NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (21)
- Thứ hai - 02/06/2008 17:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
15.
- Khi ông đi khỏi, Krisztina cũng chào tôi và đi nghỉ. - Ông tướng tiếp tục. - Còn lại mình tôi trong căn phòng này, nàng bỏ cuốn sách về xứ nhiệt đới viết bằng Anh ngữ trên ghế bành. Chưa muốn đi ngủ, tôi cầm cuốn sách lên và giở ra xem. Tôi nhìn những bức ảnh, những con chữ trên các bảng biểu về kinh tế, tình hình y tế, khám chữa bệnh... Tôi rất ngạc nhiên vì thấy Krisztina đọc loại sách như thế. Nàng không liên quan gì đến những việc này, tôi nghĩ, chẳng lẽ nàng lại quan tâm tới biểu đồ sản lượng cao su của bán đảo, hay tình hình sức khỏe của những người bản xứ. Đây đâu phải con người Krisztina, tôi nghĩ. Nhưng cuốn sách vẫn nói lên một điều gì, không phải chỉ bằng tiếng Anh và về những điều kiện sống của bán đảo ấy. Tôi cầm cuốn sách trong tay, một mình trong phòng này, đã quá nửa đêm, hai con người gần gũi tôi nhất trong đời kể từ khi cha tôi mất đến nay vừa đi khỏi đây, tôi bỗng hiểu ra rằng cuốn sách này chẳng qua chỉ là một tín hiệu. Và tôi còn lờ mờ hiểu ra một điều khác: ngày hôm nay mọi thứ bắt đầu cất tiếng, một điều gì đó đã xảy ra, cuộc đời đã lên tiếng theo cách riêng của nó. Và những lúc thế này phải hết sức lắng nghe, tôi nghĩ. Vì trong những ngày như thế lời thoại bằng những tín hiệu kỳ lạ của của cuộc đời sẽ nói lên tất cả và nhắc nhở ta nhiều điều, chỉ cần ta hiểu ra những điều đó. Đến một ngày mọi việc sẽ chín muồi và giải đáp tất cả. Và điều cuốn sách ấy muốn nói: Krisztina muốn đi khỏi nơi này. Nàng nghĩ đến một xứ sở xa lạ, nghĩa là muốn một cuộc sống khác cuộc sống hiện tại. Hay có lẽ nàng muốn trốn chạy khỏi nơi này, hay trốn chạy một người nào đó - và người đó có thể là tôi, nhưng cũng có thể là ông. Tôi nghĩ rõ ràng Krisztina cảm nhận và biết rõ một điều gì đó, vì muốn rời bỏ chốn này, nên nàng mới đọc sách nói về xứ nhiệt đới. Và trong giây phút ấy tôi cảm nhận và hiểu ra nhiều. Tôi hiểu và cảm thấy điều gì đã xảy ra ngày hôm ấy: cuộc đời tôi bỗng như phân đôi, giống như một vùng phong cảnh bị động đất tách làm hai nửa - một bên là tuổi thơ, có ông và tất cả những gì thuộc về dĩ vãng, từ bờ bên kia bắt đầu một khoảng mông lung, vô định mà tôi cần phải vượt qua trong phần còn lại của cuộc đời. Và hai đoạn đời không bao giờ gắn liền được nữa. Điều gì đã xảy ra? Tôi không thể trả lời nổi. Cả ngày tôi phải cố gắng tĩnh tâm, cố tỏ ra bình thản. Krisztina không thể nhận ra điều gì, khi nàng nhìn tôi với cái nhìn cật vấn, lạ lùng và vẻ mặt xanh xao. Nàng không thể biết, không thể đọc được trên gương mặt tôi điều gì đã xảy ra trong buổi đi săn sớm hôm ấy... Nhưng thực ra điều gì đã xảy ra? Tôi không tưởng tượng ra ư? Hay tất cả chỉ là một cơn ác mộng? Nếu nói ra với một ai đó, chắc tôi sẽ bị người ta cười vào mặt. Trong tay tôi làm gì có dữ liệu, chứng cứ gì,...chỉ có một âm thanh - mạnh hơn mọi chứng cứ, không thể hiểu khác, không chấp nhận tranh biện, hoài nghi - mách bảo: tôi không lầm, tôi biết sự thật. Và sự thật đó chỉ đơn giản là bạn tôi muốn giết tôi sáng sớm hôm đó. Một sự buộc tội vô cớ nực cười, đúng không? Tôi có thể nói cho ai biết sự thật ghê gớm này không? Tôi không thể nói được với ai hết. Nhưng khi tôi đã biết chắc chắn, như người ta biết về những điều đơn giản nhất trong cuộc đời, thì trong tương lai cuộc sống chung sẽ ra sao? Tôi còn có thể nhìn vào mắt ông hay cả ba chúng ta, Krisztina,tôi và ông sẽ tiếp tục đóng kịch, từ một tình bạn sẽ trở thành một màn kịch và sự rình rập