Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (7)

(NCTG) “Màn độc thoại của Henrik vô cùng sống động và hợp lý. Đó là sự trầm tưởng sâu xa về bản chất của tình bạn, của niềm hạnh phúc gia đình và của nỗi ham muốn vô vọng. Cảnh cuối cùng của tác phẩm là một giải pháp phù hợp cả những sở thích khó chiều nhất, mà chúng ta có thể đọc được xưa nay” (nhận định của "Daily Telegraph")

6.

Tuy nhiên Konrád có một chốn nương náu riêng, nơi bạn anh ta không dõi theo nổi: đó là âm nhạc. Giống như anh ta có một chỗ cất giấu bí mật không ai có thể động chạm đến được. Henrik thì có đôi tai thẩm âm rất tồi, cậu bằng lòng với âm nhạc Di-gan và những điệu van-xơ thành Viên.

Ở học xá, người ta không bàn tới âm nhạc, người ta chỉ chịu đựng và bỏ qua cho, như một trò lố lăng của tuổi trẻ. Ai cũng có chỗ yếu của mình. Người thì thích nuôi chó bằng mọi giá, hoặc cưỡi ngựa. Còn hơn là hắn đánh bạc, họ nghĩ.

Nhưng ông tướng bắt đầu hoài nghi: âm nhạc không phải là niềm đam mê vô hại. Trong học viện người ta không thể tha thứ cho sự nổi loạn, sự phiến loạn của âm nhạc. Hiểu biết cơ bản về âm nhạc nằm trong nội dung đào tạo, nhưng chỉ với ý nghĩa thông thường nhất. Học viên chỉ nên biết về âm nhạc ở mức muốn chơi nhạc cần có những cây kèn đồng, đi trước là một sĩ quan chỉ huy, thỉnh thoảng giơ cao cây gậy bạc trong tay. Phía sau các nhạc công là một chú ngựa nhỏ kéo trống. Loại âm nhạc này ầm ĩ và đúng qui-lát, nó làm hiệu lệnh cho nhịp bước của hàng quân, là thứ không thể thiếu trong các cuộc diễu binh. Khi nghe thấy tiếng nhạc ta phải bước hiên ngang, tất cả chỉ có thế. Thứ âm nhạc đôi khi vui vẻ, đôi khi phô trương kiểu cách và trang nghiêm. Chẳng ai để tâm đến nó.

Nhưng Konrád bao giờ cũng tái mặt đi khi nghe tiếng nhạc. Mọi thứ âm nhạc, kể cả loại tầm thường nhất cũng tác động đến anh ta như một đòn đánh vào thể xác. Anh tái mặt, môi bắt đầu mấp máy. Âm nhạc mang lại cho anh ta điều gì đó mà người khác không thể hiểu nổi. Có lẽ không phải nó động đến lý trí của anh. Kỷ luật, mà trong đó anh đã sống và được đào luyện, bằng sự trả giá cho nó anh đã đạt tới thứ bậc trong xã hội, điều mà anh tự nguyện chấp nhận, như một con tin chấp nhận sự trừng phạt và sám hối, trong những giây phút như thế anh thấy thư thái, sự căng thẳng như tan biến đi trong thân thể. Giống như trong một cuộc diễu hành, sau những nghi lễ duyệt binh mệt mỏi và kéo dài bất chợt nghe lệnh  „Nghỉ!” Môi anh bắt đầu khẽ run, như muốn nói điều gì. Lúc này anh quên mình đang ở đâu, mắt anh long lanh cười, anh nhìn vào khoảng không, không thấy gì xung quanh, dù đó là thượng cấp, bè bạn, những thiếu nữ xinh đẹp, hay khán giả quanh anh trong nhà hát. Anh nghe nhạc bằng cả thân thể mình, một cách thèm khát, như một tù phạm lắng nghe từ xa tiếng bước chân có thể đem đến cho anh ta tin được giải thoát. Những lúc như thế, anh không nghe thấy gì khác, ngay cả khi người ta nói với anh. Âm nhạc đã phá vỡ thế giới quanh anh, trong tích tắc những quy ước, thỏa thuận nhân tạo đã thay đổi, những lúc như thế Konrád không còn là một quân nhân nữa.

Một chiều mùa hè, khi Konrád và mẹ ông tướng cùng chơi tay đôi trên đàn dương cầm trong lâu đài, đã xảy ra một chuyện. Họ ngồi trong phòng lớn, trước bữa ăn tối, hai cha con ông vệ binh tế nhị ngồi nghe trong một góc phòng, phải đạo và nhẫn nại, như khi một ai đó nói: „Cuộc sống là một nghĩa vụ, phải biết gắng chịu cả âm nhạc. Không nên phản đối phụ nữ”. Bà mẹ chơi rất say sưa, họ chơi „Tưởng khúc Polonaise” phóng túng của Chopin. Tưởng như tất cả bỗng chuyển động trong căn phòng. Cả hai cha con ông ngồi trên ghế bành trong góc phòng, trong sự chờ đợi tế nhị và kiên nhẫn, đều cảm thấy đang diễn ra trong thân thể của người mẹ và của Konrád một điều gì đó. Tưởng như sự nổi loạn của âm nhạc đã nhấc bổng các thứ đồ gỗ lên, tưởng như những bức rèm lụa nặng nề được lay động bởi một sức mạnh nào đó từ sau cửa sổ, tưởng như những gì trái tim con người đã chôn vùi, nhơ nhớp và hôi thối, bỗng trở nên sinh động, tưởng như trong trái tim mỗi người ẩn chứa một nhịp điệu chết chóc, trong một khoảnh khắc sẽ rung lên với sức mạnh thảm khốc. Hai thính giả bất đắc dĩ, lịch lãm bỗng nhận ra rằng: âm nhạc là một mối họa. Nhưng hai người kia, mẹ và Konrád, bên chiếc dương cầm, họ không cần biết tới hiểm họa. Bản „Tưởng khúc Polonaise” chỉ là cái cớ để giải thoát những sức mạnh đang vận hành và  lật tung tất cả những thứ mà luật lệ của con người đã kìm giữ hết sức cẩn trọng. Họ ngồi thẳng cứng trước cây đàn, thân trên vươn cao và hơi ngửa ra sau, dường như âm nhạc đẩy cỗ xe rực lửa kéo bởi những con tuấn mã vô hình trong huyền thoại bay lên, và họ là những người kìm dây cương đã buông lơi bằng dáng vươn thắng người và đôi tay rắn chắc. Rồi chỉ bằng một cú nhấn âm kết thúc duy nhất, họ im lặng. Một tia nắng cuối ngày lọt vào qua khe cửa chớp, trong luồng ánh sáng những hạt bụi vàng xoay tròn, như bụi cuốn theo những con thiên mã kéo cỗ xe kỳ diệu đã bay xa của âm thanh trên đường thiên lý.

- Chopin, - người phụ nữ Pháp nói, như nghẹt thở - bố ông ấy là người Pháp.

- Mẹ ông ta là người Ba Lan, - Konrád đáp, và nghiêng đầu nhìn ra cửa sổ. - Ông ta là chỗ họ hàng với mẹ cháu đấy. - Anh nói thêm, khẽ khàng như ngượng ngùng vì mối quan hệ ấy.

Tất cả đều lắng tai nghe, vì giọng anh toát lên một nỗi buồn, như giọng nói của những kẻ đi đày viễn xứ nói về gia đình và nỗi nhớ cố hương. Người vệ binh già, hơi ngả mình về phía trước, chăm chú lắng nghe bạn của con trai mình, như nhìn thấy cậu ta lần đầu. Buổi tối khi chỉ còn hai cha con trong phòng hút thuốc, ông bảo con:

- Konrád không bao giờ trở thành một người lính thực thụ đâu.

- Sao vậy, thưa bố? - Người con trai hốt hoảng.

Nhưng cậu biết cha mình đúng. Ông bố khẽ nhún vai. Ông hút xì-gà, hai chân duỗi dài trước lò sưởi, nhìn theo làn khói thuốc. Bằng sự bình thản và tự tin của một người am tường, ông bảo:

- Vì cậu ấy là một kiểu người khác.

Bố không còn sống nữa, nhiều năm trôi qua, ông tướng mới hiểu hết được ý nghĩa của câu nói này.

Tác giả bài viết: Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary – Còn tiếp