KÁDÁR JÁNOS (6)
- Thứ ba - 15/05/2007 12:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau này Gerő được giao thực thi nhiều phi vụ bí mật, ông làm việc ở Bỉ và Pháp rồi làm chính ủy Lữ đoàn Quốc tế trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha dưới tên gọi „Pablo”. Suốt 20 năm, ông tham gia nhiều việc trọng yếu trong Ban lãnh đạo QTCS.
... Có thể nói việc trở về Hungary đối với Gerő Ernő cũng chẳng khác gì nhận một nhiệm vụ ở một nơi khác. Rajk [László] thật ấu trĩ khi viết „chúng tôi đã đón tiếp các đồng chí từ Moscow trở về bằng tất cả sự nồng hậu từ trái tim, đối với những người cộng sản Hungary họ chính là Liên Xô.”
Không bao lâu sau, Gerő xuất hiện ở trụ sở của MKP trên quảng trường Tisza Kálmán. Một nữ cộng tác viên của ông nhớ lại:
”... Gerő bước vào, nhìn quanh rồi bảo: trụ sở đảng kiểu gì mà bàn ghế luộm thuộm, đến cái hộp đựng bút cũng không có. Sự „ra mắt” của ông cho thấy kiểu cách quân sự của ông không hề thích hợp với phong trào công nhân tuy hơi xoề xòa, nhưng đang tranh đấu vì sự sống còn của nó như thế.
Nhận xét của Gerő làm tất cả chúng tôi bất ngờ. Vào thời điểm ấy ai đầu óc đâu nghĩ tới hộp đựng bút? Rồi với vẻ mặt lạnh lùng của một chính ủy, ông đi quanh phòng, xưng hô với mọi người theo lối xã giao. Sau này Gerő công bố Rákosi là Thủ lĩnh (Vezér). Vào lúc đó, ở quảng trường Tisza Kálmán, trên phố Conti hay ở những khu công nhân, hai từ này đồng nghĩa với Hitler. Chúng tôi không thể tưởng tượng nổi một người cộng sản lại có thể gọi đồng chí mình là Thủ lĩnh.
Nhưng sau ngạc nhiên ban đầu, chúng tôi cũng quen với tác phong của Gerő. Những đảng viên vừa quần tụ về trụ sở đảng, hôm qua còn bị săn đuổi, cảm thấy mình nhỏ bé đến nỗi bên cạnh Gerő họ lại nghĩ rằng đó mới là tác phong mang tính đảng.”
Gerő, cũng như các nhà lãnh đạo khác trở về từ Moscow đều có những hồi ức đã trở nên xơ cứng trong những năm dài lưu vong, họ không có khả năng kiểm soát những kiến thức thực tế, những thay đổi, họ đánh giá những hiện tượng xã hội qua hệ thống thước đo giá trị đã ăn sâu vào họ khi ở Liên Xô. Họ nghi ngại ngay cả những đồng chí đã từng hoạt động bí mật ở Hungary hay ở các nước phương Tây.
Kádár János trong một cuộc đi săn (1981) - Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Hungary - Kho Lưu trữ Ảnh lịch sử
Kádár János cũng không tránh khỏi bị truy cứu trách nhiệm. Gerő kết cho Kádár tội phá hoại Đảng, do việc giải tán KPM năm 1943. Không hiểu do nhận thức, do chiến thuật, hay do ảnh hưởng uy tín của Gerő mà Kádár không tranh luận, ông nhận do ấu trĩ chính trị, do cơ hội chủ nghĩa, đúng là ông đã phạm sai lầm. Cuối cùng thì vụ việc này kết thúc bằng một kỷ luật khiển trách.
Kádár tạm yên tâm, vì bề ngoài Rákosi Mátyás không coi sai lầm này là điều hệ trọng - mặc dù theo thói quen ông ta đã ghi vào bộ nhớ để sử dụng khi cần. Động tác „cho qua” rất kẻ cả này đã lập lại quan hệ „cha-con” giữa Rákosi và Kádár, hình thành từ khi cả hai còn nằm trong nhà tù Csillag ở Szeged.
„... Quan hệ của họ được quyết định bởi thứ bậc dựa trên sự tôn trọng - một nhà phân tích lịch sử đã viết -, điều này được minh chứng qua việc Kádár không tiếp nhận cách xưng hô „cậu tớ” mà Rákosi đề nghị, thế là Rákosi thì gọi Kádár là "cậu", nhưng Kádár thì vẫn giữ cách xưnh hô kính trọng đối với nhân vật số một của đảng... Kádár tin tưởng vào Rákosi, còn Rákosi tin cậy Kádár.”
Kádár được vào Ban Chấp hành Đảng bộ Budapest của MKP, rồi vào Quốc hội Lâm thời, nhưng ông không cố leo lên vị trí cao, hay địa vị nhiều người biết tới. Người ta hay trích dẫn một câu nói của ông: „Ai không sợ bác sĩ nha khoa và quyền lực, đó không phải là người bình thường.”
Ngày 21-1-1945, Kádár được cử giữ chức Cảnh sát trưởng Budapest, ông không hề phản ứng vì cho rằng đây là nhiệm vụ đảng giao, thì dù làm cảnh sát hay bất cứ việc gì, ông cũng chấp nhận. Ngày nay nhìn lại, ta thấy một sự phân vai thật khó tin. Thượng cấp trực tiếp của Kádáár là tướng Sólyom László, người bị treo cổ năm 1949 trong vụ án ngụy tạo Rajk László, khi Kádár làm bộ trưởng Nội vụ, còn cấp dưới trực tiếp của Kádár là Péter Gábor - đã nhắc tới ở trên - là người trực tiếp bắt giam ông vào năm 1951 sau này.
... Một thời gian sau, Kádár được cử giữ chức bí thư Thành ủy Budapest, rồi trưởng ban Tổ chức của Đảng MKP.
Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên sau giải phóng, Đảng Tiểu chủ thắng đa số tuyệt đối, giành 57% số phiếu. MKP chỉ giành được 17% số phiếu bầu, quá thấp so với dự đoán của cánh Rákosi, họ chờ đón một thắng lợi áp đảo, có lẽ do tác động của nền Cộng hòa Xô viết 1919.
Nhưng những người cộng sản không bỏ cuộc. Bằng việc bảo vệ chủ trương chia ruộng đất và phát hành đồng Forint ổn định, họ đã củng cố vị trí chính trị của mình. Trong cuộc đấu đá chiến thuật kéo dài, họ đã thành công trong việc phân hóa Đảng Tiểu chủ, đương thời gọi là chiến thuật ”thái xúc-xích”, họ đã từng bước vô hiệu hóa những yếu nhân của đảng này. Thủ tướng Nagy Ferenc chạy sang Thụy Sĩ, Kovács Béla - tổng bí thư của Đảng Tiểu chủ - bị các cơ quan an ninh Xô-viết bắt giữ, đưa đi trại cải tạo 20 năm, không hề xét xử, còn Varga Béla cũng buộc phải lưu vong. Chiến dịch thanh trừng thắng lợi nhờ sự hỗ trợ hữu hiệu của Liên Xô, và sự chỉ đạo các cơ quan bạo lực của Đảng Cộng sản.
Đảng Tiểu chủ tan rã, những yếu nhân còn lại - như Brankovics István và Pfeiffer Zoltán - thành lập đảng riêng. Trong cuộc bầu cử tiếp theo, năm 1947, tất cả cánh hữu cộng lại không nổi 40% số phiếu. MKP trở thành đảng mạnh nhất trong nước với số phiếu bầu của 1,1 triệu cử chi, chiếm 22%. Cánh tả, gồm Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ Xã hội (DCXH) và các đảng nông dân, chiếm đa số tuyệt đối.
Những thắng lợi đạt được đã củng cố niềm tin của nhóm lãnh đạo từ Moscow về, họ cho rằng không cần tiếp tục nhấn mạnh „ chúng ta là máu thịt của nhân dân” nữa. Hè năm 1945, chính tôi còn thấy Rákosi ngồi xuống bãi cỏ giữa quần chúng trong một cuộc mít-tinh lớn ở Népliget, ông vào vai một bố già, hay đi xem các trận bóng đá. Nhưng tác phong quần chúng, gần dân chỉ là bề ngoài, là sự mị dân. Rákosi cho rằng dân Hung về cơ bản là thiên hữu, ông thường phàn nàn với những cộng sự gần gũi:
- Chúng ta phải xây dựng CNXH với mười triệu tên phát-xít!
Khi đã nắm chắc quyền lực trong tay, ông ta đã bỏ luôn những động thái mị dân trước đó. Ngay trong nội bộ đảng, ông bắt đầu đưa ra những qui ước nghiêm ngặt kiểu bôn-sê-vích. Các ủy viên Bộ Chính trị ăn trong phòng riêng, các trưởng ban ăn phòng riêng, đảng viên thường một nơi riêng. Kádár rất khó chịu vì những qui định kiểu này. Aczél György cho biết có lần trong một hội nghị, khi Rákosi phát biểu thì Kádár ngồi dưới hàng ghế cử tọa, dù ông đã là ủy viên Bộ Chính trị...
Trong năm bản lề, cánh tả - khi đó đã chiếm đa số trong chính phủ - tiếp tục lấn lướt. Họ quốc hữu hóa các nghành kinh tế quan trọng nhất: các ngân hàng, các công xưởng có trên 100 công nhân, các trường dòng Thiên Chúa giáo cũng chịu chung số phận. Các cán bộ thành phần cơ bản, có nguồn gốc công - nông được đưa vào những vị trí lãnh đạo. Số này tiếp tục củng cố „chỗ dựa đáng tin cậy của đảng.”
Uy tín của đảng ngày càng tăng, hàng ngàn đảng viên DCXH chuyển sang xin gia nhập MKP. Rákosi và đồng sự đã làm tất cả để thanh toán cơ sở quần chúng của đảng cánh tả DCXH.
Một người cộng sản thực sự giác ngộ bao giờ cũng hoài nghi những người dân chủ xã hội, có thời họ bị gọi là bọn ”phát-xít xã hội”. Những người cộng sản không bao giờ tha thứ cho họ việc năm 1919 họ không đi chung đường với cách mạng vô sản. Quyền lực, dù chỉ là hình thức, nhưng đã được trao từ tay Peidl Gyula - một người DCXH - cho Horthy.
Tháng 7-1948, diễn ra sự hợp nhất hai đảng, thành Đảng Lao động Hungary (MDP). Hai bên phân chia chức vụ: Szakasits Árpád giữ chức chủ tịch, Rákosi chức tổng bí thư, các phó tổng bí thư là Marosán György, và hai người của phía cộng sản là Farkas Mihály và Kádár János. (Không ai có thể ngờ chỉ sau một thời gian ngắn, trong số năm người kể trên ba người phải vào tù, người thứ tư, chậm sau một chút, nhưng cũng sẽ theo họ vào nhà giam, người thứ năm chết trên xứ người sau khi bị buộc rời bỏ đất nước).
Từ đó hệ thống đa đảng biến mất khỏi Hungary trong 40 năm. Một vài tổ chức tồn tại về mặt hình thức, trong thực tế tất cả các đảng đã biến khỏi đời sống chính trị, duy nhất còn lại MDP (thực chất là Đảng Cộng sản - ND) trên chính trường.
(Còn tiếp)