Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LỜI GIỚI THIỆU CHO BẢN DỊCH CUỐN “KÁDÁR JÁNOS” (người dịch: Giáp Văn Chung)

(NCTG) Là một cái tên được thế giới đồng nghĩa với nước Hung XHCN trong hơn 3 thập niên liền, Kádár János là gương mặt kiệt xuất, nhưng bi thảm và đầy mâu thuẫn, của chính trường Hung thế kỷ XX.
Kádár János, người đứng đầu nước Hung thời kỳ 1956-1988
Kádár János (tên khai sinh là Czermanik, rồi Csermanek) sinh ngày 26-3-1912 tại Fiume (nay là Rijeka). Cho đến năm 6 tuổi, ông sống với bố nuôi ở quê; thân mẫu ông đã tần tảo làm lụng nuôi con để cho ông được lên thủ đô học hành. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chàng thanh niên Kádár theo học trung cấp kỹ thuật, ngành sửa chữa máy (hồi đó được coi là một ngành “điểm” ở Hung).

Năm 19 tuổi, Kádár gia nhập Đảng Cộng sản Hungary (MKP, lúc đó còn trong vòng bí mật) và đến đầu thập niên 40, ông đã trở thành một lãnh tụ của đảng. Từ đó, ông liên tục giữ những trọng trách trong đảng và là một nhà hoạt động xuất sắc của phong trào công nhân Hungary, nhất là trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến, trong cuộc chiến chống phát-xít Đức.

Thời bình, sau khi Rajk László, Bộ trưởng Nội vụ, người đồng chí cũ của Kádár bị Đảng Cộng sản Hungary (theo đường lối độc tài của Stalin) buộc tội “gián điệp” trong một phiên tòa ngụy tạo năm 1948, Kádár János lên đứng đầu Bộ Nội vụ.

Trên cương vị này, ông đã góp phần thanh trừng các lãnh tụ đối lập, “kết liễu” chế độ đa đảng ở Hung, cũng như tham gia dàn dựng nhiều phiên tòa ngụy tạo khét tiếng (trong đó có vụ án Rajk). Tuy nhiên, vào năm 1951, Kádár cũng bị tù đày và chịu án chung thân với tội danh “phản đảng”; ông chỉ được trả tự do khi Nagy Imre lên nắm chức thủ tướng (lần thứ nhất) năm 1954.

Sau khi nhà độc tài Rákosi Mátyás, lãnh tụ cộng sản thượng đỉnh Hung, học trò cưng của Stalin, bị hạ bệ, Kádár János lại được nắm giữ các cương vị lãnh đạo trong đảng: Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương, và khi trùm độc tài Gerő Ernő bị giáng chức ngày 25-10-1956, ông trở thành Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Hungary (MDP), chính đảng cầm quyền thời đó tại nước Hung.

Trong những thời khắc đầy biến động của cuộc cách mạng dân chủ 1956, thoạt đầu Kádár János là thành viên Chính phủ Liên hiệp của Thủ tướng Nagy Imre, một nội các mang tính đa nguyên, chủ trương cải cách triệt để, đoạn tuyệt với quá khứ thân Stalin và mang nguyện vọng rút Hung khỏi Khối hiệp ước Warszawa để xứ này trở thành một quốc gia trung lập.

Nhưng đến ngày 1-11-1956, ông tuyên bố thành lập một chính đảng cộng sản mới - Đảng Công nhân Xã hội Hung (MSZMP) -, rồi cùng với Münich Ferenc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, bí mật vào ĐSQ Liên Xô tại Budapest và ngay sau đó, biến mất khỏi Budapest.

Đến ngày 4-11, Kádár János trở thành người đứng đầu Chính phủ Cách mạng Công - Nông Hungary, được Liên Xô chủ trương thành lập ở thành phố Szolnok. Ngày 7-11 cùng năm, được đoàn xe tăng của Hồng quân Xô-viết hộ tống, Chính phủ này đã tiến vào Budapest và trở thành thế lực cầm quyền tại Hung.

Từ đó, Kádár János giữ chức Bí thư thứ nhất Đảng Công nhân Xã hội Hung (1956/1957-1985), Tổng bí thư đảng (1985-1988) và Chủ tịch đảng (1988-1989); ngoài ra, ông còn hai lần trực tiếp giữ chức Thủ tướng Hungary (1956-1958, 1961-1965). Tháng 5-1989, ông bị Ủy ban Trung ương bãi chức Chủ tịch đảng và Ủy viên Trung ương, ông phải nghỉ hưu, hưởng lương 43.090 Ft/tháng, tính theo mức lương cơ bản của thời gian ông làm thủ tướng.

Kádár János qua đời tại Budapest ngày 6-7-1989, chỉ vài giờ sau khi Tòa án Tối cao Hungary ra quyết định bác bỏ bản án được đưa ra cuối thập niên 50 trong vụ án ngụy tạo xét xử Thủ tướng Nagy Imre và các đồng sự, do Moscow điều khiển (trước đó, ngày 16-6-1989, đúng 31 năm sau ngày mất, về căn bản, Nagy Imre đã được phục hồi về mặt chính trị).
 
*

Kádár János là một con người mang trong mình đầy rẫy những mâu thuẫn và hạn chế của thời đại ông sống. Tự coi mình là một người cộng sản chân chính, ông tin rằng với việc “thần phục” điện Kremlin trong cuộc cách mạng 1956, ông đã tìm ra giải pháp “ít xấu nhất”, thậm chí, giải pháp tối ưu, để đưa nước Hung ra khỏi cuộc khủng hoảng và tranh chấp giữa hai phe cộng sản và tư bản.

Trong những thập niên sau đó, Kádár János đã tìm cách lèo lái nước Hung một cách khéo léo, không (nhất thiết) phụ thuộc (toàn diện) vào Moscow, tạo được vị thế độc lập ở mức tương đối trong khối Hiệp ước Warszawa.

Chấp nhận những cải cách kinh tế và sự mở cửa ở mức độ cho phép, Kádár đã tạo dựng nên một thứ “chủ nghĩa cộng sản mà dân vẫn có xúp thịt bò khô để ăn” (gulyáskommunizmus) - trong xã hội Hung thời bấy giờ, trong một chừng mực nhất định, dân Hung vẫn được phép tiếp cận thông tin từ Phương Tây, vẫn được ra ngoại quốc một cách hạn chế và ít nhiều, vẫn được phép nói lên chính kiến của mình một cách ôn hòa.

Vô hình trung, một cách vô ý thức, với thể chế “độc tài mềm dẻo” (puha diktatúra) này, Kádár János đã tạo điều kiện cho sự hình thành của một phe đối lập dân chủ từ những năm 70 thế kỷ trước, lớn mạnh không ngừng vào đầu thập niên 80 và là lực lượng khiến Hungary có thể chuyển đổi thể chế một cách ôn hòa, theo phương châm “hòa hợp, hòa giải dân tộc”, hóa giải những oan khiên của quá khứ.
 
*

Cho dù trong con mắt rất nhiều người Hung từng tham gia hoặc có hệ lụy trong cuộc khởi nghĩa 1956, Kádár János là “tên phản bội”, nhưng vai trò lịch sử của vị chính khách lớn này - cũng như “công” và “tội” của ông - cần được nhìn nhận một cách tỉnh táo, công tâm và là công việc của các sử gia, thậm chí của hậu thế.

Không phải ngẫu nhiên mà 18 năm sau ngày Kádár qua đời, vẫn có hằng hà sa số sách vở, tư liệu về ông được in ấn tại Hung và nước ngoài, phân tích Kádár trên nhiều khía cạnh và luôn thu hút được sự quan tâm của độc giả xa gần. Một trong những cuốn sách như thế, đã gây rất nhiều “lời ra tiếng vào” và được công luận Hungary đặc biệt để ý, là hai tập “Kádár János” (1) của nhà văn Moldova György.
 
Nhà văn Moldova György bên mộ phần Kádár János - Ảnh: nepszava.hu
Nhà văn Moldova György bên mộ phần Kádár János - Ảnh: nepszava.hu

Sinh năm 1934, bắt đầu viết từ năm 1955, tác giả của hơn 70 đầu sách, Moldova György là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng, từng đoạt nhiều giải thưởng lớn về văn học như Giải József Attila (1973, 1978), Giải Kossuth (1983), Giải của Liên hiệp các Nghiệp đoàn Toàn quốc Hung (MSZOSZ, 1995)…; đồng thời, ông cũng là sáng lập viên (kiêm thành viên) Viện hàn lâm Văn học Kỹ thuật số (chủ trương đăng tải những kiệt tác của nền văn học Hung trên mạng Internet để đại chúng có thể tìm hiểu và thưởng thức miễn phí những sáng tác lớn của họ).

Được biết đến như một nhà văn thiên tả, từng có thiện cảm khá rõ rệt với Kádár János trong quá khứ, tuy nhiên, hai tập sách mới đây về Kádár của Moldova đã gây nên một cuộc tranh luận gay gắt và kéo dài, phần vì thời điểm ra đời của nó (đúng vào dịp Hungary long trọng kỷ niệm nửa thế kỷ cuộc cách mạng 1956), phần vì dụng ý không giấu giếm của tác giả (nhằm “chứng tỏ Kádár János là vị chính khách vĩ đại nhất của Hung thế kỷ XX”, một người mà mà theo tác giả, vai trò lịch sử đã bị các chính phủ Hung hiện tại hạ thấp, một người mà “dân Hung sẽ luôn nghĩ tới ông với tình yêu thương và sự hoài niệm, cho dù thứ chính trị hiện thời có nói gì đi nữa”).

Những điều này, cùng lời tuyên bố của Moldova, theo đó “có ngày nước Hung sẽ dựng tượng cho Kádár János”, đã bị coi là khiêu khích, và bị nhiều người kịch liệt phê phán.

Có thể thấy rằng, dựa trên nhiều tư liệu lịch sử (trong số đó có những tư liệu chưa được đại chúng biết tới), Moldova György đã tạo dựng một hình tượng Kádár János theo cách nhìn của ông, và trên cơ sở đó, đã rọi chiếu một số sự kiện lịch sử của nước Hung dưới một ánh sáng khác.

Cái nhìn của Moldova về Kádár có thể không trùng lặp (thậm chí trái ngược) với cái nhìn về nhà chính khách này của các sử gia, các nhà nghiên cứu khác, nhưng đó âu cũng là chuyện bình thường: chỉ biết rằng, ngay cả sau khi mất, Kádár cũng xứng đáng được đối xử một cách công minh, tránh mọi định kiến từ các phía, bởi lẽ ông “đã có mặt ở nơi cần có mặt, đã làm những việc cần làm” (2) theo lương tâm của mình, cho đất nước và dân tộc Hung, ở một thời điểm mà những khái niệm đen trắng không được rõ ràng, thậm chí nhiều khi trái ngược, và nước Hung bất hạnh buộc phải nằm giữa những gọng kìm của lịch sử.

Những đánh giá một chiều - theo hướng coi Kádár János đơn thuần “kẻ tội đồ” - không thể lý giải được một cách thấo đáo, rốt ráo, khi hàng năm, nhân ngày mất của Kádár, những cành cẩm chướng vẫn được nhiều người được đặt trên mộ và bức tượng bán thân bằng đồng của ông - tác phẩm của nhà điêu khắc Pató Roza, được Hội Ái hữu Kádár János đặt làm -, để tưởng nhớ hương hồn một lãnh tụ Hung từng có thời được cả hai phe cộng sản và tư bản kính trọng và nể vì.

Với phương châm phải tìm hiểu lịch sử và quá khứ một cách đa chiều để soi rọi hiện tại và tương lai, NCTG đã có loạt bài về những biến cố lớn của lịch sử Hung thế kỷ XX mà trong đó, bên cạnh Nagy Imre, Kádár János là một nhân vật có tầm quan trọng nổi bật (3).

Nhận thấy rằng, bộ sách của Moldova György có nhiều giá trị về lịch sử và tư liệu, được viết một cách hấp dẫn (và ít nhất, nó cũng ứng với lời thổ lộ của tác giả: “Tôi có những cuốn sách tồi, nhưng không bao giờ viết sách dối trá và bất lương”), kể từ số báo này, NCTG xin trân trọng giới thiệu dài kỳ bản lược dịch cuốn sách này, do dịch giả Giáp Văn Chung thực hiện, ngõ hầu mang đến những thông tin bổ ích về một nhân vật đã có vai trò rất lớn trong lịch sử nước Hung thế kỷ trước.

Hy vọng, nỗ lực của dịch giả Giáp Văn Chung sẽ nhận được sự quan tâm và đánh giá thích đáng của những độc giả quan tâm đến lịch sử của đất nước mà chúng ta đang cư ngụ!

Ghi chú:

(1) “Kádár János I-II.”, 560 trang, giá 3.500 Ft (Nhà xuất bản Urbis, 2006).

(2) Trích lời Kádár János, được khắc trên bia mộ ông.

(3) Xin tham khảo thêm bài “Lần gặp gỡ cuối cùng với Kádár János” (Phạm Khuê dịch, trích từ hồi ký “Lịch sử như tôi đã sống qua” [A történelem - Ahogyan megéltem] của GS VS Berend T. Iván, Nhà xuất bản Kulturtrade - Budapest 1997 tr. 295-296), NCTG số ra ngày 2-7-2004.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh