Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KÁDÁR JÁNOS (9)

(NCTG) Sau khi từ chức bộ trưởng Nội vụ, Kádár trở về trụ sở đảng MKP trên phố Akadémia, phụ trách Văn phòng các tổ chức quần chúng. Dù vẫn là ủy viên Ban Bí thư và ủy viên Bộ Chính trị, nhưng trước mắt Kádár luôn lởn vởn số phận của Rajk và những đồng chí của ông, ông không hy vọng gì nhiều ở tương lai.

Sau này ông kể với Kanyó András: „Tôi cảm thấy niềm tin vào tôi đã lung lay, một lần trong khi nói chuyện với Nagy Péter tôi buột miệng nói ra: tôi thấy rất khó làm việc với ông ta. Nhận xét này chỉ liên quan đến việc Péter Gábor đã lên án Rajk can thiệp và cản trở công việc của AVH, và khi tôi trở thành bộ trưởng Nội vụ thì ông ta cũng ứng xử với tôi như thế. Péter đáp lại rằng: thật thú vị là Rákosi lại làm việc được với ông ta, chỉ có kẻ thù mới không hợp tác với ông ta mà thôi...”

Kádár biết chắc như đinh đóng cột mình sẽ là nạn nhân tiếp theo, trước sau gì Rákosi cũng sẽ thanh toán ông.

Sau khi thay thế bộ trưởng Nội vụ một thời gian ngắn, Rákosi cho gọi Veres József - bạn cùng hoạt động trong thời kỳ bí mật của Kádár - lúc đó là quốc vụ khanh trong Bộ Nội vụ. Tổng bí thư lại đưa ra tội trạng đã được sử dụng nhiều lần, đó là trong thời gian Kádár giữ chức bộ trưởng có quá nhiều cán bộ không đúng thành phần giai cấp được đưa vào các vị trí chủ chốt, và chắc chắn trong việc này Kádár có dự phần.

„... Đồng chí Veres, đồng chí hãy suy nghĩ về những điều chúng ta đã trao đổi về Kádár. Chắc đồng chí sẽ nhận thấy những sai lầm mà Kádár đã phạm phải. Hãy ghi lại những việc đó và trao tận tay tôi!” – Veres József đã viết trong cuốn hồi ký chưa xuất bản của ông. Veres còn nhớ theo chỉ thị của Rákosi việc bắt giữ Kádár bắt đầu được chuẩn bị. Tham gia tổ chức vụ này có cả Nagy Imre (trưởng ban Nội chính Trung ương), Péter Gábor (giám đốc AVH) và Zöld Sándor lúc đó còn đang giữ chức bộ trưởng.

Không rõ thời gian ấn định bắt Kádár vào khi nào. Có lẽ vào khoảng cuối hè, đầu thu năm 1951, họ cần chừng ấy thời gian để ngụy tạo chứng cứ, và họ hy vọng thời gian đó đủ để hạ uy tín của Kádár trong Đảng và đánh gục Kádár.

Rákosi cũng đích thân vào cuộc, ông thường cho gọi Kádár lên gặp riêng: „... Tôi cho gọi Kádár, tôi đã cùng ngồi tù với anh ta trong nhà tù Csillag, tôi nói tôi biết lai lịch anh ta, biết anh ta đã chịu cực khổ như thế nào, chắc là anh đã bị mua chuộc ở đâu đó. Tôi khuyên anh ta nên nói thật, rồi chúng tôi sẽ giúp đỡ. Nếu sự việc không nghiêm trọng, ta sẽ sửa chữa. Còn hơn là cứ để chúng tôi thấy anh thế này, rõ là không ổn...”

Rákosi lôi các tội từ lâu đã được gác lại như Kádár đã khai ra với cảnh sát các đồng chí mình từ năm 1933, rồi việc năm 1943 ông đứng ra tự giải tán đảng KMP. Kádár cũng không từ chối những việc ấy, nhưng ông không chịu nhận thêm các tội trạng khác: „... Tôi không bao giờ hợp tác với kẻ địch dưới bất kỳ hình thức nào. Kể cả trong trường hợp tôi đã hành động hèn nhát tại đồn cảnh sát năm 1943. Khi đó tôi đã gục ngã, nhưng tôi đã kịp dừng lại, không ai bị chúng bắt vì tôi cả. Việc giải tán đảng, giờ đây nhìn lại có thể tôi đã trở thành công cụ của kẻ thù ngoài ý muốn và hiểu biết của mình...”

Rákosi còn đưa ra thêm một tội nữa. Ông chất vấn Kádár về quan hệ với Szakasits Árpád, lãnh tụ Đảng Dân chủ Xã hội, từng giữ chức chủ tịch nước. Szakasits đã bị bắt về tội làm chỉ điểm cho Hetényi (cảnh sát trưởng của chế độ Horthy). Như chúng ta đã biết, trong những năm chiến tranh Kádár có gặp Szakasits, nhưng các cuộc đàm phán không đi đến kết quả vì những người cộng sản không muốn từ bỏ cuộc đấu tranh bí mật.

Rákosi làm như đã biết chuyện trong cuộc gặp Szakasits, Kádár đã bị mua chuộc làm tay trong cho cảnh sát, ông ta còn đóng vai tử tế với Kádár: „...- Ông ta hối thúc tôi hãy nói hết ra với ông: khi đó chuyện gì đã xảy ra. Ông muốn cứu tôi nếu có thể, nhưng ông cũng không muốn nhầm lẫn... Tôi bảo: đồng chí Rákosi ạ, nếu đồng chí nhầm thì điều đó tai hại hơn đối với tôi hơn đối với đồng chí...”

... Rákosi vẫn giấu kín những con bài của mình, sự việc tiến triển với nhiều mâu thuẫn. Tại Đại hội Đảng tháng 2-1951, Kádár vẫn được bầu váo Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, thậm chí ông còn đọc một bài diễn văn trước đại hội. „... Tôi được phân công nhiều trọng trách, trong khi đó người giúp việc nhà cho tôi được giao nhiệm vụ thường xuyên nghe trộm tôi. Họ theo dõi tôi cả từ khi ở phòng ngủ tới khi ra đường...”

... Giông tố đã bắt đầu nổi lên quanh ông. Lần lượt những nhà hoạt động xuất sắc của phong trào chống phát-xít như Haraszti Sándor, Donát Ferenc, Újhegyi Szilárd, Losonczy Géza, Tariska István bị bắt. Có lẽ nhóm Rákosi không muốn dư luận bị khấy động trước ngày lễ 1-5 vì tin Kádár bi bắt, trước mắt họ bằng lòng với việc theo dõi ông chặt chẽ. Nhưng ngày 20-4, vụ tàn sát gia đình và tự sát của Zöld Sándor đã tạo ra một tình huống mới. Rákosi triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị khẩn cấp, công bố quyết định bắt Kádár János và quốc vụ khanh Kállai Gyula. Ông muốn ngăn chặn việc họ cũng sẽ tự sát hoặc xin cư trú chính trị trong sứ quán tại Budapest của một nước tư bản nào đó.

„... Hôm đó có người gọi điện thoại tới nhà tôi. Lúc đó vào tầm trưa, tôi về ăn cơm nhà vì thường làm việc muộn. Người đó hỏi tôi đang làm gì vậy, tôi bảo đang ăn trưa. „Sau đó anh làm gì?”- anh ta hỏi tiếp. Làm gì là thế nào, tôi sẽ quay lại chỗ làm việc. Thế là anh ta cúp máy.”

Péter Gábor, người đứng đầu Cục An ninh Quốc gia (AVH) và Kádár János (bên phải), khi đó còn là bộ trưởng Nội vụ, trong văn phòng của Péter Gábor, số 60 đại lộ Andrássy (1949) - Ảnh tư liệu của Hãng Nhiếp ảnh Nhà nước Hungary

Kádár không hé ra ai đã gọi điện cho ông hôm ấy, với mục đích kiểm tra hay định báo trước cho ông tai họa sắp tới. Xe chở Kádár quay lại cơ quan theo đường đi thường ngày, nhưng đến góc phố Cserje thì buộc phải dừng lại vì có hai xe chắn ngang đường. Từ trong một chiếc xe, Péter Gábor bước ra, Kádár hiểu ngay ông giám đốc AVH không ngẫu nhiên lại chờ ông ngang đường – mấy năm trước Rajk László cũng đã bị bắt như thế. Quan hệ từ lâu giữa Kádár và Péter có thể coi là bạn bè. Họ đã cùng lăn lộn trong thời kỳ hoạt động bí mật, sau giải phóng, người cầm đầu AVH đã từng làm phù rể trong đám cưới Kádár. Giờ đây họ nhìn vào mắt nhau một lúc lâu.

„... Péter Gábor lên tiếng trước, mời tôi sang xe ông ta. Ông ta không nói gì thêm, và tôi cũng im lặng.

- Khi bị bắt ông đã nghĩ gì? – Ký giả Kányó hỏi.

- Thật khó tin, nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Thế là hết trò ngờ vực loanh quanh. Sau đó họ đưa tôi tới một biệt thự. Péter Gábor bảo: „Cậu biết đấy, chúng tớ bắt cậu thì đồng chí Rákosi không thể không biết. Hãy nói đi cậu đã quan hệ với cảnh sát chế độ Horthy như thế nào, tất cả sẽ ổn thôi.” Nghĩa là tôi phải khai những điều Rákosi vẫn căn vặn. Vì đến năm 30 tuổi tôi chỉ làm thợ, không bao giờ ra nước ngoài, khó mà buộc tội tôi là gián điệp hay tay sai của bọn đế quốc. Péter Gábor cứ nhai đi nhai lại, rằng đồng chí Kádár – vì lúc đó tôi còn là đồng chí – hãy nghĩ kỹ đi, bây giờ đồng chí còn ở đây, chứ khi đã chuyển vào trại giam thì chắc cũng phải đưa vào hồ sơ lưu trữ.

- Ông có bị hành hạ gì về thể xác không?

- Không, tôi không hề bị tra tấn. Chịu đựng tra tấn cũng không dễ dàng gì, nhưng sức ép tinh thần còn tồi tệ hơn nhiều.”

... Trong một thập niên rưỡi đã ba lần cánh cửa nhà giam khép lại sau lưng Kádár, nhưng lần này là do chính các đồng chí ông tống giam ông. Với tư cách bộ trưởng Bộ Nội vụ, Kádár đã theo dõi từ đầu đến cuối vụ án Rajk, ông biết chắc người tiền nhiệm của mình bị treo cổ vì những tội trạng ngụy tạo, nên ông không hề ảo tưởng gì về số phận tương lai của bản thân. Họ dễ dàng đưa ra một loạt nhân chứng giả, tạo ra bao nhiêu tùy thích những chứng cứ giả chống lại ông. Chắc chắn ông sẽ bị hành quyết, nhưng ông khẳng định không sợ điều đó:

 „... Trong đời tôi đã hai lần đứng trước cái chết. Lần đầu vào năm 1944 và lần sau này. Người ta nói về tôi nhiều điều: tôi bị tâm thần hay những việc khác, nhưng bản chất tôi là người rất bình tĩnh và tôi chịu đựng được những tình huống căng thẳng. Khi cần phải chết tôi đã bình thản xem xét lại cuộc đời mình, tôi đã đi đâu, làm gì trong đời. Năm 1944, mọi chuyện rất thanh thản. Nếu phải hy sinh thì sẵn sàng hy sinh. Nhân dân sẽ sống mãi, quân đội Liên Xô sẽ tới và chủ nghĩa xã hội sẽ thắng. Nhưng lần này tôi rất đau khổ. Có lẽ tôi sẽ phải chết khi những đồng sự, những người anh em, những người tôi tôn trọng ý kiến của họ, những người tôi cùng hoạt động từ thời thanh niên, tất cả sẽ nghĩ tôi là kẻ đã bán rẻ sự nghiệp cộng sản. Và điều này mới thật kinh khủng. Trong hoàn cảnh đó tôi không đấu tranh vì cuộc sống cho mình. Tôi rất muốn mọi người biết rằng tôi không phải là kẻ bán rẻ ngọn cờ cộng sản...”

Tác giả bài viết: Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch