Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (22)

(NCTG) "Tất cả mọi dấu hiệu đều cho thấy một ngôi sao chổi không lặn đang rực sáng trên bầu trời của thị trường sách nước Ý. "Những ngọn nến cháy tàn" là cuốn sách thành công nhất của năm 1998. Đó là một thần kỳ trong văn học, vì cuốn tiểu thuyết mà Márai Sándor viết vào năm 1942 được cả nước Ý đọc, trong số đó, có cả ông Massimo D'Alema, tổng bí thư thời ấy của Những người Dân chủ Cánh tả - người ta đã chụp ảnh ông này nằm sấp trên bờ biển với cuốn sách của Márai trong tay. "Cựu chính khách cộng sản cũng đọc tiểu thuyết tư sản" - báo chí đưa những tít như thế..." (ký giả Sárközi Júlia, nhật báo "Tự do Nhân dân")

Ông tướng dừng lại nhìn khách, hỏi lịch sự:

- Tôi không làm ông mệt chứ?

- Không! - Konrád đáp. - Không sao đâu. Ông cứ nói tiếp đi!

- Vì tôi kể hơi tường tận. - Ông nói như thanh minh. - Nhưng không thể khác được, chỉ từ những tình tiết ta mới có thể hiểu được bản chất, tôi nghiệm thấy như vậy, trong sách vở và trong cuộc đời. Cần biết tất cả mọi chi tiết, vì ta không thể biết cái nào là quan trọng, khi nào một lời nói có thể soi sáng sự việc. Phải theo đúng trình tự mọi việc. Nhưng đến giờ tôi không còn nhiều điều phải nói nữa. Ông đã bỏ trốn, Krisztina đã về nhà trên chiếc xe ngựa nhỏ. Còn tôi, tôi có thể làm gì trong lúc đó và sau đó?... Tôi nhìn căn phòng, nhìn theo hút Krisztina đã khuất. Tôi biết người lính cần vụ của ông vẫn đứng nghiêm ngoài cửa. Tôi lên tiếng gọi, anh ta bước vào: „Xin chờ lệnh!” „Ông đại úy đi từ khi nào?...” „Dạ thưa, ngài đi tàu nhanh buổi sớm”. „Ông ấy có đem theo nhiều hành lý không?...” „Thưa không ạ, ngài chỉ đem theo mấy bộ thường phục”. Ông ấy có để lại mệnh lệnh hay lời nhắn nhủ gì không?...” „Thưa có ạ, ngài đại úy dặn phải trả lại ngôi nhà, bán hết đồ gỗ. Tất cả ông luật sư sẽ làm. Còn tôi sẽ quay về đơn vị”. Anh ta nói có vậy. Chúng tôi nhìn nhau. Và tiếp đó là một giây phút khó quên: cậu cần vụ - một thanh niên nông dân khoảng hai mươi, chắc ông còn nhớ gương mặt dễ coi, thông minh của cậu ta - thôi đứng nghiêm, cặp mắt đang nhìn tôi chăm chú trong tư thế phục tòng chợt chùng xuống, bây giờ cậu ta không còn là một binh nhất đứng đối diện với thượng cấp, mà là một người đàn ông đối diện với một người đàn ông, người mà cậu ta thương hại. Trong cái nhìn của cậu ta có một cái gì đó rất con người, đầy thương cảm, làm mặt tôi tái dại đi, rồi đỏ gay lên... Khi đó - là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng - tôi không tự chủ được. Tôi bước lại gần cậu ta, túm ngực áo quân phục, nhấc bổng cậu ta lên khỏi mặt đất. Chúng tôi cảm thấy hơi thở của nhau. Cả hai nhìn sâu vào mắt nhau, trong mắt người lính có nỗi khiếp sợ, nhưng cùng lúc vẫn ánh lên sự thương hại. Ông biết, dạo ấy thách thức cú đấm của tôi không phải là hành động khôn ngoan, tôi có thể đập nát mọi thứ trong cơn tức giận. Tôi cũng biết điều đó, tôi cảm thấy cả hai, cậu cần vụ và tôi, đang đứng trước hiểm họa. Tôi buông tay, thả cậu ta xuống sàn, như buông một chú lính chì, đế giày cao cổ dập bốp trên sàn gỗ, cậu ta lại đứng nghiêm như đang dự duyệt binh. Tôi rút khăn tay lau mồ hôi trán. Chỉ cần hỏi một câu, thì cậu ta sẽ trả lời. Câu hỏi ấy là: „Người phụ nữ vừa tới đây lúc nãy, trước đây đã từng đến đây chưa?...” Nếu cậu ta không nói, tôi sẽ giết. Nhưng có khi cậu ta nói, tôi cũng giết, và không chỉ mình cậu ta... Trong những thời khắc như thế người ta không cần biết đến ai hết. Nhưng tôi cũng biết, hỏi cũng bằng thừa. Tôi biết, trước đó Krisztina đã đến đây, không phải một lần.

Ông tướng ngả người ra sau, tựa vào ghế bành, hai tay mệt mỏi đặt lên thành ghế.

- Đến lúc hỏi cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa - ông nói. Điều cần biết thì con người xa lạ kia không thể nói ra được. Cần phải biết tại sao xảy ra tất cả những chuyện này? Đâu là giới hạn giữa con người và con người? Giới hạn của sự phản bội? Đó là điều cần biết. Và tôi cần biết thêm, tôi có lỗi gì trong tất cả những chuyện này?...

Ông nói rất nhỏ, giọng như dò hỏi, lưỡng lự. Có thể nhận thấy, lần đầu tiên ông vừa nói thành lời những câu hỏi này, những câu hỏi đã vò xé tâm can ông bốn mươi mốt năm qua, những câu hỏi mà cho đến nay ông chưa tìm ra câu trả lời.

Tác giả bài viết: Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary – Còn tiếp