bạn đang hưởng ngày nay, có phần không nhỏ từ những bài học mà thế hệ của tôi và trước đó để lại. Và, nếu ta không học được gì từ những sai lầm trong quá khứ, thì làm sao tránh đươc việc chúng sẽ xảy ra trong tương lai?”.
Sáng 30-4-1975, tôi đạp xe về nhà trên đường Lê Văn Duyệt từ quận Ba về phía Bảy Hiền - mấy đêm trước gia đình tôi phải lên nhà bà con ngủ nhờ vì sợ pháo kích. Xóm tôi ở gần phi trường, nên bị lạc đạn của Việt cộng nhiều lần.

Đường xá hôm đó vắng vẻ hơn mọi ngày. Gần tới ngã ba Ông Tạ thì quang cảnh thay đổi hoàn toàn, dân chúng đổ ra đường, tụ họp thành từng nhóm lặng nhìn một cách tò mò về một toán quân tiên phong của miền Bắc đang tiến vào: những người lính mặc quân phục màu xanh cây rộng thùng thình, đội mũ cối vẫn còn lá ngụy trang.

Họ cầm lăm lăm khẩu AK, mắt nhìn chung quanh với vẻ e ngại, đề phòng. Phản ứng đầu tiên của tôi là sợ: thế là miền Nam đã thua thật rồi. Kế đó là thất vọng: hóa ra kẻ chiến thắng trông còn kém hơn cả những người thua. Sau cùng là chút hy vọng, lạc quan: chiến tranh đã kết thúc, hòa bình đã trở về!

Mười bảy tuổi, tôi đâu biết con người có thể gây ra đau thương, mất mát cho người khác ngay cả trong thời bình, mà hậu quả có khi còn khốc liệt hơn trong thời chiến. Đã không có “tắm máu”, nhưng bằng những biện pháp trả thù tinh vi – tù đày, tước đoạt tài sản, lao động cưỡng bức, kinh tế mới, học tập cải tạo, gia đình phân tán…, “kẻ thắng cuộc” đã thành công khi đưa miền Nam xuống ngang với miền Bắc, và đẩy hàng triệu người ra biển.

Những người may mắn thoát khỏi Việt Nam trước ngày 30-4 mang theo trong lòng sự cay đắng của kẻ thất trận, và nỗi buồn tha hương của người di tản. Những người ra đi sau này, từng nếm mùi “xã hội chủ nghĩa”, còn ôm hận vì sự ấu trĩ, ngây thơ của mình về chế độ cộng sản, dù đã từng được báo trước bởi thế hệ cha anh từng di cư từ năm 1954. Mối hận đó, nói như Cao Tần, “hận gấp nghìn lần khi chúng đánh ông văng” (*).
 

Bìa cuốn sách tư liệu khảo sát nghĩa trang người Việt ở Trại tỵ nạn Galang (ghi chép tên tuổi của tất cả các ngôi mộ, cùng với bản đồ định vị giúp thân nhân tìm mộ) với sự đóng góp của tác giả - Ảnh do nhân vật cung cấp

Gần bốn mươi năm – những người chiến thắng vinh quang hay thất trận ê chề đã và đang lần lượt ra đi, còn lại thế hệ của tôi, những người sống trong buổi giao thời: sinh ra và được hưởng sự giáo dục dưới xã hội miền Nam cho đến khi trưởng thành, cùng trải nghiệm chừng chục năm trong chế độ cộng sản. Lần đầu tiên chúng tôi được làm quen với hiện tượng “sùng bái”: đi đâu cũng nghe, nhìn, đọc những lời ca ngợi lãnh tụ và “đoàn thể” lên tận mây xanh!

Chúng tôi cũng được biết thế nào là phê bình, kiểm điểm lẫn nhau, biết phải phấn đấu để được vào “tổ chức” từ tiểu học cho đến đại học, vì nếu không phải đoàn hay đảng viên, thì sẽ không tiến thân được.

Không kể những hiểm nguy, khó khăn trên đường vượt biển, mười năm ở lại Việt Năm sau 1975 cộng với mười năm để làm lại từ hai bàn tay trắng khi định cư ở nước ngoài – đó là hai chục năm năm lãng phí trong cuộc đời ngắn ngủi này. Đó là cái giá phải trả cho cuộc sống tự do của tôi ngày nay. Nó vẫn còn rẻ hơn nhiều lắm, so với những người đã bỏ mình trong trại cải tạo, tù đày, hay nằm lại đâu đó trên biển Đông…

Thời gian gần đây, đã có những nỗ lực từ phía chính quyền Việt Nam nhằm kêu gọi hòa giải dân tộc giữa người trong nước và người Việt ở hải ngoại. Những quân nhân miền Nam hy sinh ở Hoàng Sa được nhắc đến và tưởng niệm, nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng hòa được trùng tu. Nhưng khi người phụ trách chuyện hòa giải, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, gọi thuyền nhân là những người ra đi vì không chịu được khó khăn kinh tế trong nước, hay trách Việt kiều thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc mộ phần lính miền Nam ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa, v.v… thì chuyện hòa giải bỗng trở nên thiếu thành thật và xa vời...

Cũng có những ý kiến của thế hệ sinh ra sau 1975 - không hề biết đến chiến tranh và những hệ quả từ chính sách của nhà nước - cho là không nên nhắc lại quá khứ đã qua, và cũng chẳng cần hòa giải làm gì. Vâng, chiến tranh đã qua và những người lính từ hai phía cũng đã dần dà đi vào quên lãng. Nhưng các bạn đừng quên: những gì các bạn đang hưởng ngày nay, có phần không nhỏ từ những bài học mà thế hệ của tôi và trước đó để lại. Và, nếu ta không học được gì từ những sai lầm trong quá khứ, thì làm sao tránh đươc việc chúng sẽ xảy ra trong tương lai?

Các bài cùng chủ đề “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía” trên NCTG:

NẾU...

30-4, NGHĨ VỀ SỰ HỐI LỖI

NÓI VÀ LÀM

SINH NHẬT BA MƯƠI THÁNG TƯ

NHỮNG NGÀY 30-4 CỦA TÔI

30-4

Ghi chú:

(*) Trích thi phẩm “Mai mốt ông về” của thi sĩ Cao Tần.

Tác giả bài viết: Thành Đặng, từ Hoa Kỳ