Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (20)

(NCTG) "Theo kết quả bỏ phiếu của độc giả Hungary, hai cuốn sách của Márai Sándor cũng được lọt vào Top 100: "Tự sự của một tiểu thị dân" và "Những ngọn nến cháy tàn".

Vì tình bạn không phải là trạng thái tinh thần lý tưởng. Tình bạn là một quy luật nhân văn chặt chẽ. Trong thế giới cũ đây là quy luật mạnh nhất, hệ thống luật pháp của các nền văn hóa lớn đều xây dựng trên qui luật này. Trong trái tim con người tồn tại qui luật này ngoài những bức xúc và lòng vị kỷ, quy luật của tình bạn. Nó còn mạnh hơn nỗi si mê thúc đẩy đàn ông và đàn bà đến với nhau trong sự bức xúc vô vọng. Tình bạn không thể thất vọng, vì nó không đòi hỏi người khác điều gì, có thể giết chết bạn, nhưng tình bạn kết giao từ tuổi hoa niên giữa hai con người thì có thể ngay cả cái chết cũng không giết nổi: hồi ức về nó vẫn còn sống trong tâm thức người đời, như kỷ niệm về một chiến công thầm lặng. Và nó đúng là một chiến công, một hành động can trường, theo đúng ý nghĩa định mệnh và không ồn ào của từ ngữ, nghĩa là không có tiếng va chạm vào nhau của dao kiếm, nó vẫn là một chiến công, một hành động can trường như mọi hành xử vô tư, không vụ lợi của con người.

Giữa chúng ta đã tồn tại một tình bạn như thế, điều đó thì ông biết rõ. Và trong khoảnh khắc ông giương súng lên định giết tôi, tình bạn ấy giữa hai chúng ta còn sống động hơn bất cứ khi nào trước đó, trong hai mươi hai năm của tuổi thanh niên. Ta nhớ đến khoảnh khắc đó, vì trong thời gian sống còn lại của ta chỉ nó có nội dung và ý nghĩa đối với cuộc đời ta. Tôi cũng thường nhớ đến khoảnh khắc đó. Chúng ta đứng trong bụi rậm giữa những cây thông. Từ đó mở ra một lối mòn tách khỏi con đường rừng, chạy xuống thung sâu, nơi chỉ có rừng rậm nguyên sơ, sẫm tối. Tôi đi trước ông và chợt dừng lại, vì ở phía trước cách khoảng ba trăm mét, một chú hươu bước ra khỏi rừng thông. Trời bắt đầu rạng sáng, chậm chạp như thể mặt trời đang sờ nắn chiến lợi phẩm của nó là thế gian này bằng những luồng sáng. Con vật dừng lại bên cạnh lối mòn, ngửng đầu lên nhìn vào bụi rậm, vì nó cảm thấy mối hiểm họa. Đây là phản xạ, là giác quan thứ sáu, tinh tế và chính xác hơn cả khứu giác và thị giác, bắt đầu hoạt động trong từng tế bào thần kinh con thú. Nó không thể nhìn thấy chúng ta, gió sớm thổi ngược chiều cũng không cảnh báo nó về mối nguy hiểm, còn chúng ta thì đã đứng im lặng từ khá lâu, chân tay níu bám đã rã rời, tôi đứng phía trước cạnh con đường mòn, sau những lùm cây, ông đứng phía sau tôi. Người thợ săn và con chó tụt lại phía sau. Chỉ có hai chúng ta ở giữa rừng, trong sự cô đơn của đêm, của rạng đông, của rừng, của những con thú, và ở nơi mà trong một khoảnh khắc con người bao giờ cũng cảm thấy mình đã đi lạc đường trong cuộc đời và trên thế gian, và đến một ngày phải trở về nơi hoang dã và nguy hiểm này như trở về nhà, ngôi nhà đích thực duy nhất - là rừng thẳm, nước sâu, là kịch trường cổ xưa của đời sống. Khi còn đi săn, tôi luôn luôn cảm thấy như thế khi ở trong rừng rậm. Tôi nhìn thấy con thú và dừng lại, ông cũng nhìn thấy nó và dừng lại sau tôi mười bước. Những giây phút này, cả những người thợ săn và những con thú, đều dùng những giác quan của mình, lắng từng tiếng động nhỏ để đoán biết thực tế. Ta biết tất cả tình huống và hiểm họa, cả trong bóng tối, khi ta không nhìn lại phía sau. Các loại sóng, lực, tia nào truyền dẫn thông tin trong những lúc như vậy? Tôi không biết... Không khí trong lành và không có mùi vị. Những cây thông đứng im trong làn gió nhẹ. Con thú đứng im không động đậy như bị thôi miên, vì trong hiểm họa bao giờ cũng có sự quyến rũ và ma lực. Khi số phận bằng cách nào đó trực tiếp gọi đích danh ta, đánh thức bản ngã ta, trong tận cùng nỗi hồi hộp và sợ hãi bao giờ cũng tỏa ra một sức quyến rũ, vì con người không chỉ muốn sống - bằng mọi giá thì không-, con người còn muốn hiểu rõ và chấp nhận số phận của mình - bằng mọi giá -, bất chấp hiểm nguy và và bị hủy diệt. Trong khoảnh khắc ấy con hươu cảm thấy như thế, tôi biết chắc như vậy. Và trong khoảnh khắc ấy tôi cũng cảm thấy như vậy, điều đó tôi cũng biết chắc. Và cả ông cũng cảm thấy như thế, ở phía sau tôi vài bước, khi ông lên cò súng - cũng trong trạng thái bị thôi miên, như tôi và con thú đang đứng phía trước ông trong tầm bắn -, bằng một tiếng tách nhỏ, khô lạnh mà chỉ những thứ kim loại quý mới phát ra như thế, khi người ta sử dụng chúng vào những nhiệm vụ thảm khốc quyết định số phận con người, như tiếng dao kiếm chạm vào nhau, hay như thứ vũ khí Anh quý giá khi người ta lên cò để giết một ai đó. Chắc ông còn nhớ khoảnh khắc ấy, tôi hy vọng ông còn nhớ?...

- Vâng! - Ông khách đáp.

- Một khoảnh khắc độc đáo. - Ông tướng nói vẻ gần như thỏa mãn. - Tất nhiên chỉ mình tôi nghe thấy tiếng tách rất nhỏ ấy, nó nhỏ đến nỗi trong sự yên lặng của buổi rạng đông và của rừng nó không làm kinh động con thú cách đó ba trăm mét. Và lúc đó xảy ra một việc mà tôi không bao giờ chứng minh được trước tòa, nhưng tôi nói cho ông, vì đằng nào ông cũng biết sự thật. Điều gì đã xảy ra?...Tất cả chỉ là tôi cảm thấy những động tác của ông, chính xác hơn là trong những giây phút ấy tôi cảm nhận được tất cả, giống như tôi nhìn thấy ông đang làm gì. Ông đứng chéo sau tôi, ở khoảng cách gần. Tôi cảm thấy ông nâng súng lên, tỳ vào vai và lấy đích. Tôi cảm thấy ông nheo mắt lại, và nòng súng từ từ quay đi một góc nhỏ. Đầu tôi và đầu con hươu nằm đúng trên một đường thẳng và ở độ cao ngang nhau phía trước ông, Có lẽ giữa hai mục tiêu là một dải rộng chừng mười xăng-ti-mét. Tôi cảm thấy tay ông run lên. Và chính xác như một người thợ săn biết phán đoán tình thế trong rừng, tôi cũng biết rằng ở vị trí đứng như vậy ông không thể ngắm bắn con hươu. Ông phải hiểu rằng trong tích tắc ấy tôi quan tâm đến đặc điểm săn bắn hơn tính cách con người. Tôi cũng hiểu biết chút ít về săn bắn, về việc phải đứng ở góc độ như thế nào để bắn một chú hươu ngây thơ chờ đạn, đứng cách xa ba trăm mét.

Tình thế đã nói lên tất cả, tương quan vị trí của người đi săn và những mục tiêu thông báo cho tôi một cách chính xác, điều gì đang xảy ra sau lưng mình, trong trái tim một con người. Ông đã ngắm trong nửa phút, dù không cần đồng hồ, tôi vẫn biết chính xác từng giây. Người ta biết hết trong những khoảnh khắc như thế. Tôi biết ông không phải là một tay súng cừ khôi, chỉ cần tôi hơi nghiêng đầu, viên đạn sẽ xoẹt qua tai tôi, và có thể trúng vào con hươu. Tôi cũng biết chỉ cần một động tác và viên đạn sẽ nằm yên trong khẩu súng. Nhưng tôi cũng biết rằng tôi không thể cử động, vì số phận tôi trong giây phút đó không còn lệ thuộc vào những quyết định của tôi: một điều gì đó đã chín muồi, một việc gì đó phải xảy ra theo đúng trình tự và cách thức của nó. Tôi cứ đứng như vậy và chờ súng nổ, tôi chờ ông kéo cò, và tôi sẽ chết vì một viên đạn bắn ra từ khẩu súng của bạn tôi.

Tình huống thật hoàn hảo, không có nhân chứng, người thợ săn và lũ chó ở tận đâu phía cuối rừng, một tình huống hợp lý và chân xác, đúng là một trường hợp „ngẫu nhiên bi kịch”, năm nào báo chí chẳng đưa tin.

Rồi nửa phút trôi qua, không nghe tiếng súng nổ. Trong giây phút ấy con hươu nhận ra mối hiểm họa, bằng một cú nhảy, nhanh gọn như một tiếng nổ, nó mất hút vào rừng. Hai chúng ta vẫn còn đứng yên. Rồi ông từ từ hạ súng, rất chậm. Động tác ấy không thể nhìn thấy, cũng không thể nghe thấy. Thế mà tôi vẫn nhìn thấy, vẫn nghe thấy, như đang đứng đối diện với ông. Ông hạ súng xuống, rất thận trọng, như thể tiếng ma sát của không khí cũng có thể bán đứng dã tâm của ông, vì khoảnh khắc ấy đã qua, con hươu đã mất hút vào rừng. Ông thấy đấy, điều lạ lùng là lẽ ra ông vẫn có thể giết tôi, vì không ai chứng kiến hoạt cảnh ấy, không có ai, không một thẩm phán nào có thể kết tội ông, nếu ông làm điều đó. Mọi người sẽ chia buồn cùng ông, vì chúng ta là những người bạn huyền thoại, là Castor và Pollux, hai mươi hai năm sướng khổ có nhau, chúng ta là hình mẫu lý tưởng của tình bạn. Nếu ông giết tôi, mọi bàn tay sẽ chìa ra cho ông, cùng chịu tang với ông, vì không có gì bi thương hơn trong mắt thế gian là một người bạn vì một ý muốn thảm khốc nào đó của số phận đã ngộ sát bạn mình. Kẻ nào, pháp luật nào, tên đê tiện nào dám kết án, dám tuyên bố công khai điều không thể tin nổi là ông đã giết tôi có chủ định?... Không có một bằng chứng nào chứng tỏ ông nuôi dưỡng những tình cảm khốc hại đối với tôi trong trái tim ông. Tối hôm trước chúng ta còn ăn tối với nhau, có mặt bạn bè, vợ tôi, họ hàng và các bạn phường săn của tôi, trong tòa lâu đài mà đã mấy chục năm nay ông là khách hàng ngày. Mọi người đều nhìn thấy chúng ta, như trước đây, trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, trong quân ngũ, trong đời sống xã hội, lúc nào cũng thân thiện và vui vẻ. Ông không mắc nợ tôi tiền nong, ông là người trong nhà, ai có thể nghĩ rằng ông đã giết tôi?... Không một ai hết. Mà tại sao ông lại giết tôi? Thật là một giả thuyết bất nhân và phi lý, rằng ông: bạn của những người bạn, lại giết tôi: bạn của những người bạn, người đã dành cho ông mọi sự giúp đỡ tình cảm và vật chất trong cuộc sống; ông: người có thể coi nhà tôi như nhà mình, tài sản của tôi như tài sản chung của hai anh em, coi gia đình tôi như gia đình cha mẹ nuôi? Không! Bản án sẽ phản lại kẻ tuyên án, không ai có thể kết án ông, sự nổi giận của xung quanh sẽ quét phăng cái tên đểu giả dám khẳng định điều đó đi, sự cảm thông chia sẻ sẽ nắm lấy bàn tay ông, vì chuyện kinh khủng và phi nhân này đã xảy ra với ông, đòn khủng khiếp này giáng xuống đầu ông, vì một sự ngẫu nhiên bi thảm đã dùng bàn tay ông để giết người bạn thân nhất của mình... Tình huống là như thế.

Thế nhưng ông đã không kéo cò khẩu súng đã lên đạn? Tại sao thế? Điều gì đã xảy ra trong khoảnh khắc ấy? Có thể chỉ vì con hươu đã cảm nhận được hiểm họa và chạy khỏi chỗ đứng, và bản chất của con người là bao giờ cũng đi tìm một nguyên do cụ thể trong giây phút hành động đặc biệt. Điều ông mưu tính thật chính xác, hoàn hảo, nhưng có thể phải có một chú hươu; hoạt cảnh bị phá vỡ và ông đã hạ súng xuống. Tất cả chỉ trong vài giây, ai có thể tách, có thể chia, có thể phân tích và kết luận?...

Cũng không quan trọng. Sự thật mới quyết định, dù sự thật không có ý nghĩa quyết định trong vụ án. Sự thật là ông muốn giết tôi, nhưng rồi một hiện tượng bất ngờ của thế giới tự nhiên đã làm thay đổi giây phút ấy, tay ông bắt đầu run lên và ông đã không giết tôi. Con hươu đã biến mất sau những lùm cây, còn hai chúng ta thì bất động. Tôi không quay lại phía sau. Chúng ta còn đứng như thế trong chốc lát. Có thể nếu trong giây phút ấy tôi nhìn vào mặt ông, tôi sẽ rõ tất cả. Nhưng tôi không dám nhìn vào mặt ông. Một cảm giác hổ thẹn, còn khó chịu hơn những gì con người ta đã trải qua trong cuộc đời, cảm giác hổ thẹn mà nạn nhân buộc phải nhìn vào mặt kẻ giết mình. Những lúc như thế con người hổ thẹn trước Đấng Tạo Hóa. Chính vì thế tôi không nhìn vào mặt ông, và khi cái giây phút tê liệt ma mị khống chế cả hai chúng ta ấy đã qua đi, tôi đã đi theo con đường rừng về phía quả đồi. Ông cũng đi theo một cách máy móc. Nửa đường tôi nói qua ngang vai, không quay về phía sau: „Cậu bỏ lỡ rồi”. Ông không trả lời. Sự im lặng này chính là lời thú nhận. Vì bất cứ ai khác, trong tình huống tương tự, sẽ bắt đầu lên tiếng một cách xấu hổ hay hăng hái, anh ta sẽ giải thích một cách bông phèng hay tự ái; người đi săn nào cũng sẽ tự biện hộ cho mình, nào là anh ta coi thường con thú, hay đoán nhầm cự ly, nào là chê bai điều kiện ngắm bắn không thuận lợi...Nhưng ông đã im lặng. Như thể bằng sự im lặng đó ông muốn nói: „Đúng, tớ đã bỏ lỡ cơ hội giết cậu”. Chúng ta lặng lẽ lên đến đỉnh đồi, nơi người thợ săn và lũ chó đã đợi, dưới thung lũng tiếng súng râm ran, cuộc săn đã bắt đầu. Chúng ta mỗi người đi một đường. Đến bữa trưa - một bữa ăn kiểu phường săn, dọn ngay trong rừng - người xua thú của ông nói ông đã về thị trấn.

Ông khách châm thuốc hút, tay không run, ông cắt đầu điếu xì-gà bằng những động tác rất bình tĩnh. Ông tướng cúi người về phía Konrád và cho lửa bằng một ngọn nến.

- Cám ơn! - Ông khách nói.

- Nhưng tối hôm đó ông vẫn đến dùng bữa tối. - Ông tướng nói tiếp. - Cũng như mọi tối khác. Ông đến như thường lệ, bằng xe ngựa kéo mui trần, lúc bảy giờ rưỡi. Chúng ta ăn tối tay ba, cùng với Krisztina, như tối hôm trước, như nhiều tối trước đó nữa. Bàn ăn dọn trong phòng lớn, như tối hôm nay, bàn ăn cũng bài trí như lúc nãy, và Krisztina ngồi giữa hai chúng ta. Giữa bàn thắp những ngọn nến màu xanh. Nàng thích thắp nến, thích tất cả những gì gợi nhớ đến quá khứ, đến cách sống quý phái thuở trước, đến thời quá vãng.

Đi săn về tôi lên thẳng phòng mình thay quần áo, chiều hôm ấy tôi không nhìn thấy Krisztina. Người đầy tớ bảo quá trưa nàng lấy đi xe vào thị trấn. Chúng tôi gặp nhau bên bàn ăn, Krisztina đã chờ sẵn, nàng ngồi trước lò sưởi, vai choàng một chiếc khăn mỏng, vì ngoài trời ẩm thấp và sương mù. Lửa vẫn cháy trong lò. Nàng đang đọc và không biết tôi bước vào phòng. Có thể do những tấm thảm làm nhẹ tiếng bước chân tôi, cũng có thể do nàng mải mê đọc - một cuốn sách chỉ dẫn du lịch tiếng Anh về xứ nhiệt đới - điều chắc chắn là khi tôi tới trước mặt nàng mới biết. Nàng ngước nhìn lên, - Ông còn nhớ đôi mắt nàng chứ? Nàng có cái nhìn trong sáng như ban ngày, cũng có thể do ánh nến, nhưng vẻ trắng bệch trên gương mặt nàng làm tôi phát hoảng. „Em làm sao thế?” - Tôi hỏi. Nàng không đáp. Nàng im lặng nhìn tôi rất lâu bằng cặp mắt mở tròn, và khoảnh khắc đó cũng kéo dài gần bằng và nói lên nhiều điều như khoảnh khắc vào buổi sáng, khi tôi đứng bất động và chờ đợi điều gì đó xảy ra: hoặc ông lên tiếng hoặc ông kéo cò súng. Nàng nhìn vào mặt tôi, chăm chú, dò xét, như thể việc biết được trong giây phút ấy tôi đang nghĩ gì, tôi có suy nghĩ gì không, tôi biết điều gì đó chăng? - còn quan trọng hơn cả cuộc đời. Có lẽ trong giây phút ấy điều đó còn quan trọng hơn cả cuộc đời. Bao giờ điều này cũng quan trọng hơn cả con mồi và kết quả: biết được nạn nhân hay kẻ ta chọn làm nạn nhân nghĩ gì về ta. Bà ấy nhìn vào mắt tôi như tra vấn. Tôi nghĩ mình đã chịu đựng nổi cái nhìn ấy. Trong giây phút ấy và cả sau này tôi rất bình tĩnh, gương mặt tôi không tiết lộ cho Krisztina điều gì.

Đúng vậy, buổi sáng và chiều hôm ấy, trong cuộc đi săn khác lạ ấy, khi tôi suýt nữa trở thành một con mồi, tôi đã quyết định: dù cuộc sống sau này sẽ ra sao, về những khoảnh khắc lúc rạng đông tôi sẽ vĩnh viễn câm lặng, tôi sẽ không nói gì cho hai con người mà tôi tin cậy nhất là bà nhũ mẫu và Krisztina, về việc đã xảy ra trong rừng. Tôi quyết định sẽ nhờ một bác sĩ kín đáo theo dõi ông, vì ông đã bán linh hồn cho quỉ dữ, tôi nghĩ thế. Tôi không tìm ra lời giải thích cho những khoảnh khắc ấy. Con người từ lâu gắn bó với ta đã phát cuồng, tôi cứ nhắc đi nhắc lại như thế từ sáng đến chiều, gần như tuyệt vọng, và buổi tối khi ông đến tôi đã đón ông với cái nhìn như thế. Với giả thiết này tôi muốn cứu vãn đẳng cấp con người, nói chung và nói riêng, vì nếu trí lực ông bình thường, và ông có lý do - bất cứ lý do gì - để chĩa súng vào tôi, thì tất cả chúng ta, những người sống trong ngôi nhà này, cả Krisztina và tôi, đã để mất đi đẳng cấp con người của mình. Tôi cũng đã giải thích cái nhìn kinh ngạc của Krisztina khi tôi đứng trước mặt nàng sau buổi đi săn. Có vẻ như nàng đã cảm thấy một điều gì bí mật giữa hai chúng ta kể từ lúc rạng đông. Tôi nghĩ phụ nữ bao giờ cũng nhạy cảm với những chuyện như thế. Rồi ông đến, trong bộ y phục thường mặc vào buổi tối, và chúng ta ngồi vào bàn ăn. Chúng ta chuyện trò như mọi buổi tối khác, về buổi đi săn, về báo cáo của những người xua thú, về chuyện một vị khách của chúng ta đã mắc sai lầm khi bắn chết một con dê đực, theo đúng nghĩa của từ này, mà lẽ ra không được phép...Nhưng ông không nói một lời nào về những khoảnh khắc ấy. Ông không đả động gì đến cuộc đi săn phiêu lưu của ông, về việc ông đã bỏ lỡ không hạ sát được một con hươu đực. Người ta phải nói về những chuyện như thế, dù không phải thợ săn chuyên nghiệp. Ông không nói gì về việc để sổng con thú, không nói gì về việc ông đã bỏ cuộc săn về thị trấn sớm, chẳng nhắn lại điều gì. Tất cả những điều đó chắc hẳn bất bình thường, ngược lại những thỏa thuận xã hội. Lẽ ra ông phải có đôi lời về buổi sớm,... nhưng một lời cũng không, cứ như chúng ta không hề cùng đi săn lúc sáng sớm. Ông toàn nói những chuyện khác, ông hỏi Krisztina đọc gì khi ông bước vào phòng khách. Krisztina đọc về xứ nhiệt đới. Hai người trao đổi khá lâu về cuốn sách, ông hỏi Krisztina tựa đề sách, ông còn hỏi nó tác động đến nàng ra sao, ông rất muốn biết về cuộc sống ở vùng nhiệt đới. Ông làm như rất quan tâm đến đề tài mà ông ít hiểu biết này. Sau này qua người buôn bán sách trong thành phố tôi mới biết cuốn sách đó và vài cuốn khác nữa về đề tài này chính ông mua và cho Krisztina mượn vài hôm trước đó.

Tối hôm ấy tôi còn chưa biết những điều đó. Hai người đã loại tôi ra khỏi câu chuyện vì tôi chẳng có khái niệm gì về vùng nhiệt đới. Sau này khi biết hai người đã lừa dối tôi tối hôm đó, nghĩ lại những gì diễn ra, tôi thành thật công nhận cả hai đã đóng kịch thật hoàn hảo. Như một người không tham gia câu chuyện, tôi không hề nghi ngờ gì: hai người trao đổi về xứ nhiệt đới, về một cuốn sách, về những đề tài chung. Ông muốn biết ý kiến của Krisztina, đặc biệt là nàng nghĩ thế nào về việc một người sinh ra và lớn lên trong một vùng khí hậu khác có thể chịu đựng được những điều kiện sống nhiệt đới hay không... Krisztina nghĩ thế nào?... Còn tôi thì ông không hỏi. Và cá nhân Krisztina, liệu nàng có thể chịu đựng những mùa mưa, nóng ẩm, sương mù nóng hầm hập, nỗi cô đơn giữa đầm lầy trong rừng rậm nguyên sinh?... Ông thấy đấy, lời nói không bay đi. Lần cuối cùng khi ông ngồi đây trong phòng này, trên chiếc ghế này, bốn mươi mốt năm về trước, ông đã nói về xứ nhiệt đới, về đầm lầy, về sương mù nóng hầm hập, về mưa. Khi nãy khi vừa quay về căn nhà này ông lại nói về những thứ đó. Đúng, những lời nói lại quay về. Tất cả đều quay về, những sự việc, những lời nói cứ đi vòng tròn, đôi khi quay vòng quanh thế giới, rồi chúng lại gặp nhau và khép lại một điều gì đó. - Ông tướng nói vẻ hờ hững, đều đều. - Đấy ông đã nói với Krisztina về chuyện đó. Gần nửa đêm ông cho gọi xe về thành phố. Ngày hôm ấy đã diễn ra như thế, ngày có cuộc đi săn. - Ông tướng nói, trong giọng ông, sau tất cả sự miêu tả chính xác, có hệ thống lớp lang, vẫn cảm thấy tiếng vọng của sự mãn nguyện của một người già cả.

(1) Castor và Pollux: là hai anh em sinh đôi trong thần thoại Hy Lạp cổ đại. Ở đây biểu thị tình bạn khăng khít, không thể tách rời.

Tác giả bài viết: Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary – Còn tiếp