30-4, NGHĨ VỀ SỰ HỐI LỖI
- Thứ năm - 01/05/2014 12:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Có biết bao nhiêu lý do để người Việt mình tạ tội với nhau! Có biết bao nhiêu cơ hội để thành tâm mà sống với nhau trên nước non mình, hướng tới một ngày mai thanh thản” – nhà văn Lê Minh Hà.
30-4, ngày thống nhất, nhưng bao giờ lòng người mới thống nhất? - Ảnh tư liệu
Có người trai của thời buổi ấy
Đã ra đi không trở lại bao giờVợ còn trẻ một mình thành bà lão
Rồi một mình thành nấm mộ chơ vơ...
Chiến tranh không đi qua như một phép nhiệm màu
Người còn sống cô đơn hơn người khuất...
Ngày trở về chẳng còn được gặp cha
Chéo áo mẹ sẫm lại vì nước mắt
Người lính cúi đầu trước thủ tục làm người chưa chết
Thiếu phụ ba con không biết nói gì
Lời ước hẹn ngày xưa chỉ một người giữ được...
Ta chiến thắng rồi!
Nhưng thắng để làm chi?
(1983)
… Chúng tôi, cả một thời tuổi nhỏ và tuổi trẻ sống trong giai điệu của những bài ca chiến đấu, quen với những giọng ca thúc con người ta ra chiến trường không chần chừ như giọng Quý Dương, Trung Kiên, nổi hứng là phải rầm rộ “ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi gót không mòn… ôi miền Nam đó đang giục ta… máu thắm đường ta đi lẫn mồ hôi rơi tình quê tha thiết ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” (“Bước chân trên dải Trường Sơn” - nhạc và lời: Vũ Trọng Hối) hay “Thánh thót đàn của ai ngân dài phố vắng bản tình ca đất nước càng sâu lắng… người Hà Nội mang trong tim độc lập tự do thiêng liêng ngẩng đầu lên nâng cao tiếng hát… dù đổ nát đau thương lòng chúng ta sáng ngời máu xương…ơi các mẹ các em đang giờ đây tạm xa Hà Nội…” (“Hà Nội những đêm không ngủ” - nhạc và lời: Phạm Tuyên) chứ nhất định không ư ử bắt chước Chế Linh hay Thanh Tuyền.
Vì lẽ đó mà chúng tôi không dị ứng nhạc cách mạng như bà con thuyền nhân. Có điều ca sĩ có giọng nhưng thiếu lửa, nên hòa âm phối khí rộn ràng thật song nghe không vào. Còn ca nhạc, giờ gọi là âm nhạc thị trường, léo nhéo những “dẫu có dỗi hờn” với “chiều nay sao anh không meo cho em” và đại loại thế, trộm vía cô con gái đang tuổi nhớn của tôi, dẫu còn trẻ con như nó chắc tôi cũng vẫn nghe không nổi. Nghệ thuật thật sự có mấy khi tưng tưng vui đâu, và nỗi buồn trong đó cũng chả bao giờ nhẹ tênh như thế….
… Nhưng mà thôi, nói chuyện thưởng thức nghệ thuật là nói tới khẩu vị văn hóa của từng người. Chẳng ai kém ai hơn trong vấn đề khẩu vị. Nhưng giữa đất Berlin này, nơi cộng đồng Việt Nam không khác gì dân tộc Việt Nam thu nhỏ và phần nào còn dậm chân tại chỗ ở điểm dừng của chiến tranh, không muốn hòa nhập với nhau, thì một chương trình ca nhạc chính thống như vừa xem là điều thật đáng băn khoăn. Nó giải thích tại sao không thấy một gương mặt bà con người Việt nào đi từ miền Nam sau 1975, cũng giải thích tại sao đồng chí thuyền nhân tôi quen, người bắt buộc phải có mặt ở đây vì công việc lại bình luận là chương trình nghệ thuật này nhạt.
Thật cảm động khi giữa một chiều xa Tổ quốc được nghe lại “Giai điệu Tổ quốc”, “Việt Nam trên đường chúng ta đi”, những bài ca mấy chục năm qua vẫn vang trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, quá chừng quen thuộc với thế hệ của tôi trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trên đất nước thống nhất. Nhưng khi nhìn quanh, chỉ thấy những gương mặt Việt nhìn một cái đã biết xuất thân dân đồng bằng Bắc Bộ hoặc dân khu ba khu bốn, nguyên hoặc đương kim bán thuốc lá lậu trên từng cây số ở Berlin, qua bao năm cũng bơ cũng sữa xứ người vẫn chả gột hết được vẻ lam lũ một thời, tôi nổi gai ốc.
Cái ghetto văn hóa này đã hình thành như thế nào nhỉ? Và đã được định hướng phát triển như thế nào qua các chương trình ca nhạc xuất khẩu thế này, qua VTV 4 và qua báo chí nhà nước? Và, có cái ghetto văn hóa này thì khó tránh có cái ghetto văn hóa ngược chiều…
*
… Lịch sử của dân tộc Đức và dân tộc Việt thời hiện đại có những nét tương đồng hiếm thấy. Cũng những cách ngăn địa lý. Cũng những phân chia lòng người. Cũng những khổ đau khi xa cách và bất đồng khi gặp mặt. Cũng hàng triệu cái chết bất thường của những con người bình thường, mà trong những giai đoạn lịch sử nhất định chỉ được coi như là tổn thất dĩ nhiên.
Chúng ta đã làm gì để trang trải cùng quá khứ? Những nghĩa trang liệt sĩ ở mỗi thôn làng và thành phố, với đài Tổ Quốc ghi công đồ sộ. Một nghĩa trang Trường Sơn với ngàn ngàn mộ chí không xương cốt của người đã khuất và rất nhiều vụ biển thủ công qũy đi kèm. Bảo tàng quân đội, những phòng truyền thống của các binh chủng và những cuộc viếng thăm bắt buộc đối với các cấp học phổ thông… Tất cả, dành cho những người lính của một phía cuộc chiến. Tốn kém mà vẫn thiếu tôn nghiêm.
Tôi đã từng xem một đoạn băng video cá nhân quay cảnh học trò đi thăm bảo tàng Trường Sơn. Những đứa trẻ má hồng quàng khăn đỏ vội vàng nuốt nốt đồ ăn trong khi xô đẩy nhau vào hàng chuẩn bị chào cờ tưởng niệm liệt sĩ. Một nhóm lính hướng dẫn tham quan bảo tàng đang thử micro. Và trời ơi: đây là một đoạn âm thanh: “Alô, alô, một, hai, ba, anh nằm xuống, alô, rồi đứng lên, thấy đau chân, anh lại ngồi, thấy đau lưng, một, hai, ba, anh lại nằm… hahaha… Tốt rồi. Các em chú ý… nhìn trước… thẳng … chuẩn bị… chào cờ… chào”.
Toàn cảnh là một sự láo nháo đầy nhục mạ. Có thể trách cứ những người lính trẻ và bầy em nhỏ kia chăng? Không! Họ đã không được chuẩn bị để có lòng kính trọng trước dĩ vãng, chỉ được định hướng tụng niệm về những quá khứ gần xa mà hào quang của nó đã tắt đi trên một ý thức về ngày hôm qua bị sa mạc hóa. Nhưng điều được chứng kiến qua băng hình quay rất vô tình kia cho thấy không phải là sự thất nhân tâm mà đáng sợ hơn là sự vô cảm của những thế hệ kế tiếp.
Không có gì đáng ngạc nhiên, khi mà người ta báo động đỏ về tình trạng dạy và học môn lịch sử ở nhà trường trong nước hiện nay. Hiện trạng này chỉ có thể thay đổi cùng với sự xuất hiện của một ý thức văn hóa lịch sử mới phải bắt đầu từ nhà nước, một tầm cao dân trí mới, được hiện thực hóa qua chính sách cụ thể chứ không phải chỉ dừng lại ở những phát biểu theo kiểu “băn khoăn”, “bức xúc”, “nên chăng” của đôi ba học giả, sử gia và đôi ba cá nhân có tâm có tầm.
*
…Trong ý thức văn hóa lịch sử mới ấy, sẽ có những tên đất tên người bao nhiêu năm làm đau đáu lòng dân Việt nhất định phải được nhắc lại dưới một ánh sáng mới, dẫu đau buồn. Sông Bến Hải nơi bao người một thời tìm đường về Nam ra Bắc bỏ xác; và từ đó, Huế một thời Mậu Thân, Bảy Hiền, Xuân Lộc mùa xuân 75, Đông Hà mùa hè đỏ lửa, Khâm Thiên, Phố Huế, bệnh viện Bạch Mai 1972… Sẽ dễ dàng hơn, nếu chúng ta kể tên những miền đất Việt yên bình thời gian khổ ấy, bởi vì hầu như không có.
Không cần đâu bức tượng tạc hình ông thượng nghị sĩ Mỹ hôm nay cựu phi công Mỹ hôm qua quỳ gối cúi đầu bên bờ hồ Trúc Bạch sau phi vụ bay thất bại mấy mươi năm về trước, nhất là sau đó chúng ta lại hồ hởi đón mừng chính con người này trong cố gắng khôi phục bang giao với Tổ Quốc của ông. Cũng không cần, những ngày lễ lạt chỉ dành cho một phía. Sao cho trong ý thức người Việt, một ngày như 30-4 không còn là ngày đại thắng của bên này và ngày quốc hận của bên kia, mà chỉ là ngày thống nhất sơn hà sau một cuộc chiến tranh bi tráng.
Khả năng sống còn của một dân tộc thể hiện trước tiên qua cách nhìn lịch sử. Lịch sử không phải để quên đi, mà là một nơi chốn để trở lại, tập nhìn lại, tập cúi mình hay ngẩng đầu cho đúng mà sống tiếp. Chính trong tư thế ấy, mỗi dân tộc tìm được sự đồng thuận - điều kiện cốt tử để có được sự phát triển trong ổn định, và chỉ nhờ thế mà khẳng định lại mình.
*
… Ngày thủ tướng Úc xin lỗi thổ dân Úc từ cương vị cá nhân và từ cương vị của người giữ trọng trách quốc gia, trong thời đại số hóa một sự kiện xảy ra cả thế giới đều cùng biết, liệu có là ngày người Việt chúng ta nhìn lại, để nhớ rằng người Việt là hơn sáu mươi dân tộc hòa đồng?
Chúng ta có quyền hy vọng chăng vào một ngày cả dân tộc Việt cùng vui mừng trước một lời tạ lỗi cùng nhau, về những gì đã xảy ra trong quá khứ? Nói thật, người Việt mình nhiều lý do để tạ lỗi cùng nhau lắm. Thôi, không nói xa xôi đòi người Việt Nam phải về dưới bóng tháp Chàm để giải oan cho những hồn ma, phục hưng lại một đất nước, một nền văn hóa đã có một thời oanh liệt khiến vua tôi nước Việt lao đao: Nước Chiêm Thành của người Hời, mà hậu duệ của họ hôm nay là hơn một trăm ngàn người Chăm còn sót lại.
Càng không thể bảo nhau đem đất Sài Gòn Gia Định và những miền đất khác xuôi về phương Nam - đất Phù Nam Chân Lạp xưa trả cho … Campuchia. Chỉ cần nhìn vào lịch sử gần, đã thấy biết bao nhiêu sự kiện lưu dấu lòng người bằng máu và nước mắt. Bao nhiêu phố người Hoa ở Hà Nội Hải Phòng một sớm một chiều rỗng ruột vì người rùng rùng bỏ đi. Một hôm đi dạo nơi này, ngang một quán Tàu, bất chợt gặp ông chủ đồng hương Hà Nội Hàng Bồ trước.
Hỏi, biết anh là người Việt gốc Hoa, ngày ấy vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa, vừa được phân công công tác đã phải lên đường vượt biển. Nghe, mới hiểu điều chưa bao giờ hiểu vào ngày ấy, nào có ai muốn đi đâu. Chỉ vì bị ép. Ngôi trường trung học Trung Hoa gần chợ Châu Long âm thầm ngày khai giảng năm 1979 vì không có học sinh, nay, những thế hệ học trò đời mới có lẽ tưởng trường mình từ lúc xây đã có tên Phạm Hồng Thái.
Cùng với sự ra đi của những người dân đó, vĩnh viễn Hà Nội Hải Phòng mất vị bánh bao sữa đậu nành, mất táo dầm, mất một phần cái hôm nay người ta thích gọi là văn hóa ẩm thực và hơn thế nữa, mất một lối sống, lối ăn làm nhẫn nại và cơ chỉ hứa hẹn thành công rất người Việt gốc Hoa. Mất. Vĩnh viễn.
*
Rất nhiều điều hôm qua tưởng không bao giờ có được, hôm nay đã thành thực. Nhạc Phú Quang được hát trên sân khấu hải ngoại. Đức Huy “bay đi cánh chim biển” một thời và hàng loạt nhạc sĩ ca sĩ thành danh trước 1975 giờ về quê nhà góp giọng. Đến cụ Phạm Duy, người từng bỏ kháng chiến dinh tê một mạch về Hà Nội rồi bay vào Sài Gòn trước cả 1954 quy cố hương còn được ưu ái. Đến ông Nguyên Cao Kỳ, người từng phấn chấn ký tên vào bom để thả ở miền Bắc quê hương một thời về cũng được nhà nước tiếp đón.
Nhưng còn những người suốt kiếp vô danh, đến bao giờ được hưởng lại những ân ưu xứng đáng với con người, từ quy mô nhà nước hôm nay?
Tôi thử mơ: một ngày không xa, nguyên thủ Việt Nam tới Nam Dương đề nghị ông nguyên thủ nước bạn cùng đến nghiêng mình trước đài tưởng niệm những người Việt đã bỏ mình trên đường vượt biển dựng tại đảo quốc đó; một ngày không xa nhà nước sẽ chính thức tạ lỗi cùng dân tộc Hoa ở Việt Nam, bất chấp việc Trung Quốc đã làm gì thời đó và hiện đang làm gì.
Ôi! Có biết bao nhiêu lý do để người Việt mình tạ tội với nhau! Có biết bao nhiêu cơ hội để thành tâm mà sống với nhau trên nước non mình, hướng tới một ngày mai thanh thản.
Nhưng trên tất cả báo chí trong nước mấy hôm vừa rồi dồn dập tin kỷ niệm bốn mươi năm năm chiến thắng Mậu Thân. Nếu có thể mơ tiếp, tôi mơ có một ngày cả nước cùng thắt một vòng khăn trắng, để tang những vong hồn nằm dưới Huế xưa thời đó, để tang những hồn ma lang thang trên phố phường Hà Nội thời mấy năm sau dưới thảm bom B52.
Khó! Khi vẫn còn chuyện chiến thắng của phe này, niềm vui của phe này là thống hận, đau khổ của phe kia. Khi, những thống hận đau khổ vẫn được từng bên khai quật lại bằng cách kỷ niệm chiến thắng của riêng mình. Khi, câu “bên nào thắng thì nhân dân cũng bại” chưa là ý thức của mỗi người dân rất nhiều khi đã là nạn nhân thời cuộc. Nghĩ tới kiệt cùng, vẫn là chuyện “trí” của từ quan tới dân.
*
… Tôi vẫn tin rằng cái chúng ta thấy, nghe bằng tai bằng mắt chưa phải là toàn bộ sự thực, vì những mối quan hệ cụ thể đã có với rất nhiều người đi từ miền Nam, những người có nhiều lý do nhất để phản bác chữ hòa giải từ một phía. Trong tiếng Việt có từ nào khác không để chỉ một quan hệ mới cần phải có giữa người Việt với nhau? Tôi tin rằng, dù từ đó là gì, một sự hối lỗi cùng nhau là cần thiết.
Một tư thế cúi đầu từ phía Miền Bắc trước đài tưởng niệm người Việt bỏ mình khi vượt biển ở Nam Dương (đã từng bị đục bỏ theo yêu cầu từ phía nhà nước Việt Nam), một dải khăn xô cho những người bỏ mình vì bom năm 72 ngày đêm Giáng sinh ở Hà Nội hay cho những người đã bị chôn sống ở Huế năm 68 (cái này không phải là tuyên truyền từ một phía mà một sĩ quan miền Bắc đã thừa nhận khi trả lời đài RFI) từ cả hai phía đều cần thiết y như nhau.
Đây không phải là chuyện quá khứ nối dài mà là sự trung chính phải có. Thiếu cái đó, không thể nào đi tới cùng trong mọi vấn đề, ví dụ như vấn đề người dân cày chưa mất nước nhưng mất đất ở Việt Nam ta hôm nay… (*)
Các bài cùng chủ đề “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía” trên NCTG:
NẾU...
NÓI VÀ LÀM
30-4 VÀ NHỮNG GÌ SAU ĐÓ
SINH NHẬT BA MƯƠI THÁNG TƯ
NHỮNG NGÀY 30-4 CỦA TÔI
30-4
(*) Trích đoạn một số bài báo và bình luận trên mạng Facebook.