lẫn nhau - liệu có thể sống như thế? Như tôi đã nói đấy, tôi hy vọng là ông đã phát điên hay mất trí. Hay tại âm nhạc, tôi nghĩ. Ông lúc nào cũng là một kiểu người khác, đặc biệt, không giống chúng tôi. Con người không thể là nhạc sĩ, là chỗ họ hàng của Chopin mà không có những hệ lụy. Nhưng tôi cũng biết rằng hy vọng như thế là ngu ngốc và hèn nhát: phải nhìn thẳng vào sự thật, không tự huyễn hoặc mình, ông không điên, không thể bào chữa và lẩn tránh. Ông có lý do để căm ghét tôi, để giết tôi. Nhưng lý do đó tôi không thể hiểu nổi. Cách giải thích tự nhiên và đơn giản là ông đột nhiên say mê, hâm mộ và thèm muốn Krisztina, một dạng mất trí - nhưng giả thuyết này cũng tỏ ra vô lý, không có một dấu vết, tín hiệu nào trong cuộc sống của ba chúng ta minh chứng đều đó, đến nỗi chính tôi phải phản bác điều đó. Tôi biết rõ Krisztina, biết rõ ông và tự biết bản thân mình - ít nhất là vào lúc đó tôi hy vọng như thế. Cuộc đời của ba chúng ta, từ khi chúng ta quen Krisztina, cuộc hôn nhân của chúng tôi, tình bạn của chúng ta, tất cả đều rõ ràng, cởi mở, minh bạch, trong sáng, những tính cách và hoàn cảnh không thể nào hiểu khác, đến nỗi chỉ có phát cuồng tôi mới có thể tin như thế, dù chỉ trong một giây. Sự mê đắm dù có quẫn trí đến như thế cũng không thể giấu kín, nỗi đam mê - đã làm cho kẻ bị thuần phục đến một ngày nào đó chĩa súng vào người bạn thân nhất của mình - không thể che đậy nổi trước xung quanh hàng tháng trời. Ngay cả tôi, người thứ ba vừa mù vừa điếc, cũng phải nhận thấy một dấu hiệu gì. Chúng ta cùng sống gần nhau, có tuần nào ông không ba, bốn lần ăn tối ở nhà tôi, ban ngày chúng ta ở trong thị trấn, trong binh trại, chúng ta biết tất cả về nhau. Tôi hiểu tường tận Krisztina, những ngày và đêm của nàng, thể xác và tâm hồn nàng, như biết về chính bản thân tôi. Thật là một giả thuyết vô lý,...và tôi gần như cảm thấy nhẹ nhõm khi nhìn thẳng vào giả thuyết này. Chắc phải do một lý do khác. Điều xảy ra sâu sắc hơn, bí ẩn hơn, khó hiểu hơn. Tôi phải nói chuyện với ông. Hay tôi cho người theo dõi ông, như một gã chồng tồi tệ trong các vở hài kịch? Tôi đâu có phải một anh chồng ghen tuông. Ngay cả nỗi ngờ vực cũng không len lỏi được vào các tế bào thần kinh của tôi, tôi rất yên tâm khi nghĩ đến Krisztina, người mà tôi đã tìm thấy trên thế gian này như một nhà sưu tập tìm thấy mẫu vật quý hiếm và hoàn hảo nhất của đời mình, một tuyệt phẩm mà phát hiện ra nó là mục đích và ý nghĩa của cả cuộc đời anh ta. Krisztina không dối trá và bội bạc, tôi bịết rõ suy nghĩ của nàng, cả những điều bí mật mà chỉ trong giấc mơ người ta mới nghĩ tới. Cuốn nhật ký bìa nhung màu vàng mà tôi tặng nàng những ngày mới cưới đã nói lên tất cả, vì chúng tôi đã thoả thuận nàng sẽ ghi lại mọi cảm xúc và ý nghĩ cho cả hai người, những cảm xúc, những khát vọng, những mảnh vụn tâm hồn không thể nói bằng lời vì ngại ngùng hay bị coi là vặt vãnh không đáng nói ra. Nàng sẽ ghi lại tất cả trong cuốn nhật ký đặc biệt này, để tôi đọc được mọi ý nghĩ của nàng trong sự tác động của mỗi tình huống... Chúng tôi đã tin tưởng nhau như thế. Và cuốn nhật ký được để trong ngăn kéo bàn Krisztina, chỉ hai chúng tôi có chìa khoá mở cái ngăn kéo ấy. Cuốn nhật ký là sự tin cậy nhất có thể có giữa hai người khác giới. Nếu cuộc sống của Krisztina có điều gì thầm kín, cuốn nhật ký chắc đã cho thấy những tín hiệu. Đúng là gần đây chúng tôi quên trò chơi ngấm ngầm này... Tôi đứng dậy lần mò trong bóng tối sang phòng khách của Krisztina, mở ngăn kéo tìm cuốn nhật ký bìa nhung màu vàng. Nhưng ngăn kéo rỗng không.
Ông nhắm mắt, ngồi yên như thế trong một lát với vẻ mặt không biểu hiện gì. Như ông đang muốn lục tìm một từ, một lời thích hợp.
- Đã quá nửa đêm, cả nhà đã ngủ yên. Krisztina cũng mỏi mệt, tôi không muốn làm phiền nàng. Có lẽ nàng mang cuốn nhật ký vào phòng ngủ, tôi nghĩ thế. - Ông nói vẻ thân tình. - Tôi không muốn quấy rầy, ngày mai tôi sẽ hỏi xem nàng có nhắn gửi gì cho tôi qua những tín hiệu riêng trong nhật ký? Vì ông phải biết rằng, đây là cuốn vở riêng tư, chúng tôi không nhắc đến nó, trước mặt nhau chúng tôi còn ngại ngùng vì sự tin cậy thầm lặng này - nó y hệt một lời tỏ tình thường xuyên vậy. Thật khó nói về chuyện này. Đó là ý tưởng của Krisztina, chính nàng đã yêu cầu tôi, trong chuyến trăng mật sang Paris, nàng là người muốn tự bộc bạch. Rất lâu sau này, khi nàng không còn nữa, tôi mới hiểu ra rằng chỉ có người nào biết rằng một ngày nào đó trong đời có điều cần tự thú, người đó mới chuẩn bị cho việc đó một cách sốt sắng như thế. Khá lâu tôi không hiểu sự cần thiết của cuốn nhật ký, tôi cho việc viết nhắn gửi nhau kín đáo đó là một ý tưởng phụ nữ, là một trong nhiều trò đỏng đảnh của Krisztina. Nàng nói không bao giờ muốn giấu tôi điều gì, cả với bản thân mình nàng cũng không giấu giếm, chính vì vậy mà nàng muốn ghi chép lại những điều khó nói ra. Như tôi đã nói, mãi sau này tôi mới hiểu ra, người trốn chạy vào sự chân thành như thế chắc hẳn sợ hãi một điều gì đó, nàng sợ một ngày nào đó sẽ diễn ra những sự việc, những bí mật mà nàng không chia sẻ được với tôi nữa, điều bí mật không thể viết, không thể nói ra. Krisztina muốn dành cho tôi tất cả thể xác và tâm hồn, những cảm xúc và những suy nghĩ thầm kín, mọi thông điệp tinh thần, lúc ấy chúng tôi đang đi nghỉ trăng mật, Krisztina đang yêu. Ông thử nghĩ xem, nàng từ đâu đến, và tất cả những gì tôi mang lại cho nàng có ý nghĩa như thế nào, danh tước của tôi, tòa lâu đài này, cái biệt thự ở Paris, cả thế giới rộng lớn, những thứ mà chỉ vài tháng trước đó nàng không dám mơ tưởng. Trước đó nàng sống trong một thị trấn nhỏ, trong một ngôi nhà tuềnh toàng với người cha già ốm yếu, ông chỉ còn sống vì nhạc cụ, những quyển vở chép nhạc và những hồi ức của ông. Và bỗng nhiên cuộc sống đã hào phóng cho nàng tất cả: hôn nhân, một năm trăng mật đi khắp Paris, London, Roma rồi Phương Đông, hàng tháng sống trên ốc đảo và bên biển cả. Tất nhiên nàng tưởng mình đang yêu. Sau này tôi mới biết nàng không yêu, ngay cả trong những ngày đó, nàng chỉ hàm ơn.
Ông tì khuỷu tay lên gối, đan hai tay vào nhau, người hơi ngả ra phía trước và tiếp tục nói:
- Nàng biết ơn, rất biết ơn và trả ơn theo cách của nàng, một phụ nũ còn trẻ, đi nghỉ trăng mật với một người chồng trẻ giàu có, sang trọng. - Siết chặt hai tay vào nhau, ông tướng đăm chiêu nhìn những hình vẽ trên tấm thảm. - Nàng muốn trả ơn bằng mọi cách, chính vì thế nàng nghĩ ra cuốn nhật ký, như một món quà đặc biệt. Ngay từ đầu cuốn nhật ký đã đầy rẫy những suy nghĩ bất ngờ. Krisztina không ghi chép để làm tôi vừa lòng, những suy nghĩ của nàng nhiều khi chân thành đến khó chịu. Nàng viết về tôi theo cách nhìn của nàng, ngắn gọn, nhưng rất đặc trưng. Nàng viết về những điều nàng không thích ở tôi, đó là cách tôi tiếp xúc với mọi người ở mọi nơi quá tự tin - nàng không cảm thấy sự khiêm nhường cần thiết mà đối với một tâm hồn sùng đạo như nàng đó là đức tính quan trọng nhất. Đúng là trong những tháng năm ấy tôi thiếu sự khiêm nhường. Thế gian này trong tầm tay tôi, tôi đã tìm thấy người phụ nữ mà tôi chấp nhận bằng những hồi âm hoàn hảo từ mọi lời nói, từ tất cả những tín hiệu của thể xác và tâm hồn nàng, tôi giàu sang, có phẩm hàm, cuộc sống mở ra chói lọi phía trước tôi, mới ba mươi tuổi, tôi yêu cuộc đời, binh nghiệp, tiền đồ. Giờ đây khi nhìn lại tôi cũng cảm thấy buồn nôn về sự tự cao, tự mãn với địa vị và hạnh phúc của mình. Và cũng như tất cả những ai được các bậc thánh đặc biệt ra ân vô cớ, đâu đó trong tận cùng cảm giác hạnh phúc vẫn lấp ló một sự phấp phỏng lo âu. Tất cả quá tuyệt vời, quá thông đồng bén giọt, quá suôn sẻ. Người ta luôn có chút sợ hãi niền hạnh phúc quá thuận buồm xuôi gió như thế. Tôi muốn được trả giá cho số phận, có lúc tôi chỉ mong những lá thư nhận ngoài bến cảng, gửi từ quê nhà, mang đến một tin xấu nào đó như tòa lâu đài bị cháy hay người quản lý tài sản thông báo một tin thiệt hại gì đó về vật chất hoặc một điều gì tương tự. Ông biết đấy, con người ta muốn trả nợ một chút gì cho các bậc thánh vì hạnh phúc của mình. Vì các đấng thần linh bao giờ cũng sòng phẳng, nếu các vị ấy cho người trần tục như ta một năm hạnh phúc, thì cuối đời các vị ấy sẽ bắt ta trả cả gốc lẫn lãi. Nhưng mọi việc diễn ra quá trơn tru, hoàn hảo. Krisztina viết vào nhật ký những câu ngắn, như tâm tình trong một giấc mơ. Đôi khi chỉ một dòng, có khi là một chữ, ví như nàng viết: „Anh thật vô vọng, vì anh quá tự tin và kiêu hãnh”. Có khi hàng tuần nàng không viết gì. Hoặc nàng viết về chuyện nàng thấy một người đàn ông ở Algeria, người ấy đi theo, bắt chuyện với nàng trên một con phố nhỏ, và nàng cảm thấy có thể đi theo người ấy. Tôi nghĩ Krisztina là một tâm hồn đa cảm và bất ổn. Nhưng tôi thấy mình hạnh phúc, những cơn bột phát khác lạ và đáng ngại của lòng thành thật không làm vẩn đục niềm hạnh phúc của tôi. Tôi không hề nghĩ rằng người nhất mực muốn nói tất cả với người khác, có thể nói về mọi chuyện một cách chân thành vô tư như thế, để không buộc phải nói về điều còn hệ trọng hơn thế. Nhưng cả trong chuyến đi trăng mật và sau này tôi không nghĩ đến điều đó. Nhưng rồi đến ngày và đêm hôm ấy trong cuộc đời, ngày chúng ta đi săn, cả ngày hôm ấy tôi cứ cảm thấy như súng trong tay ông đã nổ, viên đạn bất ngờ ấy xoẹt qua bên tai tôi. Rồi đến tối, trước khi về ông tranh luận cặn kẽ và chi tiết với Krisztina về những gì liên quan tới xứ nhiệt đới. Tôi còn lại một mình với những hình ảnh của ngày và đêm hôm ấy. Và tôi không tìm thấy cuốn nhật ký ở chỗ quen thuộc, trong ngăn kéo bàn viết của Krisztina. Tôi quyết định sáng hôm sau sẽ vào thị trấn tìm ông và hỏi cho ra nhẽ...
Ông tướng chợt im lặng, lúc lắc đầu với vẻ già nua, như ngạc nhiên trước việc làm của một đứa trẻ con.
- Nhưng hỏi ông điều gì cơ chứ?... Ông nói khẽ, vẻ khinh thị như muốn tự chế giễu mình. - Có thể hỏi gì ở con người bằng lời nói? Và câu trả lời có đáng giá gì khi họ không đáp lại bằng chính thực tế cuộc đời họ, mà bằng những lời nói? Chẳng đáng bao nhiêu. - Ông nói dứt khoát. - Rất ít có người mà lời nói phản ánh đầy đủ thực tế cuộc đời. Có lẽ đó là hiện tượng hiếm thấy nhất trong cuộc sống. Khi đó tôi còn chưa biết điều này. Tôi nghĩ con người có biết những sự thật, có tích lũy bao nhiêu kinh nghiệm cũng vô ích, họ không thể thay đổi được bản chất của mình. Không thể làm gì hơn trong cuộc đời là điều chỉnh bản chất con người phù hợp với thực tế. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm được. Và ngay cả khi đó ta cũng không trở lên khôn ngoan hay không dễ bị tổn thương hơn, không... Tôi muốn nói chuyện với ông và lúc đó tôi còn chưa biết rằng tất cả những gì tôi sẽ hỏi và tất cả những gì ông trả lời cũng không làm thay đổi những điều đã diễn ra. Nhưng vẫn có thể tiếp cận thực tế và những điều đã xảy ra bằng lời nói, bằng những câu hỏi và lời đáp, vì thế tôi muốn nói chuyện với ông.
Tôi vừa trải qua một đêm li bì và mệt mỏi. Giống như tôi vừa trải qua một việc gì rất nặng nhọc ngày hôm đó, như phi ngựa hay đi lang thang... Có lần tôi đã tha về từ trong núi tuyết một con gấu lớn, nặng tới hai tạ rưỡi, trong những năm ấy tôi có sức khỏe hơn người, thế mà sau này nghĩ lại chính tôi cũng ngạc nhiên, làm sao tôi có thể mang con vật nặng nề ấy qua những khe hẻm, những con đường núi dốc cao như thế. Hình như con người có thể chịu đựng tất cả, đến cái giới hạn chừng nào cuộc sống còn có mục đích. Tôi đã ngủ thiếp đi dưới thung lũng, trong tuyết lạnh, khi tôi đem được con vật xuống núi. Những người thợ săn đã tìm thấy tôi nằm lạnh cứng bên xác con gấu. Đêm hôm đó tôi đã ngủ mệt mỏi như thế. Ngủ li bì, không một giấc mơ, sau khi thức dậy tôi cho đóng xe vào ngay thị trấn, tới ngôi nhà của ông. Tôi đứng trong phòng ông, biết rằng ông đã bỏ đi. Chỉ ngày hôm sau chúng tôi mới nhận được lá thư ông gửi lại trung đoàn, ông thông báo xin từ bỏ cấp bậc và đi sang nước ngoài. Trong giây phút ấy tôi mới chỉ biết việc ông đã bỏ trốn, nhưng giờ đây thì chắc chắn ông muốn trốn chạy, chắc chắn đã xảy ra và sẽ xảy ra chuyện gì đó, mà tôi chưa hiểu hết ý nghĩa thực của nó, và chắc hẳn có liên quan đến số phận tôi, chuyện này đã xảy ra cả với tôi, chứ không phải với một mình ông. Tôi đứng như thế trong căn phòng bí ẩn, ngột ngạt, chất đầy đồ đạc quý báu, khi cửa mở ra và Krisztina bước vào.
Ông tướng nói một cách nhã nhặn và thân tình, như người kể một câu chuyện cũ dễ thương cho một người bạn đi xa lâu ngày mới trở về.
Konrád ngồi bất động lắng nghe. Ông đặt điếu xì gà đã lụi tắt xuống thành chiếc khay thủy tinh, khoanh hai tay trước ngực, và ông cứ ngồi im lặng như vậy trong tư thế của một sĩ quan nói chuyện thân tình với thượng cấp.
- Krisztina dừng lại trên bục cửa, - Ông tướng nói tiếp. - Nàng từ nhà đến, đầu không đội mũ, tự mình đánh chiếc xe nhỏ một ngựa kéo. „Anh ta đi rồi sao?”- nàng hỏi, giọng khàn đặc. Tôi gật đầu ra hiệu ông đã đi. Nàng đứng thẳng trong khung cửa, dáng dong dỏng thon cao, có lẽ chưa bao giờ tôi thấy Krisztina đẹp như trong khoảnh khắc ấy. Mặt nàng trắng bệch ra như những người bị thương mất nhiều máu, chỉ có đôi mắt lấp lánh sáng như người lên cơn sốt, hệt như tối hôm trước khi tôi tới gần, lúc nàng đang đọc cuốn sách về xứ nhiệt đới. „Anh ta đã bỏ trốn”. - Nàng nói mà không chờ lời đáp, như nói một mình: tuyên bố và khẳng định. „Thật hèn nhát”. - Nàng nói thêm, nhẹ nhàng và bình thản.
- Nàng nói vậy thật ư? - ông khách hỏi, và khẽ cựa mình, dáng ngồi im như tượng của ông bỗng thay đổi.
- Đúng! - Ông tướng đáp. - Nàng không nói gì thêm. Tôi cũng không hỏi. Chúng tôi cứ đứng im lặng như thế trong phòng. Rồi Krisztina nhìn quanh, lần lượt từ những đồ gỗ, những bức tranh, đồ vật quý trong phòng. Tôi dõi theo ánh mắt của nàng. Nàng nhìn căn phòng như muốn vĩnh biệt, như người đã thấy tất cả những thứ đó, nay chia tay với từng thứ một. Ông biết đấy, một căn phòng, hay những đồ đạc có thể nhìn theo hai cách: như người lần đầu phát hiện ra điều gì mới lạ, hay như người chia tay với một thứ gì. Trong cái nhìn của Krisztina không có chút phát hiện của người tò mò. Ánh mắt nàng lướt trên những đồ vật trong phòng bình thản, quen thuộc như người ta nhìn chính căn phòng trong nhà mình, như biết rõ vị trí của mọi vật. Trong những giây phút đó nàng im lặng và tự chủ, nhưng cùng lúc tôi cảm thấy người đàn bà này đang lột xác, bước ra khỏi những khuôn khổ của cuộc đời mình, gần tới giới hạn đánh mất bản thân, mất ông và mất cả tôi. Chỉ một ánh mắt, một cử chỉ bất chợt, Krisztina sẽ làm hoặc nói một điều gì đó không bao giờ có thể cứu vãn nổi... Nàng nhìn những bức họa, bình thản và hờ hững, như người ta nhìn trước khi tạm biệt một vật gì đã thấy nhiều lần và quá thân quen. Nàng liếc nhìn chiếc giường nệm kiểu Pháp rộng với vẻ khinh bỉ, đôi mắt hơi nhíu lại trong một giây. Rồi quay gót bước ra khỏi phòng, cũng như khi đến, không nói một lời. Tôi không đi theo, chỉ nhìn qua cửa sổ, thấy Krisztina ngang qua khu khu vườn, giữa những khóm hoa hồng đang nở. Bà ấy ngồi lên chiếc xe nhỏ vẫn đợi sau hàng rào, cầm dây cương, đánh xe đi. Chỉ chốc lát chiếc xe đã mất hút sau góc phố.