NGÀY XỬA NGÀY XƯA (5)
- Thứ hai - 25/02/2008 23:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tượng Mã Viện tại Núi Phục Ba, Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc
Cuối năm Nhâm Dần (42), Mã Viện chỉ huy 2 vạn tinh binh, 2 vạn phu, chia hai đường thủy bộ, theo lối Hợp Phố - Quảng Yên, kéo vào nước ta.
Họ Mã cho quân tiến rất thận trọng, đi đến đâu cũng trinh sát trước, cho công binh chuẩn bị cầu đường rồi mới chia quân thành tiền đội, hậu đội cùng tiến.
Tuy gặp rất nhiều khó khăn, vì bị quân Việt chặn đánh ở mọi nơi, nhưng quân thủy và quân bộ của Mã Viện vẫn luôn hỗ trợ và liên lạc được với nhau, cuối cùng đã hợp quân về Lãng Bạc, chuẩn bị cho một trận quyết đấu dữ dội.
Chiến trường Lãng Bạc là một vùng đồi thấp, bãi sông và ao đầm gần khu vực Cổ Loa, Sóc Sơn, giáp giới với huyện Tiên Du (Bắc Ninh) và Hải Dương.
Mã Viện tới đây đúng vào dịp đầu hè, khí hậu vô cùng khắc nghiệt.
Đúng lúc đó, Trưng Vương hạ quyết tâm đánh trận quyết chiến chiến lược ở Lãng Bạc để đánh gục ý chí xâm lược của kẻ thù.
Ngựa trạm của ta chạy đi khắp nơi báo tin khẩn cấp.
Các đơn vị quân đội của triều đình tức tốc hành quân từ Mê linh về khu vực tác chiến.
Các đội thân binh của các nữ tướng Lê Chân, Thánh Thiên, Phương Dung, Quý Lan, nàng Tía… đều được lệnh kéo về Lãng Bạc trợ chiến.
*
Các trận chiến ở Lãng Bạc đã diễn ra trong thế giằng co, quyết liệt.
Lực lượng của Mã Viện được tổ chức tốt, huấn luyện bài bản, nên tỏ ra hơn hẳn đội quân “nghiệp dư” của các nữ tướng người Việt.
Trên chiến trường, mỗi bên đều đã phải để lại hàng nghìn xác chết.
Tướng Đông Hán là Hàn Vũ thiệt mạng ngay trong ngày giao tranh đầu tiên.
Nhưng rồi, các đơn vị quân Việt cứ bị sứt mẻ dần lực lượng, các nữ tướng giỏi giang nhất lần lượt bị hy sinh, đội quân chủ lực của triều đình cũng chỉ còn non nửa quân số. Trưng Trắc quyết định cho nghĩa quân bí mật rút lui về căn cứ kháng chiến ở Cấm Khê (Hòa Bình).
Quân Mã Viện làm chủ vùng Luy Lâu, Long Biên, Cổ Loa, tiếp tục củng cố binh lực và tìm cách tiếp cận lực lượng kháng chiến của người Việt.
Để tới được Cấm Khê, quân lực Mã Viện phải vượt qua con sông Đáy và rất nhiều làng chiến đấu của quân ta ở Quán Cấm, Quán Dâu, Kim Cốc, Yên Trường, Miếu Môn.
Mã Viện vẫn còn ngót nghét 2 vạn quân, 2.000 xe, hơn nghìn thuyền sau trận Lãng Bạc.
Quân Hán lại chia hai đường thủy bộ tiến đánh Cấm Khê và kinh đô Mê Linh.
Đi đến đâu, quân Hán cũng bị các đội dân binh người Việt chặn đánh dữ dội.
Cánh quân phía Bắc của họ Mã đã vượt qua sông Đáy không mấy khó khăn, nhưung khi tiến đánh Mê Linh, họ đã phải đọ sức với đội quân của Chu Tước ở Mỹ đức, với 5 mẹ con bà Lý Ngọc Ba ở Chương Mỹ, với tướng Hoàng Đạo ở Phụng Thượng…
Cánh quân phía Nam của Mã Viện theo hướng Hưng Yên, Nam định tiến đánh Cấm Khê cũng vấp phải sức kháng cự mạnh mẽ của đạo quân ta đóng ở Đại Đồn do bà Trưng Nhị chỉ huy. Tại nhiều tuyến phòng ngự ven sông Luộc, các nữ tướng Nguyệt Thai, Ngọc Chi, Bạt Kiến phu nhân… đã cầm chân được đội quân tinh nhuệ của các tướng Hán trong nhiều ngày.
Nhưng cuối cùng, căn cứ Cấm Khê đã bị hai gọng kìm của quân đội Mã Viện cô lập với cả vùng phía Bắc và phía Nam đất nước.
Cuộc chiến ở Cấm Khê diễn ra ở thế bất lợi cho quân Việt.
Tuy nhiên, đại thế núi rừng hiểm trở đã giúp nghĩa quân cầm cự được gần hai năm.
Mã Viện cho quân phong tỏa hết mọi ngả đường vào Cấm Khê rồi cho đầu độc nguồn nước để tiêu hao dần sức lực của quân ta.
Khi biết quân ta đã bị ốm chết quá nửa, lực lượng còn lại cũng bị tổn hao nhiều sinh lực, Mã Viện quyết định tổ chức đợt tổng công kích.
Lính kỵ mã của Viện len lỏi theo những con đường mòn, dần xiết chặt vòng vây.
Nhiều toán biệt kích dùng dây leo, vượt qua những vách đá hiểm hóc.
Máy bắn đá phá tan những chiến lũy tre nứa và bằng gỗ.
Cuối cùng, hai vị nữ tướng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa năm Canh Tý đã hy sinh trên chiến trường. Đó là ngày 6 tháng Hai năm Quý Mão (43).
*
Mã Viện lại hành quân về phía Nam, nơi còn rất nhiều vị tướng dưới trướng hai bà Trưng như Đô Dương, nàng Tía, Chu Bá… đang còn chống cự quyết liệt.
Tại Cư Phương (Triệu Sơn - Thanh Hoá), cuộc đọ sức giữa 5.000 nghĩa quân của Đô Dương với 2 vạn quân của Mã Viện đã kết thúc với phần thắng thuộc về bên mạnh hơn, đông hơn.
Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống đạo quân xâm lược của Mã Viện đã kết thúc trong bi kịch.
Mã Viện cho quân thả sức chém giết tù binh và dân chúng ở những nơi vừa bình định được. Có nơi bọn lính Hán chém được 5.000 thủ cấp trong một ngày.
Và, cuối cùng, để kỷ niệm thành tích bất hảo của mình, vị lão tướng Đông Hán tịch thu toàn bộ trống đồng, khí giới bằng đồng của dân ta, đúc một con ngựa đồng to bằng ngựa thật để dâng lên vua Hán. Mã Viện còn cho đúc một cây cột đồng cao tới 5 thước, trên khắc mấy chữ “Cột đồng chiết, Giao Chỉ diệt” để cấm dân ta không được xô đổ cột đồng.