Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (24)

(NCTG) "Những ngọn nến cháy tàn" được ưa chuộng chưa từng thấy ở nước ngoài, từ Hàn Quốc qua Đức đến Brazil, đâu đâu sách cũng được tiêu thụ vài trăm ngàn bản và những bài giới thiệu sách thông thường đều coi Márai là một trong những nhà văn lớn nhất của thế kỷ trước" (Muszatics Péter)

Lát sau ông tướng lại cất tiếng:

- Rồi ông cụ thân sinh Krisztina cũng mất, chỉ còn lại bà vú già, và ông ở tận đẩu tận đâu, và lâu đài này với cánh rừng. Tôi đã sống qua chiến tranh (1), - ông nói vẻ hài lòng. - Tôi không tìm đến cái chết, cũng không vội vàng đến chỗ hiểm nguy, sự thật là thế, nói khác đi cũng chẳng có nghĩa gì. Cứ như tôi còn có việc cần phải làm - ông nói vẻ suy tư. - Xung quanh tôi người chết như ngả rạ, đủ mọi kiểu chết, đôi khi tôi ngạc nhiên về sự đa dạng của những khả năng hủy diệt, vì cái chết cũng có sức tưởng tượng, giống như cuộc sống. Mười triệu người đã chết trong chiến tranh, người ta tính thế. Thế giới đã bùng cháy, khói lửa dữ dội đến nỗi nhiều khi ta nghĩ mọi nỗi ngờ vực cá nhân, mọi vấn đề và tình cảm riêng tư cũng cháy tuốt tuột hết... Nhưng chúng không bị thiêu đốt. Trong những giây phút cùng cực nhất của chiến tranh tôi vẫn nhớ mình còn việc riêng phải giải quyết, và chính vì vậy tôi không hèn nhát, cũng không dũng cảm, đúng như sách vở, tôi rất bình thản trong trận đánh, trong từng đợt tấn công, vì tôi biết không điều rủi ro gì có thể xảy ra với tôi. Thế rồi một ngày sau chiến tranh, tôi trở về và bắt đầu chờ đợi. Thời gian trôi đi và thế giới lại bùng cháy (2), tôi biết vẫn là ngọn lửa ấy, vẫn là nó tái phát một lần nữa... Và trong lòng tôi vẫn nguyên vẹn câu hỏi ấy, hai cuộc chiến tranh và tất cả tro tàn, bụi bặm lắng đọng của thời gian cũng không làm nguội tắt câu hỏi ấy. Thế giới lại bốc cháy, hàng triệu người đang bị hủy diệt, thế mà trong cái thế giới điên loạn này, từ phía bờ bên kia, bằng cách nào đó ông vẫn tìm về được đến đây để chúng ta thanh toán mọi việc. Bản chất của con người là như thế. Con người không thể sống khác, ta phải trả lời và nhận được câu trả lời cho câu hỏi chính yếu nhất của đời mình. Vì vậy mà ông đã trở về, cũng vì vậy tôi đã đợi ông. Có thể thế giới này sẽ kết thúc, - ông nói và đưa tay chỉ xung quanh. - Có thể ánh sáng sẽ lụi tắt, như trời đêm trên cảnh vật ngoài kia, do một thảm họa nào đó, không phải chiến tranh, mà là một cái gì còn hơn thế; có thể trong tâm hồn con người một điều gì đó đã chín muồi, ở khắp nơi trên thế giới, và đến lúc họ nói chuyện và thanh toán với nhau, bằng khói lửa và sắt thép, điều phải thanh toán và phải nói chuyện với nhau. Nhiều dấu hiệu cho thấy điều đó. Có thể... - ông nói bàng quan. Có thể cách sống mà chúng ta quen, chúng ta đã sinh ra, ngôi nhà này, bữa ăn tối nay, tất cả những ngôn từ chúng ta sử dụng để bàn về chuyện cuộc đời tối nay, tất cả chỉ còn là dĩ vãng. Có quá nhiều căng thẳng trong trái tim con người, quá nhiều bực tức, hận thù. Ta hãy nhìn vào trái tim ta, ta thấy những gì trong đó? Nỗi bực tức mà thời gian chỉ làm nguội bớt, chứ không dập tắt nổi. Vì sao chúng ta chờ đợi ở thế giới, ở con người điều gì khác? Hai chúng ta, già cả và thông thái, đã ở xế bóng cuộc đời, ta cũng muốn trả thù... trả thù ai? - Trả thù nhau hay trả thù kỷ niệm người đã khuất. Những thù hận rồ dại. Thế mà chúng vẫn sống trong trái tim chúng ta. Thế thì ta chờ đợi gì khác ở thế giới này, một thế giới đầy vô thức và thèm muốn, thù hận và tàn bạo, xô đẩy con em của dân tộc này tàn sát con em một dân tộc khác, tất cả những gì là nguyên tắc và thỏa thận đều vô nghĩa, chỉ có lòng thù hận tồn tại và thiêu đốt, lửa cháy ngút trời... Đúng, đó là hận thù. Tôi đã trở về từ chiến tranh, nơi có cơ hội để chết, nhưng tôi đã không chết, vì tôi chờ được trả thù. Như thế nào ư? - Ông sẽ hỏi. Mối thù nào?...Tôi thấy trong ánh mắt ông, ông không hiểu khát vọng trả thù này. Có thể là mối thù hận nào giữa hai con người già nua sắp đi vào cõi chết?... Tất cả đều đã chết, sự trả thù còn đáng giá gì? Ánh mắt ông hỏi tôi điều đó. Và tôi sẽ trả lời ông, câu trả lời đó là: đúng, vẫn là sự trả thù. Vì nó mà tôi đã sống, trong chiến tranh và trong thời bình, trong bốn mươi mốt năm qua, chính vì thế mà tôi không tự giết mình, vì thế mà người khác không giết tôi, và vì thế, ơn nhờ số phận, tôi cũng không giết một ai. Không, sự trả thù đã đến, đúng như tôi mong muốn. Sự trả thù ấy là ông đã về đây, vượt qua cả một thế giới binh lửa, qua những đại dương bom đạn, ông về đây, nơi xảy ra sự việc để trả lời tôi, để cả hai chúng ta cùng biết sự thật. Đó là thù phải trả. Bây giờ ông sẽ trả lời.

Những tiếng cuối cùng ông tướng nói khẽ đến nỗi ngườikhách phải ngả người ra phía trước lắng nghe.

- Có thể! - Ông khách nói. Có thể ông nói đúng. Ông cứ hỏi đi. Có lẽ tôi trả lời được.

Những ngọn nến chỉ còn sáng yếu ớt, ngoài vườn giữa những cây cổ thụ, gió buổi sớm bất đầu nhẹ thổi. Căn phòng gần như sẫm tối quanh hai người.

17.

   - Ông phải trả lời hai câu hỏi - ông tướng nói, rồi ông cũng cúi người vế phìa trước, gần như thầm thì, một cách tin cẩn. - Hai câu hỏi tôi đã chuẩn bị từ lâu, trong mấy chục năm tôi chờ đợi ông. Hai câu hỏi chỉ có ông mới mới trả lời được. Chắc ông nghĩ tôi muốn biết tôi có nhầm không, buổi sáng hôm ấy, trong cuộc đi săn, có đúng ông muốn giết tôi? Hay chỉ là một cơn ác mộng? Vì thực tế đã không xảy ra chuyện gì. Bản năng của nguời đi săn cừ khôi nhất cũng có thể lầm lẫn. Câu hỏi thứ hai, chắc ông nghĩ sẽ như thế này: phải chăng ông đã là tình nhân của Krisztina? Phải chăng ông đã lừa dối tôi, như người ta thường nói, ông đã lừa dối tôi, theo đúng cái nghĩa thực tầm thường, hèn hạ của từ này? Không, ông bạn ạ, hai câu hỏi trên đã từ lâu không còn làm tôi bận tâm. Hai câu hỏi ấy ông đã trả lời, thời gian cũng đã trả lời, Krisztina cũng đã trả lời, theo cách của nàng. Mọi người đã trả lời, ông trả lời bằng cách ngày hôm sau cuộc đi săn ông đã trốn khỏi thành phố, trốn chúng tôi, ông đào nhiệm, vứt bỏ quốc kỳ, như thời trước người ta nói, khi người ta còn tin vào ý nghĩa thực sự của ngôn từ. Tôi không hỏi vì tôi biết chắc ông định giết tôi vào sáng hôm ấy. Tôi không nói để kết án ông, tôi xót xa cho ông thì đúng hơn. Đó thật là một khoảnh khắc khủng khiếp, khi trong cuộc đời sự cám dỗ lên tiếng, khi một người giương súng lên giết một người mà anh ta có liên quan, một người gần gũi với anh ta, và do một lý do nào đó anh ta trở thành kẻ sát nhân. Vì điều đó đã xảy ra với ông, trong khoảnh khắc ấy. Ông không từ chối chứ?... Ông im lặng?... Trong bóng tối tôi không rõ mặt ông... cũng không cần thắp sáng thêm nữa, trong bóng tối lờ mờ này ta vẫn hiểu nhau, giờ đây khi giây phút này đã đến, giây phút trả thù. Chúng ta hãy sòng phẳng với nhau. Mấy chục năm qua, chưa bao giờ, chưa một giây phút nào tôi hoài nghi, ông định giết tôi vào buổi sớm hôm ấy, và tôi luôn thấy xót xa cho ông vì khoảnh khắc ấy. Tôi biết chính xác ông cảm thấy thế nào đến nỗi hình như tôi đặt mình vào hoàn cảnh của ông trong khoảnh khắc cám dỗ ghê gớm ấy. Đó là khoảnh khắc mê muội, khoảnh khắc trước hừng đông, khi những thế lực tăm tối còn ngự trị trên mặt đất và trong trái tim con người, khi bóng tối trút ra tiếng thở dài độc ác. Một khoảnh khắc nguy hiểm. Tôi biết. Nhưng tất cả những điều này thuộc hồ sơ cảnh sát, ông thấy đấy... tôi biết làm gì với sự thật chỉ phục vụ trình tự diễn biến trong phiên tòa, nếu như tôi biết cụ thể điều đằng nào tôi cũng biết bằng trái tim và trí tuệ của mình... Tôi có thể làm gì với bí mật ngột ngạt trong nhà một kẻ độc thân, với hồ sơ ruỗng nát của một vụ ngoại tình, với những bí ẩn phòng the lỗi thời và hôi hám, với những hồi ức tin cẩn của mấy lão già sắp về cõi chết và kỷ niệm về những người đã khuất. Sẽ là một vụ án trái khoáy, ô nhục thế nào nếu như bây giờ, vào lúc cuối đời tôi đòi truy tố ông vì tất cả những chứng cứ hiển nhiên của một vụ ngoại tình và một âm mưu giết người, khi mà ngay cả luật pháp cũng đã coi điều đã xảy ra hoặc có thể đã xảy ra là đã mãn hạn. Tất cả những điều đó thật đáng hổ thẹn, không xứng đáng với chúng ta, không xứng đáng với những kỷ niệm về tuổi thơ và tình bạn của chúng ta.Và có lẽ ông sẽ cảm thấy thanh thản nếu nói ra được hết những gì có thể nói ra bằng chứng cứ. Tôi không muốn ông thanh thản, - ông tướng nói bình tĩnh. - Tôi muốn sự thật, và sự thật giờ đây không phải là vài dữ kiện bụi bặm, xộc xệch của cảnh sát, những bí mật về sự nhầm lẫn và si mê một thời của một thi thể phụ nữ đã thành tro bụi... Đối với chúng ta, người chồng và người tình, tất cả những điều đó còn đáng kể gì nữa, khi nàng đã chết, và chúng ta đã già lão ngồi nói chuyện với nhau một lần nữa, cố tìm ra sự thật, rồi chúng ta tìm về cõi chết, tôi chết ở nhà này, xương cốt tôi sẽ hòa trộn với xương cốt của tổ tiên tôi, ông cũng sẽ chết ở đâu đó cạnh London hay ở xứ nhiệt đới? Còn đáng kể gì nữa, lúc cuối cuộc đời, sự thật và sự giả dối, sự lừa bịp, phản trắc, âm mưu giết người hay chính hành động giết người, còn đáng kể gì chuyện vợ tôi - tình yêu lớn duy nhất và niềm hy vọng của đời tôi, Krisztina - đã ngoại tình với ông - người bạn duy nhất của tôi - ở đâu, bao nhiêu lần? Ông sẽ nói ra cái sự thật đê tiện và buồn đau ấy, ông thú nhận tất cả, ông sẽ kể lại chính xác, sự việc bắt đầu như thế nào, sự ghen tức và tỵ hiềm nào, nỗi sợ hãi và nỗi buồn nào đã đẩy hai người vào vòng tay của nhau, ông cảm thấy điều gì khi ôm ấp nàng, những cảm xúc tội lỗi và uất hận nào đã xâm chiếm thể xác và tâm hồn Krisztina trong những năm ấy... Tất cả có còn đáng kể gì nữa? Cuối cùng thì tất cả sẽ giản đơn, tất cả những gì đã xảy ra và lẽ ra đã xảy ra. Tất cả những gì một thời là chứng cớ, là sự thật rồi sẽ thành tro bụi cả. Những gì đã thiêu đốt tim ta, ta tưởng không thể nào chịu nổi, ta sẽ chết hoặc giết chết một ai đó - vì tôi cũng từng biết đến cảm giác này, biết đến khoảnh khắc của sự cám dỗ cuối cùng, ngay sau khi ông bỏ đi và tôi còn lại một mình với Krisztina - tất cả sẽ như những đám bụi, gió vẫn cuốn lên bảng lảng trên các bãi tha ma. Nói về điều này thật hổ thẹn và gàn dở. Và tôi biết mọi chuyện, biết chính xác như đọc báo cáo của cảnh sát về mọi tình tiết sự việc. Tôi có thể nói với ông về bản cáo trạng như một công tố viên đọc trước phiên tòa, nhưng sau đó đìều gì sẽ diễn ra? Tôi sẽ làm gì với cái sự thật tầm thường ấy, với những bí mật của một thân xác không còn nữa? Lòng chung thủy là gì? Ta chờ mong gì ở người ta yêu? Ở tuổi già tôi suy nghĩ về điều này rất nhiều. Phải chăng lòng chung thủy là sự ích kỷ ghê gớm, sự ích kỷ và hợm hĩnh, cũng như phần lớn những tính cách và nhu cầu của con người? Khi chúng ta đòi hỏi lòng chung thủy, phải chăng ta muốn người kia hạnh phúc? Và nếu như trong cái bẫy tinh tế của lòng chung thủy người ấy không thể hạnh phúc, liệu ta có yêu người mà ta đòi hỏi lòng chung thủy? Và nếu ta không yêu người kia theo cách có thể làm cho cho nàng hạnh phúc, liệu chúng ta có quyền đòi hỏi lòng chung thủy hay đức hy sinh? Bây giờ khi gần cuối cuộc đời, nếu có ai hỏi, tôi không dám trả lời dứt khoát những câu hỏi trên, như bốn mươi mốt năm về trước. Bốn mươi mốt năm trước, khi Krisztina bỏ tôi lại một mình trong ngôi nhà của ông, nơi trước đó nàng thường lui tới, nơi ông đã sắm sanh mọi thứ để đón tiếp nàng, nơi mà hai người gần gũi nhất trong cuộc đời tôi đã phản bội và lừa dối tôi một cách hổ thẹn và ô nhục... Và tất cả những gì người đời thường gọi là „lừa dối” chỉ là sự nổi loạn ghê tởm và tẻ nhạt của thân xác chống lại hoàn cảnh và người thứ ba trong cuộc, về cuối đời nhìn lại ta thấy hờ hững đến gần như thương hại, như khi chứng kiến một tai nạn hay một sự hiểu lầm. Nhưng lúc đó tôi chưa hiểu điều này. Tôi đứng trong căn nhà ông giấu kín không cho tôi tới ấy, nhìn bàn ghế, chiếc giường nằm như nhìn những tang vật, những dấu hiệu tội lỗi...Đúng, khi anh còn trẻ và bị vợ phản bội với người bạn thân nhất, còn hơn cả người ruột thịt của mình, tất nhiên anh cảm thấy như trái đất sụp đổ quanh anh. Nhất định anh cảm thấy như thế, vì sự ghen tuông, nỗi thất vọng, lòng kiêu hãnh làm anh đau đớn khủng khiếp, đau đớn đến tột cùng. Nhưng rồi điều đó cũng qua đi, qua đi một cách phi lý, không phải ngày một ngày hai, có khi hàng năm sau cơn giận dữ còn chưa nguôi ngoai, nhưng cuối cùng thì nó vẫn qua đi, đúng như cuộc đời này. Tôi quay về lâu đài, lên phòng và chờ Krisztina. Tôi chờ nàng về để giết nàng, hay chờ nàng về để nàng nói ra sự thật, để tôi tha thứ cho nàng... dù sao tôi cũng đã chờ nàng. Chờ đến tối thì tôi đi xuống khu trại săn, vì nàng không về. Có lẽ đó là một trò trẻ con... bây giờ khi nhìn lại và xét đoán bản thân cũng như người khác, tôi cảm thấy sự cao ngạo, cái trò chờ nàng về rồi bỏ đi ấy đúng là trẻ con. Nhưng con người ta là như thế, ông cũng biết đấy, bằng lý trí và sự từng trải ta cũng chẳng làm được bao nhiêu để chống lại những ý tưởng rồ dại, cố chấp thuộc về bản chất con người. Điều này thì bây giờ ông cũng đã biết. Tôi xuống khu trại săn bắn, ông biết khu ấy cách đây không bao xa, rồi suốt tám năm tôi không nhìn thấy Krisztina. Chỉ thấy khi nàng đã chết, vào buổi sáng, khi bà Nini nhắn tôi về, vì nàng đã giã biệt cõi đời. Tôi biết nàng ốm, và biết những bác sĩ giỏi nhất chữa trị cho nàng, họ sống ngay trong lâu đài, và họ đã làm tất cả để cứu nàng, như cách họ nói: „Chúng tôi đã làm tất cả theo trình độ khoa học hiện thời”. Đó chỉ là những lời nói suông. Có lẽ họ đã làm việc này việc nọ mà kiến thức hạn hẹp của họ cho phép, những việc mà sự ngạo mạn và lòng kiêu hãnh không cản trở họ. Tối nào tôi cũng được thông báo đầy đủ về tất cả những việc xảy ra trong lâu đài, trong tám năm ròng, từ khi Krisztina còn chưa ốm, và cả sau này khi nàng quyết định sẽ ốm và sẽ chết. Vì tôi tin rằng người ta có thể quyết định những việc như thế, bây giờ tôi biết chắc điều đó. Nhưng tôi không thể giúp gì nàng, vì giữa hai chúng tôi có điều bí mật, bí mật duy nhất không thể tha thứ, cũng không thể hóa giải trước thời gian, vì không thể biết sau những bí mật như thế ẩn chứa điều gì. Có một cái gì đó, còn tồi tệ hơn cả cái chết và sự đau đớn..., đó là khi người ta đánh mất lòng tự trọng. Chính vì thế mà tôi sợ điều bí mật, bí mật chung của chúng ta - Krisztina, ông và tôi. Có điều gì đó gây đau đớn, làm tổn thương và thiêu đốt đến nỗi cái chết cũng không thể giải thoát nổi nỗi hành hạ như thế, đó là khi một hay hai người đã làm thương tổn lòng tự trọng sâu sắc trong ta, mà nếu thiếu nó ta không còn là con người. Ông bảo đó là sự hão huyền. Có thể là như thế: hão huyền, nhưng lòng tự trọng vẫn là đức tính cao quý nhất trong cuộc sống con người. Chính vì vậy tôi sợ điều bí mật ấy. Cũng chính vì thế chúng ta thường chấp nhận mọi giải pháp, kể cả những giải pháp đê tiện và hèn nhát, ông thử nhìn quanh mà xem, người ta thường tìm đến những giải pháp nửa vời: kẻ thì trốn chạy những người mình yêu, vì sợ điều bí mật, kẻ thì ở lại và im lặng, mãi mãi chờ câu trả lời... Đấy, tôi thấy như thế, tôi đã sống như thế. Không phải là hèn nhát, không... đó là sự tự vệ cuối cùng của bản năng sinh tồn. Tôi đã về nhà, chờ đến tối và xuống nhà săn bắn, và tôi đã chờ tám năm, một tiếng nói, một lời nhắn gửi. Nhưng Krisztina không đến. Từ trại săn tới đây, tới lâu đài này chỉ hai giờ đi xe ngựa. Nhưng hai giờ ấy, khoảng cách hai mươi cây số ấy đối với tôi còn xa hơn những con đường xứ nhiệt đới đối với ông. Bản chất tôi là như thế, tôi được giáo dục như thế và mọi việc đã an bài như thế. Nếu Krisztina nhắn bất cứ điều gì, tôi đã làm theo ý nàng. Nếu nàng muốn tôi mời ông trở về, tôi đã lên đường, gọi ông trở về dù ông đang ở đâu trên thế gian này. Nếu nàng muốn tôi giết ông, tôi cũng sẽ đi cùng trời cuối đất tìm giết ông. Nếu nàng muốn ly hôn, tôi sẽ đồng ý ly hôn. Nhưng nàng không muốn gì cả. Vì nàng cũng là một con người, theo cách của mình, của một người đàn bà, nàng cũng cảm thấy bị xúc phạm bởi những người nàng yêu quý, một kẻ thì bằng cách bỏ trốn khỏi một nỗi si mê, không muốn chia sẻ nỗi bất hạnh, một kẻ bằng cách chờ đợi và im lặng, dù biết rõ sự thật. Krisztina cũng có tính cách riêng của nàng, theo nghĩa khác với ý nghĩa của từ này mà cánh đàn ông chúng ta thường hiểu. Trong những năm tháng ấy với nàng cũng đã xảy ra một điều gì đó, không chỉ với ông và với tôi. Số phận đã giáng xuống và chúng ta không tránh khỏi số phận, cả ba chúng ta đều mang gánh nặng của số phận. Tám năm nàng không cho mời gọi tôi. Lúc chiều, khi tôi chờ ông đến đây để ta nói với nhau những chuyện cần phải nói, vì chúng ta không còn nhiều thời gian, bà nhũ mẫu đã cho tôi biết: khi đang hấp hối nàng đã gọi tôi. Chứ không phải là ông... tôi không nói điều này với sự mãn nguyện, nhưng cũng không nói với sự bất mãn, ông nên nhớ kỹ điều này. Nàng gọi tôi, chí ít đó cũng là một chút gì... Nhưng tôi chỉ nhìn thấy nàng khi đã chết. Nàng vẫn đẹp, nỗi cô đơn không hủy hoại nhan sắc của Krisztina, bệnh tật không động chạm đến vẻ đẹp hy hữu của nàng, đến sự hài hòa trang nghiêm và kín đáo của gương mặt nàng. Nhưng tất cả những chuyện này không liên quan đến ông nữa, - ông tướng nói vẻ tự mãn. - Ông sống tận đâu đâu, còn Krisztina thì đã chết. Tôi ôm hận, sống cô đơn, còn Krisztina thì đã chết. Nàng đã trả lời cả hai chúng ta, theo cách có thể. Vì ông thấy đấy, người chết đã trả lời hết, vĩnh viễn. Đôi khi tôi nghĩ chỉ có những người chết mới trả lời đúng và đầy đủ. Đấy, chuyện đã xảy ra như vậy. Sau tám năm, nàng còn có thể nói gì khác hơn là cái chết? Con người ta không thể nói gì hơn thế. Và bằng cái chết nàng đã trả lời tất cả những câu hỏi mà lẽ ra tôi và ông có thể đặt ra, nếu như nàng muốn nói chuyện với tôi hoặc ông. Đúng, chỉ có người đã khuất trả lời đúng. Nhưng ông thấy đấy, nàng không muốn nói chuyện với chúng ta. Đôi khi tôi cảm thấy trong ba chúng ta chính nàng mới là người bị lường gạt. Không phải là tôi - người bị nàng phụ tình với ông, cũng không phải là ông - người đã lừa dối tôi để quan hệ với nàng. Lừa dối, thật là một ngôn từ! Có những từ ngữ sẵn có như thế, ta dùng một cách vô tình và máy móc để xác định một hoàn cảnh nhất định của con người. Nhưng khi tất cả đã kết thúc, như đối với ba chúng ta bây giờ, ta không còn biết xoay sở thế nào với những từ ngữ đó nữa. Lừa dối, bạc tình, phản trắc đều chỉ là những từ ngữ, khi người được gán những từ ngữ ấy đã chết, khi nào thì người đảm bảo ý nghĩa đích thực của những từ này sẽ trả lời. Cái không phải là từ ngữ, đó là sự thật câm lặng, đó là Krisztina đã chết và hai chúng ta còn sống. Và khi tôi hiểu ra điều đó thì đã muộn. Chẳng còn lại gì khác, chỉ còn chờ đợi và hận thù. Giờ đây khi khoảnh khắc trả thù đã tới, và sự chờ đợi đã kết thúc, tôi bỗng ngạc nhiên nhận thấy tất cả những gì chúng ta có thể cật vấn nhau, thổ lộ với nhau, hay dối trá với nhau đều vô vọng và nhạt nhẽo, bao giờ người ta cũng chỉ có thể hiểu được thực tế. Tôi đã hiểu thực tế. Và thời gian đã sàng lọc khỏi những hồi ức tất cả những oán hận. Đôi khi tôi lại nhìn thấy Krisztina, trong lúc tỉnh và trong giấc mơ, thấy nàng đi ngang qua vườn đầu đội mũ florentin , dáng thanh tú trong bộ váy áo trắng, nàng đi ra từ khu nhà kính, hay đang nựng con ngựa cưng của nàng. Tôi nhìn thấy nàng, ngay cả vào lúc chiều nay khi chợt thiếp đi trong khi chờ ông đến. - Ông tướng nói vẻ ngượng ngùng, già nua. - Tôi thấy đủ các kiểu hình ảnh của những ngày xa xưa. Và chiều nay tôi đã hiểu bằng lý trí, điều  từ lâu tôi đã hiểu bằng con tim mình: sự bạc tình, sự phản trắc, sự lừa dối của hai người. Tôi đã hiểu và tôi có thể nói gì về chuyện này? Con người ta già đi chậm chạp: đầu tiên là niềm vui sống và hứng thú với con người già cỗi đi, ông biết đấy, rồi dần dà tất cả trở nên thực tế hơn, anh biết ý nghĩa của mọi việc, tất cả lặp lại một cách kinh hãi và buồn tẻ. Đó cũng là tuổi già. Khi anh biết chỉ còn có rượu, không có gì khác, chỉ có rượu. Và một con người trần tục, cùng khổ, đáng thương dù anh có làm bất cứ điều gì... Rồi đến thể xác anh tàn tạ, không phải ngay một lúc, không, trước tiên là đôi mắt, hay đôi chân, rồi đến gan ruột anh, trái tim anh. Người ta cứ già đi từ từ như thế, từng phần một. Rồi đến lúc tâm hồn anh bắt đầu già nua, cằn cỗi, vì dù thể xác anh có mòn mỏi, suy kiệt đi, nhưng tâm hồn anh còn khao khát, còn hoài niệm, còn tìm kiếm niềm vui sống. Và đến khi cả khát vọng vui sống cũng qua đi, không còn gì khác ngoài những hoài niệm và ảo vọng, thì khi đó anh đã già lão thực sự, thảm hại và vô phương cứu vãn. Đến một ngày khi anh thức dậy, dụi mắt và tự hỏi: ta thức dậy làm gì? Những gì ánh dương phơi bày, anh đều biết rõ: mùa thu hay mùa đông, những cảnh tượng cuộc sống, thời tiết hay diễn biến trong ngày. Không còn gì bất ngờ có thể xảy ra, anh không còn ngạc nhiên với cả những điều bất chợt, khác lạ, khủng khiếp, vì anh biết trước mọi khả năng, anh tính trước mọi chuyện, anh không chờ đợi gì, tồi tệ hay tốt đẹp... thì đó là tuổi già. Một cái gì đó còn sống trong tim anh, một kỷ niệm, một mục đích sống đã lùi xa, anh còn muốn gặp một người nào đó, muốn nói hay muốn biết một điều gì, và anh biết chắc giây phút ấy sẽ đến vào một ngày, và đột nhiên anh thấy biết sự thật, và đáp lại sự thật cũng không còn quan trọng đến mức như anh tưởng trong mấy chục năm chờ đợi. Con người dần dần hiểu ra được thế giới, rồi anh chết. Anh hiểu ra những hiện tượng và hành động của con người, hiểu được ngôn ngữ tín hiệu của vô thức. Vì người ta hay dùng ngôn ngữ tín hiệu trao đổi ý nghĩ với nhau, ông có nhận thấy không? Giống như họ dùng một thứ ngôn ngữ lạ, dùng tiếng Trung Hoa để nói với nhau những điều hệ trọng, và cần phải dịch ngôn ngữ ấy ra ý nghĩa thực của nó. Họ chẳng biết chút gì về nhau. Họ luôn chỉ nói về những khát vọng, và thường tự bộc lộ bản thân một cách lúng túng và vô ý. Cuộc sống sẽ lý thú hơn, khi anh đọc được sự giả dối của người đời, anh sẽ thích thú dõi xem họ  luôn nói khác điều họ suy nghĩ và họ muốn... Đúng vậy, sẽ đến ngày ta hiểu biết sự thật và đó là tuổi già và cái chết. Nhưng khi đó thì điều này cũng không còn làm ta đau đớn. Krisztina đã bội tình, một từ thật ngốc nghếch!... Mà nàng lại bội tình với ông, thật là một cuộc nổi loạn thảm hại. Đúng, ông đừng có nhìn tôi kinh ngạc như thế, tôi nói điều đó bằng giọng thương hại. Sau này khi tôi đã biết và hiểu ra nhiều điều, vì thời gian đã làm trôi dạt tới hoang đảo của tôi những mảnh vỡ, những bằng cớ nhất định của vụ đắm thuyền này. Tôi nhìn lại quá khứ với con mắt thương cảm, tôi thấy hai người, hai kẻ nổi loạn, người vợ và người bạn, hai con người với ý thức tội lỗi, run rẩy vì tự lên án và mê muội trong nỗi cuồng si bướng bỉnh, bất hạnh và liều lĩnh nổi loạn chống lại tôi. Thật đáng thương! - tôi nghĩ. Tôi nghĩ tới điều này không chỉ một lần. Tôi mường tượng những tình tiết của các cuộc gặp gỡ trong ngôi nhà ven thị trấn, nơi gần như không thể bí mật gặp nhau, sự khép kín như trên một con thuyền, đồng thời cũng là sự công khai đến nhức nhối, một mối tình không giây phút bình yên, một bước chân, một lần liếc mắt đều bị người ăn kẻ ở ngấm ngầm dõi theo nghi hoặc, sự sợ hãi và lén lút, những khoảng thời gian ngắn lấy cớ phi ngựa, chơi nhạc hay quần vợt, những cuộc dạo chơi trong rừng, nơi những người thợ săn của tôi thường xuyên theo dõi bọn săn trộm... Tôi mường tượng sự căm ghét chất chứa trong trái tim hai người khi nghĩ đến tôi, khi mọi bước chân, mọi khoảnh khắc các người đều vấp phải quyền lực của tôi, của người chồng, người chủ điền trang, nhà quý tộc, vấp phải ưu thế vật chất và xã hội của tôi, vấp phải đội ngũ đông đảo gia nhân của tôi và vấp phải một thứ quyền lực còn lớn hơn tất cả, đó là sự ràng buộc bất chấp tình yêu và thù hận, nó nhắc các người luôn nhớ: không có tôi các người không thể sống, cũng không thể chết. Các người là những tình nhân bất hạnh, các người có thể lừa dối tôi, nhưng không thể tránh khỏi tôi, dù tôi có là một kiểu người khác, thì ba chúng ta vẫn liên quan đến nhau, giống như những tinh thể liên kết với nhau trong công thức của một định luật hình học. Và ông đã buông lơi tay súng, khi vào một buổi sớm ông muốn giết tôi, vì ông đã không thể chịu nổi sự vây bủa, sự trốn tránh, sự cùng khốn này. Ông có thể làm gì? Mang Krisztina đi ư? Muốn thế ông phải từ bỏ cấp bậc, ngôi vị, mà ông thì nghèo, Krisztina cũng nghèo, các người không thể nhận của tôi chút gì. Không, ông không thể trốn đi với nàng, sống với nàng, đính hôn với nàng cũng không xong, làm người tình mãi thì nguy hiểm, còn nguy hiểm hơn cả cái chết: bất cứ lúc nào chuyện cũng có thể vỡ lở, có thể bị phản bội, ông lo ngại phải tính sổ với tôi, với người bạn và người anh em. Ông không thể chịu đựng tiếp sự căng thẳng. Vào một ngày, khi khoảnh khắc đã chín muồi và nó hiển hiện giữa hai chúng ta dưới một hình thể có thể cảm nhận được, ông đã giương súng lên; và sau này nhiều lần tôi thành thực xót xa cho ông vì khoảnh khắc đó. Giết một người gần gũi ta là việc làm dày vò, đau đớn và khó khăn lắm. - Ông tướng nói nhẹ như không. - Không, ông không đủ sức làm chuyện đó. Hoặc là khoảnh khắc ấy đã qua đi, và ông không thể làm gì hơn nữa. Vì khoảnh khắc - thời gian - cũng kìm hãm hay thúc đẩy sự việc, không chỉ chúng ta điều chỉnh những hành động và sự kiện theo thời gian. Có khi khoảnh khắc mang đến một cơ hội vào đúng một thời điểm nhất định, và nếu khoảnh khắc ấy qua đi thì anh không thể làm gì hơn nữa. Ông đã buông lơi cây súng. Và ngày hôm sau ông bỏ sang xứ nhiệt đới.

(1) Ông tướng nói đến Đại chiến Thế giới lần thứ nhất.

(2) Ở đây ông tướng muốn nói đến Đại chiến Thế giới lần thứ hai.

Tác giả bài viết: Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary – Còn tiếp