Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN (1)

(NCTG) Vài tháng sau khi ấn hành, cuốn sách "Những ngọn nến cháy tàn", nguyên tác "A gyertyák csonkig égnek" (1942) của văn hào Hungary Márai Sándor, bản dịch Việt ngữ của dịch giả Giáp Văn Chung, đã nhận được nhiều hồi âm tích cực của độc giả yêu văn học. Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học của rất nhiều bạn đọc ở xa, hoặc không có điều kiện mua sách, đồng thời, cũng là một món quà Xuân của người dịch và NCTG đối với độc giả của báo, chúng tôi sẽ đăng tải tác phẩm giá trị này trên "Tủ sách Nhịp cầu Thế giới".

Márai Sándor (1900-1989)

1.

Sáng nay ông tướng ở lại hầm ép nho muộn. Từ tinh mơ ông đã ra đồng với người thợ trồng nho, vì có hai thùng vang bắt đầu nhả cốt. Hơn mười một giờ, vào chai xong, ông mới về nhà. Trên lối vào có mái che trải đá ẩm mốc, dưới những hàng cột, người thợ săn đã chờ sẵn đưa cho ông một bức thư.

- Gì thế? - ông dừng lại và hỏi hơi sẵng giọng. Rồi ông hất ngược chiếc mũ rơm rộng vành che khuôn mặt ửng đỏ. Đã mấy năm nay, ông không bóc và không đọc thư. Một người quản trang thường bóc và phân loại thư trong văn phòng trại nuôi gia súc.

-  Thưa, do người đưa thư mang lại, - người thợ săn nói và rướn thẳng người lên.

Nhận ra nét chữ, ông cầm phong thư bỏ vào túi. Bước vào tiền sảnh dịu mát, ông lẳng lặng đưa mũ và cây gậy cho người thợ săn. Lấy cặp kính ra khỏi túi đựng xì-gà, rồi bước lại gần cửa sổ, trong ánh sáng lờ mờ lọt qua những khe rèm cửa, ông bắt đầu đọc lá thư.

- Hãy chờ đã, - không quay đầu lại, ông bảo người thợ săn đang mang gậy, mũ đi cất.

Ông vò lá thư nhét vào túi.

- Bảo Kálmán đóng sẵn xe ngựa lúc sáu giờ. Đóng cả mui, vì sẽ mưa đấy. Mặc lễ phục vào. Cả anh nữa - ông bất chợt gằn giọng, như bực bội điều gì. Tất cả phải sạch bóng lên. Hãy lau chùi xe, đồ cho cẩn thận. Mặc y phục mã phu vào, rõ chưa? Và ngồi lên ghế cạnh Kálmán ấy.

- Vâng, thưa ông. - Người thợ săn nói và kinh ngạc nhìn ông chủ. - Đúng sáu giờ.

- Sáu rưỡi các anh khởi hành!- Ông tướng nói rồi mấp máy đôi môi như nhẩm tính. -  Anh đến khách sạn Đại Bàng Trắng. Chỉ nói tôi sai đến, xe đã sẵn sàng đón ông đại úy. Nhắc lại đi.

Người thợ săn nhắc lại lời ông. Đến đó - dường như muốn nói thêm điều gì - ông giơ tay nhìn lên trần. Nhưng không nói thêm gì, ông đi lên gác. Người thợ săn đứng thẳng, cặp mắt vô hồn dõi theo, chờ cho đến khi cái dáng thấp đậm, đôi vai rộng của chủ khuất hẳn sau khúc quanh của hàng lan can đá dẫn lên gác.

Ông tướng vào phòng riêng, rửa tay xong, ông bước lại gần chiếc bàn cao, hẹp phủ một tấm nỉ màu xanh lốm đốm mực, trên có bút, mực và những cuốn vở giống vở làm bài của học trò, bìa bọc vải ni-lông kẻ ca-rô xếp ngay ngắn. Ở giữa bàn là một cây đèn có chụp màu xanh, ông châm đèn vì trong phòng tối mờ. Phía ngoài những tấm rèm cửa sổ đóng kín, mùa hè đang lồng lộn trút những cơn giận cuối cùng thiêu khô héo khu vườn, như một gã cuồng thiêu đốt đồng ruộng trước lúc đi hoang. Ông tướng lấy lá thư ra, cẩn thận vuốt phẳng mảnh giấy, dưới ánh sáng rõ của cây đèn, cặp kính trễ xuống mũi, hai tay đan vào nhau phía sau lưng, ông đọc lại mấy hàng chữ ngay ngắn, viết bằng những con chữ gầy guộc.

Trên tường treo một tờ lịch, những chữ số to bằng nắm tay. Mười bốn tháng Tám. Ngả đầu ra phía sau, ông nhẩm tính. Mùng Hai tháng Bảy. Ông tính thời gian kể từ ngày ấy đến nay. Bốn mươi mốt năm, ông kêu lên nho nhỏ. Rồi ông nói to một mình. Bốn mươi năm, ông lúng túng. Như một cậu học trò bất chợt gặp phải bài toán khó, ông đỏ mặt, ngả đầu ra sau, khép cặp mắt mờ đục. Lớp da cổ màu đỏ hồng chảy tràn ra hai bên chiếc cổ áo khoác mầu vàng như màu bắp ngô của ông. Một ngàn tám trăm chín  mươi chín, mùng Hai tháng Bảy, ông lẩm bẩm. Rồi im lặng. Ông tỳ khuỷu tay lên bàn, điệu bộ ưu tư, như một chú trò nhỏ học gạo, ông nhìn chằm chằm vào mấy hàng chữ viết tay trong thư. Bốn mươi mốt năm, cuối cùng ông nói, giọng khàn đặc. Và bốn mươi ba ngày. Đúng là chừng ấy.
Dường như đã bình tĩnh lại, ông bắt đầu đi lại trong căn phòng có vòm cong được đỡ bởi một cây cột ở giữa. Trước đây nó là hai phòng riêng, phòng ngủ và phòng thay đồ. Nhiều năm trước - ông suy nghĩ bằng hàng chục năm, vì ông  không thích những con số chính xác, có vẻ như mỗi con số đều nhắc tới một điều gì đó mà ông muốn quên đi - ông đã cho phá đi bức tường ngăn hai căn phòng, chỉ để lại cây cột đỡ hai mái vòm. Ngôi nhà do một người cung cấp yến mạch cho quân kỵ Áo xây đã hai trăm năm, sau ông này được phong công tước. Ông tướng sinh ra tại đây, trong chính căn phòng này. Khi đó căn phòng tối hơn ở phía sau, có cửa sổ nhìn ra vườn và dãy nhà phụ, là phòng của mẹ ông, còn căn phòng thoáng đãng hơn này là phòng thay đồ. Đã mấy chục năm, từ khi ông dọn vào ở cánh bên này của tòa lâu đài, bức tường ngăn cách phòng mẹ ông được phá bỏ, hai căn phòng trở thành một phòng rộng sáng lờ mờ. Mười bảy bước từ cửa tới giường. Mười tám bước từ bức tường sát vườn tới ban-công. Ông đã đếm nhiều lần, và biết chắc như vậy.

Ông đã sống trong căn phòng như người ốm quen với bệnh tật, như nó được may đo sẵn cho riêng ông. Có dễ đã mấy năm nay ông không bén mảng đến cánh bên kia của lâu đài, nơi có những xa-lông màu xanh lá cây, màu xanh thẫm và màu hồng nằm sát nhau, với những đèn chùm mạ vàng. Những cửa sổ nhìn ra khu vườn rộng, có những cây hạt dẻ vào mùa xuân thường nghiêng qua hàng ban công, khoe những nến hoa màu hồng, những phiến lá xanh thẫm trước hàng lan can bằng đá của dãy ban-công lõm hình bán nguyệt ở cánh phía nam tòa lâu đài. Những nàng tiên mũm mĩm đỡ hàng lan can. Sáng sáng ông thường ra nhà ép nho hay vào rừng, hoặc ra con suối đầy cá hương ngư, cả mùa đông, cả khi trời đổ mưa. Khi quay về ông qua tiền sảnh, lên phòng và ăn luôn trên đó.

- Thế là ông ấy đã trở về. - ông bỗng nói to lên ở giữa phòng. - Bốn mươi mốt năm. Và bốn mươi ba ngày. Có vẻ như thấm mệt khi nói ra những từ này, như tới giờ mới ý thức được bốn mươi mốt năm bốn mươi ba ngày dài đến chừng nào, ông lảo đảo suýt ngã. Ông ngồi xuống chiếc ghế da đã mòn cũ. Trên bàn nhỏ có một chiếc chuông bạc, tiện tay ông rung chuông gọi gia nhân.

- Gọi bà Nini lên đây! - Ông bảo người hầu phòng. Rồi chuyển giọng nhẹ nhàng:

- Bảo tôi cho gọi bà ấy.

Ông cứ ngồi im với quả chuông bạc trong tay, tới khi bà Nini bước vào.

Tác giả bài viết: Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary – Còn tiếp