NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (12)
- Thứ tư - 12/03/2008 08:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
10.
Cả hai cùng bước đến bên lò sưởi, và dưới ánh sáng gắt của ngọn đèn tường, họ nhìn xoáy vào nhau bằng những con mắt mờ đục hấp háy sáng. Konrád hơn ông tướng mấy tháng tuổi, mùa xuân vừa rồi ông tròn bảy mươi ba. Hai con người già lão hấp háy nhìn nhau, bằng cái cách thức mà chỉ những người già mới cảm nhận được sự đổi thay: rất kỹ càng, xem xét những gì chính yếu, những dấu hiệu cuối cùng của sức sống, những dấu vết còn lại của niềm vui sống trên gương mặt và trên dáng dấp của mỗi người.
- Không, người ta không trẻ ra đâu. - Konrád nói nghiêm chỉnh.
Nhưng cả hai cảm thấy một sự ngạc nhiên vừa phấn chấn vừa ghen tỵ vì người đối diện mình đã vượt qua kỳ sát hạch nghiêm khắc: bốn mươi năm đã trôi qua, thời gian xa cách - khoảng thời gian họ không nhìn thấy nhau, nhưng từng giờ, từng ngày họ vẫn biết về nhau - dường như chưa hề trôi qua. Chúng ta đã trụ nổi, ông tướng nghĩ. Và vị khách với vẻ mãn nguyện đặc biệt, pha lẫn nỗi thất vọng và niềm vui vị kỷ - nỗi thất vọng vì người kia đứng đó mạnh khỏe và tỉnh táo, và niềm vui vì ông cũng đã trở về mạnh khỏe và nhanh nhẹn - ông nghĩ: „Ông ấy chờ ta, vì thế mà ông ấy khỏe.”
Cả hai đều cảm thấy thời gian chờ đợi đã mang lại sức sống cho họ trong mấy thập kỷ qua. Như một người suốt đời chỉ làm một công việc duy nhất, Konrád biết rằng ông còn phải trở lại đây một lần, và ông tướng biết rằng vào một ngày nào đó giây phút ấy sẽ đến. Họ đã vì thế mà sống.
Konrád vẫn có nước da xanh mái, như từ thời trẻ con, trông ông như người cớm nắng. Ông cũng mặc bộ tối màu, sang trọng, may bằng những thứ vải đắt tiền. Trông ông ta có vẻ giàu có, ông tướng nghĩ. Họ nhìn nhau dễ đến mấy phút. Rồi người đầy tớ mang rượu khổ ngải và rượu trắng tới.
- Ông từ đâu về? - Ông tướng hỏi.
- Từ London.
- Ông sống ở đó ư?
- Ở gần đó. Tôi có một căn nhà nhỏ, cạnh London. Khi từ xứ nhiệt đới trở về tôi đã ở lại đó.
- Xứ nhiệt đới nào thế?
- Singapore. - Ông giơ bàn tay trắng nhợt lên, mơ hồ chỉ vào khoảng không, như muốn đánh dấu vị trí trong vũ trụ, nơi một thời ông đã sống. - Nhưng chỉ thời gian cuối thôi. Trước đó tôi ở sâu trong bán đảo, giữa những người Mã Lai.
- Họ bảo - ông tướng nâng chén ruợu khổ ngải về phía ánh sáng như mời chào - xứ nhiệt đới làm cho người ta mệt mỏi và chóng già.
- Khủng khiếp lắm - Konrád đáp. - Mỗi đời người phải mất đi mười năm.
- Nhưng nhìn ông thì không nhận ra điều đó. Nào, ơn Chúa đã mang ông trở về.
Cả hai cùng cạn cốc rồi ngồi xuống.
- Nhìn tôi không nhận ra điều đó ư? - Người khách hỏi khi ngồi xuống chiếc ghế bành cạnh lò sưởi, dưới chiếc đồng hồ. Ông tướng chăm chú dõi theo từng cử chỉ của khách. Và giờ đây, khi người bạn một thời đã yên vị trong chiếc ghế bành - đúng vào chỗ bốn mươi mốt năm trước ông đã ngồi lần cuối cùng, như thể ông không cưỡng lại nổi sự mê hoặc của vị trí - ông tướng lại hấp háy mắt, cảm thấy người nhẹ bẫng. Ông có cảm giác như một người thợ săn khi thoáng nhìn thấy con mồi đã nằm trong cái bẫy mà trước đó nó đã né tránh rất cẩn thận. Bây giờ thì mọi thứ và mọi người đều đã vào đúng vị trí. - Xứ nhiệt đới khủng khiếp lắm. - Konrád nhắc lại. - Loại người như chúng ta không thể chịu nổi. Nó làm mòn mỏi các bộ phận, đốt cháy các mô trong cơ thể. Nó tàn hại một cái gì đó trong con người.
- Ông đã đi tới đó để tàn hại một cái gì đó trong con người ông ư? - Ông tướng hỏi với vẻ hững hờ, giọng không thay đổi.
Ông hỏi điều đó một cách lịch lãm, như tâm sự. Rồi ông cũng ngồi xuống, đối diện với lò sưởi, trên chiếc ghế bành mà trong gia đình thường gọi là „ghế Firenze”. Đây là chỗ của ông trước và sau bữa ăn tối, bốn mươi mốt năm trước, khi ba người cùng ngồi trò chuyện trong phòng khách, ông, Krisztina và Konrád. Giờ đây cả hai cùng nhìn sang chiếc ghế bành thứ ba, bọc lụa Pháp, bỏ trống.
- Đúng thế!- Konrád bình thản đáp.
- Ông đã thành công chứ?
- Tôi đã già rồi. - Konrád đáp, và ông nhìn vào ngọn lửa.
Người bạn không trả lời thẳng vào câu hỏi. Họ cứ ngồi yên lặng như thế, và nhìn ngọn lửa, cho tới khi người đầy tớ bước vào mời họ dùng bữa tối.