NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (9)
- Thứ sáu - 15/02/2008 21:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thỉnh thoảng họ chuyện trò tới sáng như thế, trong căn phòng tranh tối tranh sáng, tới khi chiếc lò sưởi đã nguội; con trai người vệ binh dốc cạn chai vang Burgundi đến giọt cuối cùng.
Konrád nói về những cuốn sách chàng đã đọc, Henrik kể về cuộc sống bên ngoài. Konrád không đủ tiền để tham dự những trò tiêu khiển, đối với chàng, binh nghiệp là một nghĩa vụ, với binh phục, chức vụ, với tất tật những hệ lụy tinh tế và rắc rối của trọng trách. Henrik cảm thấy phải cứu lấy tình bạn và mối liên kết phức tạp và mong manh giữa họ, như mọi quan hệ định mệnh của người đời, phải cứu nó thoát khỏi đồng tiền, phải giải thoát nó khỏi sự tị hiềm hay khiếm nhã. Điều đó thật không dễ. Họ trò chuyện với nhau như hai người anh em. Henrik khẩn khoản nài Konrád chia sẻ tài sản của chàng, mà chàng cũng chưa biết dùng nó vào việc gì. Konrád cố gắng giải thích: chàng không thể nhận dù chỉ một xu. Cả hai đều biết, sự thật là: con trai người vệ binh không thể cho Konrád tiền, chàng phải chấp nhận việc mình đi giải trí trong xã hội, sống phù hợp với phẩm hàm và tên tuổi của chàng, trong khi ở căn hộ Hietzing, Konrád ăn tối món trứng rán năm bữa một tuần, và tự đếm đồ lót từ nơi giặt gửi về. Nhưng điều đó không quan trọng. Điều ghê gớm đáng sợ hơn là phải cứu vãn tình bạn. Konrád nhanh già. Mới hai nhăm tuổi chàng đã phải dùng kính lão đọc sách. Và khi đêm đêm người bạn từ trong thành Viên về, mùi thuốc lá, mùi nước hoa, đầu tóc ướt rối và đầy vẻ phong trần trẻ con, họ chuyện trò rất lâu, như những kẻ đồng lõa, như Konrád là một gã phù thủy, kẻ chỉ ngồi ở nhà suy ngẫm về ý nghĩa của con người và thế sự, trong khi đệ tử của gã lang bạt khắp thiên hạ để sưu tập những thông tin bí mật về cuộc sống con người. Konrád thích đọc sách tiếng Anh, những câu chuyện về sự chung sống của con người, về sự phát triển của xã hội. Henrik thích đọc sách viết về ngựa và về những chuyến du lịch. Và vì yêu quý nhau, họ đã tha thứ cho nhau những khác biệt: Konrád bỏ qua sự phong lưu của bạn, còn con trai người vệ binh thì chẳng phiền lòng vì sự túng bấn của Konrád.
„Kiểu người khác” mà người cha nhận xét khi Konrád và bà mẹ cùng chơi bản „Tưởng khúc Polonaise” đã làm cho Konrád có quyền lực trong thâm tâm người bạn.
Thực chất của thứ quyền lực ấy là gì? Trong tất thảy quyền lực của con người đều có một chút khinh thị tinh tế gần như không nhận ra được đối với kẻ mà ta áp đặt quyền lực.
Ta chỉ có thể hoàn toàn khuất phục được tinh thần con người nếu ta biết rõ, hiểu rõ và khinh bỉ rất tế nhị kẻ đã buộc phải thuần phục. Những cuộc trò chuyện thâu đêm này càng về sau càng giống cuộc chuyện trò giữa thày và trò. Cũng như những ai có khuynh hướng và do hoàn cảnh bắt buộc phải sớm đơn độc, Konrád cũng nói về thiên hạ với giọng châm biếm nhẹ nhàng, hơi miệt thị và đồng thời cũng với vẻ quan tâm khéo che đậy, như là những gì có thể nhận biết được ở phía đối diện chỉ có bọn trẻ con và những kẻ còn ngu ngơ hơn chúng mới quan tâm đến. Nhưng trong giọng nói của Konrád vẫn cảm thấy nỗi nhớ cố huơng: tuổi trẻ của chàng luôn hoài vọng, luôn mơ tưởng về một đất nước đáng ngờ, lãnh đạm và kinh sợ. Và khi Konrád chế giễu những trải nghiệm của con trai người vệ binh, một cách rất thân tình và cao ngạo, vừa đùa cợt vừa hờ hững, thì trong giọng nói của chàng vẫn cảm thấy một sự thèm khát đến nghẹn ngào.
Họ đã sống như vậy trong quầng sáng chói lòa của tuổi trẻ, trong một vai diễn, là nghiệp dĩ, đồng thời cũng mang đến cho cuộc sống của họ sự căng thẳng thực sự và sức mạnh nội tâm. Đã có những bàn tay phụ nữ nhẹ nhàng, hồi hộp và vui vẻ gõ lên cánh cửa căn hộ Hietzing. Một hôm nàng Veronika, vũ nữ, cũng đã gõ như thế lên cánh cửa - nhớ đến cái tên này, ông tướng đưa tay lên dụi mắt, như người vừa tỉnh dậy sau một giấc mơ, một cách lơ đãng. Đúng là Veronika. Rồi đến Angela, cô vợ góa trẻ của ông bác sĩ, người thích những cuộc đua ngựa hơn tất cả. Nhưng không, vẫn là Veronika, vũ nữ. Nàng sống trong những căn phòng áp mái của một căn nhà cũ kỹ trên một phố nhỏ gọi tên theo vở „Ba vó ngựa”, một xưởng vẽ không bao giờ được sưởi đủ ấm. Nhưng nàng chỉ sống được ở đây, không gian ngoan ngoãn giành chỗ cho những bước nhảy và những vòng quay lượn khi nàng tập. Những bó hoa Makart (1) bụi bặm trang điểm căn phòng trống huếch và những bức vẽ thú vật mà tay họa sĩ người Stajer thuê nhà trước để lại cho chủ bù vào tiền thuê phòng còn nợ. Hắn thích nhất là vẽ cừu, từ mọi xó xỉnh của căn phòng rộng chỗ nào cũng thấy những chú cừu buồn bã nhìn khách bằng những đôi mắt thú ướt át vô hồn và ngơ ngác.
Vũ nữ sống ở đây, giữa những rèm cửa bụi bặm, những đồ gỗ phủ những tấm trải cũ nát.
Từ cầu thang đã thấy mùi nước hoa, mùi dầu hoa hồng và các mỹ phẩm Pháp. Một tối mùa hè ba người cùng đi ăn tối. Giờ đây ông tướng nhớ lại rõ ràng như khi xem một tấm ảnh bằng kính lúp. Họ dùng bữa tối ở một quán ăn trong khu rừng gần thành Viên. Họ cùng đi xe tới đây qua những cánh rừng ngột ngạt mùi lá rừng. Nàng đội chiếc mũ cói rộng vành, đi đôi găng đan màu trắng kéo lên tới khuỷu, mặc chiếc áo lụa hồng bó chẽn ngang eo, và đi giày lụa đen. Nàng bước ngập ngừng trên lối đi rải sỏi giữa những lùm cây, như thể mỗi bước đi trên mặt đất dẫn đến một mục tiêu hiện hữu của cuộc sống, ví như cái quán ăn kia, đều không xứng đáng với đôi chân nàng. Cũng như trên những dây của cây đàn vĩ cầm Stradivarius (2) không nên kéo các bài tửu nhạc, nàng giữ đôi chân như giữ một kiệt tác, mà mục đích và ý nghĩa duy nhất của nó chỉ có thể là những vũ khúc đặng giải phóng những quy luật trĩu nặng trần thế, tháo bỏ những ràng buộc buồn tẻ của thân xác. Họ ngồi ăn tối trong vườn một ngôi nhà có những bức tường phủ kín nho dại, uống rượu vang đỏ loại nhẹ, và người thiếu phụ luôn nở những nụ cười. Trên đường quay về dưới ánh trăng đêm, từ một sườn đồi họ nhìn thấy thành phố lung linh trong thứ ánh sáng màu trắng. Veronika vô tư choàng tay ôm cả hai người bạn. Đó là khoảnh khắc của hạnh phúc, của sự vô tư, của sự hiện hữu. Họ im lặng tiễn nàng về nhà, hôn lên tay nàng trong chiếc cổng rộng của ngôi nhà cũ ở nội thành, ôi, Veronika. Còn Angéla với những chú ngựa. Và tất cả các nàng, tóc cài hoa, lượn những vũ khúc vòng tròn, để lại phía sau những băng giấy, hoa, lá, những chiếc găng vương vãi. Những người phụ nữ ấy đã đem lại cho họ sự ngây ngất của những cuộc tình đầu, sự nhớ nhung, lo sợ, sự cô đơn. Nhưng phía sau những người phụ nữ, sau tất cả vẫn lấp ló một thứ tình cảm còn mạnh hơn tất cả. Chỉ những người đàn ông mới biết đến thứ tình cảm này. Đó là tình bạn.
(1) Makart: Bó hoa to gồm lá cọ và hoa giả dùng để trang trí trong nhà, được dùng nhiều trong thế kỷ 19, gọi theo tên họa sĩ người Áo Makart.
(2) Stradivarius: Gọi theo tên người chế tác đàn vĩ cầm nổi tiếng người Ý Stravari Antonio.