1-4: TRỊNH CÔNG SƠN
- Chủ nhật - 01/04/2012 21:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Trịnh Công Sơn ra đi vào đúng ngày Cá Tháng Tư năm ấy, nhưng hai hôm sau mình mới được biết tin vì mấy bữa có không có mạng.
Trịnh Công Sơn và Văn Cao - Ảnh tư liệu
Hai hôm quả là quãng thời gian “dài hơn thế kỷ” trong thời đại Anh-te-nét này: mở hòm thư, mình giật mình trước hàng trăm lá thư của những người quen có, lạ có, từ khắp nơi trên thế giới: “Trịnh Công Sơn không còn nữa!”.
Mình đã tiếp nhận cái tin sét đánh ấy không buồn, không ngạc nhiên, lạ không? Chỉ một thoáng bàng hoàng. Rồi rã rời, ê chề.
*
Trước đó đôi ba ngày, thông qua một người bạn chỉ mới quen biết trên Liên mạng, mình đã biết Trịnh Công Sơn lâm trọng bệnh. Tin này, từ mình, đến nhạc sĩ Phạm Duy và chỉ trong khoảng khắc, giới truyền thông hải ngoại đã đưa nó đến mọi hang cùng ngõ hẻm có người Việt cư ngụ.
Hàng trăm điện thư chồng chéo, từ Mỹ qua Canada, từ Pháp sang Úc: “Trịnh Công Sơn hấp hối rồi sao?”. Làm giàu cho nhà bưu điện, giới văn nghệ sĩ nhả dồn dập những cú điện thoại viễn liên về Sài Gòn, về Đà Lạt, nhằm xác nhận nguồn tin.
Rồi, mình nhận được những lời trách móc, pha nỗi vui mừng khó tả. “Cậu chỉ nói xằng! Họ Trịnh vẫn bình thường”. “Tin cậu cũ rích, quá đát [date] rồi. Anh Sơn đã ra viện”.
Đến mức, mình đã nghi ngờ tính xác tín của thông tin trên, cho dù anh bạn ở Sài Gòn đoan chắc: “Tin này tôi nghe từ một ông làm đến chức trưởng ban bên báo X [lớn nhất ở Sài Gòn], rất thân với Trịnh Công Sơn. Ổng nói nghe ghê lắm, nhưng tôi chỉ thuật lại vừa phải như vậy thôi”.
Cuối cùng thì cái chết đã chiến thắng, trước sự mong mỏi của giới nghệ sĩ và của tất cả những ai yêu nhạc họ Trịnh, cũng như trước sự kín tiếng của gia đình Trịnh Công Sơn, hẳn với một hi vọng mong manh rằng người nhạc sĩ sẽ qua khỏi, như bao lần trước.
Vĩnh viễn, ông đã trở về với cát bụi!
*
Nói cho rõ ràng là mình không hề có kỷ niệm gì với Trịnh Công Sơn cả. Nhưng ký ức về ông và nhạc của ông, thì có chút chút.
Từ năm 1975, mình đã có một cassette “nhạc tuyển” không rõ nguồn gốc do bố mang ra trong chuyến về thăm quê sau 24 năm, nghe đến nát nhàu, đầy tạp âm, những lúc trời ẩm ướt thì kẹt không chạy nổi, phải thay cái mút đệm bằng đầu lọc thuốc lá (không rõ nhặt ở đâu) - nói chung phải vừa nghe vừa cầu nguyện cho nó khỏi dừng lại. Trong đó, ngoài nhạc Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ... thì có Trịnh Công Sơn.
Ngoài ra, mình có được thấy Trịnh Công Sơn một lần. Lâu lắm rồi, cỡ năm 1983 (?), khi họ Trịnh ra Hà Nội dự Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đây là thời gian người nghệ sĩ đã tạm thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn để “hội nhập” và trở thành một “con người mới”, “hữu ích” cho xã hội với những ca khúc ca ngợi lao động, sản xuất, chiến đấu...
Trong cơn lúng túng để “lột xác” ấy, họ Trịnh đã sáng tác một số bài hát dở - dù cũng mang những ý nghĩa nhất định, như “Em ở nông trường, anh ra biên giới”, v.v...- và cũng trong giai đoạn đó, ông đã phải nhận sự hằn học của không ít bạn hữu cũ, cho rằng ông đã “đầu hàng chế độ”, “phản bội anh em”...
Lứa ở độ tuổi như bọn mình, biết Trịnh đa phần chỉ qua “Sơn Ca 7”, thường là do nghe lỏm ở hàng quán nào đó, hoặc các anh chị rủ rỉ bí hiểm với nhau, chứ cả album thì mấy đứa có. Tuy nhiên, lời vài hát cơ bản của Trịnh, thì có mặt trong các sổ thơ, sổ bài hát của các bạn nữ, thường được viết rất đẹp, bay bướm, chữ nắn nót, có thêm hình chim chóc, trang trí đường viền, v.v...
Nên khi tập trung ở sân trường Chu Văn An chờ đợi ông (và nhạc sĩ Trần Long Ẩn), đứa nào cũng hồi hộp, không biết nhạc sĩ sẽ hát gì đây? Có lẽ “Diễm xưa” là cái ai cũng mê, rồi “Tuổi đá buồn”... Có đứa còn nghĩ rằng có thể xin nhạc sĩ “hát theo yêu cầu thính giả”. Bàn tán râm ran cả, cho dù đến khi đó thì nhạc Trịnh trước 1975 chưa phải là thứ được phép lưu hành.
Chờ đợi một lúc thì Trịnh Công Sơn và Trần Long Ẩn cũng tới. Họ Trần thời đó cũng được ưa thích với “Tình đất đỏ miền Ðông” (có được nhại lời sao đó để ứng với cuốn truyện viễn tưởng “Người cá” của Liên Xô, mà đến giờ mình đã quên), nhưng ai cũng chỉ háo hức Trịnh. Ông trông gày gò, đeo kính, không có vẻ “siêu nhân” như nhiều đứa nghĩ (hồi đó info còn ít được phát tán, không nhiều người biết mặt Trịnh).
Ðàn guitar trong tay, Trịnh Công Sơn hát hai bài, “Em sẽ là...” và một bài ông giới thiệu là nhạc chủ đề trong một bộ phim dưỡng sinh nào đó, sau này mình mới biết là “Bốn mùa thay lá”. Bài đầu thì trẻ con, bài thứ hai đối với bọn mình thì... lạ hoắc, như vậy là không... đạt yêu cầu! Và rốt cục là chỉ có vậy: thời đó chưa có mục “giao lưu” như bây giờ, Trịnh Công Sơn phát biểu ít câu, giọng ông nhẹ nhàng, nhưng quá nhỏ, mình cũng chả nghe được gì...
Ðứa nào cũng thất vọng, bù lại, cả trường được nghỉ đâu hai tiết, do các thày cô giáo được mời lên Phòng Giám hiệu để gặp gỡ hai nhạc sĩ. Nghe đâu, trong nội bộ như vậy, Trịnh Công Sơn đã hát những bản “bom tấn” làm nên tên tuổi ông...
*
Mình, nói đúng ra, không phải fan của Trịnh. Tất nhiên, mình nghe rất nhiều nhạc Trịnh, thích rất nhiều bài của ông, công nhận ca từ của ông rất hay, rất nên thơ, lắm lúc đẹp một cách siêu hình, nhưng thế nào đó, mình không bị chinh phục bởi nhạc Trịnh.
Thế nhưng, hình như không có nhạc sĩ nào mà những ca khúc lại gắn liền với những hỉ nộ ái ố, với những bước thăng trầm của cuộc đời như nhạc Trịnh. Có lẽ ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, mình luôn tìm được trong kho tàng lời ca của Trịnh Công Sơn những đoạn tưởng chừng như ông đã viết cho riêng mình.
Chắc cái quyến rũ của nhạc Trịnh là ở đấy, vì trong đời mấy ai mà không phải dựa vào mấy câu dung dị của ông để gượng dậy: “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng...”. Người ta hay nói một cách văn hoa rằng các nghệ sĩ vĩnh viễn còn lại với chúng ta thông qua các tác phẩm của họ. Dân Hung còn có câu “ranh ngôn” mà mình rất thích: “Chỉ những ai bị quên lãng mới chết”.
Với mình, Trịnh Công Sơn vẫn còn mãi, chẳng hạn, với những “Một cõi đi về”, “Em đi bỏ lại con đường”... có gắn liền với một số ký ức, kỷ niệm đáng nhớ hoặc... đáng quên. Nhưng, chả hiểu sao, ấn tượng mạnh nhất đối với mình, lại là một câu chuyện chả ra đầu ra đũa gì.
Chừng 17-18 năm trước, mình đã được nghe một cô gái trẻ ca những bài hát Trịnh Công Sơn thật say sưa, thật bay bổng, và chẳng hiểu sao mình cứ đinh ninh một cách lạc quan là cô ấy hát cho mình. Gần chục năm sau gặp lại, cô đã có chồng con, đã lề xề ra trông thấy, và đời cô cũng xuống dốc thê thảm.
Cái này âu cũng là chuyện thường, lẽ ra chả có gì đáng nói, sách báo khai thác đến nhàm rồi. Nhưng, lạ nhất là nhìn cô, không hiểu sao mình cứ nghĩ đến cái dấu ấn của thời gian nghiệt ngã, của số phận phũ phàng, của cái kiếp người phù du, mong manh như hạt bụi và óc mình cứ lởn vởn mấy câu “nhìn lại mình đời đã xanh rêu” của họ Trịnh?
Quả là cái kiếp con người chừng nào chưa trở về được với cát bụi thì còn mệt nhoài